Đòn hiểm của phương Tây nhằm vào Nga?

11:32 | 18/01/2016

13,197 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận cho Iran vào ngay thời điểm này có phải nhằm mục đích “dìm chết” nước Nga bằng giá dầu?
don hiem cua phuong tay nham vao nga
Ngoại trưởng Iran Zarif (trái), giám đốc AIEA Amano, và lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini, tại Vienna, ngày 16/1/2016

Iran được gì?

Ngày 16/1, Mỹ và Liên minh châu Âu cùng thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận với Iran sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran tôn trọng tất cả các bổn phận, bảo đảm chương trình hạt nhân hoàn toàn là dân sự.

Như vậy xung khắc kéo dài 13 năm giữa Iran và cộng đồng quốc tế đã kết thúc. Từ ngày 17/1, lệnh cấm vận Iran lập tức được bãi bỏ từng bước một, và sẽ chấm dứt hoàn toàn trong thời hạn 10 năm.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ giúp người dân Iran, trước hết là tái lập quan hệ ngân hàng và tài chính với thế giới. Họ được quyền gửi và nhận tiền, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa một cách dễ dàng hơn. Quan trọng nhất là Teheran có thể tiếp tục xuất khẩu dầu hỏa, mà lệnh cấm vận đã làm sụt giảm đến 60%.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm qua nói rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này đang bước sang một “chương mới” trong lịch sử, đồng thời hoan nghênh việc chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế vì các hoạt động hạt nhân của Iran.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn báo giới tại thủ đô Tehran, Thứ trưởng dầu mỏ của Iran là Amir Hossein Zamaninia cho biết đất nước vùng Vịnh này đang hướng đến mục tiêu ngay lập tức xuất khẩu khoảng 500.000 thùng dầu mỗi ngày. Iran cũng có kế hoạch bổ sung thêm một nửa triệu thùng nữa trong vài tháng tới.

Vấn đề là tình trạng dầu lửa hiện nay xuống giá, dưới mức 30 USD mỗi thùng, có thể làm cho chiến thắng ngoại giao của Iran thành mật đắng. Thật vậy, chính phủ Iran sẽ thiếu rất nhiều tiền để phục hưng nền kinh tế.

Ngoài việc được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Iran nay có thể tiếp cận hàng tỷ USD tài sản đã bị đóng băng trong các ngân hàng ở nước ngoài suốt nhiều năm qua.

Tại sao vào thời điểm này?

Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận Iran chỉ là thủ tục sau khi nhóm P5+1 (gồm Mỹ và những thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Đức và Liên minh châu Âu) cùng Iran thông qua thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Tehran vào tháng 7/2015. Theo đó, Iran sẽ ngưng toàn bộ chương trình hạt nhân quân sự để đổi lấy việc các cường quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Ngay thời điểm đó người ta đã dự đoán rằng dầu mỏ của Iran sẽ trở lại thị trường thế giới với số lượng ồ ạt. Trước khi bị siết chặt cấm vận, năm 2011 Iran sản xuất 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày. Những tin tức đó đã khiến giá dầu mỏ vốn đang giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm lại lao dốc mạnh hơn. Thực ra Iran chưa tung thùng dầu nào vào thị trường thế giới từ tháng 7/2015 nhưng thị trường dầu mỏ nói riêng hoạt động theo yếu tố tâm lý nên chỉ cần nghe tin Tehran được dỡ bỏ lệnh cấm vận thì lập tức giá dầu giảm.

Người ta dự báo đến tháng 7/2016, Mỹ và EU mới dỡ bỏ lệnh cấm cho Iran nhưng việc các nước phương Tây “đẩy nhanh” quá trình này đang khiến giới phân tích nghi ngờ. Ngay sau khi phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận Iran, giá dầu tiếp tục lao dốc khiến một số nước phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu vàng đen báo động đỏ. Venezuela hôm qua ban bố tình trạng khẩn cấp vì xuất khẩu dầu khí chiếm đến 96% nguồn thu của nước này. Iraq thông báo điều chỉnh kế hoạch thu chi ngân sách... Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, có lẽ quyết định mở cửa cho dầu mỏ Iran của phương Tây thực chất là nhằm vào Nga. Nếu như quyết định này không ảnh hưởng nhiều tới bản thân các nước phương Tây nhưng nó ảnh hương rất lớn tới Nga, nước có đến gần 50% nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ.

Nga biết trước đòn hiểm của phương Tây?

Cần nhìn vào bối cảnh hiện nay thì mới thấy được đòn hiểm của phương Tây với Nga. Trong suốt gần 2 năm qua, Nga đã khiến Mỹ và châu Âu mất mặt tại nhiều chiến trường từ Ukraina tới Syria. Để “trả thù”, ngoài việc tăng cường rồi gia hạn các lệnh cấm nhằm hạ gục nền kinh tế Nga trong thời gian qua, phương Tây giờ đây còn “chơi tiếp đòn” mở cửa cho dầu mỏ Iran vào thị trường. Trong lúc Mỹ có đồng minh là Arập Xê út không chịu siết van dầu của khối OPEC, việc Iran trở lại sân chơi do quá cần tiền mà chấp nhận bán dầu giá rẻ sẽ càng khiến giá dầu xuống thấp. Chả vậy mà ngay trong ngày hôm qua, Thủ tướng Nga Medvedev đã thông báo điều chỉnh lại kế hoach tài chính thu chi quốc gia.

Có thắc mắc là nếu Nga biết việc Iran sẽ trở lại thị trường dầu mỏ thế giới sẽ ảnh hưởng tới giá dầu thì tại sao Moskva không ngăn chặn ngay từ trước khi có thỏa thuận tháng 7/2015 vì Nga nằm trong số các nước thuộc nhóm P5+1 đàm phán hạt nhân với Iran. Theo giới phân tích, vì Nga là đồng minh của Iran nên chuyện Moskva cấm cản phương Tây dở bỏ lệnh cấm với Tehran sẽ khiến liên minh này rạn nứt. Và thứ Nga mất chắc chắn sẽ cao hơn không nếu duy trì được đồng minh Iran tại Trung Đông. Vả lại, ngay sau khi Iran được dỡ bỏ cấm vận, Nga cũng đã ký được nhiều hợp đồng vũ khí với Tehran.

Rõ ràng là Nga biết phương Tây sẽ chơi đòn hiểm với mình, và chính quyền của Tổng thống Putin cũng đã có những bước đi ứng phó. Vấn đề là đòn đánh của phương Tây có tác dụng tới mức nào với nền kinh tế Nga hay các biện pháp chống đỡ của chính quyền Putin hiệu quả đến đâu thì cần phải một thời gian nữa mới biết được.

don hiem cua phuong tay nham vao nga

don hiem cua phuong tay nham vao nga

Các nước xuất khẩu dầu bên bờ vực thẳm

Giá dầu lao dốc đã tác động mạnh tới đa số các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu. Giá dầu vẫn đang đi xuống và viễn cảnh hồi phục gần như chưa thấy. Algeria, Venezuela, Saudi Arabia, Iran, Nga đã phải đề ra các biện pháp nhằm làm giảm thiểu tác động tiêu cực do giá dầu xuống thấp tới mức thấp nhất trong 12 năm qua.

don hiem cua phuong tay nham vao nga

Mỹ và EU dỡ bỏ trừng phạt, Iran tái xuất khẩu dầu

(PetroTimes) - Giá dầu lại đứng trước khả năng giảm sâu kỷ lục khi Iran trở lại thị trường xuất khẩu dầu khí.

Nh.Thạch

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc