Điện ở Côn Đảo

14:16 | 14/03/2015

3,785 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nằm cách TP Hồ Chí Minh 230km, Côn Đảo có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở khu vực biển phía Nam của đất nước. Đặc biệt, tiềm năng phát triển các loại hình du lịch như sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh của Côn Đảo cũng rất lớn và đây cũng được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định là tiền đề, động lực thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ khác phát triển theo. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, để đáp ứng các dự án phát triển du lịch trên địa bàn thì ngành điện phải phát triển song hành với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năng lượng Mới số 404

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nguồn điện cung cấp cho trung tâm thị trấn Côn Đảo là trạm diesel có hai nhà máy; trong đó, nhà máy điện trung tâm (công suất khả dụng 860kW) và Nhà máy điện An Hội (tổng công suất 3.680kW). Ngoài ra còn có trạm pin mặt trời, thuộc cụm Nhà máy An Hội, công suất lắp đặt 36kW, vốn của Tây Ban Nha tài trợ, khánh thành từ 31/1/2015. Với nguồn vốn từ Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Điện lực Côn Đảo đang lắp thêm các tổ máy theo phân kỳ đầu tư ở Nhà máy An Hội; trong đó, tháng 5/2015 sẽ bổ sung tổ máy 1.500kW và đến năm 2016 sẽ thêm một tổ công suất 1.500kW.

Đánh giá về tình hình cung cấp điện ở Côn Đảo, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Nguyễn Văn Dũng nhận xét, với tổng công suất hiện nay, Điện lực Côn Đảo mới đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng trên đảo. Một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn như Six Senses, Sài Gòn - Côn Đảo phải chủ động máy phát điện. “Nếu người dân phát triển ngành nghề, các cơ sở lưu trú, khách sạn mini thì nguồn điện sẽ không đáp ứng đủ”, ông Dũng nói.

Một góc huyện Côn Đảo

Ông Đoàn Văn Tranh, Giám đốc Điện lực Côn Đảo (Công ty Điện lưc Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, trước đây Điện lực Côn Đảo là trạm cung cấp điện nước, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện. Đến ngày 1/1/2014, tách phần điện trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam với 49 người trong tổng số 54 CBCNV được hưởng nguyên chế độ của CBCNV ngành điện, còn phần nước vẫn trực thuộc huyện. Qua hơn 1 năm trực thuộc tổng công ty, đến hết tháng 2/2015, Điện lực Côn Đảo có 1.890 khách hàng sử dụng điện, 100% các hộ gia đình đều có điện; trong đó 48% là khách hàng sinh hoạt, 31% là kinh doanh dịch vụ, du lịch, còn lại là các ngành nghề khác.

Nhận xét về việc chuyển giao này, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho rằng, từ khi chuyển giao về Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý, tính chuyên nghiệp cao, quản lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tổn thất điện năng giảm, khắc phục được những hạn chế do địa phương quản lý trước đây, đặc biệt, giá bán điện bằng giá đất liền đó là điều mừng của người dân trên đảo.

Ông Đoàn Văn Tranh cho biết, giá nhiên liệu (dầu DO) chiếm 85% giá thành sản xuất điện tại Côn Đảo. Một lít dầu diesel hiện giá là 15.183 đồng thì sản xuất được 3kW điện, nên càng chạy nhiều càng lỗ. Riêng năm 2014, bình quân lỗ 46 tỉ đồng, so với trước đây bình quân lỗ 33 tỉ đồng/năm. Nhưng bù lại, người dân trên đảo lại được hưởng giá điện như ở đất liền.

Chị Kim Thị Ánh từng 30 năm sống ở Côn Đảo, chủ nhà hàng Tri Kỷ ở khu phố 5, đường Nguyễn Đức Thuận chia sẻ: “Trước đây, khi chưa được hưởng giá điện như trong đất liền, nhà hàng phải trả tiền điện bình quân từ 13-17 triệu đồng/tháng, sau này chỉ phải trả mỗi tháng gần 5 triệu đồng. Điện đảm bảo 24/24 giờ. Chất lượng điện sau khi đưa về ngành điện quản lý cũng tốt hơn. Nếu có mất điện chỉ từ 5-10 phút là có ngay”. Chị phấn khởi cho biết: “Giá điện thấp như vậy, việc kinh doanh của nhà hàng cũng dễ hơn, đặc biệt doanh thu tăng lên và gia đình có lợi nhuận cao hơn”. 

“Hiện điện diesel vẫn là nguồn cung cấp chủ đạo ở Côn Đảo. Chỉ cần mỗi tháng, mỗi người dân ở đất liền bỏ 100 đồng/kWh điện thì bài toán bù lỗ cho Côn Đảo nói riêng và các đảo nói chung trên địa bàn cả nước sẽ được giải quyết”, ông Dũng đề xuất.

 “Vấn đề còn lại là Bộ Công Thương phải sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với điện gió, điện mặt trời, điện khí hóa lỏng, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo”, ông Tranh đề nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, thực hiện Quyết định 264/2005/QĐ-TTg  ngày 25/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020”, Côn Đảo sẽ được đầu tư xây dựng trở thành “Khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao”, gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía nam Tổ quốc. Trong giai đoạn đến năm 2020, phấn đấu thu nhập nội địa (GDP) bình quân đầu người từ 1.800 - 2.000 USD; khách du lịch từ 500 - 700 ngàn lượt người/năm.    

 Mới đây, ngày 10/2/2015, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định 314/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn huyện Côn Đảo đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Theo quyết định này, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2015-2020 là 23,4%. Diesel vẫn là nguồn điện chủ lực cung cấp cho huyện Côn Đảo trong thời gian tới, kết hợp nguồn nhiệt điện khí (LNG) và các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, đảm bảo mỹ quan đô thị và môi trường trong sạch phát triển du lịch. 

Như vậy, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện của huyện Côn Đảo theo quy hoạch khoảng 2.601 tỉ đồng; trong đó tổng nguồn điện được đầu tư xây dựng tại Côn Đảo đến năm 2030 là 65,4MW, với tổng vốn 2.400,4 tỉ đồng; trước mắt giai đoạn 2015-2020 là 43MW, vốn 1.670,4 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 2 dự án nguồn điện với tổng vốn đầu tư 645 tỉ đồng đã có giấy chứng nhận đầu tư là Nhà máy điện gió Côn Đảo (công suất 4MW) và Nhà máy điện mặt trời kết hợp khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Côn Đảo (5MW).Vốn ngành điện sẽ là nguồn chủ lực để đầu tư các dự án. Cơ chế chính sách ưu đãi sẽ theo quy định tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với địa bàn huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Lãnh đạo huyện Côn Đảo cho biết, các sở, ban, ngành của tỉnh đang phối hợp với UBND huyện Côn Đảo xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển Côn Đảo và quy hoạch phát triển du lịch để tháo gỡ những vướng mắc; có cơ chế, chính sách ưu tiên để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ tại Côn Đảo. Đặc biệt kết nối giữa thị trấn Côn Đảo và các hòn đảo khác như: hòn Cau, hòn Bảy Cạnh, hòn Bà, hòn Trứng lớn, hòn Bông Lan… để thu hút du khách.  

Năm 2015, Điện lực Côn Đảo đặt mục tiêu sản xuất 11 triệu kWh, tăng 6% so với năm 2014. Và như vậy, khi ngành điện phát triển song hành, huyện đảo này sẽ phát huy những lợi thế, tiềm năng phát triển Côn Đảo tương xứng với vị trí tiền tiêu của cả nước.

Theo Quyết định số 949/QĐ-UBND, ngày 18/5/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thực hiện giá bán điện năm 2012 trên địa bàn huyện Côn Đảo đến trước ngày 1/6/2014, giá bán điện chiếu sáng, cơ quan hành chính sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh - dịch vụ áp dụng chung một mức là 7.777 đồng/kWh (chưa có thuế VAT) và giá sinh hoạt bình quân là 3.097 đồng/kWh thì sau ngày 1/6/2014 đến ngày 15/3/2015,  giá điện trên đảo bằng giá đất liền theo Quyết định số 4887/QĐ-BCT ngày 30/5/2014 quy định về giá bán điện của Bộ Công Thương, giá điện bình quân là 1.598,85 đồng/kWh.

Mai Phương

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps