Đối thoại giữa kẻ chiến bại và người chiến thắng

07:37 | 30/04/2012

950 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 9/11/1995, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Mắc Namara đã có dịp diện kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tham vọng tìm hiểu một số điểm mà trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã không thể trả lời. Nhân Kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 30/4/2012), Báo Năng lượng Mới xin hân hạnh giới thiệu với độc giả cuộc đối thoại này.

Hòa bình trên cơ sở bình đẳng

R. Mắc Namara: Thưa ngài Đại tướng, tôi xin phép được trình bày với ngài, vì sao tôi có mặt ở đây. Tôi sang Việt Nam lần này với mục đích bàn về việc tổ chức Hội thảo nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, để nhìn lại xem liệu đã có những cơ hội hòa bình nào bị bỏ lỡ, để tìm ra những bài học có thể giúp cho việc tránh được những thảm họa trong tương lai…

Trong cuộc chiến tranh này, các ngài đã mất khoảng ba triệu người, còn chúng tôi đã mất đi 58.000 sinh mạng. Đất nước ngài đã đạt được mục tiêu: thống nhất quốc gia và độc lập hoàn toàn, không chịu sự áp đặt của bất kỳ siêu cường nào. Còn chúng tôi cũng tránh được những mối nguy hiểm đe dọa từ phía Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng cả hai nước đều phải chịu thảm họa và mất mát. Liệu có thể rút ra những bài học gì từ cuộc chiến tranh đó để giúp cho hai dân tộc và các dân tộc khác trên thế giới có thể tránh được những thảm họa tương tự trong tương lai.

Nếu Chính phủ Việt Nam quan tâm, chúng ta có thể cùng nhau tổ chức những cuộc hội thảo để bàn đến tất cả những vấn đề như vậy.

Ông Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế và bà Phó chủ tịch của đất nước ngài đã bày tỏ sự quan tâm rất lớn đối với việc tổ chức những cuộc hội thảo đó. Hy vọng, chúng ta sẽ tổ chức được những cuộc hội thảo như vậy và chúng tôi mong muốn có sự tham gia của cá nhân ngài.

R.Mắc Namara diện kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 9/11/1995

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi được biết ngài đến đây cùng với các ban hữu quan bàn về việc tổ chức hội thảo, vì lợi ích của hòa bình, hữu nghị và phát triển giữa hai dân tộc và các dân tộc nói chung trên thế giới.

Tôi đã được thông báo về buổi làm việc của ngài với phía Việt Nam. Đề nghị về việc tổ chức những cuộc hội thảo như vậy là một sáng kiến tốt. Phía Việt Nam hoan nghênh việc tổ chức hội thảo đó và sẽ lựa chọn vấn đề nghiên cứu và tham gia vào hội thảo. Về vấn đề này, hai bên sẽ có sự bàn bạc cụ thể.

Về phần cá nhân, tôi xin cảm ơn ngài về lời mời. Nếu có điều kiện, tôi và bà Nguyễn Thị Bình sẽ tham gia. Nhưng bây giờ còn đang trong quá trình bàn bạc và chuẩn bị. Chúng ta vẫn còn thời gian để đi đến quyết định… Tôi sẽ có sự trả lời vào thời gian thích hợp.

R. Mắc Namara: Tôi rất vui mừng là ngài đã có thiện chí xem xét đến đề nghị ấy của chúng tôi. Chúng ta chỉ có một mục tiêu. Mục tiêu đó là để cho các quốc gia của chúng ta cũng như các quốc gia khác trên thế giới biết học tập làm thế nào để tránh được cuộc xung đột trong tương lai.

Ngài đã rất đúng khi nhấn mạnh rằng: Hòa bình chính là nền tảng vững chắc nhất để phát triển kinh tế – xã hội cũng như để phát triển quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hòa bình trên cơ sở bình đẳng…

R. Mắc Namara: Tôi hoàn toàn đồng ý, hòa bình trên cơ sở bình đẳng.

Nói về sự phát triển kinh tế – xã hội, tôi xin phép được có một lời bình luận. Như đã nói với ngài, sau khi rời khỏi Bộ Quốc phòng Mỹ, tôi đã làm Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) trong vòng 13 năm. Ngày hôm qua, nhân cơ hội này, tôi đã đến thăm Văn phòng của WB ở Hà Nội. Tôi rất vui mừng được biết hai tin:

Thứ nhất, WB vừa xuất bản một báo cáo về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, báo cáo cho thấy rằng, đó là một triển vọng rất thuận lợi.

Thứ hai, tôi cũng muốn nêu lại với ngài, vào năm 1978, lúc đó tôi đang làm Chủ tịch WB, WB đã cho Việt Nam vay một khoản tín dụng đầu tiên là 60 triệu USD, trước khi quan hệ giữa Việt Nam và WB bị gián đoạn vì những sự kiện khác… Mối quan hệ này mới được nối lại cách đây hai năm.

Tôi rất vui mừng được kiểm tra lại những tiến bộ đạt được của dự án mà tôi đã ủng hộ thông qua vào năm 1978. Đấy là dự án 60 triệu USD cho một công trình thủy lợi và kết quả của nó rất thành công.

Việc đó cho thấy một cách rất rõ ràng, dân tộc của ngài có khả năng sử dụng tốt nguồn tài trợ tín dụng bên ngoài để phát triển vì phúc lợi của nhân dân. Vì vậy, tôi rất lạc quan về tương lai của đất nước ngài.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi biết sự việc đó. Tôi cũng biết là nguồn tài trợ đó đã được sử dụng tương đối tốt. Hôm nay được biết thêm rằng, chính ngài cũng đóng góp vào việc thông qua dự án đó. Nhân dịp này, tôi xin cảm ơn thiện chí của ngài đối với đất nước chúng tôi. Mong rằng, từ nay về sau, dù trên cương vị nào ngài cũng vẫn giữ được tình cảm và sự ủng hộ tốt đẹp đó…

R. Mắc Namara: Chắc chắn là như vậy… Không ai có thể nghi ngờ tôi về điều đó. Tôi muốn giải thích thêm… lúc đó công việc của tôi, trách nhiệm của tôi và nói chung của WB là giúp đỡ cho các nước đang phát triển và chúng tôi chỉ có thể giúp quốc gia nào mà tự họ biết cách giúp đỡ bản thân họ… Việt Nam là một dân tộc có đầy đủ ý chí và quyết tâm để làm điều đó…

Tôi biết rằng, ngài đã dành thời gian quý báu cho chúng tôi. Tôi xin được phép hỏi ngài một câu hỏi trước khi chúng tôi rời đây… Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn chưa biết cái gì đã thực sự xảy ra vào ngày 2/8 và ngày 4/8/1964…

Tôi nghĩ rằng, lúc đó chúng tôi đã có hai phán đoán sai nghiêm trọng: Ngài có thể sửa giúp tôi những cái sai đó không?

Tôi muốn hỏi tiếp một câu: Có thực sự là có sự kiện 4-8 xảy ra, sự kiện mà chúng tôi coi là sự tấn công lần thứ hai của phía Việt Nam…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi hiểu rằng, qua cuốn hồi tưởng của ngài, thì ngài đã biết về sự kiện này.

Ngày 2/8/1964, tàu Mađốc tiến vào hải phận của chúng tôi ở Hòn Mê (Thanh Hóa). Một đơn vị hải quân nhỏ ở địa phương đánh lại.

R. Mắc Namara: Đúng, đó là vào ngày 2/8…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ngày 4/8/1964, hoàn toàn không có gì hết. Nói như thế này không biết có can thiệp vào công việc nội bộ của các ngài không, nhưng phải nói rằng: trước đó, chính quyền Giônxơn đã có kế hoạch triển khai những hoạt động ở trên biển và trên không để tranh thủ có được một nghị quyết của Quốc hội Mỹ… Thậm chí có đề án chỉ định rõ 30 mục tiêu sẽ đánh phá ở miền Bắc Việt Nam… Trước ngày 4/8, dự thảo để đệ trình Quốc hội thông qua đã được chuẩn bị sẵn sàng… Tôi sẽ không đi vào chi tiết, vấn đề này để đến hội thảo sẽ bàn… tôi chỉ khẳng định là ngày 4/8/1964, không có vấn đề gì xảy ra.

R. Mắc Namara: Tôi cũng tin là như vậy…

Người Mỹ đánh Việt Nam mà không hiểu gì về Việt Nam

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Trong thời gian đó, nước Mỹ đang tin vào học thuyết Đôminô (do Aixenhao đưa ra từ 1954). Theo học thuyết này, nếu Việt Nam độc lập (còn Mỹ cho là đồng nghĩa với việc Việt Nam rơi vào chủ nghĩa cộng sản) thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các nước ở Đông Nam châu Á… Do đó, trong một tuyên bố rất long trọng, Tổng thống Kennơđi đã chọn Việt Nam làm trọng điểm để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, ngăn chặn sự lan rộng của phong trào giải phóng dân tộc…

Cũng có ý kiến nói rằng, đến những năm cuối cùng của đời mình, Tổng thống Kennơđi có ý định giảm sự can thiệp… Nhưng nghiên cứu kỹ thì thấy vấn đề đó không đơn giản, vì lúc đó không khí nói chung ở giới cầm quyền Mỹ là luôn nói đến Đôminô, Đôminô…

Con người thỉnh thoảng đưa ra những học thuyết sai lầm nhưng cũng có người tin… kể cả những người được coi là thông minh nhất…

Hôm nay chưa phải là lúc thảo luận… Bàn về chiến lược quân sự thì có lẽ chúng ta có thể bàn luận suốt ngày… (Cười)

R. Mắc Namara: Tôi đánh giá cao ý kiến của ngài và mong sẽ có dịp được thảo luận với ngài…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Lúc đó, chúng tôi đã tìm mọi cách để hạn chế cuộc chiến tranh. Chúng tôi có chủ trương làm sao hạn chế cuộc chiến tranh và giành thắng lợi trong chiến tranh đặc biệt… Ngay trong thời gian Thái Lan đưa quân sang Lào. Chúng tôi đã từng nói với Thái Lan rằng, Việt Nam không có một chiến sĩ nào trên đất Thái Lan.

Việt Nam đấu tranh giành độc lập và tự do cho mình, đồng thời tôn trọng độc lập và tự do của các nước khác.

Trong cuốn hồi tưởng của ngài, có một ý kiến mà tôi đánh giá cao: Người Mỹ đánh Việt Nam mà không hiểu gì về địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, con người Việt Nam, về dân tộc Việt Nam nói chung và cả những người lãnh đạo đất nước Việt Nam…

R. Mắc Namara: Đúng như vậy, chúng tôi đã không hiểu gì.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bây giờ thì chắc ngài đã hiểu rõ hơn. Nhưng liệu những người lãnh đạo cấp cao của nước Mỹ hiện nay đã hiểu rõ Việt Nam chưa?

Tôi muốn nói với ngài một điểm: Việt Nam là một quốc gia – dân tộc đã hình thành từ rất sớm, hàng mấy ngàn năm, có một triết lý sống, một hệ tư tưởng mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần làm chủ đất nước, ý thức tự lực, tự cường, có trách nhiệm lớn đối với vận mệnh của Tổ quốc, đồng thời cũng hết sức tôn trọng độc lập và chủ quyền của các quốc gia khác. Trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc đến Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ…

R. Mắc Namara: Tôi đã biết điều đó…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chúng tôi có những bạn bè và đồng minh: Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa khác, các nước tiến bộ khác kể cả nhân dân tiến bộ Pháp và Mỹ… đã ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi về vật chất và tinh thần, kể cả đóng góp ý kiến… nhưng cuối cùng quyết định vẫn là Việt Nam.

Khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, có một số nhà báo và khách nước ngoài hỏi tôi và ý kiến đối với perestroika. Tôi nói: Perestroika là một danh từ tiếng Nga, nó được thực hiện ở Nga. Còn ở Việt Nam, chúng tôi thực hiện đường lối đổi mới theo cách Việt Nam, phù hợp với Việt Nam. Cái gì tốt cho Việt Nam chúng tôi học tập, nhưng chúng tôi sẽ làm theo cách của Việt Nam.

Ngày nay, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại đa phương. Việt Nam có bản sắc văn hóa và triết lý của mình, nhưng trình độ công nghệ và quản lý kinh tế còn kém. Chúng tôi học tập tất cả mọi tri thức và kinh nghiệm quý báu của các nước nhưng giữ gìn bản sắc văn hóa, tinh thần độc lập tự chủ và cốt cách Việt Nam. Làm như thế thì quan hệ giữa các nước sẽ trở nên tốt đẹp trên cơ sở hữu nghị và bình đẳng.

Những bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam mà ngài đã nêu lên trong cuốn hồi tưởng của mình, tôi tin là nhân dân Mỹ đều hiểu. Mong rằng các nhà lãnh đạo Mỹ cũng hiểu.

Trong cuốn sách của ngài, có một bài học nữa đáng lưu ý: Không thể áp đặt ý muốn của một dân tộc (dù mạnh đến đâu) cho một dân tộc khác… Chỉ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và bình đẳng thì giữa các dân tộc mới có hòa bình và hữu nghị…

R. Mắc Namara: Tôi hoàn toàn đồng ý…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Có lúc, có những chính khách lớn của Mỹ tưởng rằng, giao thiệp với Bắc Kinh hoặc với Mátxcơva là sẽ giải quyết được vấn đề Việt Nam. Họ đã nhầm. Trong chiến tranh, Trung Quốc và Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, nhưng vấn đề Việt Nam là do Việt Nam giải quyết.

R. Mắc Namara: Đại tướng nói rất đúng. Tất nhiên, lúc này chưa phải là đi vào chi tiết. Tôi chỉ xin nhắc lại một số điểm mà Đại tướng đã nói:

Trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945 thể hiện một phần ý tưởng trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và đó chính là những giá trị mà người Mỹ tin theo. Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp của nước Mỹ hình thành cách đây hơn 200 năm, cho đến nay đã được bổ sung nhiều điều khoản và nhiều văn kiện khác, nhưng những giá trị đó vẫn luôn luôn là niềm tin của nhân dân Mỹ.

Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu nhau hơn để tránh xảy ra những thảm họa trong tương lai.

Vì vậy mà tôi đến đây và như ý định mà tôi đã nói với Đại tướng, tôi thực sự mong muốn Đại tướng sẽ tham gia với tư cách cá nhân vào cuộc hội thảo.

Mong sẽ được gặp lại Đại tướng vào thời gian này năm sau ở Mỹ…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1973)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi chỉ muốn nêu lên vài ý kiến để tham khảo. Có người hỏi: Cái giá phải trả cho chiến thắng có tương xứng hay không?

Đối với nhân dân Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đó là một chân lý đã được khẳng định bởi lịch sử.

Trong một lần, nhân dự lễ kỷ niệm Ngày Độc lập ở Angiêri, tình cờ tôi đã gặp ngài Brêdinxki – Cố vấn An ninh của Tổng thống Catơ – ông có hỏi tôi: Nếu được phép, xin được hỏi Đại tướng một câu. Chiến lược của ngài là gì? Tôi đã trả lời: “Chiến lược của tôi là chiến lược hòa bình nhưng là hòa bình trong độc lập và tự do”. Khi đó, ông Brêdinxki đã nói: Cảm ơn Đại tướng. Rồi bắt tay tôi và nói: “Chúc Đại tướng lòng dũng cảm”.

Tôi nhắc lại câu chuyện đó để nói rằng: Trong tiến hành chiến tranh, nhiều lần người Mỹ nói về cơ hội hòa bình. Và bây giờ, có một câu hỏi được đặt ra: Liệu có cơ hội hòa bình nào xuất hiện trong thời gian chiến tranh mà hai bên đã bỏ qua hay không? Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình hơn ai hết. Trong khi kiên quyết chiến đấu chống xâm lược, Việt Nam rất mong muốn sớm chấm dứt chiến tranh.

Việt Nam đã theo dõi rất chặt và phân tích mọi nội dung được đề cập tới trong các bài diễn văn của Tổng thống Mỹ ở Bantimo, Manila… về công thức Antôniô… Nhưng mỗi lần người đứng đầu nước Mỹ nói đến những sáng kiến hòa bình thì cũng chính lúc đó, Mỹ lại tăng quân ở Việt Nam. Chúng tôi hiểu đâu là thực chất của vấn đề. Như vậy, chỉ có thể nghĩ đó là hòa bình giả và chiến tranh thật, hoặc một nền hòa bình dưới sự áp đặt của Mỹ…

R. Mắc Namara: Đó là những vấn đề quan trọng, chúng ta cần thảo luận sau.

Lúc đó, chúng tôi rất mong gắn công thức Antôniô để có được hòa bình. Có thể chúng ta đã không hiểu nhau và có thể chúng tôi đã hành động sai… Hội thảo mà chúng ta sẽ tiến hành là nhằm hiểu rõ hơn những vấn đề đó…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 11 bức thư cho các tổng thống Mỹ. Các thư của Tổng thống Mỹ gửi cho Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có trả lời. Những sáng kiến hòa bình được đưa ra vào lúc Mỹ tăng quân ở Việt Nam phải chăng là một đề nghị hòa bình thực sự hay để trấn an dư luận… Tôi nêu ra để các ngài nghiên cứu.

Vừa rồi, tôi có gặp lại cựu Thiếu tá Mỹ A. Tômát và nhóm cựu chiến binh của cơ quan OSS của Mỹ đã từng sát cánh cùng các chiến sĩ Việt Minh đánh Nhật hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, vào năm 1945. Lúc đó, chúng tôi nghĩ rằng, sau khi Việt Nam độc lập thì quan hệ Việt – Mỹ chắc sẽ phát triển tốt đẹp… nhưng chính chủ thuyết Đôminô và chống cộng đã dẫn đến những sai lầm của Mỹ ở Việt Nam trong mấy chục năm qua…

Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình

R. Mắc Namara: Ngài đã nêu lên một vấn đề rất cơ bản. Liệu đề nghị hòa bình có phải là thực tâm hay không?

Tôi xin nói lại một câu chuyện như thế này. Theo chúng tôi biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhận làm người cha đỡ đầu của một người Pháp tên là Ôbrắc… ông Ôbrắc có nói với chúng tôi là sẵn sàng giúp chuyển thông điệp cho Việt Nam nếu phía Mỹ muốn. Khi đó, Tổng thống Giônxơn và… cho rằng, chắc Việt Nam sẽ không chấp nhận… Tôi đã nói với họ để việc này cho tôi xử lý. Cá nhân tôi đã soạn thảo bức thư đề nghị và gửi qua ông Henri Kítxinhgiơ để nhờ ông Ôbrắc chuyển bức thư đó cho phía Việt Nam… Hình như lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ốm?…

Đó là lời đề nghị hòa bình thực sự. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ chúng tôi đã xử lý quá trình đó rất luộm thuộm khiến cho phía Việt Nam phải đặt câu hỏi: Đây có phải là lời đề nghị thực tâm hay không?…

Tôi nghĩ rằng, đây cũng chính là một bài học mà chúng tôi cần rút ra để tránh lặp lại những thảm họa sau này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc độc lập, mong muốn có quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập và chủ quyền. Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng là hòa bình trong độc lập và tự do.

