Đừng để nghĩa trang cản trở sự phát triển!

20:49 | 06/12/2017

599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phong tục tập quán ngàn đời của người Việt đối với người đã khuất là phải được “mồ yên, mả đẹp” nên lo âm phần cho người chết được quan tâm chu đáo.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Sống ở nhà, già ra ở mồ” và quan niệm “Cao nấm, ấm mồ” nên ai có điều kiện thì đều xây mồ mả cho người thân càng cao to càng tốt. Nhưng khổ nỗi, đất đẻ ra người chứ người không đẻ ra đất, vì quỹ đất là hữu hạn. Thế nên, ngày càng có xu hướng xây mộ to là tạo ra nguy cơ thiếu quỹ đất, hơn nữa, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội.

Chúng ta hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường và tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng những phong tục tập quán lạc hậu đã trở thành rào cản cho sự hội nhập và phát triển. Nó đã hiện hữu ở nhiều địa phương mà nếu không có biện pháp kịp thời điều chỉnh thì khó khăn càng lớn.

Những tháng cuối năm này là dịp người dân ở các địa phương tổ chức cất bốc và xây dựng mồ mả. Ở những vùng sâu, vùng xa, đất rộng, người thưa thì không ảnh hưởng gì nhưng ở đồng bằng và thành phố thì phần đất cho người chết đang là vấn đề nan giải. Rất nhiều nơi chưa có quy hoạch đất nghĩa trang nên ai muốn sử dụng bao nhiêu tùy ý. Mỗi thôn hoặc làng đều có nghĩa trang riêng. Mà bây giờ, địa phương nào muốn triển khai dự án phát triển kinh tế, xã hội là gặp ngay khó khăn nếu phải giải phóng mặt bằng ở nhưng nơi có nghĩa trang.

dung de nghia trang can tro su phat trien
Một trong những ngôi mộ ở Thuận An, Huế

Động đến mồ mả là chuyện phức tạp thuộc lĩnh vực tâm linh. Vì thế, có dự án đưa ra mức bồi thường để giải phóng mặt bằng khu nghĩa trang cao hơn khu đất canh tác và thổ cư nhưng chưa chắc đã được người dân đồng ý. Thế là dự án phải “đắp chiếu” nằm chờ chính quyền địa phương đi giải quyết, chậm tiến độ. Thậm chí, có dự án phải thay đổi hoặc dời đi nơi khác chỉ vì cái nghĩa trang. Ngay ở các thành phố cũng còn nhiều nghĩa trang nằm rải rác ở nội thành mà chưa biết đến bao giờ mới di dời được. Hậu quả là hiện nay, quy hoạch cho đô thị hiện đại buộc phải dừng lại ở nhiều khu vực.

Thế nhưng, tốc độ “đô thị hóa âm phần” vẫn đang diễn ra chóng mặt ở khắp nơi, nhất là các thành phố lớn. Giá đất dành xây mộ tăng cao, có nơi còn cao hơn cả đất mặt tiền làm nhà cho người sống. Cái giá của một chỗ yên nghỉ “đẹp về vị trí, tốt về phong thủy”, mộ trong công viên... có lúc bằng giá cả căn nhà mà rất nhiều người dành dụm cả đời không có được. Đáng chú ý, không chỉ đại gia, người giàu có mà ngay cả những người kinh tế khó khăn cũng cố gắng mua cho được một sinh phần làm quà biếu cha mẹ; thậm chí, nhiều người trong số họ không có tiền trả một lần, đã phải tìm đến dịch vụ mua đất nghĩa trang trả góp.

Chết nỗi, có người xây để cho yên lòng rằng mình đã báo hiếu được cho cha mẹ; nhưng cũng không ít người chủ yếu là muốn khoe giàu, thậm chí lấy tiếng trong việc làm ăn.

Những khu sinh phần, mộ phần rộng hàng trăm mét vuông với kiến trúc cầu kỳ, trị giá cả chục tỉ đồng khiến nhiều người đã ví Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì, Hà Nội) là “nghĩa trang đại gia”. Công viên này là nghĩa trang đầu tiên của Hà Nội được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa từ năm 2004. Chỉ sau khoảng 5 năm đưa vào sử dụng, nghĩa trang này đã hết đất để bán.

Lúc đầu, giá bán 1m2 ở đây là 800.000 đồng, sau này khoảng hơn 2 triệu đồng, tùy vị trí. Vì sợ hết đất, các đại gia đã mua để dự trữ với mục đích để chôn cất người thân trong gia đình hoặc có thể bán lại khi được giá. Nhiều ngôi mộ chỉ riêng tiền đất đã có giá tới cả tỉ đồng, có những chỗ còn lên tới 14-15 triệu đồng/m2.

Tại phiên thảo luận báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, ông Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) đã nêu ý kiến cảnh báo về việc UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch một khu nghĩa trang 50,9ha tại xã Bình An, trong đó 20ha là nghĩa trang nhân dân, còn lại 30,9ha giao cho một công ty. Cách Sân bay Long Thành 40-70km như hiện nay thì giá bán 1m2 đất phần mộ còn cao hơn cả đất xây cho người sống.

Với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt xã Bình An sẽ là trung tâm phát triển trong tương lại thì đất nghĩa trang có thể còn cao hơn nhiều so với đất đô thị, biệt thự hạng sang. Dẫn chứng bài học từ nghĩa trang Văn Điển, ông Cường cho biết, khu vực này chưa đến 20ha nhưng đã và đang là vật cản rất lớn trong thu hút đầu tư phía Nam Hà Nội. Do vậy nếu quy hoạch nghĩa trang tại Bình An lớn, trước mắt có thể được, nhưng hậu quả lâu dài sẽ cản trở sự phát triển của các khu vực trung tâm Nam Bộ. Do đó, Long Thành rất khó trở thành thành phố sân bay mà có thể sẽ thành thành phố nghĩa trang.

Thực trạng đáng báo động này đã được nhắc đến từ nhiều năm nay. Nếu các địa phương không khẩn trương vào cuộc quy hoạch đất đai phù hợp cho các nghĩa trang thì rào cản cho việc phát triển kinh tế, xã hội sẽ ngày càng khó gỡ.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc