Doanh nghiệp với chính sách thuế

13:40 | 22/08/2017

1,256 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nước ta đã áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) được 27 năm, kể từ năm 1990. Từ đó đến nay, chính sách thuế đã được điều chỉnh nhiều lần cho phù hợp với thực tế phát triển kinh tế đất nước.

Tuy vậy, trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, người dân nói chung và các doanh nghiệp (DN) nói riêng vẫn mong muốn chính sách thuế tiếp tục được điều chỉnh để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân. Bởi hiện nay, trong khối ASEAN, nhiều nước có mức thuế GTGT thấp hơn nước ta, trong khi đời sống của họ cao hơn. Mức thuế GTGT của các nước này đều ở mức 5-7%, còn ở nước ta vẫn duy trì mức 10%.

Nhớ lại năm đầu thực hiện thuế GTGT, người dân và các DN đều bỡ ngỡ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ai cũng quen dần và vui vẻ chấp nhận chính sách thuế này. Sản xuất kinh doanh và chỉ số tiêu dùng của cả nước lúc đó không bị xáo trộn. Nước ta đã đứng chung hàng ngũ với hơn 100 nước thực hiện thuế GTGT. Trong quá trình thực hiện, nước ta đã trải qua những giai đoạn thăng trầm nhưng nhìn chung đều gặp thuận lợi.

Năm 1993 sau khi bổ sung, chỉnh sửa, thuế doanh thu được chi tiết hóa tới 17 thuế suất khác nhau từ 0%, 0,5% đến 40%. Năm 1994, sau khi bổ sung chỉnh sửa, biểu thuế doanh thu có 18 thuế suất khác nhau và 61 nhóm thuế suất nếu xét theo ngành nghề. Biểu thuế doanh thu năm 1995 sau khi được bổ sung, chỉnh sửa còn lại 11 thuế suất từ 0%; 0,5% đến 30% và 56 nhóm thuế suất theo ngành nghề.

doanh nghiep voi chinh sach thue
Làm thủ tục nộp thuế

Theo Luật Thuế GTGT năm 1997, có 4 mức thuế suất được quy định là 0%, 5%, 10% và 20%, nhưng đến năm 2008 đã rút gọn lại còn 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Việc quy định ít mức thuế suất giúp cho việc quản lý của Nhà nước nói chung và ngành thuế nói riêng đạt được hiệu quả tốt hơn, giảm bớt được các hiện tượng gian lận về thuế.

Thuế GTGT được áp dụng rộng rãi với mọi tổ chức, cá nhân có tiêu dùng sản phẩm hàng hóa hoặc được cung ứng dịch vụ, đã góp phần tạo nguồn thu lớn và tương đối ổn định cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Thuế GTGT chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sắc thuế, chiếm 20% tổng thu NSNN.

Tuy vậy, theo các chuyên gia về thuế thì nhiều hiện tượng tiêu cực đã xuất hiện. Chẳng hạn bán hàng, cung ứng dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn GTGT. Hoạt động này làm lợi cho đối tượng nộp thuế một lượng thuế GTGT ở đầu ra tương ứng với số hàng hóa, dịch vụ bán ra không xuất hóa đơn.

Thế rồi quy định những giao dịch có giá trị từ 200.000 đồng trở lên, việc xuất hóa đơn của bên cung cấp cũng chỉ được thực hiện khi bên mua có yêu cầu. Tại đây, nếu khách hàng muốn có hóa đơn GTGT sẽ phải thanh toán thêm tiền thuế GTGT. Tuy nhiên, hóa đơn GTGT không phải lúc nào cũng được giao ngay khi kết thúc dịch vụ. Ví dụ, tại nhiều nhà hàng, khách sạn thường có tình trạng hẹn khách vài ngày hoặc vào một khung giờ nhất định trong ngày mới được nhận hóa đơn. Điều này gây rất nhiều trở ngại cho các khách hàng ở tỉnh khác, đành bỏ còn hơn là mất thêm chi phí đi lại để lấy hóa đơn.

Việc gian lận xuất hóa đơn GTGT với số tiền trên hóa đơn cao hơn số tiền thực tế thanh toán của giao dịch giữa các bên là việc làm không quá phức tạp, nhất là với các cơ sở kinh doanh dịch vụ không có hàng tồn kho. Thủ đoạn này nhằm làm lợi cho người mua được hưởng một khoản khấu trừ lậu lớn hơn số thuế đầu vào thực tế mà vẫn không ảnh hưởng đến tổng số thuế đầu ra người bán phải kê khai và nộp.

Rất nhiều cửa hàng bán lẻ hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng không xuất hóa đơn. Đây chính là một nguồn cung cấp dồi dào hóa đơn cho những cơ sở kinh doanh muốn gian lận tăng thuế GTGT đầu vào. Việc gian lận thường xảy ra đối với các loại dịch vụ như các nhà hàng ăn uống, dịch vụ vận chuyển.

Với hàng xuất khẩu bằng 0% nên các DN khi có hàng hóa xuất khẩu sẽ được hoàn lại tiền thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, quy định này cũng bị lợi dụng khi có những DN lập hồ sơ khống cho hàng xuất khẩu nhằm rút ruột ngân sách, các gian lận này chủ yếu liên quan đến các DN xuất khẩu qua biên giới đất liền.

Cơ chế cho phép các DN tự in hóa đơn, giãn thời gian lập và nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn từ tháng thành quý. Việc thay đổi này đòi hỏi tính tự giác tuân thủ luật pháp của Nhà nước rất cao của người nộp thuế. Tuy nhiên, điều này quả thực rất khó đối với một bộ phận không nhỏ người nộp thuế ở nước ta.

Trước thực trạng nêu trên, một mặt Nhà nước sẽ có những điều chỉnh trong chính sách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng mặt khác, Nhà nước cũng cần tăng mạnh chế tài, mức xử phạt; tăng cường hiệu lực thanh tra, kiểm tra, chú trọng hậu kiểm; kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận; quy định cụ thể về điều kiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt. Như vậy sẽ bảo đảm được sự công bằng đối với tất cả công dân trước nghĩa vụ thuế, trong đó có các DN.

Linh Trang