Hồi kháng chiến chống Pháp, Chính phủ Pháp có cử một sứ giả – ông Pôn Muýt – đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để chuyển một bức thông điệp đề nghị chấm dứt chiến tranh cho Chính phủ kháng chiến của Việt Nam. Nội dung lời đề nghị đó đòi hỏi quân đội Việt Nam phải hạ vũ khí, mọi công việc sẽ do người Pháp đảm nhiệm… nghĩa là Việt Nam phải hạ vũ khí, mọi công việc sẽ do người Pháp đảm nhiệm… nghĩa là Việt Nam có thể hòa bình nhưng không có độc lập. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Tôi biết ngài Pôn Muýt là một người kháng chiến Pháp chống lại sự xâm lăng của nước Đức. Nếu như người Đức gửi cho nước Pháp một tối hậu thư như vậy thì ngài nghĩ sao? Liệu những người kháng chiến Pháp có đầu hàng hay không? Và ông Pôn Muýt đã trả lời: Tôi hiểu Chủ tịch nói gì. Xin chúc Chủ tịch và nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi…

Tôi hoan nghênh sáng kiến tổ chức cuộc hội thảo. Thứ nhất, để bảo đảm sự trung thực lịch sử. Thứ hai, hai bên sẽ hiểu nhau hơn. Trong chiến tranh, nếu người Mỹ không hiểu Việt Nam thì nay sẽ hiểu hơn. Và cũng giúp cho Việt Nam hiểu Mỹ hơn, những gì mà Việt Nam còn chưa hiểu…

Ngài đã từng là Chủ tịch của WB… và hiện nay trên thế giới có tổ chức Liên Hiệp Quốc. Mong sao tổ chức quốc tế ấy thể hiện được quyền bình đẳng của mọi dân tộc. Có thế, thì mới bảo đảm cho hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.

Việt Nam là một quốc gia độc lập gồm nhiều dân tộc. Chúng tôi gồm 54 dân tộc, nhưng luôn luôn đoàn kết, cố kết với nhau trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt đã đạt đến đỉnh cao trong cuộc chiến tranh ba mươi năm giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Trong lúc hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, vấn đề xung đột sắc tộc đang diễn ra gay gắt, như ở châu Phi, ở Nam Tư… vấn đề dân tộc ở Việt Nam cũng là một vấn đề đáng nghiên cứu… Một nhà lãnh đạo của Inđônêxia đến Việt Nam cũng tỏ rõ sự ngạc nhiên về sự đoàn kết và thống nhất của một quốc gia nhiều dân tộc như Việt Nam…

Mong rằng, qua hội thảo hai bên sẽ hiểu nhau hơn.

Về địa – chính trị, Việt Nam và Mỹ đều là các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN cũng đều thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cho nên, quan hệ Việt Nam – Mỹ tốt đẹp sẽ là một nhân tố quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Hoan nghênh chuyến đến thăm Việt Nam của Đoàn Hội đồng đối ngoại. Mong rằng, cuộc hội thảo sẽ được chuẩn bị tốt. Cá nhân tôi sẽ cố gắng đóng góp một phần khiêm tốn của mình, nhưng tôi nghĩ rằng đó chỉ là một giọt nước trong biển cả. Chúng ta còn thời gian để bàn bạc và quyết định.

R. Mắc Namara: Rất lấy làm tiếc vì Đại tướng chưa khẳng định về lời mời của chúng tôi. Tôi hy vọng là ngài sẽ tham dự.

Trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, chúng tôi đã khẳng định niềm tin và độc lập của các dân tộc. Chúng tôi sẽ giữ vững nguyên tắc đó trong việc giúp đỡ các dân tộc phát triển kinh tế và xã hội…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Sau chiến tranh lạnh, chiến tranh cục bộ vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới Việt Nam chủ trương xây dựng quan hệ hòa bình và hữu nghị với tất cả các nước, giải quyết mọi bất đồng thông qua thương lượng hòa bình.

Khi các nhà lãnh đạo Việt Nam gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, tôi cũng đã có dịp sang Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân có nói với tôi, Trung Quốc chủ trương giải quyết mọi bất đồng với các nước, trong đó có Việt Nam, qua thương lượng hòa bình… Mong rằng, Mỹ sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực…

R. Mắc Namara: Chúng tôi rất tán thành… Xin cảm ơn Đại tướng đã dành thời gian cho chúng tôi.

Theo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tập

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc