Điện lực Đồng Nai: Đi trước để tạo đà phát triển

10:55 | 07/11/2014

805 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đồng Nai là tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, với nhiều khu công nghiệp phát triển mạnh và năng động nhất cả nước, chính vì vậy, trách nhiệm cung ứng điện an toàn, ổn định luôn là thách thức không nhỏ đối với Công ty TNHHNN MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai). Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên, trong những năm qua, PC Đồng Nai luôn đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Vượt qua khó khăn

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hệ thống lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ vỏn vẹn có 66,1 km đường dây 15 kV với tổng dung lượng các trạm biến áp (TBA) là 78,4 MVA, chỉ đủ để cung cấp điện cho khu kỹ nghệ Biên Hoà và một số phường quan trọng của thành phố Biên Hòa. Thời gian này, tỉnh Đồng Nai chỉ có 4 chi khu phát điện, đó là Định Quán, Long Khánh, Biên Hòa và Đức Tu. Hệ thống lưới điện chưa hình thành, nên nhiều vùng chưa được cung cấp điện. Hoạt động sản xuất phân phối điện còn manh mún, chắp vá; đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật thiếu và non nớt.

Trước tình hình đó, ngành Điện đã tập trung lực lượng cán bộ chuyên ngành hiện có, cũng như thành lập Sở Quản lý và Phân phối điện Đồng Nai. Từ đó, công tác đầu tư, cải tạo lưới điện đã từng bước được triển khai. Đến năm 1999, lưới điện của Đồng Nai đã được xây dựng với tổng số 3.227 km đường dây cấp điện áp các loại, trong đó có 1.651,28 km đường dây trung thế với 2842 TBA, tổng dung lượng 536,3 MVA. Số CBCNV đơn vị lúc này là 933 người.

Bảo trì đường dây 110 kV Long Bình – Xuân Trường (Đồng Nai)

Cũng từ năm 1999, để đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của địa phương, PC Đồng Nai được nâng cấp thành Công ty Điện lực Đồng Nai trực thuộc EVN.  Đây cũng là giai đoạn Công ty đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Vừa làm, vừa củng cố mô hình tổ chức, quản lý, vận hành. Trong khi đó, nguồn điện quốc gia thiếu thốn, các trạm trung gian đều quá tải, khả năng phát triển lưới điện không theo kịp tốc độ gia tăng phụ tải của một vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; không đủ vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện. Do vậy, tình trạng điện áp không đảm bảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung ứng điện cho khách hàng. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ thường xuyên của lãnh đạo ngành và chính quyền địa phương, cùng với tinh thần đoàn kết, tích cực thi đua lao động sản xuất, năng động, sáng tạo của cán bộ, công nhân viên, PC Đồng Nai đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Thực hiện chính sách đối ngoại và thu hút đầu tư nước ngoài, hơn 10 năm qua,  Công ty đã tập trung xây dựng hệ thống lưới điện và các TBA 110kV tại các khu công nghiệp (KCN), góp phần cùng với tỉnh nhà hoàn thiện kết cấu hạ tầng KCN với chất lượng tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư. Cụ thể, từ năm 1999 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, Công ty đã xây dựng được 378,1 km đường dây 110 kV, 18 TBA 110kV với tổng dung lượng 1.589 MVA, 2.922,7 km đường dây trung thế 22kV, 3.617 km đường dây hạ thế. Hàng năm, cung ứng trên 75% sản lượng điện thương phẩm cho các Khu công nghiệp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, góp phần đưa Đồng Nai trở thành địa phương phát triển các Khu công nghiệp với tốc độ mạnh và vững nhất trong cả nước.

Xây dựng hạ tầng vững chắc

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 31 Khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp nhỏ và vừa đang hình thành và phát triển, trong đó có những Khu công nghiệp lớn như: AMATA, Sông Mây, Bàu Xéo, Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa 1, Biên Hòa 2… (nhiều KCN rộng trên 300ha). Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 9.000 doanh nghiệp, sản xuất hàng trăm mặt hàng thiết yếu phục vụ cho tiêu dùng, phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu như: Điện tử, cơ khí, dược phẩm, may mặc, gốm sứ, thép xây dựng, cấu kiện bê tông đúc sẵn, thiết bị điện, viễn thông, công nghệ sinh học…

