Đừng để tết buồn vì rượu!

07:10 | 07/02/2018

440 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngộ độc rượu và những hiểm họa từ các đồ uống có cồn luôn là mối đe dọa đáng lưu tâm khi “tết đến xuân về”. Năm nào Bộ Y tế cũng cảnh báo bằng những thông tin cụ thể được cấp cứu trong các bệnh viện và những bệnh lý có nguồn cơn từ rượu, bia. Thế nhưng, những cảnh báo này dường như chưa thật sự “ngấm” với nhiều người, nhất là với những “sâu rượu”.   

Chết vì rượu giả

Tại cuộc Hội thảo “Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu dịp tết và lễ hội xuân 2018” mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải bức xúc: “Không thể để xảy ra tình trạng xã hội ngày càng văn minh nhưng năm nào cũng có người chết đau đớn vì rượu methanol trong những ngày tết, dịp lễ hội”.

Bộ trưởng cũng cho biết, tình hình sản xuất rượu theo thời gian ngày càng tăng lên tới mức chóng mặt. Hiện cả nước có khoảng 330 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm; 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng 1 triệu lít/năm, chưa kể các hộ gia đình tự sản xuất rượu ước tính 250 triệu lít/năm. Dự tính đến năm 2025 sản lượng rượu có thể đạt tới 440 triệu lít được sản xuất công nghiệp.

dung de tet buon vi ruou
Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol cấp cứu ở Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai

Bộ trưởng Tiến khẳng định, sản lượng rượu trên cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy, như tai nạn giao thông, an ninh trật tự, bệnh tật… “Một con số thống kê cho thấy, ngộ độc rượu cấp chỉ chiếm 1-2% số vụ ngộ độc thực phẩm mỗi năm, nhưng số người chết do rượu lại chiếm đến 7% trong các ca ngộ độc thực phẩm. Tử vong do ngộ độc rượu rất nhiều, có những gia đình sau bữa tiệc đầu năm thì có tới mấy người tử vong. Thật đáng tiếc!”.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, những năm gần đây, mỗi năm ghi nhận từ 1 đến 7 vụ ngộ độc rượu. Trong đó, ngộ độc do rượu trắng chiếm 43%, rượu ngâm thuốc là 36%, rượu ngâm củ quả là 16,0%, rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn) gần 11%. Nhưng đáng nói nhất là tình trạng ngộ độc do uống phải rượu pha từ methanol có xu hướng gia tăng trong khi các bệnh viện lại chưa có thuốc giải độc.

Tại Hà Nội từ đầu năm 2017 đến nay có 40 bệnh nhân tại 12 quận, huyện bị ngộ độc methanol. Hầu hết đều do uống rượu không rõ nguồn gốc, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Chỉ riêng từ ngày 22-2 đến 15-5-2017 đã có 31 bệnh nhân bị ngộ độc methanol do uống rượu dởm khiến 5 người tử vong.

Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, nguyên nhân của các vụ ngộ độc là do thị trường vẫn lưu hành rượu không an toàn và rượu chứa hàm lượng methanol cao. Thêm vào đó người tiêu dùng chưa hiểu đúng và hiểu rõ về nguyên liệu, cách chế biến rượu như thế nào là đảm bảo, dẫn đến việc sử dụng rượu không an toàn và lạm dụng rượu không rõ nguồn gốc.

Phải có dấu hiệu để nhận ra methanol

Ông Nguyễn Hùng Long đề xuất: “Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương cần quy định việc cho chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp, như vậy khi nhìn vào là phát hiện được ngay và không uống. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm thực hiện được việc này để hạn chế tình trạng ngộ độc do sử dụng cồn.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, các ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol đều rất nặng nề, thường tốn hàng trăm triệu đồng để chữa trị nhưng tỷ lệ tử vong cao do methanol gây ảnh hưởng đến não, phủ tạng. Có những bệnh nhân qua khỏi nhưng phần lớn đều có di chứng não, nhìn mờ… Trong khi đó, nếu cồn công nghiệp được pha chất chỉ thị màu xanh, thì người sản xuất rượu giả không thể dùng cồn để pha vì nhìn màu sẽ nhận biết được rượu giả.

Bên cạnh nguy cơ tử vong, hệ lụy do rượu gây ra cũng không kém phần nghiêm trọng với hàng loạt các bệnh mạn tính, ung thư. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Lạm dụng rượu, bia không chỉ là nguyên nhân gây ra các hành vi thiếu chuẩn mực trong xã hội mà còn gây ra 60 loại bệnh khác nhau như: Ung thư thực quản, dạ dày, ung thư đường tiêu hóa, huyết áp, đột quỵ, tâm thần…”. Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần do rượu chiếm khoảng 6% và đang ngày càng có xu hướng gia tăng do cơ thể suy sụp, tàn phế trí nhớ…

Được biết, hiện Bộ Công Thương đã tính đến phương án đề nghị chính quyền các địa phương ban hành các văn bản quản lý, thực hiện phân cấp, bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm do cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương. Đồng thời cần xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong năm nay, Bộ Y tế sẽ cố gắng hoàn thành việc trình và ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chỉ sử dụng rượu có nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời Bộ cũng kêu gọi các nhà sản xuất có lương tâm, trách nhiệm, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng sản xuất, đừng vì lợi nhuận mà pha cồn vào rượu gây ra những cái chết oan uổng. Đề nghị các lực lượng chức năng như cảnh sát môi trường, quản lý thị trường… tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu, tăng cường kiểm tra số mẫu, số xử phạt, tiền xử phạt, thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng những cơ sở vi phạm.

Thượng tá Bùi Đức Am, Phó trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường: Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật là sản xuất các loại rượu “nhái”, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc từ các vỏ chai rượu ngoại có có giá trị cao; sử dụng các loại nguyên liệu, nguồn men không có xuất xứ để tăng nồng độ cồn, hiệu suất thu hồi cao; pha chế các loại hóa chất vào các loại cồn thực phẩm để tăng nồng độ của rượu; quảng cáo và bán các loại rượu bổ với công dụng bồi bổ sức khỏe, các loại máy lọc rượu với công dụng có thể khử hết độc tố nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận…

Nguyễn Bách