Đội Tình nguyện hơn 20 năm quy tập mộ liệt sĩ

09:03 | 27/07/2011

451 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 20 năm qua, tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có một đội tình nguyện đã quy tập được 1.531 bộ hài cốt liệt sĩ. Họ là những cựu chiến binh từng sát cánh bên nhau chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, Đường 9 – Nam Lào. Nay hòa bình lập lại, họ lại đi vào rừng sâu, trèo lên núi cao, đưa hài cốt của đồng đội về an nghỉ với đất mẹ.

Ăn cơm nhà, làm việc nghĩa

Đội chưa có tên chính thức nhưng nhân dân cả tỉnh Quảng Trị đều gọi với cái tên trìu mến, thân thương: "Đội Tình nguyện”. Năm 1989, cựu chiến binh Mai Thanh Hùng về an dưỡng tại quê nhà nhưng trong ông luôn thôi thúc một nỗi niềm phải làm việc gì đó để xứng đáng với những liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ mảnh đất này. Ông đã viết đơn gửi UBND huyện Hướng Hóa xin thành lập đội quy tập hài cốt liệt sĩ. Ban đầu đội có 12 người tham gia, do ông Mai Thanh Hùng làm đội trưởng, trong đó có 4 người Vân Kiều, 6 thương binh. Qua năm tháng, tuổi già sức yếu, một số người đã khuất núi, giờ đây đội Tình nguyện chỉ còn lại 9 thành viên, bao gồm các ông: Đặng Hiền Lương (đội trưởng), Trần Thanh Quang (đội phó), Dương Văn Hải, Nguyễn Xuân Quang, Phan Xuân Sản, Dương Đệ Hiền, Lục Văn Lâm, Lê Chí Bảo, Nguyễn Bá Luân. Người nhiều tuổi nhất năm nay đã gần 70 tuổi, người ít tuổi cũng đã ngoài 50.

Các thành viên Đội Tình nguyện quy tập mộ liệt sĩ

Ông Dương Văn Hải – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Khe Sanh, thành viên Đội Tình nguyện cho biết mục đích thành lập đội: "Bản thân chúng tôi là những người lính, chứng kiến những đồng đội hy sinh, rồi những đau thương mất mát của người vợ, người mẹ, người con muốn tìm lại phần mộ liệt sĩ, chúng tôi đã cảm nhận được tâm tư, ước muốn của họ. Để giảm bớt nỗi đau thương, sự thôi thúc của nghĩa tình đồng đội muốn tìm lại phần mộ các anh để đưa về với mảnh đất quê hương, đội quy tập chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, lặn lội vào nơi rừng thiêng, nước độc để tìm lại phần xương cốt của các đồng đội mình”. Trong không khí ấm áp, đầy nghĩa tình đồng đội, Đội trưởng Đặng Hiền Lương kể về hàng trăm chuyến đi xuyên rừng, vượt núi, vào tận những khu rừng nguyên sinh ở biên giới Việt – Lào để đưa hài cốt đồng đội về. Một câu chuyện khác cũng chứa chan nước mắt, vào tháng 6/2008, cả đội đi tìm một mộ liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi.

Khi Đội Tình nguyện xác định được nơi liệt sĩ nằm xuống là sân vườn của một gia đình ở bản 5, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị thì cũng là lúc cả đội gặp phải một khó khăn thực sự. Địa điểm liệt sĩ nằm là dưới gốc mít đã 20 năm tuổi. Nhìn cây mít cao sừng sững, Đội trưởng Đặng Hiền Lương quyết định đốn hạ cây mít, bật gốc mới có thể đưa hài cốt lên. Gia chủ không đồng ý cho Đội Tình nguyện chặt mít vì lý do cây mít đương thời ra hoa trái. Nếu muốn chặt, Đội Tình nguyện phải trả cho gia chủ 2 triệu đồng. Sau nhiều hồi thuyết phục gia chủ là dưới gốc mít có hài cốt, là người đã chiến đấu hy sinh để bản làng được hưởng tự do, hạnh phúc. Với những lời nói thấm đượm ruột gan, gia chủ đã đồng ý và cây mít đã được chặt để đưa hài cốt của liệt sĩ lên.

Ông Nguyễn Xuân Quang chia sẻ những câu chuyện trong quá trình bốc mộ liệt sĩ. Cách đây 5 năm, thành viên cũ của đội là ông Mai Thanh Hùng thường xuyên nhận trọng trách khai quật những bộ hài cốt chưa tiêu tan thịt da. Đã hơn 10 lần chính tay ông Hùng phải lấy rượu, cồn róc thịt, da đồng đội để đưa xương lên. Đây là một hiện tượng không hiếm gặp do thi thể liệt sĩ được bọc trong túi tử sĩ và trong môi trường chân không kèm những yếu tố đặc biệt khác khiến da thịt của tử thi không bị tiêu biến đi. Trước khi làm việc này, Đội Tình nguyện phải làm công tác tư tưởng cho người thân của liệt sĩ và trước khi xuống mồ lấy hài cốt, người bốc mộ phải mặc áo mưa phòng độc và đeo găng tay cẩn thận.

Những chuyến công tác trên đất bạn Lào được coi là gian nan nhất bởi địa hình khá hiểm trở, ngôn ngữ bất đồng, đặc biệt là những tập tục cúng ma khiến nhiều chuyến đi phải kéo dài hàng tháng trời. Nửa đầu năm nay, Đội Tình nguyện đã có hai chuyến đi sang Lào nhưng chỉ đưa về thành công một hài cốt. Tháng 2/2011, đội quy tập tìm kiếm 2 ngôi mộ tại Xà Muồi (Lào). Chuyến công tác rất vất vả, nhiều thủ tục, đi lại khó khăn, hơn nữa lũ lụt đã càn quét nên 2 ngôi mộ không còn ở vị trí cũ. Tháng 4/2011, Đội Tình nguyện đi tìm tại một cánh rừng thuộc tỉnh Xavannakhet. Sau gần một tuần kiếm tìm trong rừng, đội đã đưa được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Bá Úy (ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) về an nghỉ tại quê nhà.

Những câu chuyện xúc động

Đi tìm mộ liệt sĩ còn khó hơn đi đãi vàng vì địa hình thay đổi, dân bản làm nương rẫy, phá rừng, thời tiết bào mòn, một số bia mộ bằng sắt đã bị dân bản lượm làm sắt vụn nên thông tin bị nhiễu. Để xác định vị trí nằm của liệt sĩ, Đội Tình nguyện phải dựa vào giấy báo tử của gia đình và thông tin từ sa bàn của các đơn vị chiến đấu cũ (thời gian đơn vị đóng quân, địa điểm, trận đánh…). Trước khi đi khai quật chính thức, Đội Tình nguyện cử 2 đồng chí đi khảo sát trước, vẽ sơ đồ xác định chính xác vị trí có phải là mộ liệt sĩ hay không, sau đó tiến hành mua lễ, xin làm thủ tục đi khai quật. Nếu nằm trong khu dân bản, phải chấp nhận phong tục của người dân tộc là cúng ma bản.

Trong quá trình đào phát sinh thêm ngôi mộ khác, đặc biệt là những ngôi mộ tập thể. Như trường hợp giữa năm 2008 phát hiện ngôi mộ tập thể 14 bộ hài cốt tại thôn Vừng, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa. Cả đội phải dùng bàn chải để bóc tách từng bộ phận của bộ hài cốt, cẩn thận ghi lại thông số trước khi khai quật bộ hài cốt tiếp theo. Có những chuyến đi tìm mộ mà Đội Tình nguyện thu được cả một câu chuyện chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ và thấy được sự dã man của giặc. Tại điểm mộ gần Sân bay Tà Cơn, qua quá trình thu thập nguồn tin, 13 chiến sĩ đặc công được phân nhiệm vụ bí mật nhưng bị giặc phát hiện, 12 chiến sĩ bị bắn chết, 1 chiến sĩ bị giặc bắt sống, bị hành hạ, ác độc hơn bọn chúng, mổ bụng, moi gan cho đến chết lại chôn ở địa điểm khác. 12 chiến sĩ bị buộc dây thép gai, cột chân lại rồi bị xếp chồng lên nhau. Giặc hất xuống hố bom và dùng xe ủi đất lấp đầy. Qua câu chuyện lịch sử đó, đội Tình nguyện đã phải trải qua quá trình xác minh danh tính hết sức tỉ mỉ. Sau đó, đội đã mất 16 ngày tìm kiếm, 1 tháng trời mới khai quật được 12 bộ hài cốt.

Từ tháng 7/2010 đến 7/2011, Đội Tình nguyện đã sử dụng 750 ngày công khảo sát, tìm kiếm. 23 mộ đã được khai quật, trong đó đưa về an táng tại Nghĩa trang huyện Hướng Hóa 19 mộ, 4 mộ được thân nhân đưa về an táng tại quê nhà. Vất vả là thế, nhưng Đội Tình nguyện vẫn chưa được hưởng một chế độ nào, tuy vậy họ vẫn kiêm nhiệm nhiều công việc tại địa phương.

Được biết, Nhà nước hỗ trợ cho một bộ hài cốt là 360.000 đồng để làm lộ phí, trang trải việc khai quật. Số tiền đó cũng chỉ giúp cho Đội Tình nguyện phần nào bởi chi phí xăng xe, ăn uống dọc đường và những khoản cúng ma rất tốn kém. Tuy nhiên, những thành viên của Đội Tình nguyện ngày ngày vẫn hướng mình về những cánh rừng già gần biên giới Việt – Lào nơi có nhiều đồng đội đang nằm đó. Họ sẵn sàng cất bước ra đi bất cứ lúc nào vì tiếng gọi nơi xa của những nấm mồ liệt sĩ.

Đức Chính

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc