Cựu chủ tịch TKV Đoàn Văn Kiển:

“Đừng trông chờ vào nhập khẩu than”

08:00 | 26/09/2015

963 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguồn “vàng đen” ngày càng khan hiếm cộng với những biến động khó lường của thị trường năng lượng trên phạm vi toàn cầu đã khiến cho việc tìm kiếm các nguồn cung cấp than ổn định, lâu dài với số lượng lớn cho phát điện tại Việt Nam trở nên vô cùng cấp bách.  Xoay quanh vấn đề này, kỹ sư Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có một số ý kiến đáng chú ý đóng góp vào dự thảo điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than.  

PV: Theo Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2015 có xét triển vọng đến 2025 (Quy hoạch 60) thì lượng than nhập khẩu phục vụ cho nền kinh tế (đặc biệt cho phát điện) sẽ ngày càng tăng lên. Điều này kéo theo những khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn than ổn định với số lượng lớn. Từ góc độ nhìn nhận của một chuyên gia gắn bó lâu năm với ngành than, ông đánh giá như thế nào về việc này?

Ông Đoàn Văn Kiển: Theo quy hoạch, nhu cầu than các năm 2020 - 2025 - 2030 được dự báo lần lượt là 75; 112 và 144 triệu tấn, trong khi dự báo sản lượng sản xuất trong nước chỉ đạt  khoảng 50 đến 60 triệu tấn vào năm 2030, cần một phép tính nhẩm có thể thấy, lượng than thiếu hụt trung bình cho các giai đoạn sẽ từ 22 đến 80 triệu tấn. Bởi vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để bù đắp số lượng than thiếu hụt lớn hơn cả sản xuất trong nước như thế mới là quan trọng. Theo tôi, nước ta có đủ điều kiện về tài nguyên và con người để tăng  sản lượng than cả ở bể than Đông Bắc lẫn bể than Sông Hồng, nếu tích cực có thể đạt mức cao hơn, vấn đề nằm ở quyết tâm của chúng ta.

du ng trong cho va o nha p kha u than
Ông Đoàn Văn Kiển

PV: Vậy tại sao chúng ta vẫn loay hoay chưa “tích cực” trong việc tận dụng tài nguyên, nguồn lực trong nước. Để bù đắp lượng than thiếu hụt, phương án nhập khẩu than đang được xem là khả thi hơn cả, quan điểm của ông ra sao?

Ông Đoàn Văn Kiển: Không nên nghĩ đến việc nhập khẩu quá nhiều than, khi Việt Nam cần nhập thì các nước khác cũng có nhu cầu. Tôi lấy ví dụ, nước Nhật nhập khẩu toàn bộ nhu cầu than cho điện, thép, xi măng, hóa chất... nhưng tổng số cũng chỉ vào khoảng trên dưới 125 triệu tấn/năm. Để có được số than ấy họ đã phải đầu tư ra nước ngoài và tài trợ cho các nước sản xuất than. Indonesia cũng đã có chủ trương đưa xuất khẩu than về con số không quá 150 triệu tấn/năm. Than từ Australia cũng không dồi dào, Nam Phi cũng giảm, chỉ còn trông vào vùng Viễn Đông nước Nga. Tôi cho rằng, trông vào nhập khẩu trên 50 triệu tấn than mỗi năm là ảo tưởng. Sẽ có lúc sẵn tiền cũng không nhập khẩu được than chứ đừng nói đến một nước đang phát triển và còn nghèo như nước ta. Quan điểm của tôi, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cần tập trung vào khai phát các nguồn lực trong nước ngoài than như năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng khác và tiết kiệm năng lượng, đừng trông chờ vào nhập khẩu nhiều triệu tấn than.

PV: Có ý kiến cho rằng, ngành than hiện nay đang rất bế tắc trong việc gia tăng sản lượng vì nhiều nguyên nhân không thể tự mình giải quyết nổi. Theo ông nguyên nhân nào khiến TKV bị “bó buộc” như thế?

Ông Đoàn Văn Kiển: Chính phủ giao toàn bộ bể than Đông Bắc và bể than Sông Hồng cho TKV và Tổng Công ty Đông Bắc để chủ động thăm dò, khai thác, chế biển và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về sản lượng than của mỗi thời kỳ. Các công ty khác ở trong nước và nước ngoài có thể hợp tác đầu tư với hai doanh nghiệp nói trên. Cơ chế này giống như việc Nhà nước đã giao việc thăm dò, khai thác và hợp tác đầu tư dầu khí cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Việc thăm dò được thực hiện cho đến đáy tầng than chứ không cắt đoạn đến -300m, sau đó mới đến đáy tầng than, cắt đoạn sẽ gây lãng phí. Trước khi có Luật Khoáng sản, Nhà nước đã giao bể than Đông Bắc cho Tổng Công ty Than Việt Nam để thăm dò, khai thác (Quyết định 481/1995), nhờ đó tổng công ty đã chủ động thăm dò và đẩy mạnh khai thác gia tăng nhanh sản lượng than. Sau khi có Luật Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu làm lại giấy phép và việc cấp phép thực hiện cho từng dự án (đến độ sâu theo dự án nên không tận dụng được cơ sở vật chất kỹ thuật và không thăm dò đến đáy tầng than), tốc độ cấp phép rất chậm, phải chờ đợi một vài năm. Có khi xây mỏ còn nhanh hơn chờ cấp phép. Chỉ có chủ động thăm dò và đầu tư khai thác theo giấy phép cho cả vùng mỏ như Quyết định 481 của Bộ Công nghiệp nặng trước đây thì mới sớm gia tăng được sản lương than, ngược lại với cách quản lý Nhà nước như hiện nay thì khó lòng mà đạt được sản lượng than như quy hoạch điều chỉnh đã dự kiến (trên 60 triệu tấn vào 2030). Đến lúc đó, không biết trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

PV: ̣ thảo điều chỉnh Quy hoạch 60 mới đây đã thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng. Là một người gắn bó lâu năm với ngành, ông có những đề xuất gì để ngành than hoàn thành nhiệm vụ được giao?

Ông Đoàn Văn Kiển: Với tư cách là một trong những chuyên gia đóng góp vào dự thảo điều chỉnh, tôi xin nêu một số vấn đề chính:

du ng trong cho va o nha p kha u than

Thứ nhất, điều quan trọng đó là thay đổi tư duy và cơ chế cấp phép cho cả hai vùng than, theo đó đề nghị Chính phủ cấp phép thăm dò và khai thác toàn bộ bể than Đông Bắc và bể than Sông Hồng cho Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc để hai đơn vị này chủ động thăm dò đến đáy tầng than, chủ động hợp tác đầu tư với các công ty trong và ngoài nước để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển mỏ cùng với việc chuyển than thành điện và năng lượng lỏng (các tổ hợp năng lượng ở Đồng bằng Sông Hồng). Đó là cách làm hiệu quả nhất.

Thứ hai, cần thiết phải mở rộng phạm vi khai thác khoáng sản than, căn cứ Luật Khoáng sản thì vùng hạn chế hoạt động khoáng sản vẫn có thể được khai thác bằng các giải pháp đặc biệt và dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước, vậy đề nghị cho phép thăm dò và lập dự án khai thác ở các vùng này.

Thứ ba, đã là an ninh quốc gia thì Trung ương phải quyết định, các quy hoạch khác phải không làm hại đến việc khai thác khoáng sản. Chính phủ quyết định việc thăm dò và khai thác than ở các vùng cả Đông Bắc và Đồng bằng Sông Hồng, các địa phương phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện, chỉ có như vậy mới đảm bảo được tiến độ quy hoạch.

Thứ tư, Chính phủ cần xem xét lại chính sách thuế và phí đối với than, sao cho hợp lý vì mục tiêu có nhiều than cho nền kinh tế, không thu lãi sau thuế lợi tức, tạo cho doanh nghiệp có vốn đầu tư phát triển. Cho phép tính vào vốn chủ sở hữu mỗi tấn than đã được thăm dò tỉ mỉ được huy động vào quy hoạch khai thác. Được tăng vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp sẽ vay được nhiều hơn cho đầu tư.

Và cuối cùng, không tư nhân hóa các mỏ than, nên giới hạn việc khai thác than cho TKV và Tổng Công ty Đông Bắc. Tư nhân hóa các mỏ than sẽ làm suy yếu sự kiểm soát của Nhà nước, việc mà một nước thiếu năng lượng như nước ta không nên làm.

Tôi tin rằng, nếu các kiến nghị trên được chấp nhận thì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc sẽ chủ động và có thêm động lực, nguồn lực đầu tư gia tăng sản lượng than cao hơn dự kiến trong quy hoạch. Ngược lại cứ làm như hiện nay thì dù đã điều chỉnh thấp đi như dự thảo quy hoạch thì cũng không đạt được. Đó là điều đáng buồn được báo trước.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

 

Nguyễn Kiên

Năng lượng Mới 460

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps