Điều kỳ diệu của bức thư gửi cho liệt sĩ 1

15:07 | 26/07/2011

285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vì quá nhớ mong cha, người con gái ấy gửi lá thư vào chiến trường Quảng Trị nơi cha nằm lại, với địa chỉ mà không một bưu tá nào có thể biết chính xác: Kính gửi cha Lê Văn Đảm, hy sinh ngày 22/3/1966, tại Cam Lộ, Quảng Trị.

Người gửi bức thư ấy là chị Lê Thị Thoa, con gái liệt sĩ Lê Văn Đảm. May mắn sao, lá thư ấy đã tới tay cựu chiến binh Trần Kiệm (69 tuổi, ở phường 5, Đông Hà, Quảng Trị) – người có hàng trăm chuyến lặn lội đi tìm kiếm hài cốt đồng đội.

Gửi thư cho… liệt sĩ

Liệt sĩ Lê Văn Đảm (xã Quảng Minh, Quảng Xương, Thanh Hóa) là một trong 5 người của xã Quảng Minh nhập ngũ vào tháng 5/1966. “Lúc này, chỉ có anh Đảm đã lập gia đình và có con. Đến khi chiến tranh kết thúc, trong 5 người ấy, chỉ có anh Đảm không về” – ông Mão, đồng đội may mắn của liệt sĩ Đảm, bùi ngùi cho biết.

CCB Trần Kiệm (trái) cùng người thân đưa LS Lê Văn Đảm về quê.

“Sau ngày nhập ngũ, đơn vị tui được lệnh lập tức lên đường vào Nam chiến đấu. Với phương thức ngày nghỉ đêm đi, vừa hành quân vừa huấn luyện, đầu tháng 9/1966 đơn vị đã vào đến chiến trường Quảng Trị” – ông Mão nhớ lại. Rạng sáng 23/9/1966, đơn vị vượt sông Bến Hải rồi nghỉ tại Cu Đin- Ba De (khu vực giáp ranh giữa Gio Linh và Cam Lộ, Quảng Trị).

Trong khi bộ binh vừa hoàn thành công việc đào hầm hào trú ẩn thì trinh sát của đơn vị chạm trán với lính thám báo Mỹ. Ngay lập tức máy bay và phi pháo của Mỹ đánh phá hết sức ác liệt khu vực Cu Đin- Ba De. “Trận đó, đồng chí Đảm hy sinh. Khoảng 10 giờ sáng, tui cùng đồng đội mai táng đồng chí Đảm tại dốc Khế, xã Cam Tuyền, Cam Lộ” – lời ông Mão.

Năm 1974, ông Mão rời quân ngũ trở về quê sinh sống. Câu chuyện về sự hy sinh của liệt sĩ Đảm cũng nhạt dần theo năm tháng cuốn theo biết bao lo toan của cuộc sống đời thường. Nhưng với chị Lê Thị Thoa, con gái liệt sĩ Lê Văn Đảm, câu chuyện về sự hy sinh của cha mình ở chiến trường miền tây Quảng Trị cứ thôi thúc chị tìm hài cốt của cha.

“Cha Lê Văn Đảm của con ơi, 43 năm trôi qua, trong lòng con lúc nào cũng nghĩ về cha, ước được gặp cha dù chỉ là trong mơ, mong được nhìn thấy cha một lần…”. 43 năm đằng đẵng mỗi lần nhớ cha, chị lại viết thư để lên bàn thờ tâm sự với cha rồi đốt đi. Sau đó, vì nhớ cha quá mà chị gửi thư đi, chị không mong thư sẽ đến được đâu hết…

Vậy mà, ngạc nhiên sao, nó đã đến tay ông Trần Kiệm – một đồng đội của cha chị. Ông Kiệm đã khóc, thảng thốt khi đọc lá thư. Ông xúc động với hành trình tìm cha trong vô vọng nhưng không bỏ cuộc của cô con gái. Ông liên lạc lại với chị Thoa, ông Mão và sau đó lặn lội lên rừng tìm hài cốt liệt sĩ Đảm.

Cuộc hội ngộ sau 43 năm

Ông Trần Kiệm kể lại: Sau khi đọc thư Thoa, tui lập tức băng rừng vượt suối tìm nơi chôn cất liệt sĩ Lê Văn Đảm. Nhiều CCB khác cũng không cầm lòng được trước lá thư xót xa đó và đã tự nguyện cùng đi tìm với tôi. Chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ, núi rừng đã bị tàn phá, địa hình thay đổi nên việc tìm kiếm hết sức khó khăn. Những CCB chúng tôi sức vóc không còn như xưa, mỗi lần vượt núi cao, lội suối sâu là thấy rã rời. Thế nhưng cứ nghĩ đến bức thư của cháu Thoa là không ai dừng lại, bất chấp mệt mỏi, đói khát, cứ thế mà đi.

Chị Thoa vào Quảng Trị, cảm động trước nhiệt tình tìm kiếm hài cốt bố của bác Kiệm đã xin được làm con nuôi của bác. “Cuộc kiếm tìm tưởng chừng vô vọng thì bỗng nhiên có một người dân khi đi rà phế liệu ở rừng dốc Khế đã phát hiện di hài của bố tôi cùng các di vật bố thường sử dụng trong suốt chặng đường hành quân đánh giặc cho đến ngày hy sinh. 43 năm mòn mỏi, giây phút ấy đối với tôi như không còn có hạnh phúc nào lớn hơn thế” – chị Thoa bồi hồi.

Thi hài liệt sĩ Đảm ban đầu được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Cam Lộ (Quảng Trị), sau đó chị Thoa xin đưa bố về Quảng Minh, Thanh Hóa. Trong ngày đưa bố Đảm về quê, bên cạnh chị Thoa còn có bố nuôi Trần Kiệm và các đồng đội của ông..

Theo DV