Đừng để văn học cho thiếu nhi thiệt thòi thêm!

09:01 | 14/06/2012

1,017 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Văn học cho thiếu nhi những ngày gần đây được nhắc đến nhiều, nhất là trước, sau dịp tết thiếu nhi 1/6 và nhân Tháng hành động vì trẻ em. Có nhiều lỗ hổng cần phải lấp trong địa hạt này. Nhưng trước hết, mỗi thành phần liên quan phải lấp lỗ hổng do chính mình tạo nên.

Rất nhiều cái thiếu

Dư luận thường nói chung văn học cho thiếu nhi khi so sánh với những mảng văn học khác như văn học cho người lớn, văn học đề tài thiếu nhi với văn học đề tài miền núi, công, nông, binh… Và kết quả so sánh thường là ảm đạm khi thấy mảng văn học này thiệt thòi hơn các mảng khác, ít được quan tâm, ít thu hút nhiệt tình của các cây bút, chưa chú ý nhiều đến bạn đọc nhỏ tuổi ở nông thôn, ở các vùng sâu, vùng xa.

Thiếu nhi tranh thủ đọc sách tại nhà

Nói về thơ cho thiếu nhi, nhà thơ Hoài Khánh lo lắng, 10 năm trở lại đây nhiều tác giả thành danh đã cao tuổi, nhiều tác giả trẻ tập trung vào các lĩnh vực khác, lực lượng làm thơ cho thiếu nhi mỏng nên thơ vắng vẻ, ảm đạm. Anh cho rằng: Có ý kiến thơ cho các em hiếm và yếu, tôi thì nghĩ rằng có đâu mà yếu, mỗi năm có khoảng 700 tập thơ in ở Việt Nam của mọi tác giả, trong đó chỉ chừng 5-7 tập cho thiếu nhi, mặc dù có chất lượng.

Nhà văn Lê Phương Liên khẳng định: “Văn học cho thiếu nhi cũng có đủ thang bậc giá trị như văn học cho tất cả mọi người mà không thể có thang bậc nào được phép hạ thấp đi” khi quan sát: Những cuốn sách tâm huyết của các nhà văn khi xuất bản chỉ được 1.000-2.000 bản, trong khi chúng ta có hơn 80 triệu dân. Rất nhiều vùng quê, miền núi, hải đảo xa xôi trẻ em đang “đói sách”.

Đề cập đến văn học dịch cho thanh thiếu nhi, dịch giả Tạ Quang Hiệp phàn nàn: Đang có xu hướng chọn dịch những cuốn sách tình cảm theo kiểu teen cho dễ bán… Các tác phẩm đã rất thành công ở nước ngoài dịch ra tiếng Việt khó bán, cũng do một phần thiếu đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp cho trẻ em. Anh chia sẻ: Hiện tôi là dịch giả tự do. Chuyện không sống bằng sách là thực trạng bình thường ở Việt Nam. Tôi vẫn dịch vì say mê của mình, nhưng tôi sợ nếu như tôi có con, chắc con tôi sẽ không làm tiếp nữa.

Trong cuộc gặp mặt các nhà văn viết cho thiếu nhi mới đây tại Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ cao tuổi Lê Hồng Thiện từ Hưng Yên, ông phàn nàn, hàng năm có các trại viết nhưng nhà văn viết cho thiếu nhi không được quan tâm. Nhà văn Lê Toán – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh có 20 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có 5 người viết cho thiếu nhi. Nhưng trong 200 hội viên mảng văn học của hội thì không có ai viết cho thiếu nhi. Có cái nhìn khả quan khi cho rằng, thị trường sách cho thiếu nhi khá sôi động với cung nhiều, cầu lớn, nhà văn Phong Điệp vẫn băn khoăn: Phải chăng tác phẩm của chúng ta vẫn chưa chạm đúng vào mối quan tâm, sự yêu thích của các em, chưa nói được đúng điều các em muốn nói, chưa thể hiện đúng thế giới trẻ thơ của các em? Chúng ta mới viết ra điều mình nghĩ là đúng, là hay, nhưng với trẻ em nó đã thật là đúng, là hay chưa?

Không hiểu, trẻ em không làm được!

“Chơi” được với thiếu nhi thực không dễ, nhất là khi muốn giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức, thẩm mỹ các em qua văn học. Ngoài các chuyện vĩ mô về chính sách, đội ngũ, các chương trình hoạt động thì kỹ năng giúp trẻ tiếp cận với sách đang thiếu hụt. Theo quan sát của TS giáo dục học, dịch giả Thụy Anh, trong một số kỳ cuộc ở Văn miếu Quốc Tử Giám, chủ yếu sách được bán là kỹ năng sống chứ không phải sách văn học. Phải chăng ở đây có gì đang bị lệch, không phải do các em mà tại người lớn? Chị cho biết, trong một cuộc khảo sát tại một lớp 50 học sinh thì những hơn 30 em nói không thích “Dế mèn phiêu lưu ký”. “Nhưng khi chúng tôi tổ chức đọc lại thì các em rất thích.

Các tác giả trong cuộc thi viết cho thiếu nhi

Các em nói rằng, các cô luôn bảo phải tìm ra bài học từ đó. Có em còn kể khi được mẹ đọc thơ cho nghe thì không thích vì cứ được một đoạn mẹ lại giải thích trong khi em thích mẹ đọc luôn vì em thích nhạc điệu trong bài thơ đó”. Từ thực tế khảo sát của mình, TS Thụy Anh đặt vấn đề: Các nhà xuất bản cần quan tâm hơn đến đội ngũ biên tập vì biên tập sách cho các em cực khó. Khi làm sách cho thiếu nhi cần tham khảo ý kiến các chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ. Và các nhà văn để viết cho thiếu nhi hãy có mặt trong các hoạt động xã hội cùng trẻ, các buổi thuyết trình về các vấn đề của trẻ con. Theo kinh nghiệm của Quảng Ninh, nhà văn Lê Toán đề nghị mở nhiều cuộc thi của chính thiếu nhi viết cho thiếu nhi. Ông cho biết: Chúng tôi vừa tổng kết một cuộc hai năm, phát hiện ra nhiều cây bút nhỏ tuổi, mới lạ và thực sự gây ngạc nhiên! Sắp tới, chúng tôi sẽ mở thư viện xã hội hóa dành cho thiếu nhi.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một liên văn bản mới đây giữa Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính và Liên hiệp hội, trong số 5 điểm ưu tiên đầu tư, có phần ưu tiên hỗ trợ cho văn học thiếu nhi. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ ký một chương trình hợp tác đưa văn học vào nhà trường, trong đó, tham quan Bảo tàng văn học Việt Nam phải trở thành một hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho biết, sắp tới Hội sẽ triển khai trại sáng tác chuyên đề dành riêng cho các tác giả viết cho thiếu nhi tại Vũng Tàu, tiến tới là các cuộc thi viết cho thiếu nhi.

Văn học cho thiếu nhi, về thiếu nhi đang đặt ra nhiều đòi hỏi mà mỗi thành phần liên quan: Tác giả, gia đình, nhà trường, các tổ chức văn học, xã hội đều phải có câu trả lời của riêng mình cũng như câu trả lời chung đối với những lớp măng non đang lớn lên giữa đủ các vấn đề nóng hổi của đô thị, nông thôn, đạo đức, lối sống, trong đó có nhiều vấn nạn liên quan đến thanh thiếu nhi diễn ra ở mức báo động. Nhà thơ Nguyễn Bao đặt ra quan điểm đáng suy nghĩ: Giờ các em trưởng thành hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta phải xoay lại, phải thực lòng với các em. Thực lòng sẽ hiệu quả hơn điều mà chúng ta muốn gửi gắm hay ép buộc.

Xuyên Sơn

Năng lượng Mới số 128, ra thứ Ba ngày 12/6/2012