Đừng để “tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc”

07:00 | 07/02/2017

1,315 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các cụ xưa thường nói “tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc”. Nỗi lo ấy đã được đúc kết trong ca dao, tục ngữ. “Nghiêng bồ thóc” là vì “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè…”.

Tháng Giêng dường như dài lê thê. Tháng giêng của lễ hội, đình đám, cờ bạc, trong cái lạnh se se rơi rớt mưa phùn, gió bấc. Thời xưa dân ta còn nghèo, chắt bóp quanh năm, ăn dè hà tiện để cho ngày tết tươm tất một chút. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”, nhưng “no” rồi thì ra Giêng rồi đến tháng Hai, tháng Ba thúng mủng dần sàng trống rỗng, quay đi quay lại đã vào kỳ giáp hạt, cái đói đã rập rình trước ngõ.

Chẳng thế mà tháng Giêng hằng năm, mọi người mọi nhà đều có cảm giác ăn uống tiêu pha tốn kém. Nghiêng bồ thóc có nghĩa là đã đến mức cạn, đến gần hết rồi. Mà nhà nông thì mọi thứ chi tiêu đều trông cả vào hạt thóc, từ việc lớn như làm nhà đến việc nhỏ như may tấm áo manh quần. Ngày tết còn là dịp lễ hội lớn nhất trong năm - tết Nguyên đán, ấy là lúc dân ta, một đất nước có tới 8/10 dân số là nông dân, được nghỉ ngơi. Mùa màng, lúa má, rau màu... thu hoạch đã xong xuôi. Thế là cùng với việc sắm sanh lo tết, thăm viếng, hỏi han, chúc tụng, dân gian tổ chức lễ hội khắp nơi bù lại những ngày làm lụng vất vả.

dung de thang gieng an nghieng bo thoc
Cướp lộc tại hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)

Thời nay cảnh đói, no không còn rập rình như thuở trước. Đất nước đã đi qua 30 năm đổi mới. Đời sống của người dân so với trước thật một trời một vực. Về hầu hết các vùng nông thôn chẳng còn tìm đâu ra một mái nhà tranh. Thay vào đó là nhà ngói, nhà hai tầng, ba tầng. Đường quê thảm bê-tông, hoặc trải nhựa. Hệ thống nước sạch đã thay thế nước giếng làng, giếng khoan. Ở nhiều vùng nông thôn mới đời sống người dân chẳng khác chi thành phố.

Đó là nói về cái phổ biến. Tuy nhiên, cái không phổ biến vẫn còn là nỗi day dứt trong những năm qua. Thiên tai bất chợt cùng nhiều lý do khác khiến cho một số vùng quê còn lắm gian nan. Cuối năm 2016 miền Trung phải oằn mình vượt lên bão lũ. Lũ này vừa qua, lũ khác lại đến. Hàng nghìn hộ dân lâm vào cảnh màn trời chiếu nước. Mặc dù đồng bào cả nước đã kịp thời chung tay giúp đỡ, nhưng khó khăn không dễ khắc phục nhanh. Tết Đinh Dậu này vẫn còn một số nơi phải nhận gạo cứu đói của Trung ương. Ở vùng sâu, vùng cao, vùng xa, các tỉnh biên giới phía bắc, Tây Nguyên khi các đoàn công tác đến ủng hộ bà con từ cân gạo, đến tấm áo ấm để đón tết, chứng kiến nhiều cảnh đời vô cùng thiếu thốn, cực nhọc.

Khoảng cách giàu nghèo ngày một doãng ra. Đó cũng là một quy luật trong cơ chế kinh tế thị trường. Chúng ta khuyến khích người dân làm giàu một cách chính đáng, đồng thời cũng tìm mọi cách để người dân thoát nghèo.

Muốn thoát nghèo thì chỉ có con đường lao động, lao động cần cù, say mê, sáng tạo. Bớt đi những câu chuyện không vui, nghèo mà xài sang. Bớt đi những thông tin buồn như chuyện Việt Nam mình là quốc gia uống rượu bia… nhiều nhất thế giới. Rồi chuyện hội hè, đình đám quá nhiều và quá dài. Ra tết mở đầu bằng lễ hội chùa Hương, khai hội vào mùng 6 tháng Giêng. Kế đến là hội Lim - Bắc Ninh, khai ấn đền Trần, hội xuân Yên Tử và rất nhiều lễ hội từ Nam chí Bắc. Lễ hội vốn là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước, tri ân quá khứ, góp phần làm giàu có văn hóa dân tộc, tuy nhiên, lễ hội trong những năm gần đây bị biến dạng nhiều. Ở nhiều nơi lễ hội mang màu sắc buôn thần bán thánh, lợi dụng lễ hội để kinh doanh, gây rối an ninh, trật tự.

Đương nhiên, “tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc” không chỉ do lễ hội liên miên. Điều đáng phải sửa nhất là tình trạng vui tết quá dài, chểnh mảng việc công, năng suất lao động thấp. Ngày đầu năm mới cửa công nhiều nơi còn khép chặt. Cán bộ công chức còn mải đi chúc tết, đúng hơn là chúc… hậu tết. Rồi tình trạng liên hoan, ăn nhậu triền miên, bất kể “tiền chùa”, “tiền nhà” dẫn tới tình trạng lãng phí, say xỉn, bê tha.

Tết năm con Gà 2017 này, Ban Bí thư đã có Chỉ thị về việc tổ chức tốt việc vui tết, không bắn pháo hoa giao thừa, cấp trên không về các địa phương chúc tết, cấp dưới không chúc tết, tặng quà cấp trên. Một chỉ thị hợp lòng dân. Tuy việc thực hiện Chỉ thị còn chưa có sự tổng kết toàn diện, nhưng việc thăm hỏi chúc tụng, quà cáp biếu xén mang tính vụ lợi đã giảm nhiều. Và rồi những ngày đầu xuân này, từ ngày đầu đi làm không khí sản xuất đầu năm ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thật sự sôi nổi.

Tháng giêng năm nay đã bắt đầu với niềm vui mới, nỗ lực mới, không để “bồ thóc” trong mỗi nhà và “bồ thóc” của chung bị “nghiêng”. Người xưa dặn “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Ngày nay, hà tiện nên hiểu là tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm không chỉ về vật chất mà còn là tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nguồn nhân lực, để tạo ra năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cao hơn.

Có nhiều ý kiến nên đổi mới quan niệm về tết và cách tổ chức tết Nguyên đán cổ truyền. Thậm chí có người cực đoan cho rằng, nên gộp tết ta (âm lịch) với tết tây (dương lịch). Ý kiến vừa nêu lên đã bị “ném đá” rầm rầm. Tết ta của dân ta tự hàng nghìn năm nay là một lễ hội, một phong tục quý với rất nhiều nét đẹp truyền thống, trong đó có truyền thống vun đắp điều nhân nghĩa, giữ trọn đạo hiếu với ông bà cha mẹ. Hãy duy trì và làm giàu truyền thống, làm đẹp thêm nét đẹp đó. Chỉ có điều phải cùng nhau loại bỏ những cái xấu, những mặt trái và nhất là đừng để “nghiêng bồ thóc” trong tháng Giêng.

Hải Hà

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc