“Điểm nghẽn” du lịch

05:58 | 25/11/2017

1,369 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành du lịch trong năm 2017 phải đạt ít nhất 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng tối thiểu 30%.

Đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng nhìn vào đà tăng trưởng thời gian qua thì chắc chắn ngành du lịch sẽ đạt được. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển và tăng trưởng bền vững thì ngành du lịch đang phải tháo gỡ những vướng mắc trước mắt. Đó là nguồn nhân lực mang tính chuyên nghiệp. Trong khi đó, Luật Du lịch bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2018, có những quy định chặt chẽ gây khó khăn cho lực lượng lao động của ngành, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên (HDV).

Năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam lại tăng trưởng cao, tăng 30,5% so với năm 2016. Đó là chưa kể khách quốc tế đến qua đường bộ và đường biển hiện nay chưa được thống kê đầy đủ.

diem nghen du lich
Đón khách quốc tế đến du lịch Việt Nam

Theo Luật Du lịch 2017 thì điều kiện hành nghề HDV bổ sung thêm nhiều yêu cầu mới. Ngoài thẻ HDV du lịch, họ phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Bên cạnh đó, HDV du lịch phải có hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Đối với HDV du lịch tại điểm du lịch, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Như vậy, dù có thẻ hành nghề nhưng HDV tự do cũng không được phục vụ, hướng dẫn khách nếu không đáp ứng những điều kiện trên. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch đang đứng trước nguy cơ thiếu nhiều HDV. Ví dụ năm 2017, mục tiêu đón 13 triệu khách quốc tế, chưa kể khách nội địa thì cần phải có khoảng 25.000 HDV quốc tế và 50.000 HDV nội địa. Nhưng tổng số lượng HDV trên cả nước hiện mới chỉ hơn 20.000 người, trong đó có khoảng 19.000 HDV hành nghề tự do; nghĩa là chưa đáp ứng được 1/3 nhu cầu thực tế. Nếu các quy định mới được áp dụng, số lượng HDV đạt chuẩn để có thể hành nghề còn giảm tiếp.

Việc Tổng cục Du lịch quy định chặt chẽ hơn điều kiện hành nghề là do số lượng HDV tự do của cả nước hiện nay chiếm tới 90% tổng số HDV nhưng lại không có tổ chức nào quản lý. Từ năm 2016 đến nay, đã có 393 trường hợp sử dụng bằng đại học giả để xin cấp thẻ HDV. Đã có 300 trường hợp bị chuyển sang Cơ quan Công an điều tra. Đó là chưa nói đến đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của HDV đều chưa đáp ứng yêu cầu để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Hiện tại thì cả nước chưa có công ty cung cấp dịch vụ HDV du lịch nào. Như vậy, 19.000 HDV tự do hiện nay muốn có được hợp đồng lao động chính thức với các DN du lịch là rất khó. Hội HDV du lịch cũng mới có, trong khi yêu cầu HDV phải là thành viên của Hội HDV du lịch là điều bắt buộc. Nhưng một tổ chức xã hội - nghề nghiệp là hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện. Nay luật đưa ra những điều kiện như vậy nghĩa là HDV phải vào hội mới được hành nghề.

Nhưng không phải ai cũng tự nguyện xin gia nhập hội bởi hội chưa đảm bảo chắc chắn rằng, sẽ tạo được quyền lợi cho hội viên. Chưa chắc chắn về quyền lợi nhưng vào hội đã phải có nghĩa vụ đóng góp. Chẳng hạn, kinh phí làm thẻ hội viên của Hội HDV du lịch Việt Nam đang được đề nghị là 500.000 đồng và hội phí thường niên là 1 triệu đồng. Vấn đề là du lịch có mùa, có thời vụ chứ không phải quanh năm. Nếu hội viên không có việc làm thì họ vẫn phải đóng phí nên nhiều người không mặn mà với vệc vào hội.

Mùa cao điểm du lịch 2018 đang đến gần, các công ty lữ hành rất cần tuyển HDV nhưng lại vướng điều kiện, tiêu chuẩn thì chuyện thiếu HDV chắc chắn sẽ xảy ra.

HDV quốc tế hiện nay cũng vừa thiếu vừa mất cân đối. Hiện nay, nước ta có 20.212 HDV đang hoạt động, bao gồm 12.240 HDV quốc tế, 7.972 HDV nội địa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng này là do quy định trình độ văn hóa đối với các HDV quốc tế chưa hợp lý. Luật Du lịch 2017 đã có sửa đổi, trước đây yêu cầu HDV quốc tế phải tốt nghiệp đại học trở lên thì nay người có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên đã đủ điều kiện để được cấp thẻ HDV.

Một vướng mắc quan trọng nữa là trình độ ngoại ngữ của HDV và người phục vụ trong ngành. Riêng ở tỉnh Khánh Hòa có tới 92,3% lao động khi tuyển dụng có trình độ ngoại ngữ không đạt yêu cầu; 84,6% lao động thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế, phải tổ chức đào tạo lại. Ngoài ra, tỉnh này đang thiếu 300 HDV tiếng Trung và 100 HDV tiếng Nga.

Như vậy là ngành du lịch đang đứng trước nhiều khó khăn mà chính là điểm nghẽn khi còn hơn 1 tháng nữa thực hiện Luật Du lịch. Trong khi đó, nhiệm vụ đẩy mạnh tăng trưởng vẫn phải hoàn thành. “Nước” đã đến chân rồi, do đó, giải pháp ký hợp đồng thời vụ với các HDV là cách duy nhất để có nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc