ĐH Kinh tế quốc dân: Bất ổn lắm, sai phạm nhiều

10:47 | 23/07/2012

6,767 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không thể khoanh tay đứng nhìn “đứa con tinh thần” của mình đi vào con đường “sa ngã”, nhiều cán bộ, giảng viên của trường đã lên tiếng tha thiết đề nghị: “Hãy cứu lấy trường ĐHKTQD”!

Với bề dày truyền thống của mình, trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) được biết đến là cái nôi nuôi dưỡng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo ngành tài chính, ngân hàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trường lại được biết đến nhiều hơn bởi những “lình xình”, bê bối trong công tác cán bộ, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.

 

Bài I: Chuyện khó tin có thật

Theo những thông tin mà Nhà giáo nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong - người từng giữ vị trí quyền Hiệu trưởng trường ĐHKTQD cho biết thì trường đang tồn tại quá nhiều bất ổn.Ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường ĐHKTQD khi đã nắm được quyền lực gần như tuyệt đối trong trường, sự chuyên quyền, độc đoán  đã được ông Nam bộc lộ bằng nhiều Quyết định “sét đánh” làm ngỡ ngàng toàn bộ cán bộ, giảng viên của trường.

Hiệu trưởng trường ĐHKTQD Nguyễn Văn Nam.

 

Manh nha một “đế chế” quyền lực

Quyền lực là một thứ mà đại đa số trong chúng ta đều rất mong muốn giành lấy nhưng để đạt được nó lại không phải chuyện đơn giản. Để nắm được quyền lực trong tay, mỗi người cần phải qua một quá trình phấn đấu, khẳng định tài năng của mình trong một môi trường nhất định và thứ quyền lực đó sẽ được những người xung quanh kính nể tôn trọng. Tuy nhiên, nếu khi đạt được quyền lực, người ta không biết dùng thứ quyền lực đó vào mục đích chung, tốt đẹp, mang lại lợi ích cho tập thể thì chắc chắn sự kính nể, tôn trọng đó sẽ dần mất đi và thay vào đó là sự bất mãn của những người xung quanh. Theo GS.TSKH Lê Du Phong "quyền lực" của ông Nam và những bộ hạ thân tín ở trường ĐHKTQD chính là một minh chứng điển hình cho điều đó.

Đầu tiên, GS.TSKH Lê Du Phong kể tới trường hợp của PGS.TS Phạm Ngọc Linh - người đã bị “đẩy” khỏi vị trí Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của trường một cách không thể “sốc” hơn.

Là một trong số ít cán bộ được ông Nam đích thân tìm đến, trao đổi trước khi được đề bạt nhưng PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ lại bất ngờ bị điều chuyển sang làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển của trường. Quyết định được xem là đã giáng chức vì phụ cấp trách nhiệm đã giảm từ 0,5 xuống 0,3. Điều này đã gây dư luận xôn xao trong trường ĐHKTQD vì trong suốt quá trình công tác, PGS.TS Phạm Ngọc Linh luôn thể hiện là một cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt và từng có thời gian dài làm Phó Chủ nhiệm khoa Kế hoạch và Phát triển.

Vẫn biết việc điều chuyển, luân chuyển cán bộ là những việc hết sức bình thường nhưng vấn đề nằm ở cái cách ông Nam ra quyết định trên - một quyết định được thực hiện một cách rất “âm thầm” mà ngay cả PGS.TS Phạm Ngọc Linh – lúc đó vẫn là Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ cũng chẳng hay biết, còn Đảng ủy trường cũng chỉ được thông báo “lấy lệ” vào buổi sáng hôm đó vì ngay chiều cùng ngày quyết định đã ban hành. Chính vì cách làm như vậy của ông Nam, sau đó không lâu, PGS.TS Phạm Ngọc Linh đã phải “cắn răng” xin chuyển công tác.

Tuy nhiên, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, cũng trong chiều cùng ngày, ông Nam tiếp tục công bố các quyết định: Phân công PGS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng kiêm phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ; Phân công PGS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng kiêm nhiệm phụ trách Phòng Quản trị Thiết bị.

GS.TSKH Lê Du Phong cho rằng: Những quyết định trên của ông Nam thực sự là quá bất ngờ, là một bí ẩn gây xôn xao trong một thời gian dài ở trường ĐHKTQD. Và rồi mọi chuyện cũng “2 năm rõ 10”, khi mà nhiều cán bộ trong trường nhất loạt khẳng định: Thực chất việc điều động này chỉ là bước đệm, để ông Nam đưa người của ông ta vào nắm giữ hai phòng có “quyền sinh, quyền sát” này (Phòng Quản trị Thiết bị, với chức năng, nhiệm vụ là quản lí các khoản mục mua sắm và đầu tư...). Điều này đã được thể hiện bằng việc ông Nam tổ chức họp Ban Giám hiệu và Đảng ủy biểu quyết bằng hình thức giơ tay, bổ nhiệm Thạc sĩ Nguyễn Đức Hiển giữ chức Trưởng phòng Tổ chức cán bộ; bổ nhiệm Thạc sĩ Vũ Anh Trọng giữ chức Trưởng phòng Quản trị Thiết bị.

Thậm chí, dưới sự giúp sức của ông Nam, Hiển và Trọng đã từng bước hạn chế quyền của các Phó Hiệu trưởng. Không chịu nổi sự vô lý này, Phó Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn đành chấp nhận xin chuyển công tác.

Dường như đã có một sự thao túng được hình thành, gây lên sự hoang mang, lo sợ bao trùm toàn bộ mọi hoạt động của trường ĐHKTQD.

Từ quyết định vô lối

Trường ĐHKTQD đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề "xấu"

Theo phản ánh của Nhà giáo nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong thì, khi đã nắm quyền lực gần như tuyệt đối trong tay, ông Nam đã ban hành một loạt quyết định như cho PGS.TS Nguyễn Xuân Quang thôi giữ chức Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, để đưa ThS Cấn Anh Tuấn vào thế chỗ. Chưa hết, TS Nguyễn Quang Hồng cũng bị cho thôi giữ chức Phó Chủ nhiệm khoa Tại chức, PGS.TS Nguyễn Thị Mai phải thôi giữ chức Viện trưởng Viện Chính sách công... Ông Nam còn  kí quyết định số 832/QĐ-ĐHKTQD-TCCB, điều động bà Nguyễn Thị Thế Anh, đang làm Trợ lí giáo vụ Khoa Kinh tế và Quản lí nguồn nhân lực, xuống làm văn thư lưu trữ tại Trạm Y tế của trường.

Đáng chú ý nhất trong số quyết định trên là việc điều chuyển công tác đối với bà Nguyễn Thị Thế Anh theo Quyết định số 832/QĐ-ĐHKTQD-TCCB ngày 6/12/2011 - một quyết định được đưa ra với nguyên nhân là bà Thế Anh chưa tận tâm, chưa chấp hành tốt kỉ luật lao động, thường xuyên không thực hiện các nhiệm vụ... Nếu chỉ nghe như vậy thì thấy có vẻ hợp lý nhưng đối với những ai đã biết bà Thế Anh thì đó lại là sự hài hước vô lí. Hơn chục năm công tác, bà Anh luôn thể hiện tinh thần phấn đấu, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ nên đã được cử đi học Thạc sĩ. Nói như vậy để thấy rằng, những khuyết điểm được cho là nguyên nhân điều chuyển bà Thế Anh là quá vô lí, thậm chí là có vấn đề.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, theo bà Nguyễn Thị Thế Anh cho biết, ngay sau khi bà bị điều chuyển một cách bất thường sang vị trí khác, anh Hiển đã lập tức cho bà Thuỷ (Làm thủ thư tại Trung tâm tư liệu – Thư viện trường) về làm Trợ lí giáo vụ Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực. Quá bất bình với quyết định này, bà đã làm đơn kiến nghị nhưng lại bị Hiển thẳng thắn đe doạ là sẽ cho thôi việc để tinh giảm cán bộ theo điều lệ tự chủ của trường. Thậm chí, lá đơn bà viết cho Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam cũng bặt vô âm tín, chìm vào yên lặng.

"Mọi chuyện tưởng chừng đã dừng lại ở đó nhưng đến ngày 28/12/2011, trên trang Web của trường đã đăng tải thông báo trả lời tôi với những biên bản, thông tin sai lệch, bịa đặt về cá nhân tôi và toàn bộ lý lịch của tôi gồm cả những thông tin cá nhân của tôi, gia đình, anh em, cha mẹ tôi, thậm chí là cả thông tin, đơn thuốc khám chữa bệnh của tôi.

Đây là hành vi vi phạm pháp luận vô cùng nghiêm trọng về quyền riêng tư quy định tại điều 226, Bộ Luật tố tụng hình sự, là hình thức bôi nhọ, loan truyền có dụng ý xấu”, bà Thế Anh bức xúc nói.

Sự vô lối không chỉ thể hiện trong các quyết định điều chuyển cán bộ mà còn thể hiện ở hàng loạt quyết định thành lập các Viện mới và đổi tên hàng loạt khoa, trung tâm thành Viện: Khoa Quản lí Đào tạo quốc tế thành Viện Đào tạo quốc tế, Trung tâm Ngoại ngữ thành Viện Ngoại ngữ, Trung tâm Việt Nam - Hà Lan thành Viện Chính sách công Việt Nam - Hà Lan, Trung tâm Tin học kinh tế sáp nhập bộ môn Công nghệ thông tin thành Viện Tin học kinh tế; thành lập Viện Quản lí châu Á - Thái Bình Dương.

Đáng chú ý trong đó là quyết định chuyển Khoa Ngân hàng -Tài chính thành Viện Ngân hàng - Tài chính mà ông Nam đích thân kiêm chức Viện trưởng. Sự vô nguyên tắc thể hiện ở chỗ, mặc dù đây là những việc lớn của trường nhưng mọi quyết định đều không được bàn bạc, thống nhất trong Đảng ủy, Chi ủy, Ban Chủ nhiệm các khoa... Thậm chí, trong Nghị quyết số 161-NQ/ĐU ngày 19-12-2011 của Đảng ủy nhà trường khóa XXVI, về việc thành lập Viện Ngân hàng - Tài Chính ghi rõ ràng là Nghị quyết nhưng nội dung lại như một văn bản hành chính, với những quy định rất cụ thể về vị trí pháp lí, chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy...

Đến scandan ồn ào

Mỗi khi nói về những bê bối hay vấn đề gì đó không hay về một cá nhân nào đó, người ta thường bảo “lắm tài nhiều tật” nhưng quả thật chuyện ở trường ĐHKTQD là không thể chấp nhận được. Tài thì chẳng thấy đâu nhưng tật thì nhiều vô kể.

PGS.TS Đào Văn Hùng, PGS.TS Phạm Quý Thọ, PGS.TS Nguyễn Văn Áng, PGS.TS Nguyễn Văn Định, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, TS Vũ Thiện Vương, TS Lê Trung Thành, TS Trần Thị Thanh Tú, TS Nguyễn Văn Dinh, TS Trần Thị Minh Hòa... là những người có năng lực, có trình độ phải dứt áo ra đi, còn đối với những người ở lại thì luôn mang trong mình tâm lý hoang mang, lo lắng. Và đây cũng chính là nguyên nhân của những nhiều xì – can – đan đã xảy ra trong trường.

Tiêu biểu nhất, ồn ào nhất trong đó là vụ việc bà Phạm Thị Hoa - Kế toán tại Hội Khoa học kinh tế Hà Nội có trụ sở đặt trong khuân viên trường ĐHKTQD đã đến phòng làm việc của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, đòi ông Hiển trả lại 55 triệu đồng tiền chạy việc và đến nhà riêng của ông Nam tố cáo việc làm trên của ông Hiển.

Theo trình bày của bà Hoa thì, ngày 18/11/2011, bà có đến gặp ông Nam nói về vấn đề công việc và được ông Nam trả lời “em tìm xem đơn vị nào muốn nhận thì báo lại, thầy sẽ xem xét”. Đến ngày 19/11/2011, tôi mua một bó hoa, kèm theo đó là phong bì 2.000.000 đồng đến gặp ông Nam và được ông Nam vui vẻ nhận.

Cũng trong ngày, bà Hoa cũng mua một bá hoa, một phong bì 5.000.000 đồng đến gặp ông Hiển và được hứa hẹn “chị cứ yên tâm đi, riêng chỗ GS Nam để em giải quyết hết, chị về chuẩn bị hồ sơ mang cho em…” Sau khi được ông Hiển hứa hẹn, ngày 12/12/2010, bà Hoa đã chuẩn bị một gói quà kèm theo phong bì tiền 50.000.000 đồng đến nhà Hiển.

Bà Hoa cho biết: Sau khi nhận túi quà và chiếc phong bì, bà và ông Hiển đã nói chuyện rất vui vẻ và cởi mở. Ông Hiển bảo: “Chị chờ em một thời gian nữa để em sắp xếp lại đội ngũ nhân viên hành chính, sau đó em sẽ tìm cách chuyển chị từ Hội sang Viện thì đỡ vất vả cho chị”.

Tuy nhiên, đợi mãi vẫn không thấy phản hồi, quá sốt ruột, ngày 19/1/2012, tôi đã gọi điện vừa là để chúc Tết và cũng là hỏi xem công việc của tôi có còn hy vọng không thì được ông Hiển trả lời: “Em không quyết định được việc này, để em hỏi các sếp nhưng mà khó đấy chị ạ”. Quá thất vọng, tôi đã bày tỏ ý muốn xin rút lại số tiền đã chuyển cho ông Hiển để lo việc nhưng ông Hiển nhiều lần tìm cách thoái thác, lẩn tránh.

Và đến ngày 20/1/2012, tại phòng làm việc của ông Hiển, ông Hiển đã nói thẳng với tôi là “chị vụ không cho tôi, chị có bằng chứng không” và có hành vi thô bạo cùng nhiều lời nói xúc phạm tôi.

“Quá bất bình với một loạt những hành vi không đáng mặt đàn ông sau đó, tôi đã tìm nhà ông Nam để báo cáo sự việc nhưng chưa kịp nói gì thì đã bị ông Nam thoá mạ, đuổi đi. Nhiều ngày sau đó cũng vậy, tôi tìm đến gặp ông Nam nhưng vẫn bằng thái độ hống hách, ngạo mạn và đuổi tôi đi”, bà Hoa nói.

Sự việc ồn ào được đẩy lên đỉnh điểm khi sáng 30/1/2012, khi bà Hoa đến văn phòng Hội Khoa học kinh tế Hà Nội làm việc, thì thấy văn phòng đã bị thay khóa và gần như ngay lập tức 3 bảo vệ của trường có mặt yêu cầu bà Hoa ra khỏi khu vực, vì ông Cấn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ chỉ thị như vậy. Sau đó, ông Cường (Trưởng phòng Bảo vệ), ông Cấn Anh Tuấn, ông Lê Anh Tuấn và ông Lâm, Văn phòng Trung tâm dịch vụ (là cháu ông Nam) đến, giải thích rằng trường lệnh cho Giám đốc Trung tâm không cho cô Hoa vào khu vực kí túc xá của trường.

Không chỉ tạo ra nhiều xì – can – đan trong khâu tổ chức cán bộ, chuyện ông Nam cho lắp ca-me-ra giám sát cửa phòng làm việc của mình, đồng thời giám sát luôn cửa phòng làm việc của hai Phó Hiệu trưởng cũng có thể xem là chuyện khôi hài xưa nay hiếm. Đặc biệt từ sau vụ kỷ luận ông Hà Huy Bình – Chuyên viên kỹ thuật phòng Quản trị thiết bị thông qua một đoạn băng ghi âm “lén” thì tất cả cán bộ, giáo viên trong trường rơi vào tình trạng nơm nớp sợ hãi, đi đâu, làm gì, gặp ai đều phải cảnh giác.

Và chính mức độ và tính chất nghiêm trọng của những vấn đề mà trường ĐHKTQD đang phải đối diện mà Nhà giáo nhân dân, GS.TSKH Lê Du Phong đã phải thốt lên rằng: Trong suốt 56 năm lịch sử trường ĐHKTQD, đây là lần đầu tiên Hiệu trưởng kiêm luôn Bí thư Đảng ủy. Nếu nhằm mục đích nhất thể hóa trong lãnh đạo, chỉ đạo của trường là cần thiết nhưng thực chất Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam đã thâu tóm quyền lực, nắm giữ các lĩnh vực có “quyền sinh, quyền sát” hoặc có nhiều tiền, đó là: kinh tế, tổ chức, xây dựng cơ bản, đào tạo sau đại học...

(Còn tiếp)

Nhóm Phóng viên