Du lịch xứ Chùa Vàng, những điều trông thấy

09:32 | 22/04/2017

10,812 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều năm trở lại đây, ngành du lịch Thái Lan luôn đóng vai trò mũi nhọn trong nền kinh tế của quốc gia khi đóng góp khoảng hơn 14% GDP mỗi năm. Với việc đã đón hơn 30 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016, Thái Lan tiếp tục khẳng định là sự lựa chọn số một của du khách tại Đông Nam Á.

Chuyện đi lại, ăn ở tại Bangkok

Thái Lan, quốc gia có tiềm năng du lịch kém hơn so với Việt Nam nhưng là nước có ngành du lịch phát triển nhất châu Á, nằm trong tốp 10 thế giới, doanh thu đạt 50 tỉ USD trong năm 2015. Thái Lan có diện tích 514.000km² (tương đương diện tích Việt Nam cộng với Lào), dân số khoảng 64 triệu người, đứng thứ 21 trên thế giới. Lần đầu đến Thái Lan, tôi thực sự choáng ngợp trước hệ thống giao thông tại đây.

Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi tại Bangkok được đưa vào sử dụng năm 2006 là nơi đặt chân đầu tiên trên đất Thái. Đây là một trong số những sân bay lớn nhất Đông Nam Á, có lưu lượng máy bay lên xuống mỗi ngày là 800 chuyến, mỗi năm đón khoảng 50 triệu lượt khách.

du lich xu chu a va ng nhung dieu trong thay
Kiến trúc của cung điện hoàng gia nhìn từ xa

Tại Bangkok, ngoài hệ thống tàu điện ngầm thì đường sá khá hiện đại và trật tự, nhất là hệ thống đường trên cao, có chỗ được thiết kế đến 5 tầng chằng chịt và kéo dài vài chục cây số. Trên đường phố, xe ôtô và xe tuktuk là phương tiện chủ yếu. Có một điều đặc biệt là xe máy lưu thông trên đường phố Bangkok đều bật đèn ngay cả ban ngày. Tuy phương tiện giao thông dày đặc, thường xuyên xảy ra tắc đường, nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ một tiếng còi xe, hay việc các xe chen lấn làn, tranh đường… Tôi thắc mắc với tài xế taxi người Thái bằng thứ tiếng Anh “bồi” về việc tại sao không nghe thấy tiếng còi xe trên đường, anh ta trả lời với nụ cười thân thiện: “Ở Thái Lan, đi xe không được phép bấm còi, nếu ông nào mà cố tình bấm còi là sẽ có đánh nhau ngay”. Anh tài xế vừa nói vừa giơ hai tay thủ thế sát cằm như một võ sĩ đấm bốc khi thượng đài.

Qua anh tài xế taxi thân thiện này, tôi còn biết được sở dĩ Thái Lan có nhiều ôtô vì chính phủ trợ giá và hỗ trợ người dân bằng các chính sách tài chính như cho vay lãi suất thấp thời hạn 60 năm. Riêng với ai muốn mua xe cũ thì giá cũng rất rẻ, khoảng từ 50-70 nghìn baht (1baht tương đương 670 đồng Việt Nam) dành cho xe chất lượng sử dụng còn khoảng 70%. Đặc biệt, tất cả xe ôtô ở Thái Lan đều thiết kế theo tay lái nghịch, nghĩa là tài xế ngồi lái bên phải, khách lên xuống bên tay trái và khi lưu thông cũng theo chiều ngược với Việt Nam.

Thái Lan có Pattaya được xem là thiên đường giải trí thì Bangkok là thiên đường mua sắm. Sau mấy ngày lang thang mua sắm, tôi nhận ra hình như có một quy định bất thành văn là món hàng nào có giá trên 100 baht (khoảng 67 nghìn đồng Việt Nam) thì còn mặc cả được, còn dưới 100 baht thì mặc cả vô ích, họ sẽ không bao giờ bán dù chỉ bớt một baht. Hầu hết những ai đã từng đến Thái Lan đều thừa nhận, khó thể bỏ qua hàng hóa nơi đây, nhất là hàng điện gia dụng như lò nướng, nồi cơm điện và áo quần… vì chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, không như các nơi khác, các điểm bán hàng tại Thái Lan mở cửa khá trễ, nên khách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy đã 9, 10 giờ nhưng hầu hết cửa hàng, siêu thị vẫn còn đóng im ỉm.

du lich xu chu a va ng nhung dieu trong thay
Du khách xếp hàng nườm nượp vào tham quan cung điện hoàng gia Thái Lan tại Bangkok

Chuyện ăn uống cũng có nhiều điều phải nói, tại Bangkok rất hiếm thấy quán cà phê như Việt Nam, còn cà phê của họ thì pha rất loãng nên chắc chắn sẽ làm thất vọng không ít người. Riêng thức ăn, lâu nay vẫn nghe đồ ăn của Thái rất cay và chua, tuy nhiên sau 3 ngày lang thang một số điểm nổi tiếng về ẩm thực như: Chinatown, phố tây Khaosan… thì tôi thấy đồ ăn Thái cũng không đến mức cay phồng mồm như lời đồn. Có lẽ các nhà hàng Thái cũng rất thức thời nên các món ăn đều được tiết giảm một số gia vị đặc trưng của Thái nhằm đảm bảo mọi khách du lịch đều có thể ăn được. Thi thoảng tôi còn nghe thấy những nhân viên nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm nói thứ tiếng Việt lơ lớ, hay bắt gặp tiếng Việt xuất hiện trên các bảng hướng dẫn tham quan bên cạnh tiếng Trung và tiếng Anh. Có thể thấy rằng, người Thái vô cùng nhạy bén trong cách làm hài lòng du khách.

Chính phủ Thái Lan luôn có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho ngành du lịch. Một chuyến đi chơi tới Thái Lan không tốn kém nhiều nếu không nói là khá rẻ so với các nước trong khu vực bởi được hỗ trợ về giá. Bù lại người Thái sử dụng nhiều cách thức khôn khéo để “móc túi” du khách.

Thực dụng và “không chặt chém”

Không như ở Việt Nam, khái niệm miễn phí khi du lịch tại Thái Lan rất hiếm. Phòng khách sạn tôi ở được đánh giá 3 sao, tuy nhiên không có dép đi trong phòng; không lược; không kem, bàn chải đánh răng… Đặc biệt là wifi phải trả tiền theo bảng giá 50 baht/giờ. Người Thái làm du lịch không phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên sẵn có, ngoài các danh lam thắng cảnh do thiên nhiên ban tặng, tất cả các điểm du lịch thu hút khách đều do bàn tay con người kiến tạo, từ cơ sở vật chất đến các dịch vụ giải trí, mua sắm. Chính vì vậy, mỗi du khách khi đi khám phá “xứ sở Chùa Vàng”, đồng nghĩa với việc phải móc ví chi tiền bất kỳ lúc nào, thời điểm nào. Công viên Safari World - nơi ở của rất nhiều loài thú hoang dã trong một vùng đất rộng mênh mông là một ví dụ rõ nét nhất.

Tới Safari World từ 10 giờ, thế mà mãi tới 17 giờ tôi mới đi hết được các điểm thăm thú tại đây. Theo tìm hiểu, công viên này hoàn toàn do tư nhân bỏ tiền ra thiết kế, xây dựng và tổ chức vận hành. Ở đây có rất nhiều loại thú quý hiếm, điều lạ lùng là các con thú dường như quá quen thuộc với du khách, nên ôtô có đi sát chúng cũng chẳng buồn quan tâm hay bỏ chạy. Theo lời anh hướng dẫn, Safari World được xây dựng cách đây mấy chục năm, vào thời điểm đó số tiền đầu tư vào đây lên tới gần 100 triệu USD. Là vườn thú thiên nhiên, Safari World chia làm hai phần: vườn thú thiên nhiên và khu vui chơi giải trí. Ở khu vui chơi giải trí liền kề du khách được thưởng thức các tiết mục biểu diễn của cá heo thông minh, xem hải cẩu làm xiếc, lợn làm toán, voi vẽ tranh…

Có thể thấy 2 điều cực kỳ nổi bật ở bất kỳ một điểm du lịch nào của người Thái là: các tay máy ảnh tác nghiệp điêu luyện; và... nhà vệ sinh. Ở góc độ nhiếp ảnh mà nói thì phải công nhận các tay máy này lấy góc độ và thần thái của du khách cực nhanh, bất kỳ ai đã đi Thái Lan trở về đều nhận thấy việc cứ tự nhiên chụp ảnh du khách, rồi sau đó in nhanh ra, gắn ảnh lên đĩa sứ, bát sứ hoặc các tấm bưu thiếp sau đó đợi khi du khách quay lại tự tìm ảnh, hoặc được đưa tận tay là cách làm đơn giản nhưng khá “độc” của người Thái. Mỗi khoảnh khắc dừng chân tại một điểm du lịch là bạn đã “nằm trong tầm ngắm” của các phó nhòm. Điều này phản ánh tính thực dụng cao trong việc khai thác hầu bao của khách du lịch. Tuy nhiên, nó lại phản ánh một kiểu “chơi đẹp” khá thú vị, đó là lấy ảnh hay không là tùy bạn. Không một nơi nào du khách bị “ép” lấy chính những tấm hình của mình.

Giá cho mỗi tấm ảnh gắn trên đĩa sứ, hoặc nhựa từ 100-200 baht (1baht bằng 670 đồng). Chỉ cần một nửa số du khách lấy ảnh là họ đã quá lãi. Bởi tinh ý sẽ nhận ra, bức ảnh đó chỉ là cắt, dán lên đĩa sứ, nhựa chứ không phải hình của bạn được in phun lên các sản phẩm này, nên nếu bạn không lấy thì ảnh đó sẽ được bóc ra và dán ảnh của du khách khác vào... Tưởng là nhỏ nhưng hãy hình dung, mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến các điểm du lịch thì riêng tiền ảnh đã nhiều đến cỡ nào?! Đây là một điều đáng để các “phó nháy” tại các điểm du lịch ở Việt Nam học tập theo. Để tránh việc chụp hình rồi tìm mọi cách đeo bám, ép du khách lấy cho bằng được.

Một điều cực kỳ quan trọng trong các chuyến du lịch nơi đất khách quê người đó là nhà vệ sinh. Ở những điểm du lịch tại Thái Lan nhà vệ sinh sạch sẽ như khách sạn, bởi gần như lúc nào cũng có một lao công cần mẫn làm công việc dọn rửa. Có thể thấy việc làm hài lòng đến từng tiểu tiết khiến cho du khách luôn có ấn tượng mạnh mẽ và muốn quay trở lại là thế mạnh của du lịch Thái Lan!

Nghệ thuật “móc túi” du khách

Lượng khách tới Thái Lan năm 2008 đạt 14,5 triệu lượt người với doanh thu 16,38 tỉ USD, tới năm 2015 là hơn 30 triệu lượt với doanh thu lên đến 50 tỉ USD. Có thể thấy, người Thái Lan cũng tinh nhạy trong việc “móc túi” tiền của du khách. Mỗi điểm tham quan du khách đều phải bỏ tiền mua vé, nhưng trong quá trình biểu diễn họ cũng tranh thủ xin “tiền bo” của khách. Chẳng hạn, tại Công viên Safari World tiết mục xiếc lợn làm toán, mới đầu mọi người thấy lạ vì không hiểu sao con lợn lại bị buộc một dây vòng quanh người. Khi xem mới hiểu, chiếc dây đó dùng để du khách dắt tiền bo khi biểu biễn. Hay tới trại rắn, xem xiếc rắn, các diễn viên cũng dừng lại sau mỗi tiết mục để nhận tiền bo từ khách; Tới trại voi, muốn được voi bế, voi massage thì phải trả 100 baht; muốn bế hổ chụp ảnh thì phải trả tới 500baht… Tới trại cừu, hươu cao cổ, khách muốn có một tấm ảnh cho cừu ăn phải bỏ ra 20 baht mua 3 cây cỏ, cho rùa ăn cũng tốn số tiền tương tự để mua thức ăn. Tại những điểm du lịch Thái Lan, tiền tip (bo) đã trở thành lệ bất thành văn, xem bất kỳ tiết mục nào khách cũng cần chuẩn bị tiền lẻ để bo, dù ít hay nhiều.

du lich xu chu a va ng nhung dieu trong thay
China Town ở Bangkok luôn nhộn nhịp về đêm

Có một điều rất thú vị liên quan tới các chú voi tại Thái Lan, người dân xứ Chùa Vàng tôn voi làm linh vật và xem voi như người. Nghĩa là một chú voi ra đời cũng được làm giấy khai sinh hẳn hoi, còn chủ voi sẽ được chính phủ trợ cấp mỗi tháng 500USD để nuôi voi trong vòng 1 năm. Sau 1 tuổi voi được đưa đến trường học, đau ốm đến bệnh viện dành cho voi, khi chết có giấy khai tử. Đặc biệt, ai giết voi cũng bị xét xử như tội giết người. Chính vì vậy, voi ở Thái Lan rất nhiều, riêng voi trắng quý hiếm hiện còn khoảng 17 con trong toàn quốc.

Cách “móc túi” du khách của người Thái không chỉ có thế, bởi sau khi tham quan các điểm du lịch nào thì nơi tiếp theo du khách được đưa đến sẽ là khu thương mại của khu vực đó như: Sau khi xem xiếc rắn là đến nơi bán cao rắn, các loại thuốc nam nguyên liệu từ rắn; sau tham quan lịch sử khai thác tổ yến, công đoạn sơ chế, chế biến là khu bán các sản phẩm của yến; sau khi xem xiếc voi là nơi bán đồ da voi; Sau khi xem giới thiệu về nghề làm đồ đá quý là đi đến nơi bán đá quý… Ngoài ra, còn vô vàn những dịch vụ níu chân du khách lưu lại đất Thái thông qua các chương trình giảm giá khuyến mại. Các khách sạn cao cấp thay vì giảm giá phòng lại đưa ra nhiều ưu đãi cho khách lưu trú như tặng phiếu giảm giá trong quán bar, nhà hàng, miễn tiền thuê phòng đêm thứ hai. Cái hay ở chương trình giảm giá là có sự liên kết rất chặt chẽ của các ngành hàng, mua hàng ở cửa hàng này nhưng nhận phiếu giảm giá ở cửa hàng khác.

Người Thái Lan làm du lịch giỏi là ở chỗ đó, đến Thái Lan trước lúc ra về du khách “đốt” đến đồng tiền cuối cùng mà sao ai cũng thấy vui vẻ! Có những mặt hàng giá không rẻ, chất lượng chưa phải là thế mạnh của Thái, nhưng người Thái biết cách quảng cáo, chào hàng và quan trọng là họ không làm giả, làm điêu nên du khách tin dùng. Hàng tin cậy, giá cả lại rẻ thì còn điều gì khiến du khách không ùn ùn khuân về! Thêm vào đó người Thái biết cách chiều khách: Khách nhiều tiền có cửa hiệu đồ đắt tiền phục vụ, khách ít tiền cũng có nơi thoải mái mua hàng. Đi mua bán ở Thái Lan cũng khá thư thái vì hiện tượng ăn cắp, cướp giật, rạch túi… rất hãn hữu, cái chính là sợ đám du khách tứ phương chứ người Thái ít làm chuyện đó.

du lich xu chu a va ng nhung dieu trong thay
Du lịch xứ Chùa Vàng, những điều trông thấy

Xét về tổng thể, danh thắng tự nhiên ở Thái Lan cũng không hẳn là đẹp, kiến trúc, quy hoạch ở Thái Lan nói chung không có gì đặc biệt. Nhưng người Thái phát huy được thế mạnh là các cung điện, chùa chiền, bằng cách quảng bá để du khách đến Thái Lan không ai cảm thấy tiếc tiền khi được chiêm ngưỡng những cung điện nguy nga, tráng lệ ở một đất nước mà chế độ quân chủ vẫn đang hiện hữu, được tôn sùng.

Với khẳng định của Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan - bà Kobkarn Wattanavrangkul trên báo điện tử Coconuts Bangkok hồi đầu năm 2017 là: “Mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào chất lượng và làm thế nào để khách du lịch ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều tiền hơn.” Có thể thấy du lịch Thái Lan sẽ tiếp tục là một ngành kinh tế trọng điểm của chính phủ quân sự Thái, đem lại doanh thu hằng năm chiếm tới 14,5% GDP.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, Việt Nam đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về số lượng khách du lịch quốc tế, với 7,94 lượt năm 2015, nhưng chỉ bằng 27% số lượng khách của Thái Lan (29,88 triệu), bằng 31% so với Malaysia (25,70 triệu), 52% so với Singapore (15,23 triệu). So với các nước thuộc nhóm dưới, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%).

Về chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số 141 nền kinh tế được đánh giá tại Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2015. Xếp sau Singapore (hạng (11), Malaysia (hạng 25), Thái Lan (hạng 35), Indonesia (hạng 50) và Philippines (hạng 74) và trên Lào (hạng 96), Campuchia (hạng 105) và Myanmar (hạng 134).

Cẩm Tú

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps