Đổi mới sách giáo khoa: Không thể làm chiếu lệ

08:00 | 08/04/2017

643 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo như lời hứa của Tổng chủ biên của bộ sách giáo khoa (SGK) mới thì đầu tháng 4 tới đây, Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận xã hội.

Đổi mới những gì?

Đến thời điểm này, Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến. Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông thì: Điểm mới của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể là phát triển được năng lực và phẩm chất của học sinh, đặc biệt là ở cấp THPT. Bởi ngay từ lớp 10, học sinh sẽ được hướng nghiệp. Đến lớp 11 và lớp 12, học sinh sẽ tiếp cận nhiều hơn với thực tế nghề nghiệp trong tương lai. Vì thế ngoài một số môn bắt buộc, các em được chọn 5 môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Đây cũng chính là một trong những điểm mới nổi bật nhất của Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.

SGK các cấp cũng được biên soạn chi tiết. Cụ thể, đối với bậc tiểu học thì các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ngoài ra còn có môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số.

doi moi sach giao khoa khong the lam chieu le
Học sinh chọn mua sách giáo khoa

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Ở cấp THPT được phân ra các giai đoạn. Đối với giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp thì lớp 10 sẽ bao gồm các môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung bắt buộc bao gồm: Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học định hướng nghề nghiệp bao gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Ở giai đoạn này học sinh có quyền tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn này sao cho phù hợp với nguyện vọng của bản thân, cũng như điều kiện tổ chức của nhà trường.

Khi những thông tin này được đưa ra, nhiều bậc phụ huynh đã lo lắng vì ngay từ bậc tiểu học, các em học sinh đã phải bắt nhịp với khá nhiều những môn học mới mẻ. Trong khi yêu cầu giảm tải kiến thức cho con trẻ ở bậc học này thì việc phải học 11 môn đang trở thành vấn đề lo lắng. Chưa kể, việc học một ngoại ngữ Tiếng Anh lại còn thêm một ngoại ngữ tự chọn ở cấp học này liệu có quá tải? Còn ở các cấp học khác thì những cái tên “mới tinh” như Kinh tế và Pháp luật, Thiết kế và Công nghệ… hiện chưa rõ cụ thể học sinh sẽ được học những kiến thức gì nhưng việc: Liệu có đào tạo giáo viên để theo kịp tiến độ sẽ thực hiện chương trình vào năm học 2018-2019 hay không? Đây thực sự là vấn đề khiến dư luận quan ngại.

Bắt đầu từ đâu?

Theo như dự kiến thì năm học 2018-2019 bộ SGK của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể sẽ đưa vào sử dụng. Chính Tổng chủ biên của Chương trình SGK mới cũng khẳng định rằng, để thực hiện được tốt việc này phải đảm bảo tốt hai điều kiện tối thiểu là chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Đương nhiên điều kiện về giáo viên là thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Còn cơ sở vật chất, theo vị Tổng chủ biên thì ngoài Bộ GD&ĐT còn cần có sự vào cuộc của các địa phương. Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời bày tỏ sự trăn trở về việc số lượng trường phổ thông được học 2 buổi/ngày còn chưa nhiều. Ngay như ở các thành phố lớn thì học sinh vẫn phải học luân phiên vì thiếu phòng học. Đây sẽ là điều phải khắc phục ngay nếu không rất khó để thực hiện thành công chương trình mới.

Thực tế thì chất lượng giáo viên đến đâu? Đội ngũ giáo viên có theo kịp với chương trình mới đang là điều khiến dư luận xã hội đặt câu hỏi. Trước nay, không ít những lần đổi mới của ngành giáo dục được đưa ra, từ thay đổi SGK đến thay đổi hình thức thi cử thì việc giáo viên có thích ứng kịp để truyền tải kiến thức cho học sinh hay không mới là quan trọng. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, nếu ngành giáo dục không thay đổi được phương thức dạy học theo kiểu dập khuôn cố hữu của giáo viên thì mọi đổi mới cũng chỉ đổ ra sông ra biển.

Được biết, để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này, Bộ GD&ĐT đã xây dựng hẳn Dự án Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (ETEP) về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Các trường sư phạm cũng đã khởi động đổi mới chương trình đào tạo sư phạm dựa trên tài liệu bồi dưỡng giáo viên cũng do chính Ban Soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể biên soạn. Thế nhưng, hiệu quả đến đâu vẫn còn phải chờ.

Còn vấn đề đổi mới SGK, đây không phải là lần đầu đổi mới. Và lần đổi mới gần đây nhất theo Bộ GD&ĐT là hiệu quả, nhưng thực tế thì không được như vậy. Đơn cử như bộ sách đổi mới gần đây nhất của hệ THPT, theo đánh giá của nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy, bộ SGK năm 2007 là sự “cải lùi” chứ không phải “cải tiến” so với bộ sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000. Và khi bộ sách này xuất hiện lại có nhiều nghịch lý khi việc trưng cầu dân ý, hội thảo rầm rộ để lấy ý kiến của nhiều trường phổ thông đến trường đại học nhưng lại thực hiện sau khi bộ SGK đã hoàn thành. Điều này khiến nhiều giáo viên đánh giá đó chỉ là việc làm cho có, để rồi những lỗi sai, những nhầm lẫn vẫn còn nguyên.

Vì vậy, cùng với quan điểm phải công bố SGK của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận thì các nhà giáo cũng đề xuất việc lấy ý kiến phải có thời gian đủ dài chứ không được làm chiếu lệ như trước đây. Sau khi đã tiếp thu và điều chỉnh hợp lý, chuẩn bị đầy đủ các cơ sở để thực hiện thì mới tiến hành, đừng để không riêng học sinh mà cả giáo viên cũng phải luôn sống trong tâm lý bị ngành giáo dục đưa ra làm thử nghiệm.

Được biết, để chuẩn bị cho bộ SGK trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể lần này, Bộ GD&ĐT đã cất công trưng cầu rộng rãi đội ngũ tri thức, người có tâm huyết… vào ban biên soạn sách. Hy vọng sự cải tổ tổng thể chương trình từ bậc tiểu học đến THPT lần này sẽ là bước tiến vượt bậc của ngành giáo dục!

Việc soạn SGK cho Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể được tiến hành từ năm năm 2015 . Theo báo cáo của Tổng chủ biên thì hiện dự thảo đã được hoàn thành. Từ ngày 20 đến 24-2-2017, hội đồng thẩm định đã họp và biểu quyết thông qua dự thảo. Trong đó, tỷ lệ phiếu đồng tình khá cao: 42% phiếu đồng ý thông qua mà không cần chỉnh sửa. Có 58% phiếu đồng ý thông qua nhưng cần có sửa chữa. Ngày 14-3-2017, Ban Soạn thảo đã hoàn thiện bản thảo cuối cùng để chuyển tới Vụ Pháp chế của Bộ GD&ĐT cho ý kiến thẩm định trước khi trình lên Bộ trưởng. Dự kiến, đầu tháng 4-2017, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi.

Huyền Anh