Đi xa về thấy sóng dưới chân mình

06:42 | 18/02/2018

266 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Biển và cát, ở nơi đâu dù trên khắp địa cầu này, đều có một mẫu số chung là sóng và bờ cát. Những cách khai thác biển cả trên mỗi quốc gia và lục địa lại rất khác nhau. Đó là văn hóa truyền thống của từng quốc gia, của từng châu lục. Biển cả cũng khác nhau ở cách khai thác hải sản và giới thiệu sản phẩm đặc thù du lịch.

Ở đất nước Nhật Bản, họ đầu tư chiều sâu, hướng tới khách du lịch bằng cách giới thiệu văn hóa ẩm thực bắt nguồn từ món ăn truyền thống ngàn đời của xứ sở người dân thờ thần mặt trời. Từ bờ biển của tỉnh Tottori sang đến tỉnh Okayyama hay Hyroshima, bạn đi tới đâu cũng gặp đảo và biển cả.

Những ngôi làng chài lưới rất nhỏ ven biển ở Nhật Bản. Người dân không xây nhà to lớn. Không thấy mỗi nhà quay ra một hướng, mà họ kiến trúc nhất quán, chỉ xây những ngôi nhà vừa đủ sống, diện tích nom rất hẹp. Nhà ở ven biển xây dựng 1 hoặc 2 tầng, lợp bằng loại ngói màu xám nom từ xa có vẻ cũ kỹ và êm đềm. Khác với làng chài ven biển ở Việt Nam, làng biển Nhật Bản đâu đâu cũng gần mặt trời. Mùa đông tuyết phủ trắng những ngôi nhà nhỏ bé ven biển. Đặt chân đến làng biển, ai cũng trầm trồ ngợi khen vì sạch.

di xa ve thay song duoi chan minh

Chuyện người Nhật đi biển và vá lưới thì công đoạn cũng na ná như ở ta. Nhưng ở biển Tottori, cách khai thác lặn biển bắt cua hoàng đế hay quăng lưới bắt cá hồng, cá song hoa vốn khan hiếm hơn nhiều so với biển ở Việt Nam. Riêng loại cá ngừ, cá đầu dẹt ở biển vùng này cũng sẵn lắm nên thu hoạch và thu nhập của người dân khá cao.

Cua hoàng đế nổi tiếng ở xứ sở Tottori, là món ăn đặc sản đặc biệt để đãi khách du lịch. Cua hoàng đế còn trở thành các loại bánh cua, kẹo cua, bánh vị cua, bánh gạch cua ngon nức tiếng từ biển Nhật Bản. Riêng món canh cua nước trong trở thành món canh thực dưỡng đặc sản của miền đất mặt trời mọc, chỉ vùng này mới có. Món ăn, gia vị và cách thưởng thức của người Việt rất khác với văn hóa ẩm thực người Nhật. Món cua ở đây hay dùng mù tạt, maggi. Nhiều cách pha chế cũng khác xa hương vị món ngon Việt Nam.

Ở đảo Sanin Matsu, người ta mời khách du lịch lên tàu chiêm ngưỡng, thả bánh cho chim hải âu bay đến rợp trời bên tàu và sóng nước, để du khách có ấn tượng khó quên khi đặt chân đến hòn đảo ven biển vùng Tottori này.

Rẽ ngang sang phía biển tỉnh Hyroshima, nơi có đền ltsukushima. Nơi này tổ chức hướng dẫn cho khách du lịch cách làm bánh kiểu Nhật, cách nướng hàu và cách chọn mặc áo Kymono để thưởng thức trà đạo. Liệu có ai tham dự mà rồi không ấn tượng được sao? Quãng đường khám phá ở phía biển kéo dài độ chừng một cây số đi bộ với các nét văn hóa từ tranh chữ, sớ chữ, ấm trà bằng đồng của người Nhật, muôi Shanji múc cơm… Kỷ vật văn hóa lưu giữ từ xưa, chiếc xe kéo tay thuở đó cùng trưng bầy dọc đường để du khách chụp ảnh với xe và hoa khi dừng chân ở biển ngay bên thành phố Hatsukaichi thơ mộng.

Biển bên núi Misen, hòn đảo Miyajima còn có ngôi đền ltsukushima được kiến trúc vô cùng sáng tạo và đầy mạo hiểm. Bắt đầu xây từ thế kỷ XII, bởi một vị Taira no Kiyomori, là một người đầy quyền uy của nước Nhật thời đó. Cả ngôi đền rộng lớn không dùng đến một thanh kim loại, dù chỉ một cái đinh. Đền được dựng hoàn toàn bằng gỗ và hành lang cũng bằng gỗ. Ngôi đền đã được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, là nơi có sân khấu kịch Noh và một phòng hòa nhạc dân tộc.

Cổng ngôi đền O-Toril cũng khác biệt, có độ cao 16m, rộng 24m vòm cổng. Mùa khô đầy chim biển đậu dưới mặt trời, mùa nước dâng thì cổng đền cũng ngập nhưng chưa bao giờ tràn mái vòm, người dân bản địa cho hay. Xung quanh đền với nhiều cây cầu nối trên các hành lang gỗ dài tới 300m, có những sản phẩm nghệ thuật trưng bầy dọc hành lang ở phía sân sau ngôi đền, để du khách chiêm ngưỡng.

di xa ve thay song duoi chan minh

Có thể nói, ngôi đền trước biển của thành phố Hyroshima này đã khai thác du lịch di sản và du lịch hồi ức chiến tranh rất hiệu quả. Người Nhật lại rất hiếu khách và luôn luôn sống vì người khác. Với họ, cái tôi là rất nhỏ bé. Họ luôn sống vì mọi người và trân quý môi trường. Trân quý không gian chung và hơi thở của chung mọi người. Đường đi và không gian chung luôn luôn sạch và không thấy rác. Đó là bờ biển sạch nhất trong các vùng biển, ngợp đầy du khách mà không nhìn thấy rác.

Khi dấu giày của tôi đặt chân đến nơi này, tôi thường tự vấn mình: Liệu đến bao giờ người dân ta mới không tiện tay vứt rác ra đường? Và sao, đi đến đâu ở ta cũng nhìn thấy rác? Những bờ biển tuyêt đẹp ở Trà Cổ, ở biển Cát Hải và biển xứ Thanh, Tĩnh Gia, biển Cửa Đại, Hội An vẫn có những góc khuất lấp đầy rác mà ta chưa kịp xử lý.

Bước đi xa ngàn dặm xa, về, lại thấy biển dưới chân ta thật đẹp và tuyệt đẹp. Chỉ canh cánh trong lòng mình, chắc là chưa thể một sớm mai nào, ta sẽ bằng bạn, trong cách ứng xử với người và với môi trường.

Biển mênh mông nhưng xét cho đến cùng, vẫn do con người chinh phục. Tôi hy vọng một sớm mai, du lịch Việt Nam thức giấc cùng giấc mơ biển, hãy vì người rồi sau mới vì mình, thì nền công nghiệp không khói nước ta sẽ như chim trời cá biển neo đậu giàu mạnh lên trên dải đất hình S có đường biển thật đáng mơ ước ngay dưới chân mình.

Hoàng Việt Hằng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.