Hát Xoan Phú Thọ:

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại

20:57 | 08/12/2017

758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 8/12, Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.  

Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần. Tương truyền, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.

Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước (tỉnh Phú Thọ ngày nay) và đã lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (tỉnh Phú Thọ).

di san van hoa phi vat the dai dien nhan loai
Một tiết mục hát Xoan Phú Thọ

Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình.

Trước đó, năm 2009, hát Xoan được lựa chọn xây dựng hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” trình UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Và đến ngày 24/11/2011, hát Xoan Phú Thọ chính thức được Ủy ban liên quốc gia của tổ chức UNESCO họp tại Bali - Indonesia công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Từ năm 2011 cho đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã có nhiều hoạt động nhằm khôi phục các phường Xoan và đẩy mạnh tuyên truyền, giảng dạy hát Xoan trong nhà trường và cộng đồng.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, trước đây, tỉnh chỉ có hơn 100 đào, kép và chỉ có 7 nghệ nhân còn khả năng thực hành và truyền dạy, tuy nhiên, các đào, kép này hoạt động không đều và đều trên 60 tuổi, riêng các nghệ nhân đều trên 80 tuổi.

Sau 6 năm nỗ lực phục dựng, hát Xoan đã được thực hành thường xuyên tại 4 phường Xoan gốc và 37 câu lạc bộ hát Xoan. Theo thống kê, các câu lạc bộ hát Xoan thu hút gần 1.600 người tham gia thực hành. Ngoài ra, hát Xoan cũng được duy trì thực hành, trình diễn thành các câu lạc bộ cấp huyện và cấp xã. Tính sơ bộ, hiện có 4.731 người tham gia sinh hoạt chính thức trong các tổ chức hát Xoan tại tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, chưa kể số người tham gia không chính thức. Ngoài ra, 100% trường học ở các cấp tại Phú Thọ đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn âm nhạc và chương trình học ngoại khóa.

Bên cạnh đó, Phú Thọ cũng vinh danh, phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan cho 52 nghệ nhân và Chủ tịch nước cũng đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 20 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đang tiến hành nâng cấp chuyên trang hát Xoan với hai ngôn ngữ gồm tiếng Việt và tiếng Anh. Đồng thời, các cơ quan này cũng đang nghiên cứu xuất bản các chương trình nghe nhìn về hát Xoan giúp cộng đồng nhận diện về giá trị hát Xoan.

Có thể nói, những nỗ lực của UBND tỉnh Phú Thọ nói riêng và các cơ quan quản lý văn hóa nói chung đã khôi phục hát Xoan Phú Thọ và đưa bộ môn nghệ thuật này ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và một lần nữa, đưa văn hóa Việt ra với thế giới.

Bên cạnh hát Xoan Phú Thọ, vào chiều 7/12/2017, UNESCO đã đưa “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Theo các nhà nghiên cứu, hát Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian xuất hiện cách đây khoảng 300 - 400 năm ở các tỉnh vùng Nam Trung Bộ. Người dân miền Trung bắt đầu từ Quảng Bình đi vào tận đến Phan Thiết đều ưa chuộng loại hình này. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, chính từ trò chơi bài chòi mà nghệ thuật hát Bài chòi ra đời.

P.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.