Đổi vai ở Thành cổ Quảng Trị

10:57 | 27/07/2017

6,330 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung đoàn 151, Trung đoàn Công binh đầu tiên của quân đội ta, tiền thân của Trung đoàn Công binh 229, nay là Lữ đoàn Công binh Công trình 229 , thuộc Binh chủng Công binh. 

Năm 1953, Trung đoàn được Bác Hồ tặng lá cờ thêu 4 chữ vàng “Mở đường thắng lợi” đã trở thành Truyền thống vẻ vang của bộ đội công binh. Tuy nhiên, không chỉ có mở đường, có một trận đánh mà cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh trực tiếp chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 còn đọng mãi trong tôi, dù đã 45 năm trôi qua.

doi vai o tha nh co quang tri
Thượng tá Vũ Đình Lập

Tháng 4-1972, tôi được biên chế về Đại đội 4 Công binh, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 229. Đại đội có nhiệm vụ chuẩn bị, bảo đảm đường cơ động trong chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, hộ tống Tiểu đoàn xe tăng 397 đánh vào căn cứ Phượng Hoàng và căn cứ Ái Tử. Tỉnh Quảng Trị được giải phóng, Đại đội bảo đảm giao thông trục đường 68 cho lực lượng cánh đông của ta phát triển về phía nam, giáp sông Mỹ Chánh. Đặc biệt, Đại đội 4 là đơn vị công binh duy nhất tham gia Chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, với nhiệm vụ: chốt giữ đánh địch; cấu trúc trận địa.

Ngày 10-7-1972, Đại đội tôi với quân số 70 người, nhận lệnh vào Thành cổ Quảng Trị phối thuộc với Trung đoàn Bộ binh 48 (Sư đoàn Bộ binh 320B). Ngày 12-7-1972, Chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Đại đội chốt giữ ở nhà thờ Chi Bưu và làng Cổ Thành. Tối 16-7-1972, Trung đội 1 tiếp tục ở lại chốt giữ hướng nhà thờ Chi Bưu, Trung đội 2 và Trung đội 3 rút vào Thành cổ cùng Tiểu đoàn Bộ binh 3 của Tỉnh đội Quảng Trị (K3 Tam Đảo) chốt giữ ở hướng đông, đông bắc và hướng bắc Thành cổ. Vậy là công binh và bộ binh cùng chốt, cùng ăn, cùng ở chung hầm.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ ngày càng gay go, khốc liệt. Phía ta quyết giữ, còn phía địch quyết tái chiếm vì mục đích giành ưu thế trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris. Cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt đó đã chứng minh sự ngoan cường, ý chí bền bỉ, dẻo dai của quân và dân Quảng Trị. Kẻ thù có sức mạnh chi viện tối đa về hỏa lực, vũ khí tối tân, hiện đại, bổ sung quân nhanh nhưng đã chịu thua những chiến sĩ giải phóng quân còn rất trẻ, phần lớn là các chàng trai miền Bắc.

doi vai o tha nh co quang tri
Từ trái qua phải: Các CCB Vũ Đình Lập, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Văn Túc, Đặng Tiến Học, Nguyễn Văn Tư, Vũ Trọng Quyên, Nguyễn Văn Nam, Lê Văn Xuân

Địch quyết tái chiếm Thành cổ Quảng Trị trước ngày 10-7 và 18-7 nhưng không thành. Ngày 24-7-1972, chúng tập trung đánh mạnh bằng máy bay và pháo lớn vào góc đông bắc Thành cổ, tạo cửa mở, làm cho tường Thành cổ sụp đổ, hầm, hào, công sự chiến đấu bị phá hủy, bộ đội ta bị thương, hy sinh khá nhiều. Cả Đại đội tôi chỉ còn 22 người, vẫn bám chốt kiên cường, giữ vững trận địa.

Đến ngày 25-7-1972, địch bắn vào thị xã, Thành cổ 35.000 quả đạn pháo, chưa kể bom ném xuống không ngừng. Sáng sớm, Thành cổ Quảng Trị đã phải gồng mình chịu đựng các loại bom bi, bom phá, bom na-pan, bom tấn, bom dù, pháo chơm, pháo bầy, pháo khoan, chất độc hóa học và hơi ngạt. Khi cơn mưa bom bão đạn của địch dựng thành bức tường lửa chia cắt hướng nam, hướng tây với hướng bắc, hướng đông cũng là lúc hai trung đội của Tiểu đoàn Dù 5 địch phối hợp đánh vào góc đông bắc Thành cổ. Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 Lê Văn Phúc (quê ở 161 đường Nam Bộ, nay là đường Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị thương vào bụng, anh đã tì bụng vào tường thành để chiến đấu. Khi được đồng đội băng bó, chuyển về tuyến sau, anh đã nén đau dặn lại đồng đội: “Dũng cảm, ngoan cường, giữ chốt đến cùng”. Đồng chí Lê Văn Phúc đã hy sinh ngày 27-7-1972.

Với tinh thần quyết tâm “Dũng cảm, ngoan cường, giữ chốt đến cùng” và “K3 Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”, công binh và bộ binh sát cánh bên nhau, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bám sát tường thành, dùng lựu đạn đánh địch bên ngoài tường Thành cổ. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất. Địch tràn vào hố bom phía trong Thành cổ. Đồng chí Tuyển (K3 Tam Đảo) bắn 1 quả B41 diệt 3 tên địch. Tôi và đồng đội đồng loạt nổ súng. Những tiếng súng AK47 giòn giã, điểm xạ “pằng, pằng” vào đội hình quân địch, đẩy địch ra khỏi Thành cổ.

Chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Văn Long (quê xã Sơn Phố, Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa nổ súng vừa nói với đồng đội: “Không chiến đấu, chạy là chết”. Nguyễn Văn Long dùng súng AK47 tiêu diệt 2 tên địch rồi lao lên lấy súng M72 trên tay tên địch vừa bị ta tiêu diệt, anh dùng súng của địch diệt địch. Thay thế Tiểu đội trưởng Lê Văn Phúc là Tiểu đội phó Đặng Xuân Thiệu. Đồng chí Đặng Xuân Thiệu bị thương nặng, gãy tay phải, vẫn bám chốt chiến đấu hơn hai giờ liền, lúc đi viện còn động viên và chúc anh em ở lại chiến đấu lập công. Trung đội trưởng Trung đội 2 Phạm Quang Nghị (quê ở thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) 3 lần bị sức ép do bom vùi, Trung đội trưởng Trung đội 3 Trịnh Văn Sấn là sinh viên Trường Đại học Xây dựng, nhập ngũ tháng 9-1970 (quê thôn Yên Khang, xã Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình) 4 lần bị sức ép của bom. Cả hai đồng chí Trung đội trưởng bám chốt kiên cường, chỉ huy trung đội giữ vững trận địa.

Ngày 25-7-1972 là ngày cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh 4 đổi vai ở Thành cổ, thực thụ là chiến sĩ bộ binh, chiến đấu gan dạ, mưu trí, dũng cảm, kiên cường, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Sau một ngày liên tục chiến đấu ác liệt, không có cơm ăn, không có nước uống, vẫn rạng ngời nụ cười lạc quan, yêu đời trên những khuôn mặt sạm đen khói đạn bom, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Thành cổ.

doi vai o tha nh co quang tri
Cựu chiến binh Đại đội Công binh 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Công binh 229 về thăm Thành cổ Quảng Trị

Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh trăng Rằm tháng 6, đại đội còn đúng 10 người trở về Nhan Biều. Trung đoàn Công binh 229 lựa chọn, bổ sung những cán bộ, chiến sĩ trong Trung đoàn tình nguyện về Đại đội 4. Ngày 2-9-1972, với quân số 67 người, đại đội vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ Quảng Trị phối thuộc với Trung đoàn Bộ binh 95, Sư đoàn 325 cho đến ngày 16-9-1972 được lệnh rút khỏi Thành cổ, trở về Nhan Biều, Đại đội Công binh 4 chỉ còn 25 người.

81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 diễn ra cực kỳ tàn khốc, có thể nói là tàn khốc nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Việc chốt giữ đánh địch dài ngày như đại đội tôi tại Thành cổ Quảng Trị là chưa từng có trong lịch sử Công binh Việt Nam. Đại đội 4 trực tiếp chiến đấu 29/81 ngày đêm trong thị xã, Thành cổ Quảng Trị, cùng đơn vị bạn tiêu diệt 300 tên địch. Đại đội được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, 24 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng, ghi dấu son tươi thắm vào lịch sử truyền thống Lữ đoàn Công binh Công trình 229, cũng như lịch sử truyền thống Binh chủng Công binh Anh hùng.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

doi vai o tha nh co quang tri
Chiến sĩ Quân giải phóng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 (ảnh tư liệu)

Từ ngày 30-3 đến 1-5-1972, quân và dân ta đã hợp đồng tác chiến tấn công và nổi dậy, quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - ngụy từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Khe Sanh đến Cửa Việt, một vùng đất rộng lớn của quê hương được hoàn toàn giải phóng. Đây là chiến thắng oanh liệt, có ý nghĩa lịch sử to lớn; là một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trước thảm bại để Quảng Trị thất thủ, âm mưu của Mỹ - ngụy là phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị trong tháng 7 và toàn tỉnh Quảng Trị trong tháng 9-1972. Sau mấy ngày đổ bộ nghi binh, bắn phá dọn đường, sáng sớm ngày 28-6-1972, từ tuyến xuất phát đông Mỹ Chánh, bộ binh và xe tăng địch mở cuộc phản kích mang mật danh “Lam Sơn 72”. Chúng kết hợp tiến công bằng đường bộ (đường số 1 và 68), đổ bộ bằng đường không (nam sông Nhùng, Cổ Lũng) và đường biển (Thuận Đầu) từ nhiều hướng tiến đánh các chốt của ta trên đường tới thị xã. Với tham vọng và nỗ lực rất lớn của cả Mỹ lẫn quân đội Sài Gòn, mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là thị xã, Thành cổ Quảng Trị trở thành mục tiêu trọng yếu nhất, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch trong 81 ngày đêm lịch sử.

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt và hy sinh, các chiến sĩ của ta đã chiến đấu kiên cường, chỉ trong vòng từ ngày 28-6 đến 27-7-1972, các đơn vị chốt giữ thị xã và Thành cổ đã đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn Dù 2 và 2 Tiểu đoàn Lính thủy đánh bộ, buộc Sư đoàn Dù (đã bị thương vong gần 5.000 tên) phải lui về phía sau củng cố. Bước sang tháng 8 và tháng 9, cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ở khu vực thị xã và Thành cổ ngày càng diễn ra ở mức độ cao hơn. Sau khi chiếm được một số địa bàn có lợi, địch chuyển sang tấn công vào thị xã. Với ý chí “còn người, còn trận địa”, “K3 Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn” cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 8 chốt giữ trong thành đã đánh bật nhiều đợt phản kích của địch. Nhiều tên liều chết tìm cách leo lên bờ thành cắm cờ liền bị Trung đội trưởng Hán Duy Long (Tiểu đoàn 3) và đồng đội tiêu diệt. Để giữ được Thành cổ, chiến sĩ ta đã phải sử dụng chiến thuật phối hợp hỏa lực và vận động, dùng pháo binh, xe tăng dẫn đầu đánh tan những vị trí sơ hở, yếu kém của địch. Các dàn súng phòng không cơ động ngăn không cho máy bay đến đúng tầm có thể yểm trợ, nhờ đó xe tăng ta ào tới chiếm các mục tiêu của địch. Nhiều trận đánh giữa ta và địch giành giật từng mảnh vườn, mô đất, từng góc hào, bức tường gạch diễn ra hết sức quyết liệt.

