Dự án 7.000 turbine gió - kiệt tác của nhân loại

20:18 | 09/09/2017

1,030 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ lâu châu Âu vẫn tìm cách độc lập về nguồn năng lượng. Đã có nhiều dự án ra đời, trong đó phải kể đến ý tưởng xây dựng một mạng lưới những hòn đảo nhân tạo được bao phủ bởi hàng nghìn turbine gió và tấm pin mặt trời.

Cho đến nay, ý tưởng này xét về kỹ thuật là bất khả thi, về kinh tế là rủi ro cao, nhưng nó vẫn được một số công ty trong lĩnh vực năng lượng tin tưởng. Tháng 3-2017, các công ty quản lý mạng lưới điện của Đan Mạch (Energinet) và của Hà Lan - Đức (Tennet), đã ký một biên bản ghi nhớ, nhằm phát triển một mạng lưới điện tái tạo khổng lồ ở Biển Bắc. Nếu thành công, dự án này xứng đáng là một trong những kiệt tác của nhân loại.

Quần đảo 6km2 bao phủ bởi turbine gió

Ngày 23-3-2017 tại Brussels, Energinet và Tennet đã được sự cho phép của Ủy ban châu Âu tham gia vào dự án có tên gọi là North Sea Wind Power (Điện gió ở Biển Bắc). Đây là một dự án đầy tham vọng, có khả năng thay đổi toàn bộ diện mạo của lưới điện châu Âu. Cụ thể, hai nhà khai thác điện trên muốn xây dựng một số hòn đảo nhân tạo ở Biển Bắc rồi lắp đặt các turbine gió và pin mặt trời, để cung cấp điện tái tạo cho nhiều quốc gia của châu Âu.

Những hòn đảo này, được gọi là Power Link Islands, được tưởng tượng như những trung tâm sản xuất điện. Những người xây dựng dự án tin rằng, những hòn đảo này có thể chứa đến 7.000 turbine gió và tấm pin mặt trời để tạo ra điện tái tạo rồi chuyển qua hệ thống cáp ngầm dưới biển đến Hà Lan, Đức, Vương quốc Anh, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ.

du an 7000 turbine gio kiet tac cua nhan loai
Dự án đảo nhân tạo với 7.000 turbine gió của Energinet và Tennet

"Xây dựng một hoặc nhiều đảo nhân tạo ở giữa Biển Bắc giống như một dự án khoa học viễn tưởng", Torben Glar Nielsen, Giám đốc kỹ thuật của Energinet, nhận định. "Nhưng điều đó có thể lại là một cách rất hay và đáng để suy nghĩ đối với các nước ở Biển Bắc khi tính đến việc đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai bằng điện tái tạo", ông Nielsen nói thêm.

Theo Energinet và Tennet, những hòn đảo Power Link Islands sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2050 ở rặng cát có tên gọi Dogger Bank, một khu vực khá nông ở Biển Bắc, nằm cách bờ biển Anh khoảng 100km.

Khu vực này có vẻ lý tưởng cho việc xây dựng các turbine gió ngoài khơi. Vì đây là khu vực không quá sâu (từ 15 đến 60cm) và có gió mạnh thổi ổn định quanh năm. Khu vực này từng là nơi “thèm muốn” của nhiều công ty năng lượng khác, trong đó có Tập đoàn Forewind. Tập đoàn này từng dự định xây dựng tại đây 4 trạm phong điện có công suất 1.200MW, mỗi trạm có 200 turbine sản xuất 4 terawatt (TWh) điện mỗi năm.

"Trong những năm gần đây, các turbine gió ngoài khơi ngày càng tỏ ra cạnh tranh hơn nhờ chi phí sản xuất và kết nối vào lưới điện giảm. Chúng ta cần những dự án quy mô lớn để giúp điện gió đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc cung cấp năng lượng trong tương lai", Peder Ostermark Andreasen, Giám đốc điều hành của Energinet, cho biết.

Điểm khởi đầu của sự hợp tác năng lượng châu Âu?

Các nhà tổ chức dự án này tin rằng, việc xây dựng các Power Link Islands có thể là điểm khởi đầu cho một sự hợp tác thực sự của toàn châu Âu, nhằm phát triển các nguồn tài nguyên tái tạo ở Biển Bắc. Một khi có nhiều quốc gia cùng lúc đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, sẽ giúp giảm đáng kể chi phí kết nối (bằng cách chia sẻ các chi phí xây dựng và đầu tư vào các turbine gió).

Energinet và Tennet cho biết, tổng công suất thiết kế cho dự án trên từ 70.000 đến 100.000MW, gấp 10 lần so với sản lượng điện hằng năm ở Đan Mạch.

Chi phí ước tính của dự án lên tới 1,5 tỉ euro, chưa tính chi phí kết nối. Hiện tại, Energinet và Tennet đang tìm kiếm giải pháp kỹ thuật và môi trường cho dự án đầy tham vọng của họ. Và họ hy vọng sẽ xây dựng một hòn đảo nhân tạo đầu tiên vào năm 2035 với sự giúp đỡ của các đối tác mới. "Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một liên minh mạnh mẽ các doanh nghiệp để chuyển đổi thành công lĩnh vực năng lượng của châu Âu từ hóa thạch sang tái tạo”, Mel Kroon, Tổng giám đốc của Tennet khẳng định.

S.Phương

  • el-2024