Đồng tính lên phim: Chơi dao hai lưỡi?

11:30 | 04/04/2015

2,053 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Cầu vồng không sắc” là bộ phim mới nhất khai thác đề tài tình yêu đồng tính vừa ra mắt công chúng. Giữa trào lưu “nhà nhà làm phim đồng tính”, đây là bộ phim hiếm hoi nhận được thiện cảm của khán giả lẫn cộng đồng LGBT (L - Lesbian: đồng tính nữ; G - Gay: đồng tính nam; B - Bisexual: song tính và T - Transgender: người chuyển giới).

Trước đó, "Để Mai tính 2" cùng rất nhiều phim khác phải hứng chịu không ít "gạch đá" của dư luận. LGBT có thật là đề tài hấp dẫn của nghệ thuật thứ 7 hay nó chỉ là con dao nhiều lưỡi làm không ít đạo diễn, nhà sản xuất “đứt tay”?

Chủ đề ăn khách

Đề tài đồng tính, chuyển giới trên màn ảnh Việt không còn xa lạ với khán giả. Khoảng chục năm trở lại đây, đã có nhiều phim đưa nhân vật đồng tính, chuyển giới lên màn ảnh như: "Gái nhảy", "Trai nhảy" , "Những cô gái chân dài", "Hồn Trương Ba, da Hàng thịt", "Chơi vơi", "Cưới ngay kẻo lỡ"… Thế nhưng, nhân vật của thế giới thứ ba còn mờ nhạt, chủ yếu chỉ đóng vai phụ, chấm phá điểm qua để gây ấn tượng cho phim.

Diễn viên Mai Thu Huyền (giữa), đại diện cho đoàn làm phim "Lạc giới" nhận giải thưởng tôn vinh của cộng đồng LGBT.

Đến "Cảm hứng hoàn hảo", "Nàng men, chàng bóng", "Hotboy nổi loạn" … thì chủ đề đồng tính mới được xoáy sâu. Cuối năm 2014, dòng phim về đề tài LGBT có hai dấu mốc: "Lạc giới" là bộ phim đầu tiên khai thác về đề tài song tính;  "Để Mai tính 2" là bộ phim đầu tiên để nhân vật chuyển giới (chị Hội) trở thành nhân vật trung tâm.

Đặc biệt, năm 2014 và đầu năm 2015 cũng là giai đoạn mà đề tài về cộng đồng LGBT được nhìn nhận khá nghiêm túc, cởi mở. "Lạc giới" là phim tâm lý, lãng mạn kể về cuộc tình tay ba rất đẹp, đầy dằn vặt của Trung. Đó là mối tình dị tính của Trung với nữ y tá Kim và mối tình đồng tính của anh với Hải.

"Scandal 2: Hào quang trở lại" khiến khán giả bất ngờ khi kết thúc hé mở một mối tình đồng tính nữ đầy nước mắt, nguyện sống chết vì nhau. "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" lại là một cách khai thác hoàn toàn khác. Cuộc sống vất vưởng, rong ruổi theo đoàn hát lô tô của những người chuyển giới mà người ta thường gọi là pê-đê, trong đó chị Phụng là nhân vật chính, được thể hiện chân thực dưới hình thức một bộ phim tư liệu. Sống giữa xã hội kỳ thị, mưu sinh tạm bợ qua từng đêm lô tô nhưng họ biết đùm bọc, yêu thương nhau và  ấp ủ khát khao cháy bỏng về một hạnh phúc riêng tư...

Riêng "Cầu vồng không sắc" là một bản tình ca đẹp đầy bi thương của hai chàng trai yêu nhau say đắm nhưng định kiến của gia đình khiến họ vĩnh viễn không đến được với nhau. Một người điên, một người chết. Tiếng thét đầy ác cảm, kinh tởm và đau đớn của bà mẹ (Kim Khánh đóng) vào mặt đứa con trai đồng tính (Thanh Tú đóng): "Với tôi, pê đê là một loại bệnh!" . Như cách gián tiếp nói với khán giả rằng: đồng tính không phải là bệnh!

"Để Mai tính 2" của đạo diễn Charlie Nguyễn là phim hài. Đây là có thể xem là phần ngoại truyện của "Để Mai tính" năm 2008. Tuy chỉ là vai phụ nhưng chị Hội - nhân vật "bóng lộ" - lại gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Hội thậm chí còn được khán giả nhắc đến nhiều hơn hai nhân vật chính của Kathy Uyên và Dustin Nguyễn. Chính vì vậy, Charlie Nguyễn và Thái Hòa quyết định làm một bộ phim mà nhân vật Hội là vai chính. 

Chủ đề về cộng đồng LGBT luôn là đề tài hấp dẫn cho người làm nghệ thuật. Bởi trước hết so với các đề tài khác đây là mảnh đất màu mỡ còn nhiều góc khuất để người làm phim tha hồ tìm tòi, sáng tạo. Không phải khán giả nào cũng hiểu đồng tính, song tính là gì, người chuyển giới khác người đồng tính như thế nào? Tình yêu cùng giới khác tình yêu nam nữ ra sao? Do đó khai thác đề tài này, người làm nghệ thuật đang giúp khán giả tiếp cận và hiểu hơn về cộng đồng LGBT vốn sống khép kín, ít sẻ chia với xã hội.

Với nhà làm phim giải trí, muốn gây sốt phòng vé thì đề tài này là "mồi câu" lý tưởng khi nó luôn bí ẩn với công chúng, khiến họ không khỏi tò mò. Vậy nên mặc dù "Để Mai tính 2" bị chê là thảm họa và ra về trắng tay tại giải Cánh Diều 2014 nhưng nó vẫn làm "bùng nổ" phòng vé với doanh thu kỷ lục 90 tỉ đồng. Còn với người làm phim nghệ thuật, những điều mới lạ gắn với hiện thực đời sống là chất liệu tuyệt vời giúp họ thăng hoa đồng thời đưa tác phẩm của mình chạm vào hơi thở đương đại, nhân văn.

Có lẽ vậy mà các bộ phim về đề tài đồng tính gửi đến tham dự Oscar 2015 chiếm số lượng áp đảo.  Rất nhiều bộ phim về đề tài đồng tính đã được ghi nhận, đánh giá cao. Chẳng phải vậy mà bộ phim đồng tính nữ "Blue is the Warmest Colour" của Abdellatif Kechiche đã giành giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2013 hay "Brokeback Mountain" (phim đồng tính nam, đạo diễn Lý An) "càn quét" các giải thưởng Oscar, Quả Cầu Vàng… đó sao? Tại giải Cánh Diều 2014 của Hội Điện ảnh Việt Nam, lần đầu tiên một bộ phim về thế giới thứ ba lên ngôi: "Lạc giới" giành giải Cánh Diều Bạc và diễn viên Trung Dũng đoạt giải nam diễn viên chính xuất sắc hạng mục phim điện ảnh.

Huỳnh Minh Thảo, Quản lý Diễn dàn "Táo xanh" (một diễn đàn tự lập tập trung người đồng tính nam) kiêm Quản lý truyền thông của Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền cho người LGBT Việt Nam) cho rằng đề tài về giới LGBT nở rộ trong nghệ thuật những năm gần đây là xu hướng tất yếu, phản ánh hiện thực xã hội. "Bây giờ cái nhìn của xã hội cũng thoáng hơn trước. Đây là cơ hội để những nhà làm phim tận dụng, mạnh tay khai thác đề tài vốn bị cho là nhạy cảm này. Không chỉ trong giới nghệ thuật mà ở hầu hết các lĩnh vực, người LGBT vẫn luôn hiện hữu và ngày càng có cuộc sống tích cực, cởi mở. Đó chắc chắn là nguồn cảm hứng để phim về đề tài này ra đời".

Dễ lâm cảnh "nhất bên trọng…"

Lâu nay, các bộ phim Việt khai thác về đề tài đồng tính đa phần đều bị cộng đồng LGBT "ném đá". Nhiều phim ăn theo phong trào này chỉ chú tâm khai thác theo hướng lệch lạc, gây cười. 

Thông thường, phim dở sẽ bị "ném đá" và phim tạm ổn sẽ được sự đồng thuận đông đảo. Tuy nhiên, với "Để Mai tính 2", chính cộng đồng LGBT lại chia làm hai nhóm: nhóm phản đối và nhóm bảo vệ. Nhóm phản đối đã thực hiện một chiến dịch tẩy chay "Để Mai tính 2" trên Facebook. Họ cho rằng, bộ phim đã lạm dụng người chuyển giới một cách phản cảm để gây cười như "truyền thống" của phim Việt bấy lâu nay. Kể từ phim "Gái nhảy", công chúng đã quá quen với kiểu "bóng lộ", đồng tính ẻo lả, nói năng ỏn ẻn hoặc chanh chua, ăn mặc diêm dúa và trang điểm lòe loẹt trong khi râu ria lồm xồm để "thọc lét" khán giả.

Ngoài ra, các phim thường xây dựng theo kiểu nam đồng tính rất "khoái" trai đẹp và thể hiện tình cảm đó một cách lố bịch. Ngoài điệu bộ, hành động bị cho là lố của chị Hội, cảnh bị lên án nhất trong "Để Mai tính 2" chính là khi chị Hội bị tạm giam vào buồng nam. Chị Hội hốt hoảng đòi chuyển sang buồng giam nữ. Nhưng khi phát hiện buồng giam này có một anh chàng điển trai, chị Hội liền thay đổi ý định. Nhóm phản đối cho rằng khai thác ẩn ức tình dục của người đồng tính, chuyển giới theo cách đó đã khắc sâu sự kỳ thị của xã hội, khiến không ít người nghĩ  sai lệch rằng giới LGBT ai cũng có ham muốn trơ trẽn như thế.

Còn bên bảo vệ nói rằng đây là phim hài chứ không phải phim chính kịch, tài liệu tả thực. Đã là phim hài thì nhân vật phải có những hành động gây cười dù nhân vật đó có là người dị tính, đồng tính hay chuyển giới. Hình tượng nghệ thuật thì đâu có nhất thiết phải là người thực?

Nhân vật chị Hội trong "Để Mai tính 2" từng hứng chịu sự phản ứng dữ dội của cộng đồng LGBT.

Nguyễn Hải Yến, một người đồng tính nữ, thành viên của Trung tâm ICS kể: "Nhiều bạn bè của tôi sau khi xem xong những bộ phim có yếu tố đồng tính, chuyển giới, ra khỏi rạp là nghe khán giả bàn luận những câu như: "Ồ, hóa ra người đồng tính, chuyển giới rất thích và dễ dãi trong quan hệ tình dục?". Đó là suy nghĩ lệch lạc, chưa khách quan. Khi nó được truyền tải qua những tên tuổi có tầm ảnh hưởng như đạo diễn, diễn viên thì ý kiến chủ quan trên lại được coi là tiếng nói chung".

Huỳnh Minh Thảo có góc nhìn nhẹ nhàng hơn: "Tôi thấy "Để mai tính 2" khá rời rạc, không hay. Tuy nhiên, cần hỏi vì sao khán giả lại yêu thích nhân vật Hội, thậm chí nhiều người thuộc cộng đồng LGBT còn đánh giá chị Hội dễ thương, mang lại cái nhìn thiện cảm cho cộng đồng LGBT? Về nhóm lên tiếng, "nhặt sạn", tôi nghĩ chúng ta chỉ nên tập trung lên tiếng về cái xấu, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực thế nào với nhận thức xã hội, chứ không nên đàn áp cả sự yêu quý của khán giả dành cho chị Hội. Đó mới là cách giúp mọi người thấy được mặt tiêu cực và góp ý nhẹ nhàng cho diễn viên, đạo diễn thay vì công kích.

Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn, chính Charlie Nguyễn còn nhầm lẫn nhân vật Hội là người đồng tính hay chuyển giới. Tôi xem đây là một sự thiếu hụt thông tin đáng lo ngại. Chính vì vậy, việc lên tiếng của cộng đồng LGBT vừa qua cũng là cách cảnh báo cho những nhà làm phim muốn khai thác về đề tài LGBT nhưng lại chưa tìm hiểu một cách thấu đáo".

Nghệ thuật qua thấu kính không phẳng

Không hiểu về cộng đồng LGBT nên nhiều phim có cái nhìn lệch lạc về người đồng tính. Tiêu biểu như "Cảm hứng hoàn hảo" kể về một chàng đồng tính được ba chị gái của mình "chữa bệnh" bằng cách ăn mặc hở hang để đánh thức nam tính. Còn "Nàng men, chàng bóng" thì kể chuyện chàng Ẽo Ợt vô tình "hết bệnh đồng tính" khi được con gái hôn. 

Một cảnh trong phim “Cầu vồng đơn sắc”.

Từng lên tiếng xin lỗi cộng đồng LGBT vì câu thoại phản cảm "Nếu là chó pêđê sẽ đi kiểu gì, sủa ra sao? Chó ô-môi sẽ đi ra sao, sủa như thế nào?" (phim "Tèo em"), diễn viên Thái Hòa than: "Mỗi lần đảm nhiệm vai đồng tính, chuyển giới, đặc biệt là phim hài như "Cưới ngay kẻo lỡ", "Để Mai tính 1 và 2", tôi như người đi trên dây. Họ là những người rất nhạy cảm. Dù trước khi quay "Để Mai tính 2", chúng tôi đã tham khảo ý kiến của những người trong cộng đồng này để chỉnh sửa kịch bản, nhưng đến khi phim ra lò vẫn gặp sai sót". Làm phim về giới nào thì cũng phải có cái nhìn toàn diện về đối tượng phản ánh. Có hiểu thì mới hy vọng có những tác phẩm điện ảnh đi sâu được vào đời sống, có sức sống của riêng nó chứ không phải bằng những chiêu trò lăng xê, mẹo vặt câu khách.

Mặc dù phim về đề tài chuyển giới đang được sự ghi nhận nhất định của các nhà phê bình điện ảnh trong nước, thế nhưng họ vẫn chỉ xoay quanh các đánh giá chung chung như: có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Các ý kiến phê bình vẫn tránh đề cập, nhận xét sâu về nội dung, đề tài của phim. Chẳng hạn như "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" có nội dung trội hơn hình thức thể hiện, từng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, thì chỉ nhận được bằng khen của Hội Điện ảnh tại giải Cánh Diều 2014.

Điều này cũng dễ hiểu vì đề tài về LGBT tuy hấp dẫn nhưng rất nhạy cảm. Có lẽ các nhà làm phim nên khai thác đề tài này theo hướng bình đẳng như mọi đề tài khác, có thể nó giúp phim thêm éo le, hấp dẫn nhưng không nên tô đậm vào yếu tố này để câu khách vì rất dễ gây phản cảm. Ngay cả với phim hài, nhân vật đó cũng cần phải được khắc họa bình đẳng, nhân văn chứ  không đơn thuần chỉ là mua vui rẻ tiền.

Theo ANTG

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.