Dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán vẫn còn hạn chế

09:35 | 20/06/2011

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
VNIndex đã có một tuần giảm nhẹ và chỉ có một phiên tăng mạnh duy nhất trong tuần. Trong cả tuần giao dịch, VNIndex để mất 7 điểm, nhưng vẫn duy trì được thanh khoản ở mức cao.

Nến tuần của VN-Index tạo thành mô hình con trụ (spinning top), một dạng mô hình báo hiệu lực tăng giá tạm thời chững lại. Trên phương diện kỹ thuật, thị trường đang phải “hứng chịu” áp lực bán tương đối lớn sau đợt sóng tăng mạnh thời gian trước đó.

Về mặt thanh khoản, thị trường tiếp tục có một tuần giao dịch với thanh khoản duy trì mức cao kỉ lục khi có tới gần 490 triệu đơn vị cổ phiếu trên 2 sàn được chuyển nhượng và 208 triệu đơn vị tính riêng trên sàn HSX. Trong tuần qua xuất hiện dấu hiệu nhà đầu tư nước ngoài tăng cường giao dịch mạnh và tăng mạnh bán ròng trên HSX khi giá trị bán ròng trong tuần lên tới 106,7 tỉ đồng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều dấu hiệu giao dịch cho thấy việc mua – bán trong cùng một phiên và giao dịch ngắn hạn đang được giới đầu tư đẩy mạnh thực hiện, cũng là một nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường tăng đột biến.

Khối ngân hàng: Thanh khoản có dấu hiệu cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề lo ngại

Trên thị trường tuần qua, lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại (NHTM) có dấu hiệu hạ nhiệt nhẹ. Điều này chứng tỏ thanh khoản của ngân hàng có dấu hiệu cải thiện tốt. Tuy nhiên, một số chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng cho rằng, chưa thể khẳng định được một xu hướng tích cực đang diễn ra khi mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải thực hiện đúng quy định về mức lãi suất huy động tối đa bằng VND là 14% và các TCTD phải tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Định hướng của NHNN cũng ủng hộ việc các NHTM cố gắng hạ thấp mặt bằng lãi suất cho vay.

Với sự đinh hướng và quản lý chặt chẽ của NHNN, cùng với thanh khoản khối NHTM phần nào được cải thiện thì mặt bằng lãi suất có khả năng giảm nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối lo ngại đối với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), đó là: Nhiều NHTM đã cận room tín dụng. Đến thời điểm hiện tại, đã có trên chục NHTMCP có tăng trưởng tín dụng gần chạm mốc 20%, cá biệt có 2 trường hợp tăng trên 20%. Gần tới hạn cuối cùng cho việc hạ dư nợ tín dụng phi sản xuất xuống mức dưới 22%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng cho bất động sản và chứng khoán của các NHTM vẫn là một con số khổng lồ.

Vĩ mô: CPI có thể sẽ bắt đầu hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn thận trọng

Chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục chiều hướng thắt chặt. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 922/CT-TTg với chủ trương và mục tiêu năm 2012 là tăng trưởng kinh tế 6,5%, tiếp tục chính sách tài khóa thắt chặt, kiềm chế lạm phát, ổn định tỉ giá và tăng dần dự trữ ngoại hối.

Đối với TTCK, một số chuyên gia cho rằng, áp lực bán giải chấp vào cuối tháng 6 có thể không quá lớn như giới đầu tư e ngại do khối dư nợ này đã liên tục được thu hồi suốt thời gian qua. Tuy nhiên, con số dư nợ này vẫn còn khá lớn và với chính sách thắt chặt tiền tệ, dòng tiền chảy vào TTCK vẫn còn bị hạn chế rất nhiều.

Nhận định TTCK tuần tới

TTCK vẫn còn trong thời kì chuẩn bị chốt số liệu cho báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết. Những dấu hiệu giao dịch cho thấy có nhiều nét tương đồng so với thời kỳ tháng 12-2010. Phiên cuối tuần đã có nhiều dấu hiệu dòng tiền trong thị trường bị suy yếu và dấu hiệu cho thấy khối ngoại có thể vẫn còn tiếp tục bán ròng, tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn duy trì được ở mức khá cao. Trong tuần tới, thị trường có thể tiếp tục dao động với thiên hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên sự phân hóa có thể vẫn tiếp diễn mạnh mẽ và một số mã cổ phiếu vẫn nhận được sự hỗ trợ mạnh của dòng tiền do nhu cầu “đỡ NAV” của các tổ chức đầu tư tài chính còn kéo dài tới hết tháng 6.

Phạm Bình – Đào Dương