Đưa chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào sách Lịch sử phổ thông: cần lắm!

09:09 | 25/08/2012

4,381 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - "Nếu chậm trễ cái này, để cho các em lớn lên mù tịt về biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là cái tội của chúng ta, cái tội của người lớn và của nền giáo dục đối với lớp trẻ!" - GS-VS, NGND Phan Huy Lê chia sẻ.

Chủ quyền biển đảo “nóng bỏng”

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về lãnh thổ Việt Nam từ nhiều thế kỷ nay. Hai quần đảo này có tầm quan trọng đặc biệt về mặt chiến lược (nằm trên thuỷ đạo và đường bay quốc tế) cũng như có tiềm năng quan trọng về kinh tế (dầu khí và các sản vật khác). 

Tìm hiểu vấn đề này không chỉ là do nhu cầu của giới khoa học mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn đối với các nhà lãnh đạo cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Và một trong những vấn đề nóng hổi, thu hút sự quan tâm và thảo luận của các đại biểu tại “Hội thảo khoa học Quốc gia về dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam” tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua là chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam"

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã khẳng định: “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của lớp các thế hệ người Việt Nam từ thời Vương quốc Chăm Pa cho đến Chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay… Thế mà có cả một thời gian dài vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để rồi lịch sử của một đất nước không có lấy một dòng nào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”.

TS Sử học Nguyễn Nhã là một “chuyên gia” về Hoàng Sa và Trường Sa, có nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về 2 quần đảo này, suốt đời nghiên cứu, giới thiệu về chủ quyền của Việt Nam, đã bảo vệ xuất sắc Luận án TS về Hoàng Sa, Trường Sa. Ông cũng đã nhiều lần rơi lệ cùng các bô lão khăn đóng áo dài đứng lặng người trước tấm bản đồ Việt Nam từ thế kỷ XIX có ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa.

Về yếu tố lịch sử và pháp lý quốc tế, Hiến pháp và nhiều bộ luật của Việt Nam đều khẳng định chủ quyền về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách giáo khoa Địa Lý Việt Nam bậc học phổ thông cũng đã đề cập vấn đề chủ quyền của 2 quần đảo này là của Việt Nam. Nhưng SGK môn Lịch sử phổ thông lại không có một dòng nào với tên gọi là “chủ quyền” khi viết về Hoàng Sa và Trường Sa.

Cần đưa chủ quyền biển đảo vào sách Lịch sử phổ thông

Trong thời gian gần đây, “vấn đề Biển Đông” lại được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông thì những kiến thức về “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” càng trở nên cần thiết đối với thế hệ trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng, càng nên khẩn trương được bổ sung vào nội dung chương trình môn Lịch sử.

Đặc biệt sau hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH vừa qua, vấn đề biển đảo của Việt Nam đã khiến các thí sinh có cơ hội tiếp cận và thể hiện quan điểm của mình trong việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là hai đề thi được coi là gần gũi với thực tế, có tính thời sự và tính chiến đấu cao, giúp nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ đối với giới trẻ.

Tuy vậy, việc học sinh thờ ơ với môn Lịch sử trong chương trình phổ thông cũng là điều rất đáng lo ngại. Điều đó không chỉ được phản ánh qua điểm số các kì thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển vào ĐH, CĐ mà còn qua kết quả điều tra xã hội học, qua sân chơi truyền hình và dư luận xã hội. Không những cách giảng dạy thiếu lôi cuốn, nặng về đọc – chép, không tạo điều kiện cho học sinh phát huy khả năng phân tích; mà cấu trúc chương trình SGK chưa cân đối; nhiều nội dung còn hơi nặng trong khi có nhiều nội dung lại quá khái quát khiến giáo viên không đủ thời gian đi sâu.

Giáo sư - Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cùng GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ (Chủ tịch Hội đồng bộ môn Lịch sử, Bộ GD-ĐT), PGS-TS Trịnh Đình Tùng (ĐHQG Hà Nội), GS-TS Nguyễn Thị Côi (ĐH Sư phạm Hà Nội) đều tha thiết đề nghị Bộ GD-ĐT sớm bổ sung nội dung giáo dục về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa (SGK) môn Lịch sử, nhất là trong bối cảnh biển Đông đang 'dậy sóng' như hiện nay.

Không dạy về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ là có lỗi với lịch sử

Để khắc phục những thiếu sót trong nội dung SGK Lịch sử phổ thông về vấn đề này, GS- NGND Phan Huy Lê đã cho hay: “Hội KHLS đã có công văn kiến nghị với Ban Tuyên giáo TW và Bộ GD&ĐT phải nhanh chóng đưa nội dung về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào giảng dạy cho học sinh phổ thông. Nếu lớp trẻ lớn lên không hiểu biết hoặc hiểu biết rất lơ mơ về vấn đề này thì rất nguy hiểm... Không trang bị những kiến thức cơ bản ấy là có tội với thế hệ trẻ, có tội với lịch sử”.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần lồng ghép kiến thức về chủ quyền biển đảo vào các môn khoa học xã hội như Lịch Sử, Địa Lý, Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, giáo viên có thể phối hợp với Đoàn thanh niên và các môn khác tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các trường học có thể giành thời gian trong những tiết chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần để lồng ghép nội dung vấn đề biển đảo; vận động đoàn viên thanh niên ủng hộ các phong trào thiết thức như “Góp đá cho Trường Sa”…

Thời gian gần đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn tích hợp nội dung giáo dục tài nguyên, môi trường biển, đảo vào chương trình giáo dục mẫu giáo năm tuổi và tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc. Đây được coi là một trong những nỗ lực của ngành giáo dục trong việc nâng cao tinh thần dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ cho thế hệ học sinh, sinh viên.

Thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên không phải chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh mà chỉ biết qua nền giáo dục phổ thông mà không yêu mến lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, nếu giới trẻ không có vốn hiểu biết cần thiết về độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của lịch sử hàng ngàn năm văn hiến thì dễ tỏ thái độ thờ ơ với thời cuộc và không thể hoàn chỉnh được phẩm chất của người công dân Việt Nam.

Vương Tâm

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.