Đưa xe điện vào danh mục xe ô tô

16:01 | 11/04/2014

1,212 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau gần 3 năm thực hiện dự án thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ khách du lịch tại 4 tỉnh, thành phố trên cả nước, ngày 2/4/2014, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản số 3620/BGTVT-VT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung xe điện là phương tiện vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hẹp, đồng thời giao Bộ Công an cấp đăng ký, gắn biển số và xử phạt vi phạm hành chính tương đương xe ô tô chở người có chỗ ngồi tương ứng.

Báo cáo kết quả thực hiện dự án thí điểm xe điện chở khách du lịch của 4 địa phương là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết: “Xe điện là phương tiện thúc đẩy, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Đồng thời hạn chế taxi, xe máy, xích lô hoạt động tại những địa điểm du lịch, góp phần giải quyết bài toán về trật tự giao thông và môi trường đô thị”.

Sau gần 3 năm thí điểm xe điện, Hà Nội phục vụ 1,2 triệu du khách.

Việc đưa xe điện vào phục vụ khách du lịch không những tạo việc làm cho người lao động mà còn đóng góp vào ngân sách Nhà nước, làm phong phú thêm các tour du lịch, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại trên địa bàn. Với thiết kế nhỏ gọn, chạy bằng năng lượng sạch, mỗi lần hoạt động vận chuyển tối đa được 7 người. Sau 3 năm thực hiện, xe điện thủ đô được đông đảo du khách trong và ngoài nước hưởng ứng đón nhận. Đã phục vụ hơn 1,2 triệu lượt khách, đạt doanh thu trên 20,4 tỉ đồng, đóng góp 8,8 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Xe điện là loại phương tiện giao thông sử dụng công nghệ cao giúp tiết kiệm năng lượng và không gây tiếng ồn, khói bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, với kích thước nhỏ, tốc độ phù hợp trong đô thị (tối đa không quá 40km/giờ), loại hình xe điện rất phù hợp với kết cấu, kiến trúc giao thông đô thi, góp phần bảo tồn không gian kiến trúc văn hóa khu phố cổ Hà Nội, di sản văn hóa quốc gia.

Hiện có 621 xe điện đang hoạt động, trong đó Hà Nội 50 xe, tỉnh Thanh Hóa 431 xe, Nghệ An có 110 xe và Quảng Bình 30 xe.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ những hạn chế của loại phương tiện này. Điển hình là việc, chưa quy định rõ số lượng xe tối đa được phép hoạt động tại một địa phương nên dẫn tới tình trạng lượng xe quá nhiều so với nhu cầu thực tế. Một số địa phương như Đà Nẵng, Lào Cai... dù chưa được đồng ý cho phép thí điểm nhưng đã tự động đưa xe điện vào hoạt động, gây ra sự thiếu đồng bộ trong thực hiện quy định của pháp luật.

Loại xe này được coi là xe ô tô. Tuy nhiên đối chiếu với quy định hiện tại thì loại xe này chưa đủ tiêu chuẩn thiết kế là xe ô tô. Vì vậy, về lâu dài cần bổ sung loại phương tiện này để điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, cần có quy định chi tiết phạm vi hoạt động, điều kiện của người điều khiển, niên hạn, đăng kiểm.

Nhằm đảm bảo quản lý phương tiện chặt chẽ, đáp ứng các quy định của pháp luật, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về lâu dài cần cho phép bổ sung loại hình xe điện là một phương tiện vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hẹp là các khu phố cổ, khu du lịch của nội thành, thị xã của các tỉnh, thành phố. Đồng thời, giao Bộ Công an cấp đăng ký, biển số cho loại xe điện 4 bánh, xử lý vi phạm hành chính đối với loại xe này áp dụng theo quy định đối với xe ô tô chở số chỗ ngồi tương ứng.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc