Diễn viên Huỳnh Đông: "Chúng ta cứ tự làm khó mình...!"

07:00 | 26/09/2013

2,010 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Có duyên” với những vai diễn trong phim lịch sử, diễn viên Huỳnh Đông cho rằng: “Đề tài lịch sử của chúng ta rất phong phú, hoàn toàn có thể dựng làm những phim điện ảnh tốt. Nhưng chúng ta đang tự làm khó mình...”

- Sau những bộ phim thuộc đề tài lịch sử "Vó ngựa trời Nam" và "Thiên mệnh anh hùng" đến bây giờ là "Người cộng sự", hẳn không khó khăn gì với Huỳnh Đông?

- Thực ra mỗi phim đòi hỏi khác nhau và bối cảnh lịch sử cũng khác nhau. Nhưng đúng là sau những bộ phim trước thì Đông rút ra được kinh nghiệm rằng đối với phim thuộc thể loại phim lịch sử thì điều quan trọng là phải nắm bắt được bối cảnh lịch sử ở thời điểm đó để có thể hình dung ra nhân vật một cách xác thực nhất, từ đó thể hiện sao cho tốt khí chất của nhân vật, nắm bắt được cái thần thái của nhân vật mình thủ vai.

Thực ra đây cũng mới là lần thứ 3 Đông làm phim về đề tài lịch sử nhưng cũng thấy rằng, nó quả thật có khó khăn. Không như những vai diễn đương đại khác cần đọc và hiểu tâm lý nhân vật thì ở thể loại lịch sử còn phải tìm hiểu rất nhiều những thông tin ở điểm đó để làm sao bổ trợ cho vai diễn của mình một cách tốt nhất.

Là diễn viên trẻ có duyên với những vai diễn trong phim lịch sử

- Với bộ phim “Người cộng sự” thì ê-kíp làm việc có chút đặc biệt hơn bởi là phim hợp tác với nước ngoài. Anh thấy ở đó sự chuyên nghiệp hơn so với hai bộ phim trước đây chứ?

- Mỗi bộ phim lại có sự đầu tư khác nhau, như phim Vó ngựa trời nam là một bộ phim dài tập, Đông đã mất một năm rưỡi để hoàn thành vai diễn đó. Còn Thiên ệnh anh hùng lại là một bộ phim điện ảnh, nó cũng chuyên nghiệp và ở một tầm cao khác. Đông thấy sự chuyên nghiệp của các nhà sản xuất của ta cũng tương đối ổn.

Phim Người cộng sự hoàn thành nhanh bởi nó là một bộ phim hợp tác, được đầu tư với kinh phí khủng và toàn bộ lực lượng tinh nhuệ nhất của hai đài VTV (Việt Nam) và TBS (Nhật Bản) đảm nhiệm nên tất cả đều khá trơn tru. Những khúc mắc thường thấy trong làm phim hay bị khựng lại giữa chừng là không hề có. Tất nhiên để đạt được đến sự chuyên nghiệp này thì cần phải nhiều yếu tố mà Đông nghĩ rằng các nhà sản xuất phim ở Việt Nam nếu có điều kiện cũng đều mong muốn làm được như thế.

- Một bộ phim hợp tác và làm trên tinh thần ngoại giao, áp lực hẳn đã rất lớn với Huỳnh Đông. Nhất là lại nặng nề hơn khi một mình đảm nhận hai vai?

- Áp lực là điều tất yếu nhưng mình tự nhủ nó cũng không có gì là ghê gớm để tránh những tác động ngoài luồng hay những khó khăn làm mình nản trí. Nhưng quả thực là khi tham gia vào bộ phim Huỳnh Đông thấy rằng, với một mức đầu tư như vậy, sự chăm sóc, lo lắng hết mình cho diễn viên như vậy... thì cái mình có thể đáp lại không gì bằng hoàn thành thật tốt vai diễn.

Huỳnh Đông thủ vai chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu trong phim Người Cộng Sự

- Nhà sản xuất bên phía Nhật Bản đã nhận định đây là một bộ phim hay. Vậy từ phía cá nhân Huỳnh Đông đánh giá, với tư cách là một diễn viên  trong thời điểm phim chuẩn bị lên sóng cảm giác của anh lúc này thế nào?

- Mình cũng chưa được coi nên mình không biết nữa, cũng hồi hộp như khán giả, thậm chí còn hơn nữa. Nếu đúng như kịch bản thì Đông nghĩ rằng đây là một bộ phim tốt và khá hay.

Phim sắp lên sóng nên Đông cũng rất nóng lòng muốn biết sự chờ đón của khán giả sẽ như thế nào. Còn với riêng bản thân Đông, sau khi phim đã đóng máy, Đông đã thấy nó là một sản phẩm chỉn chu.

- Như Huỳnh Đông cũng thấy là làm phim theo đề tài lịch sử của nước ta còn nhiều hạn chế. Tuy rất nhiều những khó khăn cố hữu tác động đã được chỉ rõ ở thể loại này, nhưng tôi muốn biết từ tư cách một diễn viên đã tham gia nhiều bộ phim lịch sử, anh có nhìn nhận thế nào về việc này?

- Đông nghĩ cái cơ bản là sự quan tâm của công chúng với đề tài phim lịch sử chưa được cao và chưa được tiếp nối. Trong khi các nhà sản xuất phim lịch sử gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc lấy bối cảnh, thiếu trường quay, đầu tư nhiều kinh phí vào trang phục, thiết bị... Đó là còn chưa kể đến việc phải tìm hiểu sao cho đúng với lịch sử đương thời, có khi chỉ cần sai những chi tiết nhỏ cũng có thể làm hỏng cả bộ phim. Nói chung là rất căng thẳng.

Thêm nữa, đạo diễn, biên tập rồi đến... diễn viên cũng không thể “phiêu” được bởi nó còn hạn chế về nhiều mặt, bởi phim lịch sử có nhiều khuôn mẫu và kiểm duyệt. Một bộ phim lịch sự không đi đúng lịch sử và có sự hư cấu thái quá thì sẽ khó được chấp nhận... Chính vì quá nhiều yếu tố đó mà Đông thấy rằng, chính chúng ta đang tự làm khó mình. Chứ thẳng thắn nhìn nhận thì đề tài lịch sử của chúng ta rất phong phú, hoàn toàn có thể dựng thành những bộ phim điện ảnh tốt. Qua những bộ phim đó nó còn quảng bá hình ảnh Việt Nam, quảng bá tinh thần cũng như đất nước con người Việt Nam ra với thế giới... Đông cho rằng đó là một điều tốt. Và để làm được điều này, Đông nghĩ cần có sự đầu tư một cách chính đáng, bài bản... thì bấy lâu nữa Việt Nam cũng sẽ có được những bộ phim hay như của nước ngoài thôi.

Một cảnh trong Thiên Mệnh Anh Hùng cùng diễn viên Midu

- Phim lịch sử không được “phiêu” với vai diễn. Vậy, với “Người công sự” Huỳnh Đông cũng phải đóng khung trong khuôn khổ nào đó sao?

-Người cộng sự thì có sự dễ dàng hơn là vì trước đây công chúng chỉ biết đến cụ Phan Bội Châu qua sách báo và phim tư liệu. Đây là bộ phim truyền hình đầu tiên làm về cụ. Thêm nữa, mối thân tình giữa cụ Phan với vị bác sĩ người Nhật Bản Sakitaro Asaba trong sử sách cũng không chép nhiều. Nên khi đọc kịch bản, Đông có thể tưởng tưởng được nhiều các chi tiết bay bổng hơn để có thể lột tả được hết khí chất của cụ để chuyển tải hình ảnh người chí sĩ cách mạng này đến khán giả một cách chân thực và gần gũi nhất.

- Vậy cái khó của một diễn viên trong phim lịch sử là gì?

- Chuyển tải nhân vật lịch sử một cách chân thật, chính xác mà không gò ép khiên cưỡng là điều mà diễn viên phải làm được. Để làm được như thế thì đương nhiên bạn phải có sự hiểu thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Không hiểu lịch sử thì làm sao mình có thể chuyển tải lịch sử. Nên làm phim lịch sử có nhọc nhằn hơn đôi chút là phải chuẩn bị và tìm hiểu rất nhiều tư liệu. Bởi chỉ cần sai một chi tiết nào đó thôi cũng sẽ làm hỏng cả một bộ phim.

Mặt khác khán giả họ cũng không bỏ tiền ra mua một thứ mà người ta đã biết, có sẵn trong lịch sử rồi. Nên sáng tạo mà không lệch lạc lịch sử cũng là điều cần thiết. Với quá nhiều khó khăn như thế thì thay vì làm một bộ phim giải trí nhẹ nhàng mà ăn khách thì tội gì. Nhà sản xuất họ bỏ tiền ra làm phim thì ngoài việc thu hồi vốn người ta cũng phải tính đến lời chứ. Vậy thì thay vì nhọc công hơn mà lại nguy cơ “đắp chiếu” thì rất ít nhà làm phim sẽ chịu mạo hiểm, đó là đương nhiên rồi.

Cảm ơn Huỳnh Đông về cuộc trò chuyện này!

Huy An (Thực hiện)