Đạo diễn Trần Chí Thành:

Dòng phim Nhà nước đã hoàn thành sứ mệnh tuyên truyền

16:46 | 12/04/2017

1,310 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù giải Cánh diều Vàng 2016 đã khép lại, nhưng với những người quan tâm đến điện ảnh nước nhà thì luôn đau đáu với câu hỏi lớn: Hướng đi nào cho phim Nhà nước trong khi các hãng phim tư nhân phát triển ngày càng mạnh mẽ...?

Liên quan đến vấn đề này, PV Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Trần Chí Thành (đạo diễn phim "Ngự lâm không kiếm", bộ phim đã được phát sóng trong khung giờ vàng phim Việt trên kênh VTV1) về sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim tư nhân.

dong phim nha nuoc da hoan thanh su menh tuyen truyen
Đạo diễn Trần Chí Thành (ảnh nhân vật cung cấp)

PV: Thưa đạo diễn, ông có nhận xét gì trước hiện trạng dòng phim Nhà nước đang “lép vế” trước phim tư nhân?

Đạo diễn Trần Chí Thành: Có thể nói, dòng phim Nhà nước đã hoàn thành sứ mệnh phục vụ tuyên truyền và đang dần chuyển biến để theo kịp thị trường. Nhưng do từ lâu nay với cách sản xuất phim theo quy trình cũ (Nhà nước tài trợ, đặt hàng các hãng phim sản xuất những bộ phim với những đề tài đã được định trước, đa số nhằm mục đích tuyên truyền hoặc phục vụ những ngày lễ lớn) thì nhiều khi là đề tài rất khô cứng, các bộ phim ít có giá trị nghệ thuật cao và hướng đến khán giả. Đó cũng là lý do tại sao nhiều phim Nhà nước khi đem ra chiếu thì rất ít người xem.

Hiện nay, theo chủ trương của Nhà nước, tất cả các hãng phim đều phải cổ phần hóa và không còn việc Nhà nước đặt hàng các hãng phim. Tất cả các hãng phim với quy trình sản xuất phim cũ đã rơi vào cảnh khủng hoảng, không có phim đặt hàng, không có nguồn vốn để đầu tư sản xuất phim nên hệ quả tất yếu là các hãng phim không đủ khả năng sản xuất phim nữa. Điều đó lý giải cho việc vắng bóng phim Nhà nước tham dự giải Cánh diều 2016.

PV: Theo đạo diễn, vì sao phim Nhà nước được đặt hàng với chi phí lớn, thời gian nhiều song doanh thu lại thấp và ít người xem?

Đạo diễn Trần Chí Thành: Theo tôi, phim Nhà nước được đặt hàng cùng chi phí lớn do đa số là làm về đề tài chiến tranh cách mạng, hoặc kỷ niệm các ngày lễ lớn nên mang nặng tính tuyên truyền, nội dung và đề tài được kiểm duyệt kỹ lưỡng, đôi khi bị bó buộc, cứng nhắc nên có thể làm khó các nhà sáng tác. Phim Nhà nước không được tự do thể hiện những sáng tạo, những cái mới của mình để phục vụ khán giả nên dòng phim này đa số là khô cứng không theo kịp thời đại.

dong phim nha nuoc da hoan thanh su menh tuyen truyen
Một cảnh trong phim "Ngự lâm không kiếm" của đạo diễn Trần Chí Thành

PV: Kịch bản, kinh phí tài trợ hay kế hoạch quảng bá… có phải lực cản lớn khiến phim Nhà nước kém phát triển?

Đạo diễn Trần Chí Thành: Theo tôi, phim Nhà nước cần phải học hỏi lại cách tiếp cận khán giả của các hãng phim tư nhân. Qua đó có những quy chế, định hướng phù hợp cho từng tác phẩm, từng đề tài. Vấn đề cốt lõi là cách nhìn nhận khi sản xuất một bộ phim. Nó là một mặt hàng thuần túy cần được thu lời. Yếu tố khán giả luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Qua đó, đội ngũ sáng tác phải luôn tiếp cận gần nhất với khán giả, kịp thời cho ra đời những bộ phim hợp với thời cuộc, kể cả những dòng phim giải trí và những dòng phim mang tính nghệ thuật, hay tuyên truyền thì phải đảm bảo được tính phổ cập cao được số đông khán giả chấp nhận. Đó là điều kiện tiên quyết để vực dậy dòng phim Nhà nước.

PV: Ngược lại với sự èo uột của phim Nhà nước là sự lớn mạnh của dòng phim tư nhân. Theo đạo diễn, lý do nào khiến phim tư nhân phát triển và thu hút khán giả đến vậy?

Đạo diễn Trần Chí Thành: Những năm gần đây, một loạt các hãng phim tư nhân được mở ra, kèm theo đó là sự nở rộ số lượng phim do các hãng phim tư nhân sản xuất với nhiều đề tài đa dạng, phong phú nhằm thu hút khán giả đến xem. Những bộ phim tư nhân này với quy trình sản xuất phim mới, tiếp cận với công nghệ hiện đại nhằm cố gắng thỏa mãn nhu cầu xem phim của khán giả, họ đã nắm bắt thị trường, thị hiếu của khán giả để cho ra những bộ phim mang hơi thở cuộc sống đương đại. Nhưng vì phim ảnh cũng là một mặt hàng kinh doanh mà khi họ bỏ tiền ra thì họ phải tính thu lại lợi nhuận nên bắt buộc những nhà sản xuất phải tính đến yếu tố câu khách để thu lời nhiều khi là bất chấp, bỏ qua tính nghệ thuật trong một bộ phim.

Những nhà sản xuất phim tư nhân khi bắt tay vào một tác phẩm, họ luôn tính đến yếu tố khán giả trước tiên, xem thị hiếu, nhu cầu, của từng lứa tuổi khán giả xem phim và sau đó mới đặt bút viết kịch bản. Chính vì vậy, phim tư nhân luôn theo kịp được thời cuộc, họ nắm bắt rất nhanh và kịp thời cho sản xuất những bộ phim phù hợp với thị hiếu của khán giả. Tuy rằng có những bộ phim được đánh giá là hài nhảm, không có tính nghệ thuật nhưng những bộ phim đó vẫn có khán giả riêng của nó. Vì việc thu lại vốn và có lãi khi sản xuất một bộ phim là điều kiện sống còn đối với một hãng phim tư nhân.

dong phim nha nuoc da hoan thanh su menh tuyen truyen
Một cảnh trong phim "Sài Gòn, Anh yêu em". Phim đạt giải Cánh diều Vàng 2016.

PV: Có ý kiến cho rằng dòng phim tư nhân ngày càng nhiều yếu tố giật gân, câu khách, nội dung mang tính giải trí cao hơn chiều sâu nghệ thuật. Đạo diễn nghĩ sao về nhận định này?

Đạo diễn Trần Chí Thành: Điều này rất dễ hiểu vì họ phải làm mọi cách để kéo khán giả tới xem và để thu lại được lợi nhuận thì thị hiếu của từng đối tượng khán giả được họ nghiên cứu khá kỹ trước khi sản xuất phim. Chính vì vậy, nếu tinh ý cứ xem xu thế của dòng phim này là đoán được thời điểm đó đối tượng khán giả hay đến rạp là già hay trẻ. Hiện tại, các bộ phim làm ra chủ yếu dành cho giới trẻ vì họ đang là những đối tượng tích cực đến rạp nhất và hiển nhiên nhu cầu thưởng thức một bộ phim của đối tượng này cũng thoáng hơn và mang nhiều tính giải trí hơn.

PV: Việc phim tư nhân lấn át phim Nhà nước, có phải là quy luật tất yếu không?

Đạo diễn Trần Chí Thành: Đó là điều chắc chắn khi các hãng phim Nhà nước cũng đang trên đường cổ phần hóa, có nghĩa là cũng tư nhân hóa để gia nhập cuộc chơi thị trường, cũng đồng nghĩa là sẽ không còn hãng phim Nhà nước nữa. Nó sẽ tạo ra sự bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng phim để kinh doanh mặt hàng đặc thù này thì yếu tố khán giả và lợi nhuận sẽ luôn được đặt lên hàng đầu.

PV: Theo đạo diễn, cổ phần hóa liệu có phải là con đường duy nhất để cứu phim truyện Nhà nước?

Đạo diễn Trần Chí Thành: Theo quy định của nhà nước thì bắt buộc các hãng phim phải cổ phần hóa. Tôi cho đó là điều tốt để các hãng phim tự mình vực dậy tìm cách để cho ra những bộ phim hợp với thị hiếu, có khán giả và thu lại lợi nhuận. Qua việc cổ phần thì quy trình làm phim cũng cần được đổi mới để theo kịp các hãng phim tư nhân và cho ra đời những tác phẩm chất lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn đạo diễn!

Xuân Hinh - Đinh Hương (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.