'Dị nhân đuổi mưa' mắc chứng hoang tưởng?

07:33 | 25/10/2015

4,779 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phóng viên PetroTimes có trao đổi với TS Vũ Thế Khanh về người tự nhận là "giáo sư - viện sĩ" có biệt tài "đuổi mưa".
Những chuyện kỳ quái về 'Giáo sư - viện sĩ đuổi mưa'

PV: Thưa TS Vũ Thế Khanh, những lý giải về học thuật của “Giáo sư - Viện sĩ” Lương Ngọc Huỳnh về khoa học vũ trụ liệu có đáng tin cậy không?

TS Vũ Thế Khanh: Trước hết, cần phải tìm hiểu xem cái vị “giáo sư - viện sĩ” ấy học vấn thực sự ra sao thì mới bàn đến trình độ chuyên môn cũng như các lý giải của ông ấy về các sự kiện khoa học vũ trụ.

Ngay cái tiêu chuẩn đầu tiên trở thành giáo sư là “phải có bằng tiến sĩ ít nhất 3 năm”, trong khi đó, ông Huỳnh lại chưa có bằng tốt nghiệp đại học chính quy, chưa làm luận án tiến sĩ thì coi như hỏng từ vòng gửi xe.

Nhưng ta cũng nên rộng lượng, thông cảm và bỏ quá cho ông Lương Ngọc Huỳnh, vì ông ấy chỉ là người tập võ thuần túy mà không phải là nhà khoa học, cho nên ông ấy không thể ngờ rằng cái danh hiệu “giáo sư” nó lại khắt khe và gian nan đến thế. Nếu ông ấy là nhà khoa học thực thụ và được đọc cái tiêu chuẩn của một vị giáo sư (dù chỉ một lần) thì dù có phải “diễn trên sân khấu” thì hẳn rằng ông ấy chẳng dám nhập vai “giáo sư - viện sĩ”.

Cho nên vài câu lý giải về thời tiết mà vừa qua ông Lương Ngọc Huỳnh đã mò mẫm chép ra từ trang Wikipedia thì mong quý vị độc giả cũng đừng mất thời giờ bận tâm về điều đó.

di nhan duoi mua co the mac chung hoang tuong
"Dị nhân đuổi mưa' Lương Ngọc Huỳnh

PV: Xin tiến sĩ cho biết, liệu UIA có kiểm chứng được khả năng “đuổi mưa” của ông Lương Ngọc Huỳnh hay không?

TS Vũ Thế Khanh: Bất cứ người nào đến đăng ký khảo nghiệm về khả năng đặc biệt thì đều được chúng tôi đáp ứng, cho dù họ có tài năng ở bất cứ lĩnh vực nào, ngay cả việc khảo nghiệm “khả năng đuổi mưa”.

Tuy nhiên, khi đến đăng ký kiểm chứng thì thí sinh phải thực hiện đầy đủ các quy chế của Hội đồng Khoa học UIA.

Nếu ông Lương Ngọc Huỳnh thực hiện đầy đủ các điều kiện thì Hội đồng Khoa học sẵn sàng chấp nhận và lập Hội đồng Giám khảo để thẩm định.   

Thực ra, những người có khả năng đặc biệt thì không nhất thiết cứ phải là người có học vấn cao, do vậy có thể không cần nộp văn bằng chứng chỉ chứng minh học vấn nếu như trong hồ sơ đăng ký, thí sinh không ghi trình độ học vấn.

Trong số những người có khả năng thực sự về ngoại cảm và khả năng đặc biệt, thì người có trình độ đại học chỉ chiếm tỷ lệ rất ít (như KS Đỗ Bá Hiệp, KTS Phạm Kim Khoa, Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhã, Thạc sĩ Phan Bích Hằng, Đại tá Phạm Huy Lập, cử nhân Đinh Thị Hương). Số còn lại, đa phần lại là những người có học vấn bình thường, chưa tốt nghiệp phổ thông, thậm chí có những người mới chỉ học đến tiểu học, trung học cơ sở… Nhưng họ vẫn có khả năng đặc biệt, vì khả năng này không hề phụ thuộc vào sách vở, không hề phụ thuộc vào bảng tra có sẵn.

Nhưng chỉ có ông Lương Ngọc Huỳnh là người duy nhất tự xưng là có học hàm học vị “giáo sư - viện sĩ”, do vậy nếu ông Huỳnh muốn được khảo nghiệm thì nhất thiết phải xuất trình văn bằng như ông đã từng giới thiệu.   

Việc khảo nghiệm đánh giá khả năng “đuổi mưa” của ông Lương Ngọc Huỳnh là rất cần thiết, bởi nếu ông Huỳnh có khả năng “hô phong hoán vũ” thực sự như vậy thì ông sẽ trở thành nhân tài kiệt xuất của thế giới. Nhưng nếu không trung thực thì việc phao tin “đuổi mưa” chỉ là trò nhảm nhí, mê tín dị đoan, phản khoa học, gây nhiễu loạn trên những kênh thông tin chính thống của xã hội. Nếu ông Lương Ngọc Huỳnh không có các văn bằng chứng minh học vấn mà vẫn còn xưng “giáo sư - viện sĩ” thì không những không trung thực, dối lừa dư luận xã hội, không đủ tư cách để tham gia khảo nghiệm, mà còn xúc phạm nghiêm trọng đến những nhà khoa học đã được đào tạo nghiêm túc từ nền khoa học của nước Nga.

Bất kể tình hình chính trị thế giới hiện nay ra sao, nhưng chúng ta cần phải biết ơn và ghi nhận sâu sắc rằng Liên Xô (cũ) vẫn là một trong những chiếc nôi của nền khoa học nhân loại. Các giáo trình đại học, các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật của nước ta hiện nay đang áp dụng phần lớn được tham khảo, trích dẫn và kế thừa từ giáo trình, quy phạm, tiêu chuẩn của Liên Xô (cũ). Không những thế, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học hàng đầu của nước ta phần lớn đều được đào tạo từ nền khoa học giáo dục cao quý này.

Do vậy, những cán bộ khoa học được đào tạo từ Liên bang Nga mãi mãi vẫn là niềm tự hào không chỉ về trình độ học vấn mà còn là tấm gương của sự tận tụy, trung thực trong hoạt động khoa học.

Nếu một người chưa từng học đại học, chưa từng có công trình nghiên cứu khoa học như ông Lương Ngọc Huỳnh, mà cũng được xếp cùng bậc danh hiệu “giáo sư viện sĩ” của Viện Hàn lâm Khoa học Nga là sự xúc phạm quá đáng đến những nhà khoa học chân chính.

Và không biết có fan hâm mộ nào vẫn còn tiếp tục cổ súy cho những chiêu trò “nhãn mác” này một khi họ đã thừa biết rằng, cái danh xưng “giáo sư - viện sĩ” ấy chỉ là hàng mã?

PV: Thưa tiến sĩ, ông đã từng nói rằng những“dị nhân hoang tưởng” khi đến khảo nghiệm tại UIA thì đều bị “mất điện”. Vậy với tài năng “đuổi mưa” của ông Lương Ngọc Huỳnh thì liệu có bị “tắt điện” hay không? Nếu ông ấy có tài năng thực sự thì UIA có “xin lỗi” như trong thư yêu cầu của ông ấy không?

TS Vũ Thế Khanh: Ba cơ quan khoa học (là Liên hiệp Khoa học UIA, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ Văn hóa kỹ thuật truyền thống) đã hợp tác với nhau trong hơn 20 năm qua và lập ra Hội đồng Khoa học liên ngành để thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ và Bộ Khoa học Công nghệ giao cho, đó là “khảo nghiệm về các khả năng đặc biệt”.

Mục đích của Hội đồng Khảo nghiệm là tìm kiếm và bảo trợ cho những hiền tài để phục vụ lợi ích quốc gia cũng như phục vụ lợi ích cộng đồng, chứ không phải là để ngăn chặn, hoặc nhằm hạn chế những tài năng. Có nhiều nhân tài, nhiều khả năng đặc biệt được cơ quan nâng đỡ, bảo trợ nên đã lập được những thành tích lớn lao trong nghiên cứu khoa học cũng như thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong chương trình Tâm linh “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”.

Khảo nghiệm để tìm ra người có khả năng đặc biệt, đồng thời phải hướng cho họ dùng tài năng đặc biệt vào mục đích lành mạnh, ích nước lợi dân. Nếu làm trái đạo, gây tác hại cho cộng đồng xã hội thì cho dù có khả năng đặc biệt đi chăng nữa thì cũng cần phải ngăn chặn, cần phải làm cho “tắt điện”.

Trong những năm qua, đã có hàng trăm “dị nhân hoang tưởng” khi đến khảo nghiệm đều bị Hội đồng Khoa học của 3 cơ quan dùng “kính chiếu yêu” làm cho “tắt điện” và họ đều phải tâm phục khẩu phục và hứa sẽ  từ bỏ hành vi tiêu cực.

Với trường hợp của ông Lương Ngọc Huỳnh, vì chưa nộp hồ sơ khảo nghiệm, cho nên chưa thể đánh giá được điều gì. Trước tiên phải kiểm tra xem liệu ông ấy “có điện” hay không  rồi mới nói đến vấn đề  “tắt điện”!

Nếu ông ấy đến xin khảo nghiệm và chứng minh được “khả năng đuổi mưa” của mình thì UIA không những sẵn sàng “xin lỗi” mà còn mang kiệu rước ông ấy lên bục vinh quang, sẽ làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động và chắc chắn sẽ được tặng giải Nobel về khoa học vật lý vũ trụ. Nhưng nếu ông ấy không có khả năng gì đặc biệt, thì không biết phải ứng xử ra sao cho hợp lý hợp tình?

Trước đây, Liên hiệp UIA cũng đã khảo nghiệm một “dị nhân hoang tưởng” đến xin khảo nghiệm khả năng “phóng năng lượng” vào cốc nước để chữa bệnh. Trải qua 1 tuần tham gia khảo nghiệm, biết rằng mình chẳng có tài năng gì đặc biệt, chẳng qua là bệnh hoang tưởng, anh ta liền ngất xỉu, cơ quan phải đưa vào khoa tâm thần của Bệnh viện Bạch Mai để chữa trị.

Do vậy, với những “dị nhân hoang tưởng”, xin mọi người hãy rộng lòng tha thứ, hãy coi họ là những bệnh nhân “tâm thần phân liệt” để có giải pháp ứng xử khoan dung độ lượng, tránh cho họ bị “sốc” hoặc bị “stress” nặng thêm. Và nên báo cho cơ quan chức năng nếu ai đó trong số họ có hành vi lừa đảo.        

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ. 

Vũ Kim Oanh