Du khách Trung Quốc sẽ là "đội quân thứ 3"

11:54 | 25/05/2016

4,418 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như lao động nhập cư Trung Quốc được coi là "đội quân thứ hai" của nước này thì nay Bắc Kinh lại muốn sử dụng du khách của họ như một công cụ gây ảnh hưởng tới chính sách kinh tế và đối ngoại ở những nước có đông người Trung Quốc đến thăm.
du khach trung quoc se la doi quan thu 3
Du khách Trung Quốc đang “rửa chân” tại đài phun nước trước bảo tàng Louvre, Paris, Pháp

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển Du lịch Thế giới lần thứ nhất tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, ngày 19/5/2016, Lý Kim Tảo, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia của Trung Quốc, nói: "Trung Quốc dự định đưa 150 triệu du khách tới ‘Một vành đai, một con đường’ trong năm 5 năm tới". Những du khách này sẽ chi 200 tỉ USD trong giai đoạn này, trong một hành động nhằm nâng cao kỳ vọng ở những nước dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển.

Kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012 và sau đó là Chủ tịch Trung Quốc tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình đã đưa ra những ý tưởng lớn như "Giấc mộng Trung Hoa" và "Một vành đai, một con đường”.

Ý tưởng “Một vành đai, một con đường” được bắt nguồn từ lịch sử như là sự tồn tại một con đường tơ lụa trên bộ và một con đường tơ lụa trên biển kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. Trong ba thập kỷ cải cách, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống đường cao tốc, đường sắt từ Bắc vào Nam, từ phía Đông sang khu vực kém phát triển phía Tây và Tây Nam. Sau khi thực hiện được điều này, Trung Quốc coi đó là cơ hội để liên kết với các khu vực ở Nam Á, châu Âu, châu Phi và thậm chí cả châu Mỹ.

du khach trung quoc se la doi quan thu 3
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) phát biểu tại Hội nghị Phát triển Du lịch Thế giới lần thứ nhất

Sáng kiến xây dựng Con đường tơ lụa trên biển (MSR) được ông Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Indonesia tháng 10/2013 với mục đích đưa kết nối về kinh tế và hàng hải đi vào chiều sâu. MSR sẽ bắt đầu ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến phía Đông Nam Trung Quốc và các đầu phía Nam Trung Quốc với các quốc gia ASEAN, qua eo biển Malacca và hướng tới các quốc gia phía Tây dọc theo Ấn Độ Dương trước khi gặp Con đường tơ lụa ở Venice qua Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Theo phạm vi của MSR, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng “cứng” và “mềm” từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến châu Phi, bao gồm vận tải, năng lượng, quản lý nước, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội.

Trung Quốc đã tìm cách lôi kéo sự tham gia của các nước và các khu vực trong vùng “Một vành đai, một con đường”. Hầu hết các quốc gia thuộc ASEAN – nơi mà kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước ASEAN lên tới 400 tỷ USD đã hoan nghênh những ý tưởng này khi các quốc gia ASEAN đang phấn đấu hình thành cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015. Các nước khu vực Nam Á, ngoại trừ Ấn Độ cũng đã hoan nghênh những ý tưởng này khi cho rằng đây là cơ hội lớn để làm sâu sắc hơn các quan hệ kinh tế và ngoại giao nhân dân.

du khach trung quoc se la doi quan thu 3
Một bản đồ minh họa siêu dự án “Một vành đai, Một con đường”, được trưng bày tại Diễn đàn Tài chính Á châu ở Hong Kong, ngày 18/1/2016.

Và để tiếp nối cho chiến lược chiêu dụ các nước tham gia vào các dự án “Một vành đai, một con đường” hay Con đường tơ lụa trên biển, Trung Quốc sẽ “xua” người dân của họ đi đến những quốc gia nằm trong các dự án trên. Trung Quốc có lý do để cảm thấy họ có thể sử dụng du lịch ra nước ngoài như một loại quyền lực mềm để gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại. Những chính phủ khắp thế giới đang điều chỉnh visa và những quy định khác để chào đón làn sóng du khách Trung Quốc ngày càng đông. Ngay cả Nhật Bản, đối thủ chính trị hùng mạnh của Trung Quốc, gần đây loan báo sẽ cung cấp visa 10 năm cho doanh nhân và nghệ sĩ Trung Quốc.

Du khách Trung Quốc đang thay đổi ý thích của mình do những sự nhạy cảm chính trị hoặc do nhu cầu lớn mua sắm hàng hóa xa xỉ. Hong Kong, nơi mà du khách đại lục luôn ưa thích, đang bị phớt lờ vì liên tục có những cuộc biểu tình chống chính phủ Trung Quốc. Nạn nhân mới nhất là Đài Loan, nơi mà chính phủ mới được coi là kém thân thiện với Bắc Kinh so với chính phủ trước đó.

Một báo cáo của ngân hàng HSBC cho biết chi tiêu du lịch của người Trung Quốc đã nâng giúp cho những nền kinh tế của một số nước châu Á, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, ngoài việc làm lợi cho Mỹ và một số nước Châu Âu.

Ngân hàng này cho biết họ dự kiến số khách Trung Quốc du lịch ở nước ngoài sẽ đạt mức 242 triệu người vào năm 2024, bằng tổng số du khách đến thăm các nước Đức, Iran, Indonesia và Ai Cập cộng lại trong một năm. Du khách Trung Quốc chiếm hơn 15% tất cả những lượt khách đến Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản.

Thực tế là một số quốc gia, bao gồm cả Nepal và Sri Lanka, được biết là đã điều chỉnh mối quan hệ của họ với Trung Quốc và Ấn Độ dựa trên lượt khách du lịch, đóng vai trò hệ trọng đối với những nền kinh tế địa phương của họ.

H.Phan

Theo AP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc