Độc đáo miếu Nổi 300 tuổi

08:59 | 16/05/2018

6,273 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phù Châu miếu (tục gọi miếu Nổi) là một ngôi miếu cổ trên sông Vàm Thuật (thuộc một nhánh của sông Sài Gòn) có lịch sử gần 300 năm, có kiến trúc rất độc đáo, kết hợp văn hóa Việt - Hoa với gần 100 con rồng được chạm trổ kỳ công...

Thu hút khách thập phương

Men theo con đường nhỏ Trần Bá Giao (quận Gò Vấp), chúng tôi đến “Bến đò phường 5 quận Gò Vấp”. Bến đò rất nhỏ, cái chòi chỉ đủ cho 5-10 khách đứng chờ. Xung quanh bến đò bán nhiều loại sinh vật để khách thập phương mua ra miếu Nổi phóng sinh như cá, chim sẻ… Tiền đò chỉ 10.000 đồng/khách một lần đi tham quan miếu Nổi.

doc dao mieu noi 300 tuoi
Cổng chính của miếu với nhiều con rồng được chạm trổ công phu

Khách ngồi trên đò xuôi dòng sông Vàm Thuật nhìn từng dề lục bình trôi lững lờ, một bên là phường 5, quận Gò Vấp, nhà cửa san sát, nhưng phía bên kia bờ là phường An Phú Đông, quận 12 với những rặng dừa nước tươi xanh vun vút lên trời cao như cảnh miền Tây sông nước. Ngôi miếu như một ốc đảo thu nhỏ nằm trên dòng sông Vàm Thuật bên cạnh bán đảo An Phú Đông còn thưa dân, yên tĩnh, nhiều cây xanh, nhiều bóng mát... như một miền quê. Bác lái đò nói, hôm nay ngày thường khách thưa, chứ ngày Rằm và các ngày đầu tháng thì khách phải xếp hàng dài chờ đò ra miếu.

Đò chạy khoảng 5-7 phút, chúng tôi đến miếu Nổi. Anh Lộc cùng bạn đi tham quan miếu Nổi cho biết: “Xem trên trang diadiemanuong.com thấy giới thiệu ngôi miếu Nổi nằm giữa sông khiến tôi rất tò mò và rủ bạn đi đò ra xem. Đúng là rất đẹp, lạ, khác rất nhiều những ngôi miếu, chùa mà tôi từng đến. Tôi cũng nghe nói ngôi miếu này rất linh nhưng không cầu khấn gì mà chỉ đến tham quan cho biết thôi”.

Không chỉ nổi tiếng linh thiêng, miếu Nổi còn thu hút khách tham quan với kiến trúc Hoa - Việt; hàng trăm tượng rồng lớn nhỏ được ốp bằng mảnh sành sứ nhiều màu sắc, sống động và tuyệt đẹp. Nơi đây có thể gọi nôm na là “thế giới của rồng thu nhỏ”.

Bạn đi thăm quan cùng anh Lộc (quê Tiền Giang) cũng trầm trồ khen kiến trúc miếu Nổi đẹp, lạ mắt và cho biết lần đầu tiên đến tham quan. “Trước đây tôi thường đi chùa vào ngày Rằm hoặc đầu tháng, lần đầu tiên tôi đi tham quan ngôi miếu to và đẹp thế này. Rất nhiều con rồng. Rất đẹp” - anh nói. Đồng thời, chị An cho biết là khi vào bên trong chánh điện có thắp hương ở gian thờ Ngũ Hãnh Thánh Mẫu để cầu an và mong cho sự nghiệp thuận lợi, bình an và sức khỏe.

Trong khi đó, bà Hân - khách tham quan - quê ở tận huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên vào thăm con ở quận Gò Vấp, nghe nói ở giữa sông Vàm Thuật có miếu Nổi rất linh nên tìm đến thăm và cầu khấn. “Thắp nhang và cầu gì thì tùy ở tâm của mình. Lúc nãy tôi xin 5 mẹ Ngũ Hành (Ngũ Hành Thánh Mẫu). Tôi xin sâm đến lần thứ 3 thì được. Mừng quá! Nghe nói người nào có duyên chỉ xin 1 lần là được, có người xin đến 5-6 lần mới được. Nhưng cũng có người xin đến 9-10 lần mới được. Linh nhất là xin 1-3 lần được”.

doc dao mieu noi 300 tuoi
Trần bên trong chánh điện được chạm trổ rất công phu

Bà Hân kể thêm: “Con trai tôi thuê nhà ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp để mở quán cơm gà Phú Yên. Trước đó, anh nó mở quán cơm gà Phú Yên ở đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh làm ăn được. Con tôi sau thời gian về quê làm ăn không khá, giờ vô lại Sài Gòn bán cơm gà Phú Yên. Tôi tìm mấy chùa, miếu linh đi cúng cầu cho nó mua may bán đắt”.

Còn chị Hằng (quê ở Bến Tre) ngồi nghỉ ở ghế đá cho hay, chị đến miếu này lần thứ hai rồi. Chị thuê nhà trọ ở quận 12 nên thường nghe nhiều người kể về miếu Nổi. “Trước em làm công nhân nhưng cực quá, giờ nghỉ rồi. Đang kiếm gì buôn bán. Một mình nuôi con nên cũng cực lắm. Cầu mong sắp tới làm ăn được, có tiền nuôi con”.

doc dao mieu noi 300 tuoi
Du khách tham quan Phù Châu miếu

Trong khi đó, anh Đông đang dẫn vợ con đi thăm quan cho biết, anh cũng nghe nói về ngôi miếu và nhân dịp rảnh nên dẫn cả nhà ra tham quan. Anh cũng bày tỏ, ngôi miếu khá độc đáo, đặc biệt là các nét chạm trổ bên trong chánh điện, những con rồng được tạo tác rất công phu. Ngôi miếu nằm giữa dòng sông là một nét vô cùng độc đáo, có một không hai ở Sài Gòn.

Mỗi người đến miếu Nổi với mỗi tâm thế khác nhau, có người đi tham quan vãn cảnh, có người đi thắp nhang và cúng bái. Chúng tôi chứng kiến một người phụ nữ mặc áo sơ-mi trắng với mái tóc dài kẹp gọn đang xin sâm ở khu vực thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu. Chị xin hơn 10 lần mới được. Chị không từ bỏ, cứ thế quỳ lạy và xin sâm, khi chị đứng lên thì quần áo dính đầy bụi. Chị không quan tâm, tiếp tục đi ra các khu vực thờ tự bên ngoài để khấn vái và xin sâm. Mỗi nơi chị đều kính cẩn khấn vái, quỳ lạy và xin sâm rất nhiều lần, tiếng leng keng vang lên trong không gian khá yên tĩnh…

Vào những ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười, miếu Nổi là điểm đến tâm linh được du khách bốn phương lựa chọn. Có những ngày Rằm hoặc những ngày đầu tháng, con đường nhỏ Trần Bá Giao luôn kẹt xe. Những ngày đó, hai bên đường, nhà dân đều trưng biển giữ xe đi miếu Nổi. Tình trạng kẹt xe cục bộ cũng khiến cho khách đi phà từ bến phà phường 5 (Gò Vấp) sang phường An Phú Đông (quận 12) cũng bị kẹt cục bộ. Nhất là dịp tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng thì lượng khách đến miếu Nổi tăng đột biến và luôn trong tình trạng quá tải, tất cả các con đò đều hoạt động hết công suất để đưa đón khách từ bến đò ra thăm miếu Nổi.

Lịch sử ngôi miếu Nổi

Cách đây gần 300 năm, cồn đất có diện tích 2.500m2 trên sông Vàm Thuật cây dại mọc um tùm. Tương truyền, vào thế kỷ 18, một người đàn ông làm nghề chài lưới đã kéo phải một người phụ nữ chết trôi, sau đó đem chôn ở cồn đất này. Từ đó, cuộc sống của người chài lưới ngày càng khấm khá hơn. Những người làm nghề chài lưới khác quanh vùng cũng theo nhau tới thắp hương, cầu phúc trước ngôi mộ với hy vọng bắt được nhiều tôm cá. Dần dà, những chủ ghe thuyền buôn bán đi qua dòng sông Vàm Thuật cũng nán lại thắp hương, dâng lễ cầu mong mua may bán đắt. Rồi các bô lão trong vùng tập hợp dân làng, góp công, góp của xây dựng ngôi miếu thờ bà Thủy Tề. Và, vì địa thế khá đặc biệt nằm giữa sông nên người dân gọi là miếu Nổi. Khách muôn phương muốn ra miếu thắp hương, dâng lễ phải đi đò.

doc dao mieu noi 300 tuoi
Miếu Nổi trên sông Vàm Thuật

Ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ trên cồn đất, nhưng sau nhiều lần sửa sang với sự đóng góp của dân làm ăn buôn bán nên ngôi miếu ngày càng lớn. Miếu Nổi còn có tên gọi khác là Phù Châu miếu. Trước năm 1975, miếu là một điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định, nhưng sau đó gần như bị bỏ hoang, đến năm 1989, một người Hoa bỏ tiền và phát động mọi người sửa sang, khôi phục lại ngôi miếu.

Năm 2010, Phù Châu miều (miếu Nổi) được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố và kể từ đó, lượng du khách đến tham quan ngày càng tăng.

Cách miếu Nổi không xa, trên bờ cũng thuộc phường 5 quận Gò Vấp có Sa Tân miếu, lịch sử ngôi miếu ghi rõ: “Cách đây 188 năm, vào thế kỷ thứ XVIII, trên dòng sông Bến Cát thuộc xã Hạnh Thông, tổng Bình Trị Thượng, huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM) có một người đàn ông chuyên sống bằng nghề chài lưới, vào một ngày mùa đông rét mướt, khi quăng lưới thì không bắt được con cá nào cả mà vớt được pho tượng vô giá. Đó là bà Thủy Tề, ông là người đầu tiên sáng lập và xây dựng ngôi miếu và an vị cho bà. Thời gian trôi qua, ông mất đi còn để lại trong dân gian niềm thương nhớ vô cùng nên Ban hội đồng nhất trí lấy danh hiệu miếu Ông Chài vẫn còn lưu truyền ca tụng mãi đến ngày nay”.

doc dao mieu noi 300 tuoi
Du khách đi đò ra tham quan miếu

Có lẽ từ việc người đàn ông làm nghề chài lưới vớt một người phụ nữ chết trôi sông được nhân cách hóa thành câu chuyện vớt một pho tượng và xem như đó là bà Thủy Tề, rồi người dân quanh vùng cùng góp công góp của xây dựng ngôi miếu để thờ cúng.

Cũng theo lịch sử Sa Tân miếu, cuối năm 1954, miếu được tái thiết lần thứ 2 qua những vật liệu sơ sài của các chùa chiền công đức, số người thừa kế bầu lại quản trị mới, đồng thời lấy danh hiệu “Sa Tân miếu Kỳ Thánh Thủy Long Cung”. Trải qua hai cuộc chiến tranh, ngôi miếu vẫn được bảo quản tốt. Đặc biệt, trong tết Mậu Thân 1968, ngôi miếu vẫn bình an. Đến giữa tháng 3 năm Canh Ngọ 1990, ngôi miếu xuống cấp trầm trọng do sự tàn phá triền miên của nắng mưa. Muốn cứu ngôi miếu, ông Lý Văn Tây, ông Phạm Văn Tám và các thành viên Ban hội đồng kêu gọi mọi người tích cực ủng hộ, đóng góp cả tinh thần và vật chất, cùng trùng tu lại miếu lần thứ ba.

Thời điểm đó, có một cầu gỗ dài 100m ra tới bờ sông bên miếu Nổi để dễ dàng cho sự đi lại của nhân dân đến chiêm bái. Rồi nhờ sự tận tình giúp đỡ của ông Huỳnh Thiện Đức và bà Lương Lê Vân, phường 5 quận 10 TP HCM, sự đóng góp tài lực của người Việt - người Hoa xa gần, ngôi miếu đã trùng tu hoàn thành. Ngôi miếu khang trang rực rỡ và cũng đầy huyền bí thể hiện được sự giao lưu văn hóa kiến trúc độc đáo Việt - Hoa trên mảnh đất Bến Nghé - Gia Định xưa, rồi Sài Gòn - Chợ Lớn và là TP HCM ngày nay.

doc dao mieu noi 300 tuoi
Du khách tham quan chụp ảnh

Như vậy, trải qua các lần trùng tu, miếu Nổi và Sa Tân miếu có hình dáng kiến trúc như ngày hôm nay. Điểm độc đáo của miếu Nổi là hàng trăm con rồng lớn nhỏ được chạm trổ rất công phu từ các mảnh sành sứ với nhiều màu sắc sặc sỡ.

Năm 2010, miếu Nổi được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố và kể từ đó, lượng du khách đến thăm quan ngày càng tăng.

Ngôi miếu Nổi trên dòng sông Vàm Thuật có lịch sử thăng trầm qua những biến thiên của lịch sử, sau nhiều lần trùng tu đã có diện mạo đẹp và hoành tráng như ngày hôm nay. Lịch sử ngôi miếu cũng góp phần phản ánh phần nào lịch sử vùng đất này và ngày nay trở thành địa điểm du lịch tâm linh quen thuộc của cư dân vào mỗi dịp lễ, tết.

Miếu Phù Châu nằm trên cồn đất nhỏ diện tích khoảng 2.500m2, bốn bề là sông nước. Hai bờ sông, bờ Tây là khu dân cư (thuộc phường 5, Gò Vấp), bờ Đông là vùng chuyên canh (thuộc phường An Phú Đông, quận 12), bao gồm cả hai bến đò miếu Nổi và Bến Cát, nay còn lưu giữ đôi chút khung cảnh miệt vườn của vùng đất Gia Định xưa.

Mặt tiền miếu quay về hướng Nam, được cất theo kiểu chữ tam (三), gồm 3 tòa nhà nối liền nhau bởi 2 sân thiên tỉnh hẹp có lợp mái. Mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, gồm 2 tầng chồng khít lên nhau. Trên nóc mỗi tòa nhà đều trang trí rồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp Cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư. Trên 4 đầu đao cong lên có gắn hình tượng Long, Ly, Quy, Phụng và các họa tiết: hoa cúc dây, lá nho, sông nước... Các bức tường được quét vôi màu hồng đậm, các mí cửa sơn màu đỏ.

Toàn bộ kiến trúc trong miếu được trang trí tinh xảo, đắp nổi hình rồng, phượng và cẩn sứ, các mái vòm cũng được cẩn sứ và ghép hình tỉ mỉ. Hai bên tường được cẩn sành mô tả các hình tượng tín ngưỡng dân gian. Trong khuôn viên miếu có cây si cổ thụ tồn tại gần 100 năm. Xung quanh khuôn viên có ghế đá, dành cho du khách đến nghỉ chân và ngắm cảnh. Phía ngoài có miếu nhỏ thờ ông Hổ, một dạng tín ngưỡng sơ khai mang màu sắc Vật linh giáo do người Hoa mang theo từ quê hương tới. Bên trong miếu đặt một bệ thờ giả sơn với năm tượng hổ ở tư thế chồm.

Khu trung tâm thờ tự của miếu chia làm 3 phần: tiền điện, trung điện và chính điện.

Nguyệt Anh