Đổi mới chương trình giáo dục sau 2015: Khắc nhập - khắc xuất

07:00 | 02/11/2013

4,176 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo dự kiến thiết kế môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nội dung môn học, kế hoạch dạy học với định hướng chuyển từ quá trình chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong một môn học và phân hóa mạnh ở bậc cuối phổ thông.

Năng lượng Mới số 270

Nhiều môn trong một môn

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, kết quả rà soát chương trình, môn học hiện hành cho thấy có nhiều kiến thức giữa các môn học trùng lặp, không cần thiết, quá khó, thậm chí có tình trạng cùng một môn học thì kiến thức lớp dưới khó hơn lớp trên... Đây là cơ sở thực tế để ban soạn thảo điều chỉnh theo hướng tích hợp “nhiều môn trong một môn”, chuyển một số môn học sang hoạt động giáo dục, tự chọn nhằm giảm tải, tập trung phát triển năng lực, kỹ năng cần thiết cho người học.

Theo thiết kế nội dung môn học của ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015 do Bộ GD&ĐT chủ trì, bậc tiểu học và THCS có những môn học mới được xây dựng trên nền tảng tích hợp nhiều môn học cũ. Tiểu học có những môn học được chuyển sang hình thức “hoạt động giáo dục” thay cho kiểu truyền thụ bài học lý thuyết như trước.

Chương trình giáo dục sau 2015 sẽ có những chủ đề liên môn tích hợp vào môn học để học sinh có thêm kỹ năng sống

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT), thường trực ban soạn thảo chương trình SGK sau năm 2015, cho biết nội dung các môn tìm hiểu tự nhiên và xã hội (lớp 1, 2, 3) và các môn tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5) sẽ tăng cường thiết kế dưới dạng câu chuyện lịch sử; câu chuyện về các hiện tượng tự nhiên và xã hội nhằm giúp học sinh có được hiểu biết sơ giản, gần gũi về hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh. Lên tới bậc THCS, môn khoa học tự nhiên sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn lý, hóa, sinh, khoa học về trái đất. Môn khoa học xã hội được tích hợp chủ yếu từ các môn lịch sử, địa lý, một số kiến thức kinh tế, xã hội. Nội dung các môn học trên được sắp xếp các chủ đề gần nhau nhằm soi sáng, liên hệ lẫn nhau, đồng thời có thêm các chủ đề vận dụng kiến thức tổng hợp.

Với việc tích hợp nội dung của nhiều môn học trước đây trong một môn mới, chương trình tiểu học và THCS đang xây dựng sẽ không còn một số môn học riêng rẽ như khoa học, lịch sử và địa lý, kỹ thuật, thủ công (tiểu học), vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý (THCS). Ở lớp 1, 2 sẽ chỉ có ba môn học bắt buộc là tiếng Việt, Toán, Tìm hiểu tự nhiên và xã hội và bốn hoạt động giáo dục. Lớp 3 có các môn bắt buộc là tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tìm hiểu tự nhiên và xã hội cùng các hoạt động giáo dục tự chọn. Lớp 4, 5 có các môn bắt buộc là tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, tìm hiểu tự nhiên và tìm hiểu xã hội cùng các hoạt động giáo dục tự chọn. Ở bậc THCS chỉ còn bảy môn học bắt buộc (giảm sáu môn so với hiện nay), gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục công dân, công nghệ (bao gồm tin học). Các môn thể dục, hướng nghiệp, nghệ thuật (mỹ thuật và âm nhạc) chuyển thành hoạt động giáo dục là chủ yếu.

Lớp 10 “dự hướng” quá nặng

Ngược lại với các lớp dưới, theo thiết kế chương trình môn học mới, lớp 10 vẫn còn 11 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, giáo dục công dân, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ và bốn hoạt động giáo dục. Ngoài ra sẽ có các chuyên đề sâu thuộc các môn ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh vật, lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, thể dục, ngoại ngữ 2. Các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý sau khi được tích hợp vào môn học mới ở chín năm học trước, tới lớp 10 lại tách ra thành môn độc lập.

Một số đại biểu tại hội thảo bày tỏ băn khoăn với cách thiết kế này. Họ cho rằng nếu so với lớp 11, 12 chỉ có ba môn học bắt buộc và ba môn tự chọn thì lớp 10 phải gánh quá nặng. Những môn học được tích hợp trước đó giờ trở lại thành môn học độc lập. Sau một năm học, các môn này lại được chia nhánh có định hướng chuyên sâu trong các chuyên đề tự chọn ở lớp 11, 12. Như vậy, năm lớp 10 dự liệu sẽ bị dồn vào lượng kiến thức nặng để đảm bảo học sinh có nền tảng cơ bản.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, dù số lượng môn học ở lớp 10 vẫn không giảm nhiều so với hiện tại nhưng nội dung kiến thức, yêu cầu dạy học sẽ điều chỉnh theo hướng mới. Ví như môn toán sẽ lược bỏ tất cả những kiến thức quá chuyên sâu, không phục vụ mục đích cung cấp kiến thức nền tảng.

Ông Nguyễn Hà Thanh, Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm TP HCM băn khoăn: “Để đổi mới lần này không thất bại - Bộ cần xem xét việc quy định các môn học bắt buộc và tự chọn - không cẩn thận sẽ có những môn học sinh không bao giờ học”. Ngoài ra, về việc để đáp ứng yêu cầu của môn học mới, các trường sư phạm cũng cần đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có thể đảm nhận được những môn học “tích hợp từ nhiều môn” hoặc những môn học thiết kế theo chuyên đề sâu... Cách tổ chức dạy học theo phương án phân hóa cũng cần phải tính toán kỹ để tránh việc thất bại như ở chương trình phân ban.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, hoạt động giáo dục sau năm 2015 có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Đề thi ra theo hướng không chỉ tập trung vào việc học sinh học cái gì mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng không. Định hướng này buộc đề thi không chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo. Việc công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ kết hợp kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp). Đồng thời, công nhận tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất, năng lực của học sinh và kết quả đánh giá cuối cấp học.

Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong đến đâu kiểm tra đánh giá đến đấy (hết chương trình, hết phần, hết môn). Kỳ thi tốt nghiệp, đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực lớn như Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội nhân văn. Cũng có thể đề thi chỉ có hai môn Toán và Ngữ văn. Tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra hoặc thi thêm một vài môn theo yêu cầu chuyên ngành đào tạo của mỗi trường.

Theo Bộ GD&ĐT, sau năm 2015 giáo dục phổ thông sẽ cấu trúc 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn bắt buộc, học 9 năm (gồm tiểu học và THCS) người học cơ bản hình thành nhân cách, trang bị kiến thức kỹ năng tối thiểu. Học xong THCS đảm bảo đi học, đi làm tiếp và sống với mọi người xung quanh. Không yêu cầu cao sâu nhưng phải toàn diện cơ bản để hình thành nhân cách...

Giai đoạn 2 (3 năm THPT) tiếp tục hoàn thiện hơn nhân cách người công dân. Song song với việc hoàn thiện tiếp giai đoạn giáo dục cơ bản - là giáo dục phân hóa để phát huy tiềm năng và năng khiếu của mỗi học sinh. Từ đó có định hướng nghề nghiệp.


Nhã Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.