Du lịch Pattaya - Bangkok (Kỳ 2)

09:33 | 28/08/2017

5,399 lượt xem
|
Ngành du lịch Thái Lan đã khai thác những giá trị thiêng liêng của văn hóa Phật giáo tiểu thừa kết hợp trong các tour du lịch văn hóa - du lịch tâm linh.  
du lich pattaya bangkok ky 2 Du lịch Pattaya - Bangkok (Kỳ 1)

Kỳ 2: Học người Thái làm du lịch

Du lịch tâm linh

Đến chùa thuyền Wat Yanawa chúng tôi được hướng dẫn mua từng bó hoa nhựa để vào làm lễ trước bàn thờ Phật ở gian chính điện (mỗi bó hoa giá vài bath). Sau đó đi một vòng trong chùa, ngang qua hai bức tượng Phật Thích Ca cao lớn được đặt trong hai lồng kính bảo vệ, mỗi lồng kính bảo vệ tượng Phật đều có một khe hở để Phật tử cúng dường. Bên trong lồng kính là đủ loại tiền với nhiều mệnh giá khác nhau: bath Thái, Việt Nam đồng, đôla Mỹ, nhân dân tệ…

Sau khi tham quan hai bức tượng Phật, chúng tôi được hai người Thái giới thiệu các bức tượng Phật được làm như đồ trang sức. Được giải thích: “Các sợi dây có hình bức tượng Phật được các sư thỉnh rồi nên đeo rất tốt cho bản thân, phù trợ chủ nhân tránh được tà ma”. Rồi mọi người quỳ lạy một vị sư đang ngồi và được vị sư này lấy nước rắc lên từng người, chú một số câu bằng tiếng Thái. Có hai vị sư ngồi phía sau cầm một chiếc bát bằng đồng giơ ra và nhiệm vụ của du khách là chắp tay thành kính rồi bỏ tiền vào chiếc bát đó.

du lich pattaya bangkok ky 2
Tượng rắn trong Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi

Tiếp đến là quầy bán trang sức, đa số được giới thiệu các bức tượng Phật nhỏ để đeo này đều được nhà sư thỉnh và có tượng nhỏ bên trong có những hạt xá lợi. Giá mỗi sợi dây đeo như thế không hề rẻ, thường từ 1 triệu đồng trở lên (hơn 1.000 bath). Đa số du khách đều mua, có người mua cho bản thân đeo cầu an và mua làm quà tặng cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Có một điểm đặc biệt là nhà chùa nói giá bao nhiêu thì đúng như vậy, khách không được mặc cả, còn mua hay không là quyền của du khách. Trước khi vào chùa, tất cả du khách đều được hướng dẫn viên người Thái nói tiếng Việt rất sõi cho biết về lịch sử ngôi chùa, một số câu chuyện linh thiêng huyền bí của ngôi chùa, những vật được bán trong chùa và khuyên mỗi du khách nên thỉnh một sợi đeo để cầu an. Anh hướng dẫn viên còn nhắc vào chùa không dùng từ mua - bán mà chỉ dùng từ “thỉnh” - với điều kiện “thỉnh” phải trả tiền với giá không mềm chút nào. Khi vào chùa, khách du lịch tiếp tục được nghe giới thiệu về sự linh thiêng - huyền bí của từng sợi dây chuyền, từng vòng đeo tay… và dĩ nhiên đi du lịch tâm linh thì du khách rất vui vẻ “thỉnh” những sợi dây chuyền có tượng Phật, mong sự bình an - may mắn cho bản thân và gia đình.

Thủ đô Bangkok có nhiều trung tâm mua sắm lớn như Siam Paragon, Central Chidlom, Central World Plaza, những nơi không chỉ bán hàng cao cấp của những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới mà còn có cả hàng hóa bình dân. Sản phẩm bày bán cũng rất phong phú như tơ lụa, đồ giả cổ, quần áo may sẵn, đồ da cho đến đồ điện tử gia dụng của Thái Lan.

Đến chùa Phật Vàng (Wat Traimit) thì không gian tôn nghiêm hơn, không còn cảnh “mua bán - thỉnh” bên trong chùa, nhưng xung quanh bức tượng Phật Vàng có rất nhiều thùng công đức và tùy tâm Phật tử.

Tượng Phật Vàng nặng đến 5,5 tấn và cao khoảng 3m, được vua Thái Lan đúc vào năm 1295. Ngôi chùa này cũng có nhiều câu chuyện rất huyền bí. Chuyện kể rằng, tượng Phật Vàng được đúc trong thời đại Sukhothai. Đây là thời kỳ phát triển nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Thái Lan. Khi chiến tranh xảy ra, dân Thái không muốn quân đội Miến Điện (Myanmar) lấy đi số vàng trên bức tượng nên đã tráng một lớp xi-măng phía ngoài. Bí mật này đã được giữ. Tương truyền rằng, những người thực hiện nhiệm vụ phủ lớp xi-măng bên ngoài bức tượng vàng quý giá này đã bị giết ngay sau khi hoàn thành công việc.

Ngày nay, chùa Phật Vàng với pho tượng vàng độc đáo nổi tiếng linh thiêng và có giá trị lịch sử này thu hút Phật tử từ nhiều nước trên thế giới đến tham quan và chiêm bái. Chùa tọa lạc ở cuối đường Yaowarat, gần ga Hualamlong, thủ đô Bangkok.

Học cách làm du lịch của người Thái

Đã gần một tháng kể từ khi trở về sau chuyến du lịch đến Pattaya - Bangkok, Thái Lan, song chúng tôi vẫn luôn ngẫm nghĩ về cách người Thái làm du lịch mà chúng ta còn phải học hỏi nhiều. Có thể gọi đó là một “nghệ thuật”.

Dường như người Thái Lan làm du lịch không phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên ban tặng. Ngoài các danh lam thắng cảnh tự nhiên có sẵn, tất cả các điểm du lịch hút khách đều do bàn tay con người kiến tạo, từ cơ sở vật chất đến các dịch vụ giải trí. Ở bất kỳ điểm du lịch nào của người Thái, có thể thấy 2 điều cực nổi bật: Các tay máy ảnh “thiện nghệ” và một điều ít “nghệ thuật” hơn, đó là... nhà vệ sinh.

du lich pattaya bangkok ky 2
Đặc sản xôi xoài Thái Lan

Ở góc độ nhiếp ảnh mà nói, phải công nhận các tay máy này lấy góc độ và thần thái của du khách cực nhanh. Cứ mỗi lần có một đoàn khách vào tham quan, các tay máy lập tức tản ra và tác nghiệp. Họ chụp ảnh từng du khách một cách cực nhanh, thậm chí đôi khi chính du khách cũng không biết mình đã lọt vào “tầm ngắm”. Sau khi tham quan xong, du khách quay ra thì đã thấy ảnh của mình gắn lên đĩa sứ, bát sứ hoặc các tấm bưu thiếp. Điều này phản ánh tính thực dụng cao trong việc khai thác hầu bao của du khách. Tuy nhiên, cách làm này thú vị ở chỗ đó là lấy ảnh hay không thì tùy du khách. Giá mỗi tấm ảnh gắn trên đĩa sứ hoặc nhựa có giá 100-150 bath (khoảng 70.000-100.000 đồng).

Và thế là mỗi một điểm du lịch, trung bình một du khách trả gần 100.000 đồng cho một bức ảnh! Chỉ cần một nửa du khách lấy ảnh là họ đã quá lời. Tưởng là số tiền nhỏ nhưng nếu mỗi ngày có vài nghìn du khách đến các điểm du lịch thì riêng tiền bán ảnh đã rất nhiều. Đó là một cách làm rất đơn giản nhưng lại rất "độc" của người Thái.

Theo số liệu của Bộ Du lịch Thái Lan, du khách Australia nằm trong TOP 10 du khách có mức chi tiêu cao nhất, tương đương 172 USD/người/ngày. Thời gian lưu trú trung bình của khách Australia là 14 ngày - cao nhất trong tốp 10. Riêng du khách Trung Quốc đóng góp đến 28% trong tổng số hơn 47 tỉ USD tiền tiêu xài của du khách ở Thái Lan trong năm 2016.

Điều "nhỏ" thứ hai nhưng không kém phần quan trọng mà các điểm du lịch ở Thái Lan đặc biệt chú trọng là... nhà vệ sinh. Ở bất cứ điểm du lịch nào chúng tôi ghé qua, gần như lúc nào trong nhà vệ sinh cũng có một người lao công cần mẫn làm việc. Chính vì vậy, nhà vệ sinh luôn sạch sẽ và... không có mùi. Việc làm hài lòng đến từng tiểu tiết nhỏ khiến du khách có ấn tượng mạnh về các sản phẩm du lịch cũng như cách làm hài lòng “thượng đế” và cũng là “bí kíp” của người Thái làm du lịch chăng!?

Một trong những cách làm sản phẩm du lịch rất “nghệ thuật” khác của người Thái là ở trung tâm mua sắm. Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Nghiên cứu Rắn độc Hoàng Gia Thái Lan, sau khi được thưởng thức màn biểu diễn chơi đùa cùng rắn hổ mang, chúng tôi được đưa vào một phòng giới thiệu sản phẩm và được nhân viên ở đây hướng dẫn công năng của các loại thuốc được bào chế từ nọc rắn cũng như các thành phần khác của rắn.

Từ công dụng làm đẹp cho phụ nữ, có tác dụng giữ sắc xuân bền lâu, thanh lọc cơ thể, giải độc gan cho đàn ông hay dùng bia rượu, chữa đau nhức xương khớp cho người già, giảm nguy cơ đột quỵ cho người mắc bệnh tim… Tất tần tật các loại công năng của thuốc đều được liệt kê tỉ mỉ khiến cho du khách có phần choáng váng bởi các loại thuốc được quảng cáo như thần dược này. Người ta hay nói “tiền nào của nấy”, giá của các sản phẩm này cũng không hề rẻ chút nào.

du lich pattaya bangkok ky 2
Tượng Phật trong chùa Wat Yanawa

Một lọ thuốc nhỏ nhỏ xinh xinh, rẻ nhất cũng có giá 2-3,5 triệu đồng. Hầu hết những chiêu “quảng bá” này đều nhằm vào tâm lý “lo lắng” của người Việt, nhất là chị em phụ nữ. Họ là những người luôn đặt mối quan tâm đến sức khỏe của gia đình lên hàng đầu. Với mong muốn gia đình luôn mạnh khỏe cũng như bản thân mãi tươi trẻ nên hầu hết các quý bà đều vui vẻ dốc hầu bao.

Điều đặc biệt nhất ở trung tâm này là nhân viên tư vấn nói tiếng Việt rất sõi. Bởi thế nội dung họ truyền đạt đã thật sự đi vào lòng người. Người Thái phân chia ra từng đoàn du khách để phục vụ họ bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ làm mát lòng mát dạ khách thập phương.

Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul: “Chúng tôi đang làm việc cật lực để mọi người quên đi vấn đề chi phí. Thái Lan không phải là nơi tốt nhất, chúng tôi vẫn còn nhiều mặt xấu nhưng chúng tôi rất thành tâm trong việc cải thiện chính mình”.

Hầu hết các đoàn khách Việt Nam sang Thái đều có một hướng dẫn viên người Việt đi kèm, nhưng khi sang nước sở tại đều có hướng dẫn viên người bản địa thông thạo tiếng Việt. Từ đây mọi nhu cầu của khách đều do hướng dẫn viên người bản địa điều phối. Chỉ cần một chút quan sát, để “đọc vị” ra các mẹo nhỏ của họ không hề khó.

Ở mỗi địa điểm vui chơi, mua sắm, mỗi đoàn do hướng dẫn viên dẫn tới đều có một mã số riêng, mã số này để du khách vào tham quan, nhưng mặt khác cũng chính là mã số để mỗi khách đều được đưa vào danh sách mua hàng của địa điểm đó, không lẫn với khách của đoàn khác. Cứ mỗi lần tôi đi cùng đoàn du khách vào một địa điểm mua sắm, thì hướng dẫn viên đi cùng luôn có những “thủ tục theo thông lệ” với người bán hàng. Lượng khách mua hàng được thống kê nhanh chóng và từ đó các hướng dẫn viên sẽ được hưởng một mức hoa hồng riêng.

Đi du lịch Thái Lan, ngoài cái thú tham quan chùa chiền, các khu giải trí, du khách còn có dịp khám phá các trung tâm mua sắm, có thể trực tiếp đến các địa điểm này và tận hưởng cái cảm giác “thiên đường mua sắm” trên đất khách. Hàng hóa ở Thái Lan rất đa dạng, phong phú và rẻ. Hơn nữa, người Thái buôn bán nhẹ nhàng, không chụp giật, tăng giá theo kiểu “tát nước theo mưa”. Một phần không kém phần thú vị là khi mua hàng ở Thái Lan bạn có thể mặc cả y như ở Việt Nam.

Ở các khu chợ, du khách có thể thoải mái trả giá mà không sợ bị lườm nguýt hay mắng mỏ. Nhân viên bán hàng thường xuyên tươi cười chào hỏi bạn, dù không hiểu tiếng Thái nhưng qua cử chỉ thân thiện của họ, du khách bước đi cũng không đành. Chính vì vậy, đa số du khách khi rời Thái Lan túi tiền đã trống rỗng, được hỏi “bạn có hài lòng không?” nhiều người trả lời rất hài lòng và sẵn sàng trở lại nơi đây lần nữa. Có tới 60% du khách quay lại đất nước Chùa Vàng - một con số rất ấn tượng minh chứng cho sự thành công của người Thái làm du lịch.

Có thể thấy rằng, vấn đề xã hội hóa du lịch ở Thái Lan đạt kết quả rất cao, từ cách quản lý của chính quyền, cách làm hài lòng du khách của các doanh nghiệp, cách ứng xử của người dân địa phương cho đến ý thức của người dân... Tất cả cùng hướng tới xây dựng hình ảnh đất nước - con người Thái Lan tươi đẹp - thân thiện. Quan trọng hơn là đem lại một nguồn thu ngoại tệ rất lớn từ du lịch cho đất nước, chỉ riêng trong năm 2016, du lịch chiếm đến 18% GDP Thái Lan. Du lịch đã và tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế Thái Lan, bởi ngày càng nhiều khách quốc tế đến đất nước Chùa Vàng và luôn vui vẻ vét sạch hầu bao trước khi tạm biệt đất Thái.

du lich pattaya bangkok ky 2
Du khách xem xiếc rắn ở Trung tâm Bảo tồn rắn Hoàng Gia

Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng Gia Thái Lan do vua Rama V sáng lập. Trung tâm này nằm cách thủ đô Bangkok khoảng 20km và là một trong những điểm du lịch phải có trong tất cả các tour đến Bangkok.

Thái Lan nổi tiếng là đất nước có nhiều rắn độc. Tương tuyền, vào triều đại vua Rama V, các quan Ngự y trong triều lấy bộ phận sinh dục của rắn đực bào chế và nấu với các loại thảo dược làm món canh cho nhà vua ăn để mát long thể, khỏe thận. Nhờ ăn canh “pín” rắn, vua Rama V mới có thể “đảm đương” được 92 bà vợ. 92 bà đã sinh được cho nhà vua 77 người con.

Tại Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia Thái Lan, nọc độc của rắn được chiết xuất thành huyết thanh phục vụ cho y học. Trên thế giới hiện nay có 24 viện và trung tâm sản xuất huyết thanh, trong đó Pháp, Thái Lan, Ấn Độ và Brazil là 4 nước dẫn đầu. Những năm gần đây, 2 nước Pháp và Thái Lan hợp tác sản xuất huyết thanh để “thống trị” ngành này trên toàn thế giới.

Thiên Thanh - Nguyên Phương