Doanh nghiệp đến trường tuyển lao động

11:29 | 12/06/2017

815 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh hàng loạt lao động sau khi được tuyển dụng phải đào tạo lại, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách đến tận trường học để tiếp xúc với sinh viên nhằm tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao.

Chuyên môn cao cũng thất nghiệp

Theo báo cáo điều tra lao động việc làm quý I/2017 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp chung của thanh niên (tuổi từ 15-24) đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ 3 tháng trở lên đứng ở mức 13,4%. Đáng chú ý, mức độ thất nghiệp tăng dần theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghĩa là với những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao thì khả năng thất nghiệp càng lớn. Ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp lao động trình độ cao đẳng, đại học trở lên hiện khoảng 13,9% và 17,0%. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ sơ cấp hoặc trung cấp chỉ khoảng 6,3% và 11,3%.

Trước nguy cơ hàng loạt cử nhân ra trường thất nghiệp, nhiều trường đại học, cao đẳng đã tiến hành liên kết doanh nghiệp (DN) để chủ động tìm đầu ra cho sinh viên. Cuối tháng 5-2016, Học viện Hậu cần Bộ Quốc phòng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội tổ chức Ngày hội tuyển dụng chuyên ngành tài chính, kế toán và xây dựng. Ngày hội tuyển dụng có sự góp mặt của 20 DN và thu hút hơn 300 sinh viên các khóa đào tạo hệ dân sự của Học viện Hậu cần tham gia.

doanh nghiep den truong tuyen lao dong
Sinh viên hệ dân sự Học viện Hậu cần Bộ Quốc phòng trong ngày tham gia Ngày hội tuyển dụng tại trường (ảnh: Thủy Trúc)

Trả lời báo chí, Thiếu tướng, PGS.TS Phó giám đốc Học viện Hậu cần Trần Đình Hướng nhấn mạnh: “Ngày hội tuyển dụng như chiếc cầu nối giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành đào tạo tại các DN. Đồng thời là một kênh để lãnh đạo, chỉ huy Học viện nắm bắt được xu hướng việc làm, những yêu cầu mới, đòi hỏi của thị trường lao động, qua đó tiếp tục đổi mới, điều chỉnh nội dung, chương trình, quy trình đào tạo phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Là 1 trong 20 DN tham gia Ngày hội tuyển dụng, chị Nguyễn Thùy Dung - Trưởng phòng Phát triển Công ty TNHH Uber Hà Nội khẳng định: “Sự chủ động và nhiệt tình còn quan trọng hơn bằng cấp mà chúng tôi tìm kiếm ở các bạn sinh viên. Có rất nhiều kỹ năng mà các bạn có thể rèn luyện hoặc kiên trì, chịu khó sẽ phát triển được”.

Từng tham gia các buổi tư vấn, hướng nghiệp do nhà trường và các DN tổ chức, bạn Hoàng Minh Tùng (sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, việc chủ động gặp gỡ và tìm hiểu nhà tuyển dụng sẽ tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đây cũng là hoạt động bổ ích, không chỉ các bạn năm cuối mà hầu hết sinh viên đều quan tâm.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Đánh giá về việc các DN đến trường học tìm nguồn lao động, PGS.TS Lê Quân - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện nay các trường đại học lấy nhiệm vụ tạo việc làm cho sinh viên là yêu cầu số một. Vậy nên, việc nhà trường tìm đến DN để nắm bắt được nhu cầu thị trường, tạo cơ sở điều chỉnh công tác đào tạo là điều tất yếu.

Ngoài chuyên môn quản lý giáo dục, ông Lê Quân cũng là người từng tham gia tuyển dụng nhân sự cho rất nhiều công ty. Vị chuyên gia này tiết lộ, tùy theo nhu cầu của từng DN mà đối tượng họ hướng đến khác nhau. Có DN tìm đến các trường để tuyển sinh viên làm thêm, sinh viên chưa có kinh nghiệm và sinh viên chấp nhận công việc có thu nhập thấp; có DN tìm kiếm những bạn trẻ có năng lực sau đó về đào tạo theo các quy trình nghiệp vụ của họ để đáp ứng công việc chất lượng cao. Việc DN ngại tuyển dụng sinh viên vì thiếu kinh nghiệm điều này chỉ đúng một phần, đa số cần những người có tố chất và năng lực phù hợp với yêu cầu của họ thể hiện qua khả năng giao tiếp, thuyết trình…