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Giám đốc PC Đồng Nai cho biết: Công ty luôn chú trọng trong công tác đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương với chất lượng ngày càng cao. Đặc biệt là điện cung cấp cho các KCN, bởi đây là những khách hàng sử dụng điện với sản lượng lớn, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Qua các Hội nghị khách hàng hằng năm, Công ty đều nhận được những khen ngợi, động viên về sự phục vụ chu đáo, cung cấp điện ổn định an toàn, chất lượng cho khách hàng, nhất là khách hàng thuộc các khu công nghiệp. Đây chính là nguồn động viên lớn đối với Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai để đơn vị tiếp tục phấn đấu hoàn thành mọi chỉ tiêu, kế hoạch do Tổng công ty Điện lực miền Nam giao.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh và quản lý vận hành lưới điện, đảm bảo cung cấp điện chất lượng, ổn định và liên tục cho khách hàng, trong những năm qua, PC Đồng Nai đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình có trong kế hoạch xây dựng cơ bản để chống quá tải và nâng cao chất lượng, an toàn cung cấp điện.

Theo đề án quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010-2015 có xét đến năm 2020, trên toàn tỉnh sẽ có thêm 37 Khu công nghiệp đi vào hoạt động. Mục tiêu đến năm 2015 diện tích các Khu công nghiệp hiện có sẽ được lấp đầy 80%-90%. Tốc độ phát triển điện thương phẩm tăng 13,3%/năm, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh với tốc độ 13-14%/năm. Đặc biệt, Đồng Nai đang tập trung xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao nhằm thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, có sản phẩm mang tính cạnh tranh toàn cầu và ít gây ô nhiễm môi trường. Điều này đòi hỏi kết cấu hạ tầng điện phải đồng bộ và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao.

Và để đáp ứng những yêu cầu mới về này, PC Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu trọng điểm như: Xây dựng mới 12 TBA 110kV với tổng công suất 880MVA và nâng công suất 26 TBA 110KV với tổng công suất tăng thêm là 917MVA; xây dựng mới 61,5 km đường dây 110kV; cải tạo và tăng tiết diện dây dẫn 60,2 km đường dây 110kV;… Tổng vốn đầu tư dự kiến trong giai đoạn này khoảng 5.100 tỉ đồng.

Ngoài ra, Công ty cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng của địa phương và Công ty Truyền tải điện để lập kế hoạch nâng công suất 05 TBA 220kV với tổng công suất tăng thêm là 1.500MVA; xây dựng đường dây 220kV tạo mạch vòng liên kết hệ thống trong khu vực Đồng Nai và lân cận.

Bên cạnh đó, PC Đồng Nai sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Lắp đặt hệ thống điều khiển, giám sát từ xa tại tất cả các TBA 110kV; tăng tiết diện dây dẫn, cải tạo đường dây 1 mạch lên 2 mạch nhằm nâng cao khả năng tải của đường dây; cải tạo và xây dựng mới lưới điện đạt tiêu chuẩn chất lượng nhằm đảm bảo vận hành tin cậy; tăng cường quản lý vận hành, kiểm tra chất lượng thi công các công trình nhằm tránh xảy ra sự cố khi vận hành; bổ sung những công trình điện mới vào Quy hoạch xây dựng chung của tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tăng năng suất lao động….

Được biết, với những đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, PC Đồng Nai đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2015, trong giai đoạn 2011 – 2013, PC Đồng Nai đã phát triển thêm 75,2 km đường dây 110kV (đạt 39,75% so với quy hoạch); 1.116,4 km đường dây 15-22kV (đạt 156,7% so với quy hoạch); tăng dung lượng TBA 110/22kV thêm 1.152 MVA (đạt 83,9% so với quy hoạch); tăng dung lượng TBA 15-22/0,4kV tăng thêm 687,9 MVA (đạt 84,75% so với quy hoạch).

Hiện Công ty đang quản lý, vận hành: 443,2 km đường dây cao thế 110kV, 23 TBA 110kV tổng dung lượng 1.834 MVA; 4.576 km đường dây trung thế 22kV, 5.193 km đường dây hạ thế 0,4kV, 10.073 trạm biến áp phân phối, tổng dung lượng 3.306,9 MVA; 643.000 ngàn khách hàng sử dụng điện. Công ty hiện có trên 2.500 CBCNV. Năm 2013, sản lượng điện thương phẩm của PC Đồng Nai đạt 8.463 triệu kWh; 9 tháng năm 2014 đạt 6.795 triệu kWh, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Thúy Hằng

  • el-2024