Dở khóc, dở cười vì lợn “rớt” giá

16:35 | 17/04/2017

13,699 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giá lợn thịt lao dốc, trong khi giá thành nguyên liệu phục vụ chăn nuôi không giảm đã đẩy nhiều hộ chăn nuôi lợn rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Vài tháng trở lại đây, giá lợn thịt trên địa bàn cả nước sụt giảm, xuống mức thấp hơn cả giá thành khiến người nuôi điêu đứng. Theo giới chuyên môn, nguyên nhân dẫn tới lợn thịt sụt giá là do nguồn cung vượt cầu và lợn thịt xuất sang Trung Quốc bất ổn định. Hiện giá lợn thịt được bán phổ biến từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, trong khi giá thành chi phí cho mỗi kg lợn hơi lên tới 40.000 đồng/kg.

do khoc do cuoi vi lon rot gia
Người nông dân lao đao vì giá lợn xuống thấp (ảnh: Mỹ Hạnh).

Ông Nguyễn Đình T., một hộ dân nuôi lợn trên địa bàn xã Phong Phú (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 20 con lợn nái với hơn trăm con lợn sữa. Hiện đàn lợn sữa đã đến thời kỳ xuất chuồng, nhưng giá cả lại quá thấp, bán đi thì không đành mà giữ lại thì không có vốn để mua thức ăn cho chúng”.

Theo ước tính của ông T., nếu bán lợn ở thời điểm này gia đình sẽ lỗ khoảng 600 đến 800 ngàn đồng/con. "Nhiều nhà thấy lợn sữa rẻ quá, không đến 300 nghìn đồng/con, nên mua về mổ thịt làm thức ăn” - ông T. cho hay.

Trước đó, gia đình ông T. đã đầu tư trên 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua lợn giống và tìm hiểu phương pháp chăn nuôi với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khoản nợ của gia đình ông mỗi ngày một lớn vì lợn không bán được nhưng vẫn phải mua cám bã cho chúng ăn. "Tính cả vốn đầu tư chuồng trại, lợn giống, thực ăn... gia đình tôi bỏ ra gần 200 triệu đồng" - ông T. nói.

Được biết, trên địa bàn xã Phong Phú có khoảng 20 hộ dân chăn nuôi lợn với quy mô lớn. Tất cả đều là do các hộ dân tự phát đầu tư xây dựng chuồng trại, chứ không hề có chính sách khuyến khích đầu tư.

“Khi người dân có nhu cầu đầu tư chăn nuôi lợn, họ làm đơn vay vốn và được vay với lãi suất dành cho chăn nuôi là 1%. Hiện nay, đối với tình trạng giá cả sụt giảm nhanh chóng, một con lợn gần 50 kg bán chỉ được vẻn vẹn 1 triệu đồng. Chính quyền xã đang vận động các hộ nuôi nhiều bán cắt lỗ” - ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú nói.

Theo tìm hiểu của PetroTimes, tình trạng lợn mất giá không chỉ xảy ra ở Phú Thọ mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh khác. Anh Hùng, một hộ chăn nuôi ở huyện Văn Quan (Lạng Sơn) cũng đang ở vào hoàn cảnh tương tự cho hay: “Lỗ đấy, nhưng vẫn còn may chán chú ạ. Nhà tôi nuôi lợn nái nên cũng đỡ được tiền giống, nếu không thì lỗ nặng nữa”.

Khi được hỏi, tại sao không bán lợn để thu hồi vốn, chờ giá lợn bình ổn rồi tái đàn anh Hùng chỉ “cười trừ”. Còn theo những người chăn nuôi lợn tại các khu vực trên địa bàn Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội, thì ở cùng thời điểm này năm ngoái, giá lợn sữa tăng mạnh, một con lợn sữa giống được bán với giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/con, một đàn có khoảng 10 - 12 con sẽ có giá tương đương khoảng 12 - 18 triệu đồng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá lợn sữa sụt giảm mạnh, cùng một giống lợn, với loại lợn sữa giá chỉ từ 500 - 700 nghìn đồng/con. Còn giống lợn Móng Cái trắng thì giá chỉ còn 150 - 180 nghìn đồng/con. Tình trạng này đã từng xảy ra trên địa bàn cả nước trong nhiều năm qua.

Theo một chủ trại lợn trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội), để nuôi một con lợn đến khi xuất chuồng ít nhất phải đầu tư từ 3,5 - 4 triệu đồng (tiền mua con giống, thức ăn, điện nước, thuốc phòng bệnh...) Nếu giá lợn khoảng 50.000 đồng/kg trở lên, thì người chăn nuôi mới mong có lãi. Còn giá giảm như hiện nay thì sẽ rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Mặc dù lợn thịt giảm mạnh nhưng thịt lợn tại các chợ trên địa bàn Hà Nội là không hề giảm. Theo khảo sát của PetroTimes vào sáng 17/4 tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá thịt lợn ba chỉ dao động từ 70.000 đến 90.000 đồng/kg; thịt lợn nạc thăn có giá từ 85.000 đến 100.000 đồng/kg; đùi lợn có giá 70.000 đến 80.000 đồng/kg.

Có thể thấy, với tình hình hiện tại, người nuôi lợn bị đẩy vào cảnh “bán không được và nuôi không xong”. Đây có lẽ là hậu quả của việc nuôi lợn theo phong trào khi chưa có sự định hướng, tư vấn của các cơ quan chức năng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những thông tin định hướng cho người dân trong việc chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Mỹ Hạnh - Quang Thịnh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc