Chương trình giáo dục phổ thông mới:

Đổi mới phải hướng đến học sinh

06:45 | 08/05/2017

1,229 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ngay sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố để lấy ý kiến rộng rãi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp trái chiều. Bên cạnh những ghi nhận tích cực thì có ý kiến cho rằng, chương trình vẫn nặng so với nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Thay vì cần phải giảm tải chương trình thì nội dung trong dự thảo lại có quá nhiều môn học mới, điều đó có thể sẽ làm xáo trộn việc dạy và học... Đặc biệt là lộ trình thực hiện quá nhanh, theo như kế hoạch thì chương trình sẽ được triển khai từ năm học 2018-2019. Như vậy, khiến dư luận lo lắng, bởi lực lượng giáo viên và cơ sở vật chất ở các địa phương sẽ không theo kịp.  Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia giáo dục, thầy giáo về vấn đề này!  

Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Quá ôm đồm, chưa phân luồng

PV: Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT công bố, ông đánh giá như thế nào về dự thảo này?

doi moi phai huong den hoc sinh

GS Phạm Tất Dong: Nhìn tổng thể Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới tôi thấy, về cơ bản dự án đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu đổi mới, một số khiếm khuyết từ chương trình trước (năm 2015) đã có hướng khắc phục. Tuy nhiên, để đi vào thực hiện thì tôi e rằng khó vì nó quá ôm đồm, nhiều khái niệm môn học mới trở nên rối, nhất là chương trình này chưa phân luồng hướng nghiệp rõ ràng cho học sinh.

Ngay từ Nghị quyết số 44 của Chính phủ đã đề cập đến việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh, đến nay là Nghị quyết 29 của Đảng đều nhắc tới. Thế nhưng, mấy chục năm rồi chưa thực hiện được. Vừa qua, Bộ GD&ĐT lại ra quyết định nghiên cứu về phân luồng, tức là chuyện của nhiều năm trước giờ vẫn đưa ra để nghiên cứu thì tôi không hiểu luẩn quẩn đến khi nào?

Khi mới công bố dự thảo, chúng tôi cũng nói rằng, hoan nghênh tinh thần hăng hái của những người làm dự án, nhưng: Liệu có làm được không? vẫn là một câu hỏi lớn. Làm mới là phải tinh giản đi và hiện đại lên, phải rất tinh giản rồi mới hiện đại được. Thế nhưng, dự thảo chương trình này tôi thấy lại ôm đồm quá, đưa ra nhiều môn học quá. Không hiểu những người làm chương trình hiểu rõ về dạy tích hợp chưa? Rồi chỗ nào tích hợp, chỗ nào phân hóa? Cấp nào cũng đưa ra nhiều môn, rất khó học, như vậy thì làm sao mà dạy được. Phải nói lại rằng, trình độ giáo viên của mình còn đang rất kém. Từ những điểm như vậy, tôi cảm thấy Bộ GD&ĐT đang cực kỳ lúng túng, không biết đi đâu, nên bắt đầu từ cái gì.

Dự thảo quên rằng, hướng nghiệp là phải hướng đại bộ phận học sinh trung học cơ sở đi vào lĩnh vực nghề nghiệp để đào tạo nghề thành những người lao động, những công nhân… Trong khi định hướng nghề nghiệp ở nước ta còn chưa rõ ràng, hiệu quả của công tác hướng nghiệp cũng chưa cao thì việc để người học có quyền tự chọn môn học sẽ gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, trước đây dạy nghề nằm trong sự thống nhất thì bây giờ dạy nghề chuyển sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên rất khó. Về điều này liên bộ phải có chung quan điểm, phải thống nhất với nhau về hệ thống mới làm được. Do đó, trong quá trình triển khai, rất cần thầy cô có những hướng dẫn tự chọn môn học theo định hướng các nhóm trường, nhóm ngành.

PV: Thực ra cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng, chương trình bậc tiểu học thay vì cần tinh giản thì học sinh lại phải học lên tới 12 môn. Ông nghĩ sao về điều này?

GS Phạm Tất Dong: Điều này cũng khiến tôi lo lắng bởi bậc tiểu học là bậc học tôi đặc biệt quan tâm. Người ta nói đầu không xuôi thì đuôi làm sao mà lọt. Tôi lấy ví dụ, dạy về lối sống là dạy các em về cái gì? Dạy lý thuyết hay dạy thực hành? Xưa nay, tôi chưa thấy môn nào là môn học lối sống cả, có lẽ chương trình lấy lại khái niệm từ sách học của anh Hồ Ngọc Đại, anh ấy có khái niệm môn học này. Nhưng lối sống là gì? Để định nghĩa được là cực kỳ khó, nó là một khái niệm xuất phát từ tâm lý học cách đây độ 40-50 năm nhưng chẳng ai làm rõ, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Mà tiếng Việt vốn phong phú, lối sống, mức sống hay cách sống nó khác nhau. Thế anh dạy lối sống là anh dạy gì?

Tôi đã từng đặt câu hỏi này trong hội thảo ngay sau khi chương trình công bố nhưng không có câu trả lời. Nhiều khái niệm nó mông lung nên mới nói, một khi nó không rõ ràng thì rất khó dạy. Còn như bậc tiểu học có mấy môn chính như: Ngữ Văn, Toán và một chút khoa học thường thức, có thêm thì học chút Ngoại ngữ là được rồi, chứ ôm đồm làm gì lắm. Ở bậc học này, chủ yếu dạy trẻ về đạo đức đối xử với những người trong gia đình, thôn xóm là được, chứ 6-7 tuổi làm gì cho xã hội mà đòi hỏi quá cao về năng lực với phẩm chất.

Còn đối với các cấp học khác, các môn cơ bản nó đã là thành tựu của nhân loại rồi, nó không mang tính giai cấp gì cả, Toán là Toán, Vật lý là Vật lý nên các nước khác họ dạy thế nào thì mình dạy theo thế. Nếu không tìm được đường hướng thì tìm những chương trình có nền giáo dục gần gũi với Việt Nam mà làm theo, tôi nghĩ cũng hay hơn nhiều chứ không cứ để thế này thì chương trình học của thế hệ trẻ nó chẳng ăn nhập với ai. Cứ bảo trong thời đại hội nhập thì muốn hội nhập là phải có cái chung nhau chứ? Các môn học phải có kiến thức chung nhất để ta có thể hòa nhập, để khi có phải di chuyển thì trẻ em Việt Nam vẫn có thể hòa nhập môi trường học hành với các nước khác, đến nước nào cũng học tập được. Thế nhưng, mình còn lâu mới làm được như thế.

doi moi phai huong den hoc sinh

PV: Như vậy theo ông, năm 2018 có thể là thời điểm thích hợp để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa?

GS Phạm Tất Dong: Nếu nói thực hiện thì sao không thực hiện được, có điều kết quả như thế nào thôi. Với thực tế cơ sở vật chất và trình độ giáo viên như hiện nay, tôi chắc rằng, thực hiện không hiệu quả. Nhất lại là khi còn nhiều việc cần xem xét ở dự thảo này. Trong dự thảo những người làm chương trình cũng đã nói những yếu tố cần thiết về cơ sở chất để đảm bảo thực hiện tốt, nhưng để chuẩn bị trong một năm là khó. Trong khi đó, ngay cả giáo viên cũng thấy ngỡ ngàng với những bộ môn mới. Tất nhiên, nếu thực hiện sẽ có những lớp tập huấn, huấn luyện này kia, nhưng thiết nghĩ cần tìm ra một chương trình nhận được sự đồng thuận và chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt thì hãy làm, chứ không chạy theo thành tích đổi mới mà quẩn quanh mãi làm gì.

PV: Vậy nên bắt đầu từ đâu cho phải, thưa ông?

GS Phạm Tất Dong: Tôi thấy chúng ta không chịu tổng kết những gì thực tiễn đã làm. Cái gì làm tốt rồi thì duy trì phát triển, cái gì chưa được thì loại bỏ nó ra. Cứ thêm cái mới lại phải thử trong khi cái cũ nó đang tốt rồi thì thay làm gì? Bản thân tôi vẫn mong phải có cuộc cải cách nhưng cải cách không có nghĩa sổ toẹt mà phải nhìn nhận rõ thực tế mình đang ở đâu? Đã làm được những gì? Cái nào không phát triển được thì mình mới đổi. Lớp 1 các cháu học cộng, trừ thì giờ cũng thế thôi chứ đưa ra quan điểm này, quan điểm kia với những khái niệm to tát, cao siêu làm cái gì? Hướng môn học phát triển theo năng lực, nhưng thế nào năng lực? Mà phát triển năng lực phải dựa trên trình độ giáo viên, nói thế mà anh vẫn dạy theo phong cách cũ thì phát triển cái gì?

Thêm nữa, hai khái niệm năng lực và phẩm chất nó phải đi đôi với nhau. Theo quan điểm của Mác-xít cũng như bộ môn Khoa học Tâm lí giáo dục thì phẩm chất và năng lực không tách nhau, bởi con người là tổng thể những năng lực. Một công việc bao giờ cũng thể hiện được phẩm chất và năng lực. Ví dụ việc anh giúp đỡ người nghèo, nếu anh làm được thì thể hiện anh vừa có năng lực, vừa có phẩm chất đạo đức tốt. Nên theo tôi cần khái quát lại khái niệm môn học, xác định lại thời lượng môn học và tiết học. Khối lượng môn học ở bậc tiểu học đang quá lớn. Nội dung trong dự thảo phân định phẩm chất của học sinh còn chồng chéo, cần phân định lại và phân định rõ cả nhiệm vụ của giáo viên.

Đơn cử hoạt động trải nghiệm sáng tạo chưa chia tách rõ nội dung nào thuộc về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nội dung nào thuộc về phần thực hành của các môn học riêng biệt. Vì vậy, khó hình dung ra nhiệm vụ của giáo viên. Cũng cần xem xét hoạch định lại các bộ môn tự chọn cho tinh gọn, dễ hiểu, tránh việc phát sinh nhiều môn cho học sinh nhưng khi nhà trường không đáp ứng kịp về cơ sở, vật chất sẽ nảy sinh hiện tượng ép học sinh lựa chọn theo chủ đề là thế mạnh của nhà trường, như vậy thì lại không phải là tự chọn nữa...!

Giáo sư Ngô Việt Trung, Viện Toán học Việt Nam: Dự thảo bị ám ảnh bởi chính sách

doi moi phai huong den hoc sinh

Tôi có cảm giác bản dự thảo bị ám ảnh bởi nghị quyết, chính sách nên đặt ra nhiều tham vọng, mang tính chất khẩu hiệu là chính. Việc phân bổ thời lượng học cho các môn học như vậy có ảnh hưởng đến việc truyền đạt kiến thức cơ bản cho học sinh trong các môn học truyền thống như: Tiếng Việt, Toán và các môn Khoa học Tự nhiên và Xã hội khác hay không? Theo dự thảo, ở bậc tiểu học có các môn Giáo dục lối sống; Cuộc sống quanh ta; Thế giới công nghệ; Hoạt động trải nghiệm sáng tạo... khối lượng thời gian dành cho các môn này chiếm tới hơn 1/3 khối lượng giảng dạy.

Tôi nghĩ rằng, ở bậc tiểu học chỉ là dạy kiến thức sơ đẳng chứ dạy như dự thảo thì ôm đồm quá. Chúng ta làm thế nào để dạy cho học sinh hoạt động trải nghiệm sáng tạo? Làm thế nào để đào tạo được giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo? Và liệu điều kiện cơ sở vật chất của chúng ta có thể làm được điều này không? Chưa kể việc định hướng chương trình đặt môn Giáo dục quốc phòng, an ninh lên hàng đầu, trước các nội dung giáo dục khác là không hợp lý. Có lẽ chúng ta bị nhầm lẫn nhiều so với mục tiêu phát triển giáo dục. Có những bộ môn phải tổ chức các hoạt động ngoại khóa thực sự, nhưng trong chương trình của chúng ta yêu cầu quá nhiều môn thì lấy đâu trải nghiệm thực tế.

Thêm nữa, liệu các môn học mới của chương trình có thực sự nâng cao một số kỹ năng hay không? Nếu không đáp ứng đủ về trình độ giáo viên và cơ sở vật chất thì đây sẽ chỉ là những môn học vô bổ, lãng phí thời lượng học trên lớp của học sinh. Chúng ta sẽ dạy gì trong môn “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”? Chúng ta không thể có một giáo trình cho việc dạy “sáng tạo” vì như vậy thì còn gì là “sáng tạo” nữa? Trong chương trình môn học được mô tả: “Học sinh được đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; được tư vấn để rèn luyện phẩm chất cơ bản của người lao động cũng như sự thích ứng với nghề nghiệp mai sau”. Đây giống như một khẩu hiệu hơn là một môn học. Nên theo tôi, cần hệ thống lại các môn học một cách hợp lý chứ như hiện tại vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn.

Thầy Đào Tuấn Đạt, giáo viên Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội): Xác định mục tiêu chưa trúng

doi moi phai huong den hoc sinh

Nhìn một cách tổng quát tôi thấy Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quá ôm đồm, xác định mục tiêu chưa trúng ở cả 3 cấp học. Mà mục tiêu chưa trúng thì không thể viết sách giáo khoa. Thử bàn về đặc điểm lứa tuổi thì thế này. Ở cấp tiểu học, sự phát triển về xã hội, thể chất, cảm xúc và văn hóa là quan trọng hơn cả. Ở chương trình THCS, đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành nên cũng là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển trí tuệ và cá tính học sinh. Chương trình phải giúp được các em phát triển về kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để chủ động và có trách nhiệm trong cuộc sống. Chương trình THPT được nhấn mạnh nhiều hơn vào khả năng tư duy, bao gồm tư duy đánh giá, tư duy nhận định… để chuẩn bị cho thành công sau này tại các trường đại học và trong cuộc sống. Nhưng ở dự thảo, tôi thấy sự phân biệt mục tiêu của cả 3 cấp học rất mông lung.

Đơn cử trong dự thảo có viết: “Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực”. Những yếu tố căn bản nào giúp phát triển được phẩm chất và năng lực chương trình không lý giải? Còn chương trình giáo dục THCS thì: “Giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học” đến chương trình THPT lại tiếp tục phát triển nữa: “Giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực của người lao động”. Sự nhấn mạnh vào phẩm chất và năng lực nhưng thiếu phân biệt về mức độ ở mỗi cấp học sao cho phù hợp đặc điểm tâm sinh lý và khả năng nhận thức của học sinh làm mục tiêu trở nên mông lung. Điều này dẫn tới khó khăn khi viết chương trình môn học và nội dung sách giáo khoa. E rằng chương trình môn học và sách giáo khoa mới lại sẽ là bản cũ được sắp xếp và sửa chữa phiên bản cũ.

Chưa kể số lượng các môn học như thể nhồi lấy được vào đầu học sinh. Tôi cảm tưởng các môn học được sắp xếp như thể một siêu thị đầy ắp về số lượng nhưng thực chất không hướng đến người học. Cứ thử xem những khái niệm môn học tự chọn, môn học bắt buộc lại còn môn học tự chọn bắt buộc, chưa kể môn nào cũng thấy gắn mác “Tìm hiểu”… là thấy rồi. Tôi không hiểu học sinh sẽ học thế nào với số lượng môn ở cả 3 cấp học như vậy?

Không phải tự nhiên mà số năm đại học của các nước tiên tiến trên thế giới đang được rút ngắn, để sinh viên tham gia vào thị trường lao động sớm hơn. Không phải họ cắt bỏ chương trình mà kiến thức đại cương được đưa xuống những năm cuối của bậc học phổ thông và ngày càng chuyên sâu hơn. Với 9 môn học, chúng ta sẽ thiếu chuyên sâu và thừa dàn trải trong chương trình THPT. Chúng ta nên dành toàn bộ bậc THPT để các em tự chọn hoàn toàn và tối đa khoảng 5 môn như dự thảo cũ.

Chương trình mới có thể chậm vài năm nếu chưa thuyết phục. Hiện nay, chúng ta đã có đủ từ quyết tâm và chính sách của Nhà nước đến kỳ vọng và mong mỏi của các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và các em học sinh. Chúng ta chỉ còn đang thiếu một cách làm. Với ngành giáo dục tôi nghĩ, thay vì đi từ cải cách chương trình thì tôi có 4 đề xuất cần thực hiện ngay.

Thứ nhất, cần phải làm là tổ chức thi cử cho nghiêm, bởi chỉ có nghiêm thì học sinh mới học, chúng ta sẵn sàng chấp nhận học sinh trượt và học lại. Thứ hai, hãy giảm sĩ số học sinh ngay, một lớp 50-60 học sinh/cô giáo dạy thì làm sao có thể dạy được? Thứ ba, giảm những công việc sổ sách giấy tờ mang tính hình thức cho giáo viên, để giáo viên tập trung vào chuyên môn. Hiện tại, quá nhiều báo cáo, giấy tờ, sổ sách đánh giá khiến giáo viên mệt mỏi, không mang lại kết quả mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giáo viên. Thứ tư, cần dân chủ trong nhà trường, cho giáo viên có quyền được quyết định một khối lượng kiến thức cơ bản trong môn học để truyền tải đến học sinh. Vì phụ thuộc tính chất địa phương, ví dụ như: đối với các em dân tộc thiểu số thì tiếng Việt còn không sõi, chưa thể bắt các em học ngôn ngữ thứ 2, thứ 3… Vậy cần cho giáo viên có quyền chủ động điều tiết môn học cho phù hợp.

Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Huyền Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.