Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

07:22 | 12/02/2014

4,017 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Tối 11/2 tại hội trường Thống Nhất (TP HCM), Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã long trọng diễn ra.

Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế cùng nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ của 21 tỉnh thành ở Nam Bộ có nghệ thuật Đờn ca tài tử được vinh danh.

Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của nhân loại cho đại diện phía Việt Nam là Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Bà khẳng định: “Việc UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là DSVHPVT của nhân loại không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn để cộng đồng nhân loại có cơ hội sẻ chia, tìm hiểu và có cơ hội thưởng thức được phần nào những giá trị tinh thần tuyệt vời này...”.

Bà Katherine Muller Marin cũng đã trao bằng cho đại diện của 21 tỉnh, thành trong cả nước đã có những công trình góp phần phát triển hoạt động Đờn ca tài tử trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ (Ảnh: H.L)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam ta đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng và giàu bản sắc dân tộc. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại cho chúng ta một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ - phong phú.

Từ Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung và miền Nam. Đây là loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp hòa quyện và đặc sắc giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta.

Do đó “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cả dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là gạch nối giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian, giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của ngày mai và đã góp phần tạo nên sự giao lưu cần thiết, đa dạng của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại” - Thủ tướng khẳng định.

Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan, các Đảng bộ, Chính quyền cùng các nghệ sĩ - nghệ nhân và đồng bào cả nước, nhất là các địa phương quê hương của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, với tất cả tình cảm và trách nhiệm hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị đối với Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Để nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học sẽ luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

Đờn ca tài tử Nam Bộ

Nhân dịp này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử gồm 7 điểm, nhằm phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử với những tác động tích cực từ phía nhà nước trong cuộc sống hằng ngày.

Sau lễ đón nhận bằng của UNESCO và công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là chương trình biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử.   

Khán thính giả có dịp xem, nghe lại những tinh hoa của nghệ thuật Đờn ca tài tử với những bài hòa tấu Lưu thủy trường, Nhớ ơn tổ nghiệp, Dạ cổ hoài lang, tân cổ giao duyên Quê hương… qua phần trình diễn của các nghệ sĩ, tài tử của các nhóm ca, câu lạc bộ Đờn ca tài tử của 21 tỉnh thành ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 18 Di sản văn hóa và Di sản thiên nhiên thế giới. Trong đó có 8 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế.

Thiên Thanh