Du lịch làng nghề: Chưa tạo được dấu ấn

06:50 | 17/05/2018

1,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Du lịch làng nghề được đánh giá là một trong những loại hình du lịch có tiềm năng bởi tính sinh động, đa dạng, tạo ra “lợi ích kép” về kinh tế và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, đến nay du lịch làng nghề vẫn chưa tạo được dấu ấn đáng kể.

Tiềm năng chưa được khai thác

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay trên cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề đã được công nhận, trên 400 làng nghề truyền thống với hơn 53 nhóm nghề truyền thống. Nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm như: Tơ tằm Vạn Phúc, đồng Ngũ Xã, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, thêu Quất Động, thổ cẩm Mai Châu, dừa Bến Tre… Các làng nghề này chứa đựng một kho tàng tri thức nghề và di sản văn hóa phong phú, vì vậy du lịch làng nghề đang là hướng đi triển vọng của Việt Nam.

chua tao duoc dau an
Làng gốm Chu Đậu

Hơn nữa, theo nhận định của một số chuyên gia du lịch quốc tế thì sự kết hợp giữa du lịch và nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam dường như phổ biến hơn so với ở các nước ASEAN khác. Đây chính là điều kiện thuận lợi để du lịch Việt Nam khai thác tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước cùng khu vực.

Bên cạnh đó, thông qua du lịch, các làng nghề sẽ giải quyết đáng kể công ăn việc làm, giúp ổn định cuộc sống cho hàng chục nghìn lao động, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, du lịch làng nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức, “bỏ lỡ” nhiều cơ hội phát triển.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Hiện nay các tour làng nghề mới chỉ dừng lại ở hình thức tham quan, những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác hết tiềm năng. Thực trạng thiếu hấp dẫn du khách của sản phẩm làng nghề là do cuộc sống bó hẹp trong môi trường nông thôn, ít nhạy cảm với thị trường, không có nhiều cơ hội giao thương với nước ngoài mà chỉ xuất hàng thông qua các doanh nghiệp nên các sản phẩm phục vụ du lịch còn nghèo nàn. Mặt khác, các làng nghề không có điều kiện thiết kế sản phẩm, các nghệ nhân lành nghề chưa phát huy hết tay nghề, kỹ năng chuyên môn, bởi họ chỉ truyền nghề theo cách thức truyền thống, chưa mở rộng quy mô, bài bản theo hệ thống trường lớp…

Bên cạnh đó, những yếu tố khác như ở sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, tham quan và lưu trú của khách du lịch, tình trạng ô nhiễm môi trường… khiến khách du lịch chưa thật sự mặn mà với làng nghề.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu làng nghề cũng chưa thực sự có hiệu quả. Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch làng nghề rất lớn nhưng chưa được đầu tư, quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả.

Thay đổi để phát triển

Để phát triển du lịch làng nghề, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, du lịch cho rằng, khi phát triển du lịch làng nghề phải quan tâm đến giá trị kinh tế và văn hóa. Từ đó, cần giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tạo cơ hội cho làng nghề tiếp cận thông tin, công nghệ; nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; liên kết tổ chức hài hòa du lịch chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp; tôn vinh nghệ nhân làng nghề. Cần xác định làng nghề nào xứng đáng để đưa vào tuyến du lịch, tránh áp dụng tràn lan gây nhàm chán cho du khách tham gia tour.

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam): Muốn phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững thì cần phải bảo đảm hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Trong đó, việc đầu tiên là mỗi người dân làng nghề phải được giáo dục về văn hóa du lịch. Cùng với đó, mỗi làng nghề cần lựa chọn và phục dựng lại những nét văn hóa đặc sắc của làng để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, viễn thông, các dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành...

Chia sẻ về phương hướng phát triển du lịch làng nghề, ông Lưu Duy Dần khẳng định: “Phát triển du lịch làng nghề là một vấn đề lớn, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý du lịch mà còn cần sự phối hợp của địa phương, doanh nghiệp, người dân. Phát triển, quảng bá du lịch làng nghề đã khó, gìn giữ được bản sắc, những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân còn khó hơn. Nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên mất những điều căn bản đó thì sẽ tự làm mất đi một phần di sản văn hóa của làng nghề”.

Chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, viễn thông, các dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành...

K.An