Đột phá trong hợp tác năng lượng Mỹ - Kazakhstan

07:00 | 08/11/2012

1,094 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mỹ và Kazakhstan vừa ký một thỏa thuận hợp tác toàn diện về năng lượng. Đây được coi là một nét son trong quan hệ giữa hai nước tuy nhiên bên cạnh đó, quan hệ Mỹ và Kazakhstan vẫn còn nhiều rủi ro.

 

 

Tại hội nghị mới đây của Ủy ban Quan hệ đối tác Năng lượng Kazakhstan - Mỹ ở Washington, trưởng phái đoàn Kazakhstan, Bộ trưởng Dầu khí Sauat Mynbayev, và Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Daniel Poneman đã ký một Kế hoạch Hành động Chung năm 2013-2014 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên 4 lĩnh vực: An ninh hạt nhân và Điện hạt nhân; các nguồn tài nguyên hydrocarbon, năng lượng thay thế và hiệu quả năng lượng; và điện lực.

Trên lĩnh vực năng lượng hạt nhân, hai chính phủ sẽ tăng cường biện pháp an toàn quốc tế, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và buôn lậu, tăng cường bảo đảm an ninh các nguồn phóng xạ, thiết lập một trung tâm đào tạo an ninh hạt nhân, hỗ trợ chuyển đổi các lò phản ứng nghiên cứu của Kazakhstan từ sử dụng urani đã làm giàu nồng độ cao thành urani đã làm giàu nồng độ thấp, và hợp tác phát triển một khung quốc tế mới về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự.

Liên quan đến hiệu quả năng lượng và năng lượng đổi mới, chính phủ hai nước sẽ hỗ trợ đào tạo chung và các dự án xây dựng năng lực để thúc đẩy các hệ thống quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng công nghiệp và lập bản đồ các nguồn năng lượng địa nhiệt của Kazakhstan.

Trong lĩnh vực khí đốt, Mỹ sẽ giúp Kazakhstan sử dụng rộng rãi công nghệ than sạch, phát triển khí đốt đá phiến và khí mêtan của các vỉ than, thông qua Sáng kiến Minh bạch Ngành công nghiệp Khai khoáng (EITI) và áp dụng các công nghệ giao thông vận tải trên cơ sở khí nén tự nhiên và than sạch.

Cuối cùng, Mỹ và Kazakhstan sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác để cải thiện trao đổi năng lượng khu vực, thúc đẩy cạnh tranh thị trường điện và tăng độ tin cậy của các hệ thống truyền tải điện. Trong quan hệ đối tác năng lượng với Washington, Astana tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ để đa dạng hóa các nguồn năng lượng và các con đường xuất khẩu dầu khí, hoàn thiện luật pháp và các quy định để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng cường các biện pháp an toàn và an ninh của khu vực năng lượng hạt nhân, thúc đẩy các công nghệ năng lượng đổi mới và tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh hợp tác điện khu vực và giảm khí thải mêtan cũng như các vấn đề môi trường khác.

Các mối quan tâm chiến lược của hai nước cũng tác động đến mối quan hệ đối tác năng lượng Mỹ - Kazakhstan. Mỹ hỗ trợ các hệ thống đường ống dẫn dầu gồm nhiều đường ống phù hợp với các mục tiêu của của Kazakhstan. Hai chính phủ nhất trí tầm quan trọng của đa dạng hóa đường ống dẫn dầu ở Trung Á, mặc dù Washington đang ép Astana tránh xuất khẩu năng lượng qua lãnh thổ Iran và khuyến khích xuất khẩu về hướng tây qua Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Kazakhstan đã tái cam kết hợp tác với Nga về các lợi ích năng lượng và kinh tế, đồng thời cũng tìm cách phát triển thêm các tuyến đường xuất khẩu dầu khí về phía đông đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một nhân tố gây căng thẳng với Mỹ là việc Kazakhstan tìm cách thay đổi các thỏa thuận hợp tác sản xuất dầu khí đã đàm phán với các công ty Mỹ kể từ khi Kazakhstan trở thành quốc gia độc lập. Các công ty Mỹ đã đổ các khoản đầu tư đầu tiên vào lĩnh vực dầu khí của Kazakhstan vào đầu thập niên 1990 khi năm 1992, Chevron và Kazakhstan đã ký thỏa thuận đầu tiên để thành lập một liên doanh phát triển khu vực dầu lửa tại Tengiz ở Tây bắc Kazakhstan, dọc vùng duyên hải đông bắc biển Caspi. Dù vậy, Kazakhstan vẫn tiếp tục phụ thuộc rất lớn các công ty năng lượng phương Tây, đặc biệt là về công nghệ, cho dù quan hệ đôi bên nhiều khi bị căng thẳng. Đầu những năm 1990, khi giá năng lượng thấp và Kazakhstan đang cần thu nhập, chính phủ nước này đã đưa ra các điều kiện hào phóng nhằm thu hút vốn và công nghệ của phương Tây. Nhưng từ khi giá dầu tăng trở lại vào năm 1999, Chính phủ Kazakhstan và các nước xuất khẩu năng lượng khác đã tìm cách đưa ra các điều kiện có lợi hơn cho các công ty quốc gia của họ. Cũng như nhiều nước sản xuất dầu lửa khác, các nhà lãnh đạo Kazakhstan ngày càng phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí để phát triển các kế hoạch đầy tham vọng của đất nước.

Các công ty Mỹ cho rằng, nếu không có chế độ ưu đãi thuế thì không công ty quốc tế nào đầu tư nhiều tỷ USD cần thiết để phát triển các khu vực dầu lửa lớn. Ngược lại, Kazakhstan cho rằng, một số công ty Mỹ đã giành được các thỏa thuận béo bở từ Chính phủ Kazakhstan trong thập niên 1990 và bây giờ họ tìm cách điều chỉnh hợp lý hơn. Tổng thống Nursultan Nazarbayev cũng ủng hộ việc điều chỉnh đó khi các công ty nước ngoài không đáp ứng thời hạn như đã đề ra và Kazakhstan bị thất thoát lợi nhuận. Gần đây hơn, ngày 3/9 vừa qua, Tổng thống Nazarbayev đã yêu cầu chính phủ tiến hành cân đối giữa lợi ích nhà nước và các công ty khai thác. Mặc dù xuất hiện nhiều bất đồng giữa Mỹ và Kazakhstan, nhưng các cơ hội thương mại thuộc khu vực dầu khí cũng như cách đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài của Kazakhstan tốt hơn nhiều nước mới độc lập giàu năng lượng khác, do đó hợp tác giữa Kazakhstan và Mỹ vẫn diễn ra suôn sẻ.

 Bộ trưởng Dầu khí Kazakhstan, Sauat Mynbayev

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Daniel Poneman

Tính đến tháng 10/2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ ở Kazakhstan tăng lên và chiếm 16,4% tổng nguồn FDI của nước này. Các công ty năng lượng lớn của Mỹ đang hoạt động ở Kazakhstan gồm ExxonMobil Corporation (công ty dầu lửa tư nhân lớn nhất thế giới, sở hữu 7,5% cổ phần của Côngxoócxiom Đường ốn dẫn dầu Caxpi, 16,81% khu vực dầu lửa Kashagan và 25% khu vực vực Tengiz); công ty dầu lửa Chevron (lớn thứ hai của Mỹ, sở hữu 15% Côngxoócxiom Đường ống dẫn dầu Caxpi, 50% khu vực dầu lửa Tengiz và 20% khu vực khí đốt Karachaganak); công ty ConocoPhillips (sở hữu 8,4% cổ phần của Kashagan và là công ty thăm dò dầu lửa hàng đầu ở Vịnh Caxpi). Ngoài ra, các nhà đầu tư Mỹ cũng có cổ phần lớn ở khu vực dầu lửa Kashagan của Kazakhstan - nơi có 5,4 nghìn tỷ tấn dầu với 1,7 nghìn tỷ tấn khí thu hồi; khu vực dầu lửa Tengiz có 3,1 tỷ tấn dầu với 0,75 tỷ -1,1 tỷ tấn khí thu hồi.

Với sự can dự trên, các rủi ro kinh tế và chính trị của việc duy trì mối quan hệ song phương mạnh mẽ Mỹ - Kazakhstan vẫn khá cao. Do đó, các tài liệu của Ủy ban Quan hệ Đối tác Năng lượng Liên chính phủ gần đây nhất của hai nước (lần thứ chín kể từ khi thành lập) chỉ nhấn mạnh tới điểm này. Khi Kazakhstan phát triển và tự tin là một cường quốc kinh tế khu vực, các cơ hội dành cho các công ty năng lượng phương Tây ở nước cộng hòa Trung Á này có thể trở nên ít hấp dẫn hơn. Nhưng triển vọng đầu tư sẽ tiếp tục có lợi nhuận và Kazakhstan sẽ tiếp tục đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với Mỹ trong nhiều thập niên tới.

 

Th.Long (Theo AFP, RIA)