Điểm danh 9 công ty niêm yết lãi ngàn tỉ trong năm 2012

10:46 | 04/04/2013

1,231 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, các thị trường lớn như bất động sản, chứng khoán, tiền tệ,… đều gặp khó thì con số lợi nhuận lên tới ngàn tỉ đồng là hết sức ấn tượng và nó cho thấy, cơ hội đầu tư ở Việt Nam vẫn rất lớn.

Tổng Công ty khí Việt Nam (GAS)

GAS luôn thể hiện sự tăng trưởng, phát triển bền vững.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 mới được công bố, lợi nhuận sau thuế của GAS đạt mức 9.807 tỉ đồng và nếu so với năm 2011 thì mức tăng trưởng của GAS trong năm là 66%.

Được biết, GAS là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 2232/QĐ-DKVN ngày 18/7/20117 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 3500102710 cấp lần đầu ngày 17/1/2007.

Công ty chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với tên gọi là Tổng công ty Khí Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 16/5/2011 với vốn điều lệ 18.950 tỉ đồng. Cổ phiếu của Tổng công ty được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mã cổ phiếu là GAS.

Ngành nghề kinh doanh chính của GAS là: Thu gom, vận chuyển, tàng trữ khí và sản phẩm khí, sản xuất khí đốt, phân phối nhiên liệu khí bằng đường ống.

Cũng theo bản báo cáo trên thị tổng giá trị tài sản của GAS tính đến ngày 31/12/2012 là 45,146 ngàn tỉ đồng.

Công ty cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM)

VNM: Niềm tự hào của người Việt.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VNM thì lợi nhuận sau thuế của công ty là 1.648 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam được thành lập dựa trên quyết định số 155/2003 QĐ-BCN ngày 01/10/2003 của Bộ Công nghiệp về việc chuyển Doanh nghiệp Nhà nước Công ty Sữa Việt Nam trực thuộc Bộ Công nghiệp thành công ty cổ phần Sữa Việt Nam.

Tháng 04/2004, Công ty sáp nhập nhà máy sữa Sài Gòn (SAIGONMILK), nâng tổng vốn điều lệ của Công ty lên 1.590 tỉ đồng. Đến tháng 06/2005, Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác trong Công ty Sữa Bình Định và sáp nhập vào Vinamilk.

Cổ phiếu của công ty chính thức giao dịch trên trung tâm giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19/01/2006 với khối lượng niêm yết là 159 triệu cổ phiếu.

Vào ngày 19 tháng 4 năm 2011, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Giấy phép Đăng ký Kinh doanh điều chỉnh số 0300588569 phê duyệt việc chuyển trụ sở chính và gia tăng vốn cổ phần lên 3.565.706.400 ngàn đồng Việt Nam.

Vào ngày 23 tháng 8 năm 2011, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Giấy phép Đăng ký Kinh doanh điều chỉnh số 0300588569 phê duyệt gia tăng vốn cổ phần lên 3.708.255.500 ngàn đồng Việt Nam.

Trong tháng 12 năm 2011, Công ty tăng vốn cổ phần lên 5.561.147.540 ngàn đồng Việt Nam bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1. Việc tăng vốn này đã được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền liên quan.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Giấy phép Đăng ký Kinh doanh điều chỉnh số 0300588569 cho việc gia tăng vốn cổ phần này vào ngày 7 tháng 3 năm 2012.

Trong tháng 12 năm 2012, Công ty tăng vốn cổ phần lên 8.339.557.960 ngàn đồng Việt Nam bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1. Việc tăng vốn này đã được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền liên quan. Tại thời điểm phát hành báo cáo tài chính này, Công ty đang trong quá trình điều chỉnh Giấy phép đăng ký kinh doanh cho việc gia tăng vốn này.

Tính đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn của VNM là 19,782 ngàn tỉ đồng.

Tổng Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM)

DPM: Người bạn của nhà nông.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của DPM cho thấy, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 3.019 tỉ đồng, tổng tài sản của đạt 10,22 ngàn tỉ đồng.

Cũng theo báo cáo trên thì, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004, được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành và kinh doanh các sản phẩm của Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí chính thức được thành lập theo Nghị quyết số 165A/NQ-ĐHĐCĐ ngày 30/6/2007 của Đại hội đồng cổ đông.

Công ty được cổ phần hóa theo Quyết định số 2393/QĐ – BCN ngày 01/09/2006 của Bộ Công nghiệp. Ngày 31/08/2007: chuyển thành Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí. Đến ngày 05/11/2007, cổ phiếu của PVFCCo chính thức được niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán TP. HCM.

Ngày 15/05/2008, Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí chính thức chuyển đổi thành Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – Công ty Cổ phần (Tên viêt bằng Tiếng Anh là PetroVietnam Fertilizer anh Chemicals Corporation và tên viết tắt là PVFCCo).

Ngành nghề kinh doanh chính của DPM là sản xuất đạm urê, kinh doanh các loại phân bón, amoniắc lỏng, khí công nghiệp, các sản phẩm hoá chất khác; các dịch vụ kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh phân bón và các sản phẩm hoá chất dầu khí; sản xuất và kinh doanh điện; kinh doanh các dịch vụ vận tải, kho bãi, đào tạo, đầu tư tài chính; kinh doanh bất động sản, nông lâm sản; đầu tư chế biến, vận chuyển, phân phối các sản phẩm dầu khí và khoáng sản khác.

Tập đoàn Vingroup (VIC)

VIC: Vượt khó trong khủng hoảng.

Là một trong những tập đoàn hoạt động mạnh trong lĩnh vực bất động sản, vậy nên, việc VIC lọt vào Top doanh nghiệp lãi ngàn tỉ càng trở lên ấn tượng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của Tập đoàn, lợi nhuận sau thuế của VIC là 1.571 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều con số lợi nhuận 821 tỉ đồng của năm 2011.

Công ty Cổ phần Vincom tiền thân là Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Việt Nam chính thức hoạt động với vốn điều lệ ban đầu là 196 tỷ đồng ngày 03/05/2002, sau đó gần một năm tăng lên 251 tỷ, để đầu tư xây dựng và quản lý khu TTTM Dịch vụ Văn phòng cho thuê tại 191 Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội (toà nhà Vincom City Towers). Hoạt động chính của Công ty là kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng, trung tâm thương mại và cung cấp các sản phẩm dịch vụ, giải trí.

Tháng 12/2006 Công ty chính thức tăng vốn điều lệ lên mức 313,5 tỷ đồng.  Công ty đã sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối qua các năm để nâng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/07/NQĐHĐCĐVINCOMJSC ngày 09/02/2007. Đến ngày 22/06/2007, Công ty đã được cấp Giấy ĐKKD sửa đổi lần thứ 13 với số vốn Điều lệ đăng ký là 800 tỷ đồng.

Công ty đã được cấp phép niêm yết theo Quyết định số 106/QĐSGDHCM do Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 07 tháng 09 năm 2007 và 80.000.000 cổ phần của Công ty đã chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vào ngày 19/9/2007.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển phát triển, ngày nay, với thương hiệu Vincom, Công ty đã tạo được một vị thế vững chắc trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cung cấp dịch vụ. Từ năm 2007 trở đi, Công ty tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng, cung cấp dịch vụ đồng thời đẩy mạnh đầu tư mở rộng và đưa vào hoạt động những dự án mới nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động cho Công ty.

Công ty bắt đầu niêm yết với mã VIC ngày 19/09/2007 trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Tổ chức tư vấn: công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt. Kiểm toán độc lập: công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Tính đến thời điểm báo cáo tài chính hợp nhất được lập, tổng giá trị tài sản của VIC được xác định là 35,3 ngàn tỉ đồng.

Công ty Cổ phần FPT (FPT)

FPT: Dấu ấn thành công tư công nghệ.

Là một trong số ít doanh nghiệp đi lên bằng các sản phẩm công nghệ, lợi nhuận sau thuế của FPT thể hiện trong báo cáo tài chính hợp nhất là 1.540 tỉ đồng, tổng tài sản của công ty tính đến 31/12/2012 là 4,76 ngàn tỉ đồng.

FPT ban đầu là công ty Nhà nước và sau đó được cổ phần hóa theo Quyết định 178/QĐ-TTg. Công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103001041 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 13/5/2002.

Công ty bắt đầu niêm yết với mã FPT ngày 13/12/2006 trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh.Tổ chức tư vấn: công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.Kiểm toán độc lập: công ty dịch vụ Tư vấn Tài chính kế toán và Kiểm toán(AASC)chi nhánh TP Hồ Chí Minh; công ty cổ phần Kiểm toán và Tư vấn (A&C).

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD)

Lợi nhuận của PVD luôn tăng trưởng bền vững.

Công ty được thành lập theo quyết định số 647/QĐVPCP của Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ với tên gọi Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, đơn vị thành viên của Tổng Công ty dầu khí Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam về việc đẩy mạnh công tác đổi mới, phát triển doanh nghiệp theo Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng Công ty DKVN đến năm 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 246/2003/QĐTTg ngày 18/11/2003 và căn cứ quyết định số 3535/QĐTCCB ngày 31/12/2004 của Bộ Công nghiệp về việc cổ phần hóa Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PV Drilling), Công ty đã tích cực triển khai các thủ tục chuyển đổi sang công ty cổ phần. Ngày 20/10/2005, Bộ Công nghiệp đã ra quyết định số 3477/QĐBCN phê duyệt phương án và chuyển Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí thành Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí.

Công ty bắt đầu niêm yết với mã PVD ngày 05/12/2006 trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Tổ chức tư vấn: công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI). Kiểm toán độc lập: công ty kiểm toán Việt Nam (Vaco).

Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là khoan và sửa chữa các giếng khoan Dầu khí; Cung ứng giàn khoan và gian khoan khai thác Dầu khí; Thực hiện các dịch vụ: Thiết kế, chế tạo, lắp đặt, kiểm tra chất lượng, sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành giàn khoan, giàn khoan khai thác dầu khí; Cung ứng vật tư, thiết bị khoan và khai thác; Dịch vụ ứng cứu sự cố dầu tràn và bảo vệ môi trường; Thử vỉa, bơm trám xi măng, đo địa vật lý giếng khoan và các dịch vụ khác liên quan đến công tác khoan và khai thác; Tham gia đào tạo công nhân khoan dầu khí, cung cấp lao động cho các giàn khoan, giàn khai thác dầu khí của Tổng công ty Dầu khí Việt nam và cung cấp lao động có chuyên môn khoan dầu khí cho các nhà thầu trong và ngoài nước;…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 thì, lợi nhuận sau thuế của PVD đạt 1.318 tỉ đồng, tăng 251 tỉ đồng so với năm 2011.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (MSN)

MSN vẫn đang tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động thông qua hoạt động M&B.

MSN được thành lập vào tháng 11/ 2004 với tên gọi là Công ty Cổ phần Hàng hải Ma San (MSC) với vốn điều lệ ban đầu 3,2 tỉ đồng. Đến tháng 5/2005, MSC tăng vốn từ 3,2 tỷ đồng lên 32 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho các cổ đông hiện hữu.

Tháng 7/2009 MSC được chuyển giao toàn bộ cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San, MSC tăng vốn từ 32 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San. Đến tháng 8/2009, Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Ma San (Masan Group), và tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 3.783 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho các cổ đông hiện hữu và thành viên Tập đoàn. Masan Group nắm giữ 54,8% cổ phiếu Masan Food và 19,99% cổ phiếu Techcombank.

Tháng 9/2009 Masan Group tăng vốn từ 3.783.650.010.000 đồng lên 4.065.528.690.000 đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ cho các cổ đông hiện hữu và các cá nhân trong Tập đoàn và đến tháng 10/2009, Masan Group tăng vốn từ 4.065.528.690.000 đồng lên 4.285.927.700.000 và lên 4.763.998.200.000 thông qua việc phát hành riêng lẻ cho BI Private Equity New Markets II K/S, một quỹ đầu tư được quản lý bởi Bank Invest, và cho các nhà đầu tư khác.

Masan Group đăng ký thủ tục Công ty đại chúng và chính thức là Công ty đại chúng từ ngày 16/10/2009.

Báo cáo tài chính hợp nhất của MSN cho thấy, lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2012 đạt 1.302 tỉ đồng.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH)

BVH vẫn đang chiếm thị phần lớn trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của công ty cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 1.248 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm 2011. Tổng giá trị tài sản của BVH được xác định vào thời điểm 31/12/2012 là 12,697 ngàn tỉ đồng.

Tập đoàn Bảo Việt trước đây là doanh nghiệp Nhà nước và được cổ phần hóa, trở thành doanh nghiệp cổ phần theo Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 15/10/2007.

Tập đoàn niêm yết toàn bộ số cổ phần thuộc vốn điều lệ tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành nghề kinh doanh chính của BVH là bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, đầu tư tài chính, quản lý quỹ đầu tư, chứng khoán,…

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS)

PVS vẫn là doanh nghiệp tiên phong tham gia hoạt động kinh doanh tàu dịch vụ dầu khí ở Việt Nam.

Ngày 09/2/1993, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam là: Công ty Địa vật lý và Công ty Dịch vụ dầu khí (GPTS) được thành lập năm 1989 và Công ty Dịch vụ dầu khí (PSC) được thành lập năm 1986.

Đến ngày 07/07/2006, Công ty chuyển đổi thành Công ty Cổ Phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trên cơ sở Quyết định số 1763/QĐBCN về việc phê duyệt phương án và chuyển đổi Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí thành Công ty Cổ Phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí của Bộ Công nghiệp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 1.086 tỉ đồng, tổng giá trị tài sản của PVS tính đến 31/12/2012 là 21,22 ngàn tỉ đồng.

Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là quản lý, kinh doanh, khai thác các tàu dịch vụ dầu khí; dịch vụ căn cứ Cảng; dịch vụ cung ứng tàu biển, dịch vụ kiểm đém và giao nhận vận chuyển hàng hóa; quản lý kinh doanh và khai tác các tàu chứa dầu (FSO), tàu chứa và xử lý dầu (FPSO); quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực cơ khí hàng hải; gia công, lắp ráp, chế tạo các cấu kiện, thiết bị dầu khí;…

Thanh Ngọc

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps