Điện ảnh “lậu” đốn ngã điện ảnh chính thống

09:31 | 16/01/2016

1,349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc một bộ phim ăn khách ra rạp không lâu đã có bản quay lén được phát tán trên các trang xem phim trực tuyến đã khiến tình trạng vi phạm bản quyền ngày một nghiêm trọng, góp phần “bóp chết” điện ảnh trong nước. 

“Bom tấn” cũng miễn phí

Ngay khi bộ phim “Em là bà nội của anh” đang công chiếu rộng rãi tại các rạp trong cả nước, thì ngày 6/1, trên mạng xã hội đã xuất hiện bản quay trộm phim ngay tại rạp và được đăng tải lên trang YouTube. Ngay lập tức, số lượng truy cập vào đường link này tăng vọt, rất nhiều người còn chia sẻ lại để xem và cho rằng “không mất tiền mua vé hay thời gian đến rạp, vẫn được xem phim hay”.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh ngỡ ngàng: “Tôi rất tiếc vì phim của mình lại gặp “nạn” mặc dù đã chiếu hết tuần thứ tư. Doanh thu phim sẽ bị ảnh hưởng vì nhiều người xem bản lậu sẽ không đến rạp xem phim nữa, chưa kể xem một bản kém chất lượng rồi kết luận phim kém chất lượng là oan cho ê-kíp làm phim. Tôi đã đề nghị các bạn bè trên Facebook nếu thấy đường dẫn chia sẻ bản quay trái phép hãy báo cáo hành vi vi phạm của tài khoản Facebook đó lẫn đường dẫn trên YouTube”. Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện, YouTube đã xóa video này vì vi phạm quy định về bản quyền của YouTube, nhưng thiệt hại của nhà sản xuất và phát hành bộ phim thì khó có thể đong đếm được.

dien anh lau don nga dien anh chinh thong
Cảnh trong phim Em là bà nội của anh

“Em là bà nội của anh” không phải trường hợp đầu tiên bị ảnh hưởng do tình trạng quay lén, vi phạm bản quyền trong điện ảnh. Tương tự, phim “Yêu” của đạo diễn Việt Max đang gây sốt cũng chỉ công chiếu được 2 ngày, ngay lập tức đã có bản quay lén toàn bộ phim và đăng tải lên YouTube, cũng như một số trang xem phim miễn phí khác. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ đạt kỷ lục về doanh thu tại các rạp chiếu nhưng cũng không “thoát” được tình trạng quay trộm và phát tán trên các trang xem phim trên Internet.

Điểm chung của những bộ phim quay lén bằng điện thoại là hình ảnh mờ nhạt và âm thanh cực kém, không thể so sánh với những bộ phim được sản xuất công phu và chăm chút. Tuy nhiên, số lượng truy cập của những bộ phim này vẫn rất cao, bởi đây hầu hết là những bộ phim ăn khách và đang được công chiếu tại các rạp trên cả nước.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng các bộ phim bom tấn của nước ngoài và đẵ biệt là phim điện ảnh trong nước bị phát tán trái phép trên mạng đang là vấn đề nhức nhối của các nhà sản xuất cũng như phát hành phim. Có thể nhắc đến những bộ phim là “nạn nhân” của tình trạng này là “Cánh đồng bất tận”, “Chàng trai năm ấy”, “Để Mai tính 2”, “Tốc độ và đường cong”, “Siêu nhân X”, “Ngày nảy ngày nay”… Có bộ phim được tung lên toàn bộ, có bộ phim bị cắt xén và cũng có trường hợp phim bị tung lên mạng là bản nháp hoàn toàn, nhạc phim không phải là nhạc được dùng trong bản chiếu chính thức và cũng có rất nhiều phim có đầy đủ phụ đề, thậm chí có cả bản đạt tiêu chuẩn HD. Thậm chí có phim bị cấm chiếu như “Bụi đời Chợ Lớn” vẫn bị phát tán trên mạng, đĩa in lậu bán tràn lan. Vi phạm bản quyền đã thành một vấn nạn, không chỉ làm thiệt hại cho nhà sản xuất khi 16 tỷ đồng bỏ ra đầu tư chưa thu, thậm chí còn làm cho những nhà sản xuất thật sự hoang mang trước việc, họ sẽ phải làm gì để bảo vệ đứa con tinh thần của mình, dù chỉ là mượn hình ảnh để làm tư liệu truyền thông.

Còn nhớ năm 2014, diễn viên – nhà sản xuất Chánh Tín bất ngờ tuyên bố phá sản và trở thành người vô gia cư trong sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp và người hâm mộ. Theo ông, mọi chuyện đều bắt nguồn từ việc bản quyền phim “Dòng máu anh hùng” bị sao chép, in sang đĩa lậu và dù phim gặt hái nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế, thì vẫn không bán được ra thị trường phim bên ngoài Việt Nam và toàn bộ tài sản của nghệ sĩ cũng “đội nón ra đi”. Trước đó, Chánh Tín từng ghi dấu trong lòng khán giả những thập niên trước qua những bộ phim kinh dị đầu tiên như “Ngôi nhà oan khóc”, “Xác chết trên cao nguyên”, “Chiếc mặt nạ da người” và đặc biệt, bộ phim “Chết lúc nửa đêm” của ông đã đoạt giải Bông Sen Vàng năm 2007.

Vi phạm bản quyền

Trước đây, một số nhà làm phim chuyên làm phim “nhà nước cho rằng làm phim ra mong có người xem là tốt rồi, lại còn bị phát tán nữa thì... càng tốt! Rất nhiều đạo diễn, nhà sản xuất chưa có ý thức bảo vệ sản phẩm và thành quả của mình, thậm chí còn ngầm cổ vũ cho tình trạng vi phạm bản quyền trong điện ảnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi bản quyền đang bị xâm phạm nghiêm trọng, cách nhìn này đã hoàn toàn bị thay đổi.

Tại hội thảo “Bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình Việt Nam” được tổ chức vào tháng 6/2015 tại TP HCM, trong khuôn khổ Telefilm 2015, NSƯT Ngọc Hiệp, Giám đốc Hãng phim Việt, thông tin: “30%-40% bộ phim đang bị phát tán ngay khi phát hành. Làm phim ở Việt Nam luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ vì nếu bị phát tán ngay từ ngày đầu công chiếu có nghĩa là mất trắng doanh thu”.

Để sản xuất một bộ phim, nhà sản xuất tốn khá nhiều chi phí, tuy nhiên, khi đã bị đánh cắp bản quyền, sẽ không có đơn vị nào dám mua lại bộ phim đó để trình chiếu và đồng nghĩa với việc nhà sản xuất bị mất trắng số tiền đã bỏ ra. Sự khốc liệt của việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam đang biến thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người làm điện ảnh.

Mới đây, khi “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” bị phán tán rộng rãi trên nhiều trang xem phim trực tuyến miễn phí, Cục Điện ảnh đã gửi công văn cho các cụm rạp và Cục An ninh Thông tin, Truyền thông – Bộ Công an (A87), Cục An ninh mạng - Bộ Công an (A68), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đề nghị kiên quyết ngăn chặn và nghiêm trị mọi hành động vi phạm bản quyền với bộ phim này.

Ngoài công cụ tự động phát hiện nội dung sao chép vi phạm bản quyền Content Tracking của Youtube, nhà phát hành phim cũng hợp tác với các đơn vị khác để trực và phát hiện các bản sao chép vi phạm trên internet 24/24. Ngoài ra, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" còn đang được chuẩn bị để gửi đi nhiều liên hoan phim quốc tế và tìm kiếm khả năng phát hành ở nước ngoài, điều này đòi hỏi phải tuân thủ công ước Berne về bản quyền.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xem xét lại mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, bởi theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì các chủ thể có hành vi xâm phạm bản quyền đối với bộ phim có thể chịu phạt tiền đến 250.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 500.000.000 đồng với tổ chức, đốivới các hành vi sao chép tác phẩm/bản ghi âm, ghi hình hay phân phối bằng bất cứ phương tiện nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, hay chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Nếu nghiêm trọng hơn thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 170a, Bộ luật Hình sự với mức phạt tiền từ 50.000.000 đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. So với lợi nhuận thu được từ việc phát tán phim lậu, mức xử phạt hiện nay chỉ là … “muỗi đốt inox”.

Ngay trong tháng 10/2015, nhà nước vừa “tuýt còi” trang mạng Hayhaytv do hầu hết phim, chương trình truyền hình và video clip mà Hayhaytv đăng tải đều chưa có sự đồng ý của tác giả và phải nhận mức phạt hành chính vi phạm bản quyền là 60 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Bách Triệu Phát - chủ quản của Hayhaytv - phải gỡ bỏ toàn bộ sản phẩm vi phạm đang lưu giữ trong vòng 10 ngày. Bên cạnh đó, thống kê từ Cục Điện ảnh cho thấy không riêng Hayhaytv, hơn 400 website tiếng Việt đang hoạt động với cách thức tương tự, tức là công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim (cả trong nước lẫn quốc tế) trên internet. Hầu hết các phim này đều không mua bản quyền.

Để hạn chế tình trạng bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh, nhiều nhà quản lý đã kiến nghị Việt Nam nên học tập Hàn Quốc bằng cách buộc các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cài đặt hệ thống quản lý sao chép lậu. Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn tình trạng vi phạm bản quyền như hiện nay, việc nâng cao nhận thức của khán giả về sở hữu bản quyền mới là cách thức triệt để nhất. Thế nhưng, đó lại là một câu chuyện khác…

dien anh lau don nga dien anh chinh thong

Phim Tết 2016: Ảm đạm?!

Điện ảnh Việt 2015 khép lại bằng dư âm ngọt ngào của “Em là bà nội của anh” và mở ra một năm mới nhiều trầm lắng ở mùa phim Tết – điều chưa từng thấy từ trước tới nay. 

dien anh lau don nga dien anh chinh thong

Điện ảnh Việt: Doanh thu cao có nên mừng?

Sau khi ra mắt tại các rạp chiếu trên cả nước, Hãng CJ CGV vừa công bố doanh thu của bộ phim “Em là bà nội của anh” đạt mốc 66 tỷ với 900.000 lượt người xem (tính đến 31/12/2015). Đây là một trong số những bộ phim Việt có doanh thu cao và hút khán giả hiện nay. 

Khánh An