Dự báo kinh tế 2014: Khởi sắc nhưng chưa có đột biến

09:32 | 31/12/2013

1,690 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát triển kinh tế có quy luật là khi có động lực thì sau một khoảng thời gian, gọi là độ trễ, sự tăng trưởng mới bắt đầu. Để dự đoán cần dựa vào hai yếu tố là tốc độ phát triển những năm gần đây và những động lực có thể.

Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn. Sau thời kỳ tăng trưởng cao thì 7 năm, từ 2008 đến nay, nền kinh tế rơi vào nhiều mối đe dọa: tăng trưởng chậm, không bền vững, lạm phát và có những năm vừa đề phòng lạm phát lại vừa khắc phục thiểu phát.

Những khó khăn không dễ kiềm chế

Năm 2013, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5,8% tuy có nhiều hơn năm trước đó một chút (5,42%). Về khách quan, chưa nên quá mừng vì sự nhích lên này bởi năm nay áp dụng phương pháp tính mới. Năm 77.000 doanh nghiệp được thành lập mới thì có 60.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh. Đó là chưa kể các doanh nghiệp ngừng kinh doanh nhưng không khai báo hoặc các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng; Tổng dư nợ của các DNNN lên đến 1,35 triệu tỉ; xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo với trị giá gần 3 tỉ USD thì cũng chừng ấy ngoại tệ nhập thức ăn gia súc và vật tư cho nông nghiệp; Nhiều tập đoàn kinh tế đổ vỡ; 10 đại án tham nhũng thì có hơn một nửa gây ra nhưng rạn nứt kinh tế vĩ mô…

Chúng ta có thể khẳng định ngay, Việt Nam có nền kinh tế mà chất lượng tăng trưởng thấp. Theo những nhà quản lý và các chuyên gia có uy tín thì tăng trưởng GDP của Việt Nam nhìn vào hai yếu tố là tài nguyên và vốn. Tài nguyên của tiền nhân để lại, không phải là vô hạn. Những nhà quản lý sẽ phải tính toán để tiết kiệm đến mức tối đa tài nguyên chứ không thể khai thác đến mức có thể hoặc mang bán thô theo kiểu “ăn xổi”. Vốn thì nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn vay nước ngoài. Mức vay cũng đã tới hạn. Vay thì phải trả. Tăng trưởng của thời kỳ này bằng vốn vay sẽ là sự “vay mượn” tăng trưởng của hậu thế. Nói thô thiển là nền kinh tế đang “ăn nhờ tiền nhân và ăn chặn của hậu thế”.

Nền kinh tế tăng trưởng có chất lượng cao, ổn định phải dựa vào các yếu tố mang tính thời đại hơn là mang tính lịch sử đó là năng suất lao động cao và chất lượng công nghệ. Việt Nam có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu mang tính thời đại. Nhưng nền kinh tế Việt Nam hầu như chưa có một sản phẩm công nghiêp mà loại trừ được lệ thuộc nước ngoài về một hoặc nhiều yếu tố là nguyên liệu, công nghệ, thiết bị. Nói một cách sòng phẳng thì chúng ta chưa độc lập sản xuất được đến… cây kim khâu?!

Nhìn vào số liệu xuất nhập siêu năm 2013 của Việt Nam, chúng ta có thể nhận ra ba điều: Việt Nam nhập bán thành phẩm để gia công; đang làm người bán hàng hộ Trung Quốc và thiết bị, công nghệ nhập về chỉ là loại thứ cấp, chất lượng kém chứ không phải là công nghệ nguồn. Số liệu đó như sau: xuất siêu Mỹ 18,6 tỉ USD, xuất siêu EU 11,2 tỉ USD, xuất siêu Nhật 2,3 tỉ USD. Và trả giá bằng nhập siêu Trung Quốc 23,7 tỉ USD.

Kinh tế vĩ mô là bài toán rất rộng

Kinh tế vĩ mô không chỉ là vấn đề tài chính và tiền tệ mà nó còn bao gồm các yếu tố thể chế kinh tế, định hướng phát triển kinh tế ngành trong tổng thể nền kinh tế; giải pháp điều hành nhuần nhuyễn giữa các ngành kinh tế; chính sách cho các thực thể kinh tế và kinh tế đối ngoại v.v… và thậm chí còn bao gồm cả tính hiệu quả tư pháp trong các hoạt động kinh tế. Như vậy định hướng và ổn định kinh tế vĩ mô không phải nhiệm vụ của một mình Chính phủ!