Trải qua 81 ngày đêm, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt, mưa lũ triền miên để bám trụ và chiến đấu với các đối tượng sừng sỏ, thiện chiến của quân ngụy Sài Gòn với sự yểm trợ hỏa lực chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương. Trên một diện tích đất nhỏ hẹp 16ha và cả thị xã Quảng Trị hơn 3km2, địch huy động bình quân mỗi ngày 150-170 lần, có ngày hơn 200 lần máy bay phản lực, 70-90 lần chiếc B52 oanh kích, có ngày địch trút xuống đến 13.000 đạn pháo, hàng nghìn tấn bom đủ các loại: bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng la-de, bắn đủ các loại pháo chụp, pháo khoan, thả chất độc hóa học, hơi độc, hơi ngạt… trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải hứng chịu hơn 100 quả bom và 200 quả đạn pháo.

Tất cả các xã vòng cung bao quanh Thành cổ ở phía bắc đều chịu đựng từ 100 đến 140 phi vụ B52, xã ít nhất cũng phải chịu 10 lần phi vụ B52 đánh phá. Tuyến hành lang chiến lược chi viện cho chiến trường, địch tập trung đánh phá dữ dội từ lúc bắt đầu mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị gây cho ta nhiều thiệt hại về người và của. Khẩu phần ăn của các chiến sĩ chốt giữ thị xã Quảng Trị giảm dần. Đầu tháng 8 chiến sĩ ta phải sống bằng lương khô, nước lã, bắn dè xẻn từng viên đạn trong vòng vây ngày càng thít chặt của kẻ thù. Trước tình thế đó, quân ta được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn hồi 18 giờ, ngày 16-9-1972.

Thắng lợi Chiến dịch Xuân - Hè 1972 giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay cả nước Mỹ, dập tắt ý đồ leo thang chiến tranh của các thế lực hiếu chiến, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần quyết định làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, tạo tương quan lực lượng có lợi cho ta phát huy sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại đội Công binh 4

Đất nước, trở về với đời thường, cuộc sống còn bộn bề khó khăn, song bằng tinh thần lạc quan của người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, các anh vượt lên tất cả để viết tiếp câu chuyện xúc động về nghị lực của người lính. Thương binh hạng 4/4 Phạm Văn Hùng là một trong những người như thế. Nhiều năm anh được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình.

Nhiều đồng chí rời Thành cổ Quảng Trị được đi đào tạo trong các nhà trường quân đội trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội. Trong số đó có cố Đại tá Đoàn Văn Ứng (ở Đống Đa, Hà Nội), nguyên Chính trị viên Đại đội 4, tấm gương sâu sát đơn vị, ghi chép cẩn thận tỉ mỉ thành tích tập thể, cá nhân vào trang nhật ký thời Quảng Trị của mình, để hôm nay cựu chiến binh đại đội truyền tay nhau đọc; Đại đội 4 tự hào về đồng đội của mình, Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Cao Văn Hậu (Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 229.

Cuộc chiến đã lùi xa 45 năm, được sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Công binh và Lữ đoàn Công binh 229, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 được 2 lần trở về dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Những ký ức về túi bom, chảo lửa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm những cựu chiến binh Thành cổ. Những mái tóc đã bạc, dáng đi đã còng, cùng nhau ôn lại những ký ức về một thời hoa lửa, xúc động bồi hồi nhớ về những cái tên của đồng đội năm xưa, ai còn, ai mất, động viên nhau sống vui, sống khỏe, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, tiếp tục là tấm gương sáng, chỗ dựa tinh thần cho con cháu, giáo dục thế hệ trẻ phát huy và tiếp bước truyền thống cách mạng của Thành cổ Quảng Trị Anh hùng.

Thượng tá Vũ Đình Lập

(Nguyên chiến sĩ Đại đội Công binh 4)