Di dời dân khỏi vùng nguy hiểm tránh bão số 4

08:55 | 26/09/2011

481 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh đang khẩn trương gặt lúa giúp dân, thực hiện các phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi…

Di tản người dân tới nơi an toàn trước khi bão đổ bộ ở Nghệ An

Hà Tĩnh đã thu hoạch 34% diện tích lúa hè thu với 14.000 ha. Chiều 25/6, tất cả 3.800 tàu của tỉnh đã nắm bắt được thông tin về bão số 4, trong đó đã liên lạc được có 56 tàu đang đánh bắt xa bờ. Một số công trình đang thi công như cống dưới đập phụ Kẻ Gỗ, cống Đức Xá đến nay đã cơ bản hoàn thành đủ khả ứng phó với bão.

Các cơ quan ban ngành, địa phương, lực lượng vũ trang bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện sơ tán dân, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, bảo vệ các công trình đang thi công, đảm bảo an toàn các hồ đập…

Huyện miền núi Hương Sơn đã bố trí cán bộ, công chức xuống các xã trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, vùng bị sạt trượt đất đá để cảnh báo cho bà con và xây dựng phương án di dời dân đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Huyện vừa tập trung huy động lực lượng công an, quân đội tham gia giúp dân thu hoạch lúa; cảnh báo cho nhân dân những khu vực có khả năng ngập lâu dài và kiểm tra diện tích lúa có khả năng trục vớt và tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi được hơn 4.323 tàu, thuyền với hơn 19.450 ngư dân đang đánh bắt hải sản trên biển vào bờ neo đậu tại các bến và cửa lạch an toàn để tránh bão. Hàng trăm hộ dân ở miền núi cũng đặt trong tình trạng báo động cần phải di dời khi mưa bão lớn đổ bộ.

Huyện Tương Dương đã thông báo cho nhân dân diễn biến của bão để có biện pháp dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng trường hợp bị mưa lũ chia cắt; đồng thời huy động lực lượng dân quân tự vệ sẵn sàng tham gia khắc phục những thiệt hại do mưa bão gây ra.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết: Để đối phó với bão số 4, huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, trực tiếp là những nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét để thực hiện việc di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, như: Bản Khe Choóng, Khe Ò và bản Sốp Mạt…

Tỉnh Nghệ An đã lên kế hoạch triển khai phương án sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, nếu nước dâng 1-3m thì phải sơ tán gần 10.000 hộ với 54.000 dân. Các thành viên Ban chỉ đạo đã xuống các địa bàn phân công phối hợp các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4.

Còn tại Quảng Bình, chiều 25/9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã họp khẩn với lãnh đạo các ngành, địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4.

Tỉnh Quảng Bình rà soát và lên kế hoạch di dời khoảng 5.000 hộ dân ở vùng trũng hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, vùng hạ lưu sông Gianh, các điểm sạt lở ven biển.

Bộ đội biên phòng Quảng Bình đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão, thông báo, kêu gọi được 4.266 tàu thuyền với hơn 18.000 ngư dân vào bờ tránh, trú bão an toàn.

Trung tá Trương Tấn Tuân, trực Ban tác chiến Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh triển khai phương án theo kế hoạch, duy trì kíp trực chỉ huy, trực quân số, gồm 270 chiến sĩ 5 tàu, 8 ca nô, 3 ô tô phục vụ chở quân.

Tại tỉnh Quảng Trị, đến 23h đêm 25/9, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kêu gọi hơn 2.460 tàu thuyền với trên 10.000 lao động vào bờ an toàn. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã triển khai lực lượng và phương tiện gồm 13 ô tô 3 tàu, 10 ca nô, tổ chức trực ban sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi cần thiết.

Tại huyện đảo Cồn Cỏ, đêm qua và sáng nay (26/9) có mưa to, gió thổi mạnh. Hiện nay, trên đảo Cồn Cỏ có 7 công trình xây dựng cơ bản đang thi công dang dở như Trung tâm Y tế huyện, âu thuyền Cồn Cỏ…. UBND huyện Cồn Cỏ đã tổ chức kiểm tra các công trình trọng yếu đang thi công trên đảo, triển khai biện pháp ứng phó với bão số 4.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chiều tối 25/9, tại vùng bãi ngang xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, ghe đánh cá công suất nhỏ của ông Trần Văn Long gồm 3 lao động bị chết máy trôi dạt trên vùng biển Chân Mây-Lăng Cô, cách bờ 2 hải lý nhưng do sóng to, gió lớn nên các lực lượng cứu nạn của Cảng Chân Mây, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế không thể ra tiếp cận.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 đóng tại Đà Nẵng ra tìm kiếm cứu nạn.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn gửi các địa phương, đơn vị về việc triển khai phương án đối phó bão số 4, nghiêm cấm tất cả tàu thuyền của ra khơi đánh bắt cá, tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão và kêu gọi tàu thuyền vào bờ.

Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lũ gây tắc đường cục bộ tại một số huyện vùng cao như Nam Trà My, Tây Giang. Ông Lê Ngọc Kích, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết có 20 hộ dân nằm trong khu vực lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 thuộc thôn 6, xã Trà Dơn bị nước lũ uy hiếp nghiêm trọng, huyện đã tiến hành sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo VOV

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc