Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội gia tăng

07:24 | 19/08/2017

461 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dịch sốt xuất huyết của Hà Nội chưa có dấu hiệu suy giảm và cũng chưa dự đoán được đã lên đến “đỉnh điểm” hay chưa, bởi số người mắc bệnh và số tử vong vẫn tiếp tục tăng nhanh.   

Dập dịch hoài không tắt

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội như vậy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải sáng ngày 10-8 đã phải thân chinh kiểm tra công tác phòng, chống SXH trên địa bàn quận Hoàng Mai, nơi được coi là “ổ dịch”. Đồng thời ông đến thăm bệnh nhân SXH đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Tính đến hết ngày 11-8, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, số người mắc SXH của Hà Nội là 13.274 trường hợp, 7 trường hợp tử vong. Các quận nội thành như Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức chiếm 90% số trường hợp mắc SXH của toàn thành phố. Cho đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, mặc dù 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh, số còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế từ tuyến xã, phường đến tuyến thành phố. Nhưng điều đáng nói là số bệnh nhân SXH vẫn tăng lên từng ngày. Với thời tiết thất thường như hiện nay thì dự báo con số đó chưa dừng lại.

dich sot xuat huyet o ha noi gia tang
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương biến hội trường thành phòng điều trị cho bệnh nhân SXH vì quá tải

Để dập dịch, UBND TP Hà Nội đã quyết định bổ sung kinh phí tăng cường phòng, chống SXH là 8,567 tỉ đồng. Với số tiền này, Sở Y tế Hà Nội đã mua sắm bổ sung hóa chất, sinh phẩm, vật tư máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch nhưng không thực hiện mua sắm tập trung. Bên cạnh đầu tư trang thiết bị, cứ 12 giờ đêm, xe phun thuốc công suất lớn của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội lên đường phun thuốc diệt muỗi cho các khu dân cư. Sở dĩ chọn thời điểm này là để khi đó không còn ai lưu thông ngoài đường, mọi người đều yên giấc nên việc phun hóa chất an toàn và thuận lợi hơn.

Nhưng theo Trung tâm Y tế Dự phòng, thời điểm đó còn một thuận lợi nữa là muỗi hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và hoàng hôn. Do đó, việc phun thuốc vào nửa đêm đến rạng sáng mang lại hiệu quả rất cao, muỗi bị diệt trước khi đốt người. Tỷ lệ thuốc cũng được tính toán kỹ để diệt muỗi tốt nhất. Vòi phun công suất của máy sẽ được đặt ở góc 45o trên xe bán tải để thuốc ra ngoài đạt khoảng cách phun 50m. Máy có thể hoạt động liên tục nhiều giờ. Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ, có 8 khu dân cư của xã Tứ Hiệp đã được phun thuốc. Và theo quy trình xử lý SXH, mỗi địa bàn sau 7 ngày sẽ phun lại một lần. Với địa bàn lớn thì một đêm có thể phun 2 phường.

Quyết liệt thế sao dịch vẫn tăng?

Trước tình hình căng thẳng SXH tại thủ đô, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến truy gắt: “Tại sao Hà Nội làm quyết liệt là thế, chiến dịch, xử phạt, phun, tiền đủ cả mà số mắc mới vẫn tăng, số nhập viện vẫn tăng?”.

Bộ trưởng cũng đặt câu hỏi với các bệnh viện, tại sao số nhập viện chỉ có 10-15% mà chỗ nào cũng quá tải, phải nằm cả hành lang, hội trường?

Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính, có nhiều bệnh nhân đi khám 3-4 lần, nên số lượt khám lớn, còn 10% là số bệnh nhân thực tế. Ông Kính nhận định, những tuần tới số bệnh nhân sẽ còn tăng thêm gấp bội, không chỉ dừng ở con số vài ngàn ca do sinh viên quay lại trường ở Hà Nội. “Hiện 2 cơ sở của chúng tôi chỉ có 280 biên chế, quá thiếu nhân lực. Giờ mới chỉ có y tế làm nhiều, nhưng cộng đồng thờ ơ, chưa tham gia vào”, ông Kính phân tích.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội trả lời: “Nguyên nhân khách quan gia tăng dịch bệnh SXH thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tốc độ đô thị hóa nhanh... Trong khi đó, ý thức của cộng đồng trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch chưa cao, phần lớn các hộ gia đình đi vắng cả ngày, có những hộ không đồng ý cho phun hóa chất…”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu bên cạnh việc tăng cường thêm máy phun thuốc muỗi công suất lớn, phải phun có kỹ thuật. Và thực tế Sở Y tế Hà Nội đã được 9 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa cho mượn. Để hoạt động hết công suất các máy này, Hà Nội đã trưng dụng hoặc thuê xe tải để vận chuyển phun ở các trường học, bệnh viện…

Nguyễn Bách