Đột phá mới trong hợp tác năng lượng Mỹ - Trung Quốc

07:49 | 17/05/2017

811 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thỏa thuận thương mại mới được chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố cuối tuần trước, khí đá phiến Mỹ lần đầu tiên có thể sớm được chuyển sang Trung Quốc theo những hợp đồng dài hạn. Đây là sự thay đổi mang tính đột phá trong chính sách của Mỹ về xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang Trung Quốc.

Ngày 12-5 vừa qua, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại, được cho là sẽ giúp Mỹ giảm bớt mức thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vào cuối năm 2017. Một trong những nội dung đáng chú ý của bản thỏa thuận là Trung Quốc cho phép các công ty Mỹ được đưa mặt hàng khí hóa lỏng vào thị trường nước này. Đồng thời, thỏa thuận mới không những không hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận với các lô hàng khí đốt Mỹ, mà còn hoan nghênh Trung Quốc nhận hàng và tham gia các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp Mỹ.

dot pha moi trong hop tac nang luong my trung quoc
Một cảng xuất LNG của Công ty Năng lượng Cheniere

Đương nhiên, các công ty xuất khẩu năng lượng của Mỹ rất hồ hởi đón nhận cơ hội này.

Eben Burnham-Snyder, phát ngôn viên của Công ty Năng lượng Cheniere, một nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn của Mỹ cho biết, thỏa thuận đã “tăng cường và thúc đẩy các cuộc đối thoại về các hợp đồng dài hạn mới với Trung Quốc”. 15 tháng sau khi Cheniere vận chuyển lô hàng khí đá phiến đầu tiên, mang lại cơ hội trở thành nước xuất khẩu ròng nhiên liệu cho Mỹ vào năm tới, thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể giúp các nguồn cung khí đốt từ Mỹ lan tỏa đi khắp thị trường toàn cầu.

Trước đây, Cheniere đã vận chuyển 9 lô hàng từ cơ sở Sabine Pass tại Louisiana đến 5 cảng ở Trung Quốc trong năm qua và những hàng hóa đó đã được bán trên thị trường để giao hằng ngày, chứ không phải theo hợp đồng dài hạn. Cho nên, thỏa thuận mới đã đánh dấu sự thay đổi mang tính đột phá trong chính sách của Mỹ về xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang Trung Quốc.

Ông Scott Atha, Giám đốc chiến lược tiếp thị và thương mại LNG cho các dự án Bắc Mỹ tại Liquefied Natural Gas Ltd. cũng nhìn nhận: “Đây là một tuyên bố tích cực từ chính quyền Trump về ngành công nghiệp LNG. Công ty tôi đang phát triển Nhà máy Xuất khẩu LNG Magnolia ở Louisiana và thỏa thuận mang lại cho chúng tôi thêm niềm tin rằng, thị trường Trung Quốc có thể mở cửa cho các dự án của Mỹ”.

Wood Mackenzie đánh giá rằng, thỏa thuận này có thể mở đường cho một làn sóng đầu tư thứ hai vào các cảng LNG của Mỹ, kết nối nhà cung cấp LNG đang phát triển nhanh nhất thế giới này với thị trường tăng trưởng lớn nhất trên toàn cầu. Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành nước nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới khi nước này chuyển sử dụng năng lượng từ than đá sang các loại năng lượng sạch hơn. Đồng thời, hợp đồng với các nhà xuất khẩu LNG mà Trung Quốc đã ký kết vào đầu những năm 2000 sắp hết hạn và nước này sẽ tìm cách thay thế chúng bằng các mặt hàng LNG cạnh tranh nhất trên thị trường - đó là cơ hội cho các nhà cung cấp Mỹ - nước đang đẩy mạnh xuất khẩu nhờ sự bùng nổ trong khai thác dầu khí đá phiến. Ngoài ra, thỏa thuận cũng có thể hỗ trợ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các cảng xuất LNG ở Mỹ.

Không chỉ có các công ty Mỹ tìm thấy lợi ích mà phía Trung Quốc cũng đang tích cực tận dụng các cơ hội từ thỏa thuận nói trên.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV bên lề Diễn đàn “Một vành đai, một con đường” ở Bắc Kinh hôm 14-5, Chủ tịch Vương Nghi Lâm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết, để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ và khí đốt ngày càng tăng của Trung Quốc, nước này cần tăng tốc hợp tác với các nước có nguồn tài nguyên để phát triển các tài sản năng lượng. Ông Vương nói: “Mỹ có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt rất phong phú và trong bối cảnh Trung Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung cấp của mình, Mỹ dĩ nhiên sẽ là một trong những lựa chọn của chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như xây dựng, phát triển các cơ sở khí đốt hóa lỏng và vận chuyển khí đốt”.

Trung Quốc - nước sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới đang phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung dầu ở nước ngoài khi mà sản lượng trong nước của họ đã giảm mạnh. Một phần nguyên nhân của việc này là các công ty dầu khí nhà nước của họ - bao gồm cả Công ty PetroChina của CNPC - đã cắt giảm chi tiêu để đối phó với giá dầu giảm.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, mặc dù các công ty dầu mỏ của Trung Quốc đang tăng chi tiêu kết hợp lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua, nhưng có thể không đủ để ngăn chặn sự sụt giảm sản lượng dầu thô nội địa, đặc biệt là khi sự tập trung chuyển sang khí đốt tự nhiên. Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong quý I giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu đã tăng hơn 12% trong 4 tháng đầu năm 2017.

Linh Phương

  • el-2024