Điều tra vụ xe cứu hỏa va chạm xe khách trên cao tốc

14:01 | 23/03/2018

986 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 19-3, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội (PCCC Hà Nội) đã thông tin chính thức về vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giữa xe cứu hỏa và xe khách.  

Gặp nạn khi đi cứu nạn

Theo báo cáo, khoảng 16h28 ngày 18-3, Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận được tin báo từ Trung tâm cứu thương 115 về vụ tai nạn giữa xe khách và xe tải tại khu vực Trạm thu phí Vạn Điểm - Đỗ Xá (hướng Hà Nam - Hà Nội) dẫn đến một số người bị thương và mắc kẹt trong xe, cần cứu hộ, cứu nạn.

dieu tra vu xe cuu hoa va cham xe khach tren cao toc
Hiện trường vụ tai nạn

Cảnh sát PCCC Hà Nội đã điều động 1 xe cứu hỏa chuyên dụng và 7 chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 12 đến hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ. Do vị trí xảy ra tai nạn và tình hình ùn tắc giao thông trên tuyến đường, để tiếp cận hiện trường nhanh nhất, xe cứu hỏa đã thực hiện quyền ưu tiên, đi vào đường ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Quá trình chạy, các thiết bị đèn, còi… đều được kích hoạt sử dụng.

Tuy nhiên, trên đường đi, xe cứu hỏa đã xảy ra va chạm với xe khách mang biển số 29B - 078.43 tại địa điểm gần Trạm thu phí Thường Tín (xã Văn Bình, huyện Thường Tín). Hậu quả khiến 5 hành khách và 6 chiến sĩ cảnh sát PCCC bị thương. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, các nạn nhân được đưa đi cấp cứu. 4 chiến sĩ sau khi sơ cứu đã xuất viện, 1 chiến sĩ bị rạn xương quai xanh đang được điều trị tại Bệnh viện 198. Người nặng nhất là Trung sĩ Chử Văn Khánh (25 tuổi), dù được tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.

Đến nay, Cảnh sát PCCC Hà Nội đang tích cực phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội và các đơn vị liên quan điều tra, đánh giá khách quan nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khẳng định, việc xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là hoàn toàn đúng thẩm quyền, thuộc một trong các trường hợp được quyền ưu tiên. Quá trình tới hiện trường, cảnh sát đã thực hiện các hình thức thông báo bằng các phương tiện trang bị trên xe như: còi hụ, phát loa, đèn tín hiệu....

Thiếu tướng Định cũng cho biết, qua vụ tai nạn này, lực lượng cảnh sát PCCC sẽ có giải pháp để nâng cao nhận thức chấp hành luật giao thông, văn hóa tham gia giao thông của người dân và cảnh sát PCCC; đồng thời, thực hiện các chế độ chính sách đối với các nạn nhân trong vụ tai nạn, trong đó bao gồm cả chiến sĩ và người dân.

Bài học đắt giá

dieu tra vu xe cuu hoa va cham xe khach tren cao toc
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Liên quan đến vụ tai nạn, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

“Trong vụ việc này, xe cứu nạn đang đi làm nhiệm vụ nên có quyền đi ngược chiều nhưng phải có tín hiệu cảnh báo theo quy định. Xe khách do thiếu quan sát, không giảm tốc độ và nhường đường đã va chạm đối đầu với xe cứu nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hành vi của lái xe khách đã có dấu hiệu vi phạm khoản 3, Điều 22 Luật Giao thông đường bộ” - luật sư Thơm nói.

Theo luật sư Thơm, để có căn cứ xem xét trách nhiệm các bên thì cần thiết phải làm rõ mức độ lỗi của bên xe cứu nạn và xe khách. Nếu có căn cứ xác định lái xe khách do thiếu quan sát, không nhường đường cho xe ưu tiên mà khi mình có đủ khả năng để quan sát xe cứu nạn đang di chuyển vào đường cao tốc mà không chủ động giảm tốc, nhường đường, gây hậu quả nghiêm trọng, thì sẽ có dấu hiệu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Mặt khác, cần thiết phải xem xét việc điều khiển xe cứu nạn đi làm nhiệm vụ vào đường cao tốc. Dù là xe ưu tiên số 1, nhưng về nguyên tắc, khi đi làm nhiệm vụ cũng phải bảo đảm an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường. Khi xe cứu nạn đi làm nhiệm vụ thì không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Như vậy, khi cảnh sát PCCC nhận được tin báo và điều động xe cứu nạn đi vào cao tốc cần thiết phải thông báo cho Cảnh sát giao thông (CSGT) quản lý đường cao tốc hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc để có phương án chủ động phân luồng giao thông, cảnh báo các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện và người tham gia giao thông. Nếu cảnh sát PCCC chưa có biện pháp thông báo cho CSGT hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc thì cũng cần thiết phải xem xét trách nhiệm để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, khi xe cứu nạn đi ngược chiều vào cao tốc ngoài việc có đèn tín hiệu cảnh báo thì phải quan sát và đi vào phần đường quy định ở làn khẩn cấp. Đây là làn đường đóng vai trò là nơi dừng, đỗ xe khẩn cấp khi xe bị hỏng hoặc là làn đường dành riêng cho các xe công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp.

Đây cũng là cảnh báo chung trong việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của các chủ phương tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc. Ngoài ra, các lực lượng thực thi công vụ trên đường giao thông cũng cần phải tuyệt đối chấp hành luật giao thông đường bộ, chủ động xử lý tình huống, bảo đảm an toàn cho chính bản thân và những phương tiện khác đi trên đường.

Phải xem xét việc điều khiển xe cứu nạn đi làm nhiệm vụ vào đường cao tốc. Dù là xe ưu tiên số 1 nhưng về nguyên tắc, khi đi làm nhiệm vụ cũng phải bảo đảm an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường.

Song Nguyễn