Bàn chuyện tết âm, tết dương

Đừng để trẻ con ghét tết!

15:48 | 17/01/2018

589 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tết Mậu Tuất đang đến gần, mỗi gia đình lại tất bật chuẩn bị để có một cái tết thật tươm tất. Tuy nhiên, với nhiều người, tết truyền thống lại gắn liền với mâm cao cỗ đầy, với những bữa ăn triền miên. Một lần nữa, câu chuyện tết âm, tết dương lại được đặt ra...

Mới đây, mạng xã hội đang xôn xao bởi bài văn của một học sinh lứa 10X, với chủ đề: “Phát biểu cảm nghĩ của em về ngày tết”. Trong bài văn, em học sinh kể về những ngày tết thiếu vắng tiếng cười vui, chỉ vì mẹ quá bận rộn. Mẹ phải trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp, tất tả chuẩn bị mâm cao cỗ đầy mà trở nên cáu kỉnh với chồng con.

Trong bài văn, em học sinh cho biết, hồi nhỏ, em cũng rất thích tết như những đưa trẻ khác, vì được mua quần áo mới, được nhận lì xì, nhưng càng ngày em các ghét tết, với một lý do: “Tết làm mẹ quá mệt mỏi. Tết làm mẹ lo lắng, xanh xao, lúc nào cũng cầm chổi dọn nhà hay xoong chảo, lăn vào bếp làm đồ ăn thết khách”. Bài văn được kết thúc bằng lời nhắn nhủ: “Tết không cần hoàn hảo đâu mẹ ơi”.

Bài văn đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, với nhiều tranh cãi chia thành hai luồng ý kiến rõ rệt. Một bên ủng hộ tết hoàn hảo, chỉn chu và tươm tất vì cả năm chỉ có mấy ngày tết. Một bên chẳng mong tết phải hoàn hảo, chỉ cần trọn vẹn sẻ chia mọi khoảnh khắc bên nhau, những thứ khác có hay không, chẳng quan trọng.

Một lần nữa, câu chuyện tết và ý kiến gộp tết âm và tết dương lại được dấy lên. Bởi để chuẩn bị cho tết, cả xã hội đều mệt mỏi, tốn nhiều tiền của vào một dịp duy nhất trong năm.

dung de tre con ghet tet
Ảnh minh hoạ

Trước đây, GS Võ Tòng Xuân đã từng “gây bão” trên các phương tiện truyền thông đại chúng với đề xuất “gộp” hai dịp tết và chọn tết dương là ngày tết chính. Ông nhấn mạnh: “Những thứ thuộc về bản sắc dân tộc (lễ nghi, thủ tục như cúng tổ tiên, chúc mừng năm mới, mừng tuổi người lớn, lì xì trẻ con...) phải gìn giữ, phát huy, nhưng giữ ở mức độ nào đó thôi chứ nguyên xi thì sẽ không thể hội nhập được. Quan điểm của tôi về lễ hội là nên gói gọn, không rườm rà, không ảnh hưởng đến kinh tế và bản sắc văn hóa”. Gần đây, sau khi bài văn “Ghét tết” được lan truyền, vấn đề gộp hai cái tết và ăn tết sao cho đủ đầy mà vẫn tiết kiệm, nhẹ nhàng một lần nữa lại được đưa ra.

Đứng trên góc độ văn hóa, PGS.TS - Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung cũng cho rằng, tết cũng đang tồn tại nhiều mặt trái. Ông Trung phân tích, với sự vận động của xã hội thì cái tết cổ truyền đang có nhiều thay đổi theo cả hai chiều hướng. Ở thành phố nhiều nơi lại đơn giản quá, không coi trọng, không đón tết nữa, mà thay vào đó nhiều gia đình đi nghỉ ở nước ngoài hay đi du lịch ở đâu đó. Còn ở một số vùng quê, nơi thay đổi theo chiều hướng nặng nề hơn trong các thủ tục, thậm chí là hủ tục cũng tồn tại khá nhiều. PGS.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định: “Nhiều nơi họ còn ganh đua nhau để mua bán sắm sửa, ăn uống; rồi nhiều địa phương có những hội hè đình đám quá mức khiến người dân kiệt quệ về sức khỏe cũng như tiền bạc cả trước và sau tết đến tận 2 tháng”.

Có thể nói, tết là dịp sum họp gia đình, thăm thú bà con họ hàng, vui chơi lành mạnh, con trẻ và người già được lì xì mừng tuổi chúc phúc và quan trọng hơn là dịp để người ta thăm hỏi, chăm sóc nhau tốt hơn và được nghỉ ngơi nhiều hơn sau một năm làm việc cật lực, vất vả.

Đã là người Việt, không ai không thích tết, không mong ngóng đến tết để đoàn tụ, sum họp, nhưng để trẻ con “ghét tết”, rõ ràng là do người lớn chúng ta hết thế hệ này sang thế hệ khác đã “ăn tết” theo kiểu trở thành gánh nặng hay dịp phô trương, quà cáp biếu xén, chạy chọt, nhậu nhẹt bê tha dẫn đến những hậu quả như bạo lực, tai nạn giao thông…

Khoan hãy bàn đến chuyện giữ hay gộp tết, nhưng có một điều cần làm ngay, đó là tết cũng cần cải tiến, trở nên văn minh hơn, tiết kiệm và ý nghĩa hơn. Điều này hoàn toàn bắt nguồn từ gia đình, từ chính những người bố, người mẹ mới quyết định cái tết trong mắt trẻ con trở nên đẹp đẽ hay chán ngán. Chỉ khi mỗi gia đình ý thức hơn về ăn tết văn minh, sum họp gia đình người thân, chi tiêu hợp lý, vui tết nhưng không bê tha bia rượu gây hậu họa… thì sẽ thấy cái tết cổ truyền càng đáng duy trì và giữ gìn.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.