Chỉ xung quanh vấn đề chính sách tài chính, ngân hàng thì thực tế đã chưa đáp ứng. Từ 5 ngân hàng, Việt Nam đã có tới  nhiều chục tổ chức tín dụng. Nhưng hệ thống này lại không đủ mạnh và lành mạnh. Các vụ án liên quan đến ngân hàng, vấn đề xếp loại ngân hàng và cơ cấu lại ngân hàng đang biểu hiện điều đó. Trong 7 năm liên tục, Việt Nam luôn phải ban hành chính sách điều hành tài khóa và tiền tệ mang tính ngắn hạn và có năm, đồng thời phải giải quyết cả vấn đề lạm phát và vấn đề thiểu phát! Ngay thời điểm này, các doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp lành mạnh đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Và, thời điểm này, Việt Nam đang cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại hệ thống tài chính ngân hàng… Thuật ngữ “cơ cấu lại” đang được dùng tràn lan nhưng các giải pháp cơ cấu có khoa học hay không? Có thiết thực hay không? Và có phù hợp với nền kinh tế Việt Nam hay không cũng chưa thực sự thuyết phục. Ngay cả hệ thống tài chính, ngân hàng, vấn đề cơ cấu lại hệ thống, cơ cấu lại nợ… cũng còn chờ thời gian mới biết hiệu quả.

Kinh tế năm 2014, khởi sắc nhưng chưa thể có đột biến

Chưa hy vọng nền kinh tế Việt Nam năm 2014 khởi sắc, đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế. Bởi nền kinh tế muốn khởi sắc hay không phải nhìn từ động lực tác động vào nó. Các giải pháp đang áp dụng và sắp áp dụng là các giải pháp khắc phục nhược điểm chứ chưa phải là giải pháp động lực phát triển.

Ba yếu tố có thể là động lực cho nền kinh tế phát triển đó là: thị trường; vốn đầu tư và chính sách đặc biệt.

Sau khi ra nhập WTO và ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, chúng ta đã có thị trường rộng lớn nhưng chưa tận dụng được các lợi thế cho riêng mình mà tận dụng lợi thế đó cho đối tác thứ ba nhiều hơn. Theo dự kiến trước đây, cuối năm 2013 Việt Nam sẽ trở thành đối tác của những nền kinh tế lớn khi tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng cuộc đàm phán cuối năm còn chưa đi đến kết quả. Và, Việt Nam chưa xác định được sẽ có bao nhiêu phiên đàm phán nữa, Việt Nam sẽ trở thành thành viên TPP vì, nó còn phụ thuộc vào ý chí của các quốc gia đối tác. Nếu không có giải pháp thích hợp, chúng ta lại vào TPP để xuất khẩu hộ Trung Quốc và các quốc gia khác.

Về vốn, Việt Nam đang bị ám ảnh bởi hai “bóng ma” là lạm phát và nợ xấu ngân hàng. Chống lạm phát, Việt Nam buộc phải thắt chặt chính sách tài khóa, trong đó có hạn chế đầu tư công. Nguồn vốn ngân sách sẽ rất hạn chế và sẽ chỉ đầu tư cho những dự án rất cần thiết và theo quy hoạch. Nợ xấu là lời cảnh báo cho toàn bộ hệ thống ngân hàng không chỉ trong ngắn hạn nên ngân hàng sẽ cảnh giác hơn mức cảnh giác cần thiết. Các doanh nghiệp đã khó khăn sẽ tiếp tục khó hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo một điều tra mới nhất, các doanh nghiệp phi Nhà nước có cơ cấu vốn: một sở hữu, hai đi vay; các doanh nghiệp Nhà nước: một sở hữu, ba đi vay thì tình trạng vốn tín dụng hiện nay sẽ làm cho các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc cầm chừng sống. Nguồn vốn thứ ba là vốn vay ODA. Theo dự báo, vốn ODA năm 2014 không khó khăn. Nhưng chắc chắn, năm 2014, Nhà nước quản lý rất chặt chẽ và nó nếu có cũng chỉ quyết định một phần nào đó cho tăng trưởng.

Đáng tiếc là Việt Nam có nguồn vốn kiều hối rất lớn, mỗi năm trên dưới 10 tỉ USD nhưng chính sách để khuyến khích sử dụng nó cho có hiệu quả nhất thì đến nay vẫn chưa có.

Nếu có chính sách ổn định, khôi phục được lòng tin trong công chúng, tạo điều kiện thuận lợi thì nguồn vốn trong dân sẽ được huy động cho phát triển kinh tế. Điều này, các nhà quản lý kinh tế chưa quan tâm đúng mức. Về các chính sách quản lý, các nhà quản lý vĩ mô đã từng ban hành các chính sách để cứu các ngành kinh tế. Nhưng thực sự chính sách khó đi vào cuộc sống. Một thí dụ, gói 30.000 tỉ đầu tư cho thị trường bất động sản, đến nay mới chỉ giải ngân được 2%. Tiền có sẵn, rất nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng bất động sản cần tiền mà tiền vẫn nằm trong kho. Chính sách có vấn đề hay chính sách không vào cuộc sống? Cần rút kinh nghiệm cho các chính sách khác.

Chúng ta chưa có những chính sách lớn để cởi mở nền kinh tế kiểu như chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường hoặc nhỏ hơn kiểu như khoán 10 vào đấu thời kỳ đổi mới. Cả nền kinh tế đang trông chờ vào những bước đi tạo ra sự đột phá.  

                      Vũ Hoàn Nguyên