Doanh nghiệp “đau đầu” với nhãn hàng riêng siêu thị

22:32 | 17/09/2017

1,844 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm mang nhãn hàng riêng siêu thị đang đẩy không ít doanh nghiệp sản xuất, kể cả các thương hiệu nổi tiếng, vào tình trạng khó khăn khi phân phối sản phẩm qua kênh siêu thị.  

Nhãn hàng riêng tràn ngập

Hiện nay, khi vào các siêu thị Co.opmart, Big C, Lotte Mart… người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy các sản phẩm như: dầu ăn, nước mắm, gạo, bánh kẹo, xúc xích, trứng, thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng… mang nhãn riêng tràn ngập trên kệ hàng ở vị trí thuận lợi, dễ thu hút khách hàng, giá rẻ. Nhiều người tiêu dùng đã chọn mua những sản phẩm mang nhãn riêng của siêu thị vì giá rẻ và tin tưởng vào uy tín của kênh phân phối hiện đại này.

Đại diện Co.opmart cho biết, Co.opmart đang tập trung phát triển nhãn hàng riêng ở các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm… do tiết kiệm được chi phí quảng cáo, phân phối, đầu tư tiếp thị cho sản phẩm, nên giá rẻ hơn so với giá sản phẩm cùng loại của các thương hiệu khác.

doanh nghiep dau dau voi nhan hang rieng sieu thi
Các siêu thị đang đẩy mạnh phát triển các mặt hàng mang nhãn hiệu riêng của mình

Bên cạnh ưu tiên về vị trí trưng bày, giá cạnh tranh, Co.opmart còn thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại cho các sản phẩm mang nhãn riêng của mình. Với thông điệp “Nhãn riêng Co.opmart tiết kiệm và chất lượng, giá luôn thấp hơn sản phẩm của các thương hiệu dẫn đầu cùng loại 5-20%”, từ ngày 26-8 đến 17-9-2017, Co.opmart giảm giá hấp dẫn cho các sản phẩm mang nhãn riêng như: nước rửa chén hương trà xanh Co.opmart 4 lít, giá 72.000 đồng/bình, giảm còn 49.900 đồng; dầu gội siêu mượt Co.opmart 370ml, giá 49.700 đồng, giảm còn 34.700 đồng/chai; bếp điện từ siêu mỏng Co.opmart GW-20IC 2200W giá 889.000 đồng, giảm còn 649.000 đồng/chiếc… Các sản phẩm kem đánh răng, nước lau sàn, chảo chống dính, bộ lau nhà 360 độ, nước mắm, màng bọc thực phẩm, bàn chải đánh răng… mang nhãn riêng Co.opmart đồng loạt giảm giá 20-25%.

Chất lượng ra sao?

Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân chia sẻ: “Hiện chúng tôi gặp nhiều khó khăn để bán hàng qua kênh siêu thị. Họ để hàng của chúng tôi ở vị trí khuất, rất khó bán, dành vị trí đẹp bán hàng mang nhãn riêng. Các siêu thị cũng giới hạn doanh nghiệp chỉ được đưa vào số lượng hàng rất ít ỏi để dành thị phần phát triển các sản phẩm mang nhãn riêng của họ. Do đó, hàng hóa mang nhãn riêng của siêu thị gây cản ngại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước muốn tạo lập thương hiệu của mình”.

Các siêu thị đang đẩy mạnh phát triển nhãn hàng riêng. Điều này đã và đang trở thành mối đe dọa đối với nhà sản xuất, khiến họ buộc phải cạnh tranh với chính các nhà phân phối bên cạnh các đối thủ khác.

Với sự phát triển ồ ạt của các sản phẩm mang nhãn riêng của siêu thị, chất lượng của những chủng loại hàng hóa này ra sao cũng là vấn đề đang được đặt ra. Bởi những sản phẩm mang nhãn riêng của siêu thị không phải do các nhà bán lẻ làm ra, mà đều được đặt gia công từ các nhà sản xuất được siêu thị lựa chọn.

Chị Nguyễn Hoàng Tuyết, ở quận 11, TP HCM cho hay, chị thường xuyên mua hàng ở siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt, do tin tưởng vào uy tín của siêu thị và thấy giá rẻ nên chị cũng đã mua dùng thử một số mặt hàng gắn nhãn riêng Co.opmart. “Các sản phẩm này giá thường giá rẻ hơn những sản phẩm cùng loại khoảng 10-20%, nhưng tôi thấy chất lượng không bằng những mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng khác, đơn cử như: cháo ăn liền, bánh bông lan, yaourt...” - chị Tuyết nói.

“Sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm trứng sạch từ nông trại đến bàn ăn. Chúng tôi đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại mấy trăm tỉ đồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chỉ “mua đầu chợ, bán cuối chợ”, đầu tư công nghệ vài chục triệu đồng để làm một công đoạn nào đó nhằm đánh bóng tên tuổi, đưa hàng hóa vào siêu thị và cạnh tranh với chúng tôi, thậm chí còn được nhiều ưu đãi hơn vì bán hàng mang nhãn của siêu thị. Đây là điều rất bất công với các doanh nghiệp sản xuất có đầu tư bài bản” - bà Huân bức xúc.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao: Không tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng

doanh nghiep dau dau voi nhan hang rieng sieu thi

“Hiện nay, mặc dù 90- 95% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt, nhưng đa số là hàng Việt gia công. Những thương hiệu Việt cứ mất dần, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguy cơ “bật” ra khỏi siêu thị. Trong các siêu thị hiện nay, hai lực lượng hàng hóa mạnh nhất là hàng của các công ty đa quốc gia và hàng gắn nhãn riêng của siêu thị. Doanh nghiệp nhỏ và vừa dù đã có thương hiệu nhưng muốn bán hàng của mình tại siêu thị cũng gặp không ít khó khăn bởi không cạnh tranh nổi với hai đối tượng trên. Nhiều doanh nghiệp than rằng, muốn hàng được bán ở siêu thị thì phải làm gia công (làm hàng mang nhãn riêng của siêu thị) với một tỷ lệ nhất định thì mới được chấp nhận.

Phía siêu thị cho rằng, việc kinh doanh hàng gắn nhãn riêng cũng là phục vụ cho quyền lợi của người tiêu dùng, bởi siêu thị tận dụng ưu thế là nhà phân phối, giúp doanh nghiệp bán được hàng, giải quyết khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Đây là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, chúng tôi không hoàn toàn ủng hộ xu hướng đó, bởi việc này không tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng. Do đó, cần quy định về tỷ lệ hàng gắn nhãn riêng trong siêu thị và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại”.

Mai Phương