Điện hạt nhân: Năng lượng của tương lai

07:14 | 11/08/2014

1,172 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau sự cố tại Nhà máy Ðiện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), câu hỏi nên hay không nên phát triển các nhà máy điện hạt nhân đã đặt ra. Tuy nhiên, theo TS Lê Văn Hồng - Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), cùng với những tiến bộ khoa học và công nghệ, rủi ro trong việc xây dựng, vận hành các nhà máy điện hạt nhân là rất thấp. Chính vì vậy, điện hạt nhân vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu năng lượng và an ninh năng lượng, phục vụ sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.

Năng lượng Mới số 346

Nhận diện xu hướng phát triển

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, TS Hồng cho hay: Sau sự cố Fukushima, nhiều quốc gia đã tuyên bố về việc xem xét lại chương trình điện hạt nhân hoặc ý định phát triển điện hạt nhân của họ. Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các quốc gia này vẫn tiếp tục khẳng định cam kết phát triển điện hạt nhân của họ, đồng thời nghiên cứu các bài học rút ra từ sự cố và nâng cao hơn nữa an toàn hạt nhân. Trong số các nước đang sử dụng điện hạt nhân có 28 nước tiếp tục chương trình điện hạt nhân theo kế hoạch đã đề ra và chỉ có 3 nước là Bỉ, Ðức, Thụy Sỹ tuyên bố chấm dứt việc sử dụng điện hạt nhân.

Riêng tại khu vực Ðông Nam Á, trước sự cố Fukushima có 4 quốc gia có kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Trong đó, Việt Nam với 4 tổ máy; Thái Lan có 5 tổ máy; Malaysia có 2 tổ máy và Indonesia có 4 tổ máy. Và sau sự cố Fukushima, chỉ có duy nhất Thái Lan quyết định tạm ngừng kế hoạch phát triển điện hạt nhân, còn lại 3 nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia vẫn giữ nguyên quyết định của mình.

“Công nghệ điện hạt nhân dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn là một lựa chọn quan trọng của thế kỷ XXI. Với tầm nhìn 2050, dự báo, công suất điện hạt nhân sẽ tăng từ 372.000MW hiện nay lên 1.000.000MW. Sản lượng điện hạt nhân khi đó sẽ chiếm 19% tổng sản lượng điện toàn cầu” - TS Hồng thông tin.

Năng lượng của tương lai

Phối cảnh Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Còn theo ông Phan Minh Tuấn - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Ðiện hạt nhân Ninh Thuận: Trong chính sách phát triển năng lượng của mỗi quốc gia, bên cạnh điện hạt nhân luôn có các nguồn năng lượng khác như năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh học… Tuy nhiên, phải thấy rằng, những nguồn năng lượng này là rất hạn chế và không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, theo dự báo, tương lai không xa, những nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí, than đá… sẽ dần cạn kiệt. Vì vậy, điện hạt nhân sẽ là nguồn năng lượng chủ yếu.

Nói như vậy để thấy rằng, dù đã có nhiều tranh cãi sau sự cố Fukushima nhưng điện hạt nhân sẽ là nguồn năng lượng, là bộ phận cấu thành quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng tương lai. Có thể ở đâu đó, vấn đề an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân đang bị đặt nhiều câu hỏi những rõ ràng, cùng với những tiến bộ về khoa học, công nghệ, rủi ro đối với các nhà máy điện hạt nhân là rất thấp.

“Ðiện hạt nhân có tính đặc thù riêng rất cao, tuổi thọ kéo dài và nếu đảm bảo được độ an toàn trong suốt quá trình vận hành, đầu tư vào một dự án điện hạt nhân chắc chắn có lãi mà không bao giờ có lỗ. Nhưng nếu chỉ để xảy một sự cố nhỏ thôi, cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ về mặt khoa học, công nghệ, cùng với những yêu cầu hết sức khắt khe về vấn đề môi trường, điều kiện sống… khi triển khai một dự án, rủi ro đối với một nhà máy điện hạt nhân là vô cùng thấp” - ông Tuấn nói.

Xung quanh câu chuyện này, ông Leos Tomicek - Phó giám đốc Ðiều hành của Rosatom Oversease cũng khẳng định: Tại bất kỳ một quốc gia nào, để phát triển kinh tế thì việc cung cấp điện không được gián đoạn. Một quốc gia được coi là có sức mạnh kinh tế thì phải có đủ điện, thậm chí điện còn được xem như là vấn đề danh dự. Vị thế của một quốc gia cũng sẽ được nâng tầm nếu quốc gia đó có các nhà máy điện hạt nhân. Cũng cần phải thay đổi quan điểm lỗi thời hiện nay về phát triển điện hạt nhân, nếu không chỉ một trăm năm nữa thôi, thế hệ sau này sẽ phải chịu trách nhiệm về quan điểm sai lầm này. Vì vậy, hiện nay Bangladesh, Jordan và một số nước châu Phi đang cố gắng đàm phán để mua công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Lời giải cho bài toán năng lượng

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm, tình trạng ô nhiễm không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm gần 3 triệu người thiệt mạng và con số này sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2025. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, cộng đồng thế giới đã có những tích cực nhằm giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, TS Hồng cho rằng: Năng lượng và vấn đề an ninh năng lượng chính là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng vấn đề đặt ra là, nếu chúng ta muốn gia tăng các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch thì lại gây khi thải nhà kính. Và đây chính là sự mâu thuẫn, là bài toán hóc búa với mọi quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, đặc biệt là điện hạt nhân đã được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn.

“Ðiện hạt nhân không chỉ giải quyết được nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia ổn định, lâu dài, mà còn đáp ứng được các mục tiêu về môi trường, hạn chế khí thải nhà kính, giải quyết bài toán giá thành và an ninh năng lượng. Vì vậy, điện hạt nhân đã được quan tâm phát triển và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp điện lực ở nhiều quốc gia” - TS Hồng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ngoài việc tạo ra điện sạch, năng lượng tạo ra từ điện hạt nhân có thể được sử dụng để lọc nước biển với quy mô rất lớn, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sạch mà hơn một nửa dân số thế giới sẽ phải đối mặt vào năm 2025. Ðặc biệt, các công nghệ hạt nhân còn giúp con người trong y học,nông nghiệp, công nghiệp, khoa học môi trường.

Cũng theo TS Hồng, điện hạt nhân đã có lịch sử phát triển 50 năm, kể từ ngày nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới được đưa vào vận hành ở Liên Xô cũ năm 1954. Kể từ ngày đó đến nay ngành điện hạt nhân đã đạt được những thành tựu đáng kể. Và dù điện hạt nhân hiện nay tập trung chủ yếu ở các nước công nghiệp tiên tiến, nhưng khi bắt đầu xây dựng và phát triển điện hạt nhân, đa số các nước này cũng ở trong điều kiện kinh tế phát triển chưa cao, có nước thu nhập GDP bình quân trên đầu người còn thấp hơn Việt Nam hiện nay. Ở các nước này, chương trình phát triển điện hạt nhân chính là động lực quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lúc bắt đầu chương trình điện hạt nhân, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản là 292USD/năm (1956), của Hàn Quốc là 60USD/năm (1969) và của Trung Quốc thấp hơn 70USD/năm (1970).

Phó tổng giám đốc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng hạt nhân Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Alexander Bychkov: “Năng lượng điện hạt nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các thập kỷ tiếp theo. Trong kỷ nguyên hậu Fukushima, phát triển điện hạt nhân có thể bị trì hoãn nhưng không thể đảo ngược”...

 

Thanh Ngọc

 

  • el-2024