“Hiện nay, số lượng DN muốn hợp tác với nhà trường một cách bài bản từ khâu đào tạo đến khâu tuyển dụng vẫn chưa nhiều. Ví dụ, ở Trường Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ có Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel đặt hàng một số ngành, lĩnh vực. Kết quả có rất nhiều bạn sinh viên đã được Viettel nhận làm và phát triển tốt. Điều này thể hiện sự gắn kết rất tốt giữa nhà trường và DN, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với công việc ngay từ năm nhất, năm hai đến khi tốt nghiệp. Còn đa số DN khi nào họ có nhu cầu mới tìm đến nhà trường để tuyển, thành ra chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sinh viên cho các DN tuyển chọn, chưa đến mức DN đặt hàng, nhà trường đào tạo” - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích.

Lý giải cho tình trạng này, ông Lê Quân cho biết: “Một trong số những nguyên nhân cơ bản là bản thân các DN hiện nay không phải đơn vị nào cũng đủ ngân sách để thực hiện việc đặt hàng cho nhà trường đào tạo. Các bạn sinh viên thường thiếu kinh nghiệm nên họ phải về trau dồi rất nhiều mới làm được việc. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp sinh viên sau khi được đào tạo lại có xu hướng “nhảy việc” khiến DN e ngại. Luật đã có quy định bồi hoàn chi phí đào tạo nhưng đó là trong trường hợp DN bỏ tiền túi đưa nhân viên đi học các chương trình có bằng cấp hay học phí bên ngoài. Còn kinh nghiệm mà DN truyền dạy cho sinh viên là sự kèm cặp, huấn luyện, không có quy định của pháp luật nên họ không tránh được thiệt hại”.

“Cung” chưa gắn với “cầu”

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Đây là mô hình tốt và cần được áp dụng trong điều kiện hiện nay. Khi hệ thống đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm rất khó khăn. Ở nhiều quốc gia khác, nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng và người sử dụng lao động phải trả công đào tạo. Tuy nhiên, sản phẩm đào tạo phải phù hợp, có chất lượng và đảm bảo theo nhu cầu đặt hàng. DN mong muốn tìm kiếm được đội ngũ cán bộ có chuyên môn, kỹ thuật phù hợp với cơ cấu ngành nghề nên dù có phải trả chi phí cũng là điều cần thiết”.

Quy mô của nền sản xuất chưa đủ khả năng “hấp thụ” hết nguồn nhân lực và hệ thống giáo dục đào tạo của chúng ta cũng có vấn đề. Đó là cơ sở đào tạo từ đại học, cao đẳng, trung học đến dạy nghề phát triển quá nhanh, cơ cấu đào tạo không hợp lý, nặng về đào tạo đại học, cao đẳng trong khi đào tạo công nhân kỹ thuật lại quá ít dẫn đến cơ cấu không phù hợp, tạo ra mất cân đối cục bộ. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của DN, cơ cấu ngành nghề đào tạo không phù hợp. Sinh viên ra trường thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Một bộ phận sinh viên tìm được công việc tốt và thu nhập cao hơn, bộ phận khác đào tạo trái nghề khó bố trí.

“Phải tái cơ cấu lại hệ thống giáo dục của nước ta cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế. Nguồn cung đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, cơ cấu đào tạo phải cân đối giữa các bậc đại học, cao đẳng với trung cấp và công nhân kỹ thuật. Theo đó, phải sớm thực hiện phân luồng học sinh từ trung học cơ sở, đến trung học phổ thông, coi trọng đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, phát triển loại hình DN liên kết với trường học, cơ sở đào tạo trong DN và loại hình đào tạo kèm cặp tại DN. Đơn vị sử dụng lao động không chỉ liên kết với cơ sở đào tạo mà phải có trách nhiệm chi trả phí đào tạo” - ông Bùi Sỹ Lợi đưa ra giải pháp về công tác hướng nghiệp.

Đinh Hương - Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc