Đông trùng Hạ thảo: Cú lừa ngoạn mục?!

07:06 | 15/05/2016

1,866 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều năm nay, Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á vẫn coi Đông trùng Hạ thảo là vị thuốc quý hiếm, có khả năng bồi bổ và tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống tình dục, tăng cường khả năng miễn dịch... Mới đây một tờ báo điện tử đã đăng bài “Lật tẩy Đông trùng Hạ thảo” mới thấy Hội chứng đám đông là rất nguy hiểm.

"Đông trùng Hạ thảo” trong dược học truyền thống Trung Quốc và theo tuyệt đại đa số dược giả Trung Quốc chỉ là loại dược liệu phức hợp giữa một loài nấm có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis với ấu trùng của một loài bướm thuộc chi Thitarodes. Có tên “Đông trùng Hạ thảo” là mùa đông, nấm ký sinh trên ấu trùng làm nó chết vì bị lấy hết dinh dưỡng. Mùa hè ấm áp, nấm mọc ra khỏi xác ấu trùng như một ngọn cỏ, vì vậy mà được coi lưỡng vật (sâu mùa Đông, cỏ - thực chất là nấm - mùa Hè).

dong trung ha thao cu lua ngoan muc
Đông trùng Hạ thảo loại Cordyseps militaris (Nhộng trùng thảo)

“Đông trùng Hạ thảo” ở Trung Quốc có nhiều trên các đồng cỏ cao nguyên trên mực nước biển 3500 - 5000m như Tứ Xuyên, Thanh Hải, Tây Tạng, Vân Nam, Cam Túc. Tuy nhiên, do đặc tính sinh học của ngành phụ Nấm nang (Ascomycota - mà Ophiocordyceps sinensis chỉ là một chi trong ngành) nên ngành nấm này phân bố rộng khắp ở châu Á và châu Úc với trung tâm đa dạng là vùng Đông Á.

Mặt khác, có tới hơn 570 loài trùng thảo khác được hình thành theo cách ký sinh như vậy nhưng là các loại nấm khác, không phải Ophiocordyceps sinensis và phát triển trên cơ thể loại ấu trùng không phải Thitarodes. Riêng hai chi  nấm Ophiocordyceps và Cordyceps đã có khoảng 170 loài khác nhau và ở Trung Quốc đã tìm thấy khoảng 60 loài. Đến nay, mới chỉ nghiên cứu nhiều nhất về loài Ophiocordyceps sinensis và Cordyceps militaris

Văn bản ghi chép về “Đông trùng Hạ thảo” có tên “Bản thảo tùng tân” của Ngô Nghi đời Thanh viết năm 1757 mô tả: “Mùa Đông nằm dưới đất, thân như con tằm, có lông, chuyển động được; hè tới thì ngoi lên khỏi mặt đất, cả thân hóa thành thảo, nếu không thu lấy đến mùa Đông lại hóa thành sâu (trùng)”.

Sau này, nhiều sách Trung y ghi chép về “Đông trùng Hạ thảo”, trong đó có sách “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dược điển” xuất bản năm 1990... Tuy nhiên, BS Ngô Hải Vân, Chủ nhiệm khoa Nội Tổng y viện quân đội nhân dân Trung Quốc cho rằng, trong y tịch cổ Trung Quốc hầu như mọi thứ đều được coi là thuốc như móng tay, tro bếp... cả đến phân… và đều tìm thấy “công hiệu” nhất định trong thư tịch cổ, ý là ông nghi ngờ tác dụng của “Đông trùng Hạ thảo”.

Tạng dược sư danh tiếng Thanh Mai Nhiên Đinh ở châu Ngọc Thụ, Tây Tạng - vùng “Đông trùng Hạ thảo” nổi tiếng - khi trả lời phóng viên Tân hoa xã nói: “Trùng Thảo thường chỉ có tác dụng dẫn thuốc thôi”. Trong số hàng trăm bài thuốc nhiều vị (gọi là phức phương) dùng ở Viện Tạng y tỉnh Thanh Hải, chỉ duy nhất một phương thuốc dạng tễ dùng để chữa bệnh phụ khoa sử dụng “Đông trùng Hạ thảo”.

Trong cuốn Dược điển Tạng y “Cam lộ bản thảo minh kính” cũng chỉ ghi công hiệu của Đông trùng Hạ thảo như sau: “Cường thân, bổ thận, dùng trị liệu các bệnh về gan, mật”. Ông Trương Quý Quân - Chủ nhiệm khoa Trung dược sinh thuộc Đại học Trung y dược Bắc Kinh - cũng nói: Các phương thuốc Trung dược truyền thống rất ít sử dụng Trùng Thảo.

Theo các nhà nghiên cứu thì “Trùng thảo toan” (Cordycepic acid) được coi là thành phần công hiệu, có tính đặc trưng của “Đông trùng Hạ thảo”, thực ra chính là Mannitol - một loại đường có trong nhiều loại hoa quả và từ lâu đã điều chế được bằng phương pháp hóa học (thường dùng dạng dịch truyền để chống phù não khi chảy máu não do chấn thương sọ hay tai biến mạch não). Năm 1951, Cunningham, nhà khoa học Đức nghiên cứu ấu trùng bướm bị nấm Ascomycota (gồm 6 lớp) ký sinh nhưng không rữa nát, đã chiết xuất được hoạt chất Cordycepin gọi theo người Trung Quốc là “Trùng thảo tố”.

Năm 1960, tổng hợp được Cordycepin (phương pháp hóa học phòng thí nghiệm, không phải chất chiết xuất từ tự nhiên), nhưng đến nay chất này vẫn không được sản xuất công nghiệp để bán trên thị trường. “Trùng thảo tố” chủ yếu có được do nuôi Trùng thảo nhân tạo bằng nấm Cordyceps militaris. Hoạt chất Cordycepin chính là chất được các thương gia “tung hô” như thần dược của “Đông trùng Hạ thảo”.

dong trung ha thao cu lua ngoan muc
Đông trùng Hạ thảo loại Ophiocordyceps sinensis.

Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nhiều loại “Đông trùng Hạ thảo” không có “Trùng thảo tố”. Ông Đổng Thái Hồng, Phòng thực nghiệm trọng điểm quốc gia, Sở Vi sinh vật thuộc Viện Khoa học Trung Quốc khi được phỏng vấn nói: Qua nghiên cứu, phân tích, kiểm nghiệm các loại “Đông trùng Hạ thảo” thu hái từ các nơi khác nhau trên cao nguyên Thanh, Tạng, chúng tôi không tìm thấy, hay nói cách khác, hàm lượng “Trùng thảo tố” về cơ bản không có trong “Đông trùng Hạ thảo”.

Còn theo The Paper thì năm 2011, ông Vương Thành Thụ, Phòng Nghiên cứu sinh thái thực vật Viện khoa học Thượng Hải đã công bố kết quả nghiên cứu về cấu trúc gene của Trùng thảo, cho thấy nhóm gene của Ophiocordyceps sinensis trong “Đông trùng Hạ thảo” không sản sinh được “Trùng thảo tố” mà chỉ có loại nấm Cordyceps mới tạo ra được chất này.

Từ năm 1970 trở về trước, “Đông trùng Hạ thảo” ít được biết tới. Trong cuốn “Bản thảo cương mục” của danh y Lý Thời Trân (1513 - 1593), đời nhà Minh, Đông trùng Hạ thảo chỉ được xếp ngang với nhân sâm về công dụng chữa bệnh. Trong “Trung dược tam bảo”, nó là thứ dược liệu tầm thường nhất, xếp hạng cuối. Những năm 1960, tại Tây Tạng, 1kg “Đông trùng Hạ thảo” chỉ đổi được 2 gói thuốc lá giá 3 hào (Trung Quốc).

Đến thập niên 70, tại Thanh Hải, Tây Tạng, giá thu mua “Đông trùng Hạ thảo” của nhà nước là 21 tệ/kg. Năm 1974, tại châu Quả Lạc, Thanh Hải bất cứ “Đông trùng Hạ thảo” phẩm chất ra sao, giá cũng chỉ 28 tệ/kg. Trong môi trường hoang dã, tỷ lệ ấu trùng bướm bị nấm ký sinh rồi trở thành “Đông trùng Hạ thảo” rất thấp, vì vậy “Đông trùng Hạ thảo” trong thiên nhiên là rất hiếm; nuôi nhân tạo cũng kém thành công, năng xuất thấp, mỗi năm sản lượng toàn Trung Quốc chỉ từ 80 đến 150 tấn nhưng do nhu cầu ngày càng tăng nên giá cả “Đông trùng Hạ thảo” gia tăng chóng mặt.

Năm 1983, “Đông trùng Hạ thảo” loại tốt nhất giá 300 tệ/kg, trong khi giá Nhân sâm Trường Bạch sơn chỉ 60 - 80 tệ/kg - bằng tiền lương tháng của công nhân thu nhập trung bình.

Khoảng 1990, giá “Đông trùng Hạ thảo” tăng lên 1.000 tệ/kg, trong khi giá Nhân sâm còn 50 tệ/kg. Cách đây 23 năm “Đông trùng Hạ thảo” đột ngột tăng vọt giá trị thần dược do Mã Tuấn Nhân - huấn luyện viên đội tuyển chạy cự ly trung bình và dài của tỉnh Liêu Ninh tuyên bố thành tích cao của các vận động viên tại giải điền kinh thế giới lần thứ 7, năm 1993 ở Stuttgart (Đức) có nhân tố quan trọng là dùng “tinh chất ba ba Trung Quốc” và “Đông trùng Hạ thảo”. Tại giải điền kinh này Trung Quốc đoạt 12 huy chương vàng và trong một năm các VĐV điền kinh Trung Quốc có thêm 66 kỷ lục Trung Quốc, châu Á và thế giới.

Năm 1998, tác giả Triệu Du viết cuốn “Điều tra quân nhà Mã” nhưng bị gây áp lực, buộc phải cắt bỏ chương quan trọng nhất (Chương 14, tiêu đề “Thuốc ma làm hại quân nhà Mã”, gồm 30.000 từ). Lúc đó Cốc Khai Lai, vợ Bạc Hy Lai, Bí thư đương nhiệm tỉnh Đại Liên không chỉ lên tiếng ủng hộ Mã mà còn xuất bản sách tựa đề “Tôi lên tiếng cho Mã Tuấn Nhân”…

Năm 2009, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc Viên Vĩ Dân xuất bản sách “Viên Vĩ Dân và mưa gió giới thể thao” đã xác nhận, các vận động viên dưới quyền Mã đã sử dụng doping.

Theo điều tra của Triệu Du thì Mã ép họ dùng chất cấm. Có lẽ đây là lý do thành tích của quân nhà Mã “biến mất” trong Olympic Sydney 2000 và cả “Tinh chất ba ba Trung Quốc” lẫn “Đông trùng Hạ thảo” cũng mất dạng trên quảng cáo. Ngày 2.2.2016, trang tin Sports.qq đưa lại thông tin về cuốn sách “Điều tra quân nhà Mã” với đầy đủ chương 14...

Vì thế,  giữa thập niên 90, giá bán lẻ Trùng Thảo vọt lên 2000 tệ/kg, loại hạng nhất giá còn cao hơn. Năm 2003, khi dịch SARS hoành hành ở Trung Quốc, lan truyền tin đồn uống “Đông trùng Hạ thảo” có thể giúp tăng cường miễn dịch, trị được bách bệnh, chỉ sau một đêm “Đông trùng Hạ thảo” bỗng thành “thần dược”, lên cơn sốt với giá gây sốc:160.000 tệ/kg loại tốt nhất.

Từ đó, “Đông trùng Hạ thảo” thành hàng “sản phẩm bảo kiện xa xỉ”. Năm 2005, 2006, giá cả “Đông trùng Hạ thảo” tiếp tục tăng, đạt đỉnh cao vào năm 2007: loại lớn (2000con/kg) giá 200.000 tệ/kg (700 triệu VND). Năm 2008, do khủng hoảng tài chính, lượng tiêu thụ “Đông trùng Hạ thảo” giảm nghiêm trọng, giá giảm 40%.

Năm 2010, 2011, do ảnh hưởng bởi môi trường sinh thái và động đất, nhiều khu vực có “Đông trùng Hạ thảo” giảm sản lượng, có vùng tới 40%, lượng cung ít khiến giá lại tăng. Tháng 7-2011, giá vượt kỷ lục năm 2007. Tại Tây Tạng, loại 2200con/kg có giá 182.000 tệ/kg; loại 1.800 con/kg giá 210.000 tệ/kg. Từ đó về sau giá “Đông trùng Hạ thảo” tiếp tục tăng một cách từ từ. Theo “Nam Phương nhật báo”, sản lượng giảm và găm hàng là nguyên nhân quan trọng khiến giá “Đông trùng Hạ thảo” tăng.

Từ 2015 sang 2016, giá “Đông trùng Hạ thảo” Trung Quốc liên tục giảm. Trùng thảo Thanh Hải loại 2000 con/kg giảm từ 218.000 tệ/kg (tháng 4.2015) xuống 186.000 tệ/kg hiện nay; ở Tây Tạng giá cũng từ 210.000 tệ/kg giảm còn 160.000 tệ/kg. Tuy giảm chút ít nhưng 40 năm qua, giá “Đông trùng Hạ thảo” đã tăng cả vạn lần, đặc biệt giá loại “Cực thảo 5X” còn rất khủng. Một lọ “Cực thảo 5X” nguyên chất có 45 viên (0,35g/viên) bán tới 16.900 tệ, tính ra mỗi kg giá 1.000.000 tệ (khoảng 3,5 tỷ VND)… 

Bài học “chó Nhật” 100% Bắc Kinh vào thập kỷ 80 có lẽ còn chưa đủ xót xa hay sao mà giờ lại Đông trùng Hạ thảo!? Có lẽ cái Hội chứng đám đông của ta đã thành mãn tính, nói như người Trung Quốc là “bệnh vào đến cao hoang” không chữa được.

BS Văn Bình

Công an nhân dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.