Điện Biên Phủ giữa lòng Thủ đô

10:15 | 29/04/2014

508 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ còn ít ngày nữa, cả nước sẽ hòa chung niềm vui, kỷ niệm 60 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014). Chiến thắng như một dấu mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự sụp đổ của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam, tạo sức mạnh lan tỏa cho các phong trào chống thực dân trên toàn thế giới. Ghi dấu chiến thắng lịch sử ấy, bao con đường, con phố trên khắp mọi miền Tổ quốc đã ghi tên và giữa lòng Thủ đô Hà Nội cũng có con đường như thế: đường Điện Biên Phủ.

Đường Điện Biên Phủ

Một con đường mà tên gọi của nó luôn gợi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam một niềm kiêu hãnh, tự hào về một chiến thắng “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu," đó chính là đường Điện Biên Phủ. Chắc hẳn ai cũng nhớ đến ngày 7/5 của 60 năm về trước, cứ điểm phòng ngự kiên cố của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ đã thất thủ, toàn bộ quân Pháp đã bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Chiến thắng này của quân và dân Việt Nam đã đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp trên đất Việt Nam và trên toàn bán đảo Đông Dương.

Đường Điện Biên Phủ dài 1.250 mét thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình. Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi Puginie (Avenue Puginie). Sau năm 1945, phố được đổi tên là đường Cộng Hòa, rồi Nguyễn Tri Phương, ở giai đoạn này mọi người hay gọi nôm na là phố Cột Cờ. Trong giai đoạn từ 1954 tới trước 7/5/1964, phố chính thức được gọi là phố Cột Cờ. Đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1964, UBND TP Hà Nội đã quyết định chính thức đổi tên phố thành Điện Biên Phủ cho tới nay.

Đường hiện nay giao cắt với phố Hàng Bông, Tràng Thi, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Tống Duy Tân, Tôn Thất Thiệp, Trần Phú, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.

Sự khác biệt của con phố này không chỉ nằm ở tên phố mang tên một chiến thắng lớn mà còn ở vị trí đặc biệt của nó. Giữa đường Điện Biên Phủ là tượng đài Lê Nin vĩ đại, cuối đường là Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới. Trên đường còn có bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nơi trưng bày các hiện vật chiến đấu của dân tộc việt Nam qua các thời kỳ đấu tranh giữ nước, có Cột Cờ Hà Nội in dấu lịch sử Thăng Long.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nằm trên vị trí số 28A đường Điện Biên Phủ. Bảo tàng được xây dựng ngày 22/12/1959 nhân kỉ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là nơi trưng bày và lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, gắn liền với các giai đoạn, thời kỳ đấu tranh kháng chiến giữ nước của dân tộc. Đặc biệt là sa bàn tái hiện hình ảnh tổng quan chiến trường Điện Biên Phủ, khẩu sơn pháo được sử dụng hiệu quả trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiếc xe đạp thồ được nhân dân ta sử dụng để cung cấp nhu yếu phẩm trong chiến dịch… cùng nhiều máy bay, tên lửa trong kháng chiến chống Mỹ; đặc biệt là chiếc xe tăng đã tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam.

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội được vua Gia Long triều Nguyễn xây dựng từ năm 1805 – 1812, còn được gọi Kỳ Đài Hà Nội. Cột cờ Hà Nội cao 33,4m, gồm 3 tầng đế và thân cột cao 18,2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng bằng 39 lỗ hình rẻ quạt. Đỉnh Cột Cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 cửa sổ tương ứng với tám cạnh. Đây từng là đài quan sát, trạm thông tin liên lạc của thực dân Pháp với các đồn bốt xung quanh.

Công viên Lê Nin nằm đối diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với bức tượng đồng Lênin đứng sừng sững và rất nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Năm 1982, để tỏ lòng kính trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam quyết định xây dựng tượng đài Lênin  ở vườn hoa Chi Lăng. Ngày 20/8/1985, bức tượng Lênin bằng đồng cao 5,2m đã được đặt trên bệ đá hoa cương cao 2,7m, quay mặt ra đường Điện Biên Phủ. Một đường phố mang tên chiến thắng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta, quân đội ta.

Điện Biên Phủ là con phố đẹp, không gian thông thoáng, cảnh quan xanh mát, có nhiều ngã ba ngã tư giao cắt. Hiện nay, trên phố có nhiều công trình cổ, mang kiến trúc thời Pháp thuộc còn tồn tại và được chỉnh trang, nâng cấp sử dụng. Đường Điện Biên Phủ khá bình lặng với 3/4 chiều dài con phố là hai hàng cây cổ thụ rợp bóng. Đây đáng là điểm đến cho những ai thích sự cảm nhận và tìm hiểu thêm về chiến thắng Điện Biên Phủ trong dịp 7/5 sắp tới.

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc