Du lịch - Điện ảnh: Cầm vàng đừng để vàng rơi

06:50 | 30/03/2017

1,073 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Vừa qua, đạo diễn người Mỹ Jordan Vogt-Roberts của bộ phim “Kong: Skull Island” đã chính thức được nhận chức Đại sứ Du lịch Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên một người nước ngoài được bầu chọn vào vị trí này. Điều này cũng mở ra hướng đi mới mẻ cho sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch - cách làm mà từ lâu các nhà quản lý Việt Nam vẫn coi nhẹ. 

Du lịch điện ảnh - “công nghiệp không khói” mới

“Du lịch điện ảnh” hiện là khái niệm ngày càng trở nên quen thuộc trong ngành “công nghiệp không khói” khi hình thức kinh doanh này có thể giúp nhiều địa danh, địa phương tăng lượng khách lên đến 300%. Con số này được minh chứng qua hàng loạt các bộ phim bom tấn và doanh số ngành du lịch tăng theo cấp số nhân.

Nhìn ra thế giới, đó là trường hợp của bộ phim bom tấn “Gladiator” (Võ sĩ giác đấu), khi đạo diễn Ridley Scott thực hiện các cảnh quay tại Đấu trường La Mã (Italia) và lập kỷ lục doanh thu phòng vé, nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách khắp thế giới. Một trường hợp khác là New Zealand khi quốc gia này chi 150 triệu USD để tài trợ quay bộ 3 phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Đổi lại, những địa danh của New Zealand trên phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, “The Hobbit”, “The Last Samurai”, “Whale Rider” và “Perfect Strangers” đều trở thành địa điểm du lịch hút khách. Chỉ tính riêng địa danh làng Hobbiton của Matamata trong “Chúa tể những chiếc nhẫn” đón khoảng 80.000 lượt khách tham quan mỗi năm.

Một quốc gia “kiếm bộn” nhờ du lịch điện ảnh chính là Thái Lan. Chỉ tính đến năm 2011 có hơn 500 bộ phim quay tại Thái Lan, trong đó những cảnh quay trong “Chúa tể những chiếc nhẫn” đã giúp Thái Lan tăng 10% du khách đến từ Anh quốc. Tương tự, năm 1974, sau khi bộ phim “The Man with the Golden Gun” nằm trong loạt phim “Điệp viên 007” được quay tại đảo Ko Tapu (Thái Lan), hòn đảo trở nên nổi tiếng tới mức nó đã trở thành địa điểm “phải đến” đối với rất nhiều du khách khi đến với Phu-ket. Thậm chí, hòn đảo còn được đổi tên thành đảo James Bond. Hay tại Ấn Độ, sau khi phim “Triệu phú khu ổ chuột” giành giải Oscar năm 2009, các khu ổ chuột ở Dharavi - bối cảnh quay của bộ phim - ngay lập tức trở thành điểm du lịch nổi tiếng.

du lich dien anh cam vang dung de vang roi
Phú Yên trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Một cường quốc điện ảnh khác là Hàn Quốc cũng tận dụng điện ảnh để quảng bá du lịch. Trong các tour tham quan Hàn Quốc, chương trình của du khách luôn có các điểm như đảo Jeju, đảo Nami, công viên Lotte World, bến phà Abai... từng xuất hiện trong các phim “Nấc thang lên thiên đường”, “Trái tim mùa thu”, “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Dae Jang Geum”... Ở các điểm từng làm phim, họ dựng panô lớn chụp hình diễn viên và bối cảnh cùng các lời chú thích thú vị. Nhiều du khách đã thừa nhận rằng, họ đến Hàn Quốc bởi họ bị mê hoặc vì những bối cảnh tuyệt đẹp trong phim Hàn.

Một đại diện của điện ảnh du lịch Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm rằng, họ luôn tạo điều kiện cấp giấy phép nhanh nhất, chỉ dẫn tận tình điểm đến thuận tiện cho việc quay phim, lưu giữ và bảo quản tốt các bối cảnh phim đáng giá sau khi đoàn phim ghi hình xong để đưa vào hoạt động quảng bá du lịch...

Bỏ lỡ “mảnh đất vàng”?

Ngay sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tạo cơn sốt phòng vé thì mảnh đất Phú Yên, nơi được chọn làm bối cảnh của phim đã trở thành điểm đến của nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên còn lên kế hoạch tổ chức một cuộc gặp gỡ, giao lưu với đoàn làm phim. Đây không chỉ là cơ hội để tăng cường sự giao lưu giữa nghệ sĩ với khán giả mà thực sự là một cơ hội tốt để quảng bá cho du lịch của Phú Yên.

Trước đó, khoảng năm 2006 khi bộ phim “Chuyện của Pao” ra mắt công chúng thì ngay sau đó, ngôi nhà gỗ cùng mảnh vườn đầy hoa cải tại bản Sủng Là (huyện Đồng Văn, Hà Giang) đã trở thành điểm đến của nhiều du khách. Đến thời điểm này, ngôi nhà ấy vẫn là một trong những điểm đến trong lịch trình của các tour du lịch.

Trong Hội thảo “Dự án Cộng đồng điện ảnh Hàn Quốc - ASEAN, một châu Á trong phim”, nhiều chuyên gia nước ngoài đã nhận định, điện ảnh đang có xu hướng chọn châu Á để làm phim thay vì 60% ở Mỹ. Việt Nam có lợi thế nhân công rẻ, chỉ cần phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng tốt, đây sẽ là cơ sở đảm bảo cho dựng bối cảnh phim.

Một chuyên gia khẳng định: “Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi chỉ biết đến qua đoạn quảng bá cho Vịnh Hạ Long trên chuyến bay. Chỉ chừng đó thôi, tôi thấy các bạn sở hữu tài nguyên, cảnh trí tươi sáng cho tương lai phát triển du lịch điện ảnh”.

Điều đó khẳng định, chỉ bằng một bộ phim hay thì khả năng quảng bá du lịch còn lớn hơn bất kỳ một chương trình quảng cáo tốn kém nào. Và cũng để thấy, với một đất nước được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như nước ta thì dường như điện ảnh và du lịch đang bỏ lỡ rất nhiều cơ hội vàng.

Có thể nhiều du khách biết đến “Người tình”, “Người Mỹ trầm lặng” quay ở Việt Nam, song khi đến nơi đều phải tự mày mò tìm đến những địa danh đó mà không hề có sự chỉ dẫn hay quảng bá nào trong các tài liệu từ ngành du lịch. Thậm chí, chiếc cầu chữ U lâu đời, thiết kế lạ mắt, mang vẻ đẹp Sài Gòn xưa từng xuất hiện trong phim “Người tình” đã bị phá bỏ.

Bên cạnh đó, việc đầu tư bối cảnh vừa không phát huy được tác dụng vào mục đích quảng bá du lịch, lại vừa gây lãng phí, nhất là với những phim lịch sử. Phim truyền hình “Về đất Thăng Long” dựng trong Hãng phim Giải Phóng tốn kém đến tiền tỉ cũng chỉ dùng được một lần. Hay những bối cảnh nội trong phim trường Cổ Loa, sau khi phim “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ” rút đi cũng đã bị bỏ hoang.

Chúng ta thường đặt câu hỏi vì sao các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan… thu hút được lượng khách du lịch lớn thông qua điện ảnh. Đó là bởi, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, Thái Lan đã hợp tác chặt chẽ với Cục Điện ảnh nước này. Hàn Quốc đã có chiến lược thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến quay tại đất nước họ, tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các bộ phim nước ngoài quay ở đây. Bên cạnh đó, Hàn Quốc chủ động cử nhiều đoàn khảo sát tới các nước để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội thu hút các đoàn làm phim. Trong khi đó, cái “bắt tay” giữa điện ảnh và du lịch tại Việt Nam còn quá hờ hững, chưa phát huy được hiệu quả cần có.

Gần đây, việc đạo diễn phim Jordan Vogt-Roberts cho hay sẽ tiếp tục quay phim ở Việt Nam đang được coi là cơ hội mới đối với du lịch nước nhà. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng bày tỏ mong muốn việc một đạo diễn có tiếng Hollywood làm đại sứ du lịch sẽ là một cú hích để ngành du lịch biến những cơ hội phát triển thành hiện thực, đồng thời khẳng định Việt Nam đang cố gắng đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển công nghiệp văn hóa. Trong năm 2016, ngành du lịch cũng đã “trải thảm đỏ” chào đón các đoàn làm phim nước ngoài tới Việt Nam để tăng cường cơ hội quảng bá du lịch.

Trên thế giới, việc phát triển du lịch ăn theo các bộ phim bom tấn không còn xa lạ đối với các nhà làm phim và nhà quản lý văn hóa. Thế nhưng, không có gì ăn theo mà “bền” nếu không có những hoạch định, chiến lược thực sự. Việt Nam đang có những lợi thế lớn khi gây được chú ý với thế giới nhưng để thu hoạch những hiệu ứng cụ thể, “bom tấn” hay đại sứ du lịch người nước ngoài vẫn chưa đủ để thu hút khi mọi thứ vẫn nằm ở thế bị động. Điều Việt Nam thật sự cần vào lúc này chính là cái “bắt tay” chặt chẽ giữa các nhà quản lý, chứ không thể cứ giữ mãi “thế mạnh” mạnh ai nấy làm tồn tại trong nhiều năm qua.